ATLANTA
KHÔNG CHỈ LÀ KÝ ỨC
Thầy
Tống Văn Thụy




Về:
Trang Nhà

Tin Tức
Liên lạc:
nutrunghocdanang@yahoo.com
   
 
 

  Hè muộn 2016, tôi đến Hoa Kỳ. Đất nước miên man. Đường xa vạn dặm. Văn minh Mỹ, lối sống Mỹ gắn liền xe hơi. Tôi có cảm tưởng người Mỹ sinh ra từ xe hơi, vòng đời quanh quẩn với free way/xa lộ, lanes/làn xe, parking/điểm đỗ xe… cho đến khi giã từ nhân thế, xuôi tay nhắm mắt trong xe. Đến Mỹ mà không có “quý nhơn”, đặc biệt học trò cũ và thân hữu đón đưa thì đành thúc thủ. Nên trước hết xin gửi lời cám ơn nhóm Hồng Đức Atlanta & và những người bạn đã tận tình sắp xếp chuyến đi thăm thành phố miền Nam tiêu biểu này.

Ngày đầu loanh quanh khu trung tâm, đi ngang bản doanh CNN, UPS, GEORGIA DOME, vào thăm GEORGIA AQUARIUM, hình như là Thủy Cung lớn nhất Hoa Kỳ. Rồng rắn xếp hàng đi xuyên những bể cá khổng lồ, những rặng san hô kỳ ảo, nhìn đàn cá như chiếc lá trúc tung tăng bơi lội đến bầy cá mập hung hãn rượt đuổi. Men theo những đường hầm dưới lòng đại dương muôn màu để kết thúc chuyến đi thăm Thủy Cung vào rạp chiếu bóng xem phim 3D với cảnh thiên nhiên muôn thú như bay thẳng trước mặt mình. Lời chào/ Welcome từ Atlanta là hạnh phúc được trở về một thời trẻ thơ. 

Thủy cung Georgia là món quà dành tặng Atlanta của Bernard Marcus, ông chủ chuỗi cửa hàng bán dụng cụ và vật liệu xây dựng HOME DEPOT nổi tiếng trên toàn nước Mỹ. Dọc đường gió bụi Hoa Kỳ mới thấy phần đóng góp quan trọng và khắp nơi của giới tài phiệt, tư bản, với những bảo tàng, viện nghiên cứu, trường đại học… từ những tên tuổi vang bóng như Rockefeller, Getty, Carnegie, Vanderbilt…đến Bill Gates thời kỹ thuật số. Tư bản áp bức và dẫy chết như thế đó!

Cạnh Thủy Cung là tổng hành dinh Coca Cola, tôi đứng nhìn toàn cảnh đế chế có dòng chữ màu trắng quấn quýt trên nền đỏ, biểu tượng hiện diện cùng khắp thế giới, ngay miền biên viễn xa thẳm của đất nước tôi. Chiều Atlanta, ngồi góc phố nhâm nhi cốc cà phê đen Starbucks, grande and double shoot, nhìn người qua lại nói chuyện cũ, chuyện mới mà thấy thú vị.

Hôm sau, rời khu downtown Atlanta đi thăm STONE MOUNTAIN. Địa danh nầy gắn liền với Atlanta như Ngự Bình với Huế. Mượn ý thơ Bùi Giáng: “Dạ thưa Atlanta bây giờ…” Đó là một khối núi hoa cương màu xám vuông vức sừng sững giữa thiên nhiên xanh ngắt, có đường dã ngoại vòng vo lên đỉnh và cáp treo đưa đón. Người vận hành cáp treo cũng là tour guide. Ông ta cỡ tuổi tôi, nghĩa là đã bước sang bên kia sườn Núi Đá. Ông ta dành vài phút tóm tắt về danh lam thắng cảnh, nói vừa đủ, không huyên thuyên như hướng dẫn viên du lịch xứ mình. Xuyên suốt hành trình Hoa Kỳ, tôi thấy nhiều người Mỹ không còn trẻ nữa, vẫn chí thú làm ăn, trong mọi ngành nghề với tác phong rất chuyên nghiêp. Tôi còn nhớ hình ảnh một nữ tiếp viên hàng không đã qua xuân thì của hãng Southwest Airlines đi tới, đi lui hành lang máy bay, tay cầm cái túi đựng rác màu đen, miệng luôn nói: “any trash, any trash” với nụ cười trên môi.

