Hàng Sau: Anh Trinh và các cựu Nữ Sinh 9/4
Hàng trước cô Liệu ngồi giữa bên quí thầy cô Nữ Trung Học Hồng Đức
 
   
  CÔ TỔNG GIÁM THỊ  
  Anh Trinh  
   
     

          Tôi đậu vào trường Nữ Trung Học niên khoá 1970-1971. Một cô bé 13 tuổi thật ngạc nhiên thích thú vì trường mới có rất nhiều mới lạ. Cô Hiệu Trưởng thì được gọi là Bà Hiệu Trưởng và phụ trách giám thị uy nghi cũng là một cô giáo, lại được gọi là Cô Tổng Giám Thị, một giáo sư dạy Anh văn, Cô Đặng Thị Liệu.

Lớp 6/4 của chúng tôi có chừng hơn 60 nữ sinh theo thứ tự đậu từ Thủ khoa trở xuống, chọn Anh văn là sinh ngữ phụ. Còn các bạn chọn Pháp văn thì xếp vào các lớp từ 6/1 đến 6/3.

Lớp tôi hầu như là học sinh giỏi từ các trường tiểu học trong thành phố ĐN thời đó. Ngày xếp lớp, chưa ai biết ai, bạn Trần Kim Anh thủ khoa được công nhận làm Trưởng lớp, rất oai.

Những năm trung học từ 6/4 lên đến 9/4, lớp nổi tiếng học giỏi và nghịch ngợm cũng đứng nhất. Chính vì vậy mà hình ảnh Ban Giám Thị thật không lạ gì.Tuy nhiên, hò hét ra lửa là hai vị giáo sư phụ tá cho Cô Tổng Giám Thị.

Nhắc đến phải nhớ một nam giáo sư mà nghe tên Thầy là các nữ sinh đều hình dung ra dáng cao lớn, đẹp trai, mái tóc chải bóng và giọng Bắc rất sắc, kèm theo... cái roi 😜. Thầy có cái tên nghe rất tài tử: Cung Thế Mỹ. Và một cô giám thị nữa là cô Kim Loan, nói giọng Quảng Nam; cô là “xướng ngôn viên” chuyên thông báo các “tin vui” như là: “Hôm nay, thầy.., cô .... A, B, C ... bị bệnh. Lớp nào có giờ ... các em ra phía sau văn phòng chơi”.

 

Cô Liệu là sếp của Thầy Mỹ và cô Kim Loan nhưng cô thật hiền lành. Lớp chúng  tôi tuy nghịch ngợm nhưng chưa bao giờ bị đưa lên “Toà án tối cao” để gặp cô.

Tôi vẫn nhớ những buổi sáng thứ hai chào cờ. Bên cạnh hình ảnh cao lớn, áo dài hoa, màu sậm của Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Khoa Diệu Liễu là dáng cô Liệu nhỏ bé, nhanh nhẹn lúc nào cũng áo dài màu nhạt, đơn sơ, nhẹ nhàng.

Thuở tôi vào trường,  cô Liệu chưa đến bốn mươi. Cô bằng tuổi Má tôi, trông cô rất trẻ. Mái tóc rẽ giữa theo kiểu truyền thống của các cô gái Huế, thường