Chỉ là khối núi đá chơ vơ giữa thiên nhiên, vì sao Stone Mountain thu hút khách du lịch, kể cả người dân địa phương? Có lẽ, dù không hô khẩu hiệu, họ biết trân trọng và giữ gìn thiên nhiên. Đường mòn dã ngoại, khu vực cắm trại, bến thuyền, hàng quán … hòa nhập với núi rừng, sông hồ. Tại Thế Vận Hội Atlanta 1996, Ủy ban Olympic tổ chức đua thuyền trên dòng sông cạnh Stone Mountain. Mùa đông, trước mặt Núi Đá là đường băng trượt tuyết nhân tạo.

Theo dòng lịch sử, Stone Mountain phía nam con đường MASON-DIXIE tương tàn trong nội chiến Hoa Kỳ là hình ảnh và biểu tượng miền Nam, với Quân đội Liên Bang (Confederated States Army) và chân dung tổng thống Jefferson Davis, tướng Robert E. Lee, tướng Stonewall Jackson đang ngồi trên lưng ngựa, được khắc sâu trên mặt tiền Núi Đá. Nếu trên bề mặt ngọn núi hoa cương Rushmore ở tiểu bang Nam Dakota bắc Mỹ khắc họa khuôn mặt các tổng thống Washington, Jefferson, Lincoln, T. Roosevelt thì miền Nam có Stone Mountain. Vậy là đề huề. Cho nên, đi thăm Núi Đá còn là hành hương tìm về quá khứ. “ Hãy để Tự Do vang lên từ Stone Mountain, Georgia”, đó là câu nói vang lừng trong diễn từ “ I have a dream” của mục sư Martin Luther King Jr.
  Trên đỉnh Núi Đá, nhìn chênh chếch dưới kia là công viên quốc gia của trận chiến Kennesaw Mountain, xa xa, dãy APPALACHIAN trải dài đến tận chân trời. Trời xanh, thiên nhiên xanh thẳm, tôi cũng có một giấc mơ màu xanh cho đất nước mình.
Atlanta 2016 gợi lại ký ức Thế Vận Hội cách đây 20 năm. Đó là bước đệm để Atlanta phát triển bền vững và năng động trong khi nhiều thành phố tổ chức Thế Vận Hội mùa đông hay mùa hè đã khánh kiệt vì chi phí tổ chức quá lớn và hạ tầng cơ sở bỏ không khi mùa tranh tài thể thao đã qua. Tôi cũng được ghé thăm Công viên Quốc Gia "Kennesaw Moutain National Battlefield Park", nơi có Nhà bảo tàng chứng tích cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ; được xem một đoạn phim rất cảm động về tình người sau cuộc chiến
  Tuy nhiên, ký ức sâu đậm nhất về Atlanta vẫn là “Cuốn theo chiều gió”. Bảo tàng “Cuốn theo chiều gió” ở Marietta đóng cửa khi trời về chiều. Dù cố quên Rhett và Scarlett trong suốt hành trình Atlanta, tôi và bạn quanh tôi không thể không nhớ đến cuốn truyện và bộ phim kinh điển này, đặc biệt trường đoạn đêm Atlanta thất thủ, Scarlett đánh xe ngựa cọc cạch đưa mấy người thân nheo nhóc đào thoát Atlanta khói lửa và hoang tàn quay về nông trại Tara. Rhett bỏ rơi cô ta dọc đường. Bóng tối vây quanh.

Thành phố của Scarlett đã bước qua nội chiến. Ngày xưa huy hoàng của miền Nam không còn nữa, những thần linh cũ đã chết, người sống thì lâm nguy nhưng cuối cùng phượng hoàng vỗ cánh từ tro tàn chiến chinh. Câu chuyện Atlanta, tình tự Scarlett, Rhett, Ashley, Mélanie…ngọn gió nào cuốn đi, khuôn mặt nào còn lại.
 
TỐNG VĂN THỤY. 6/2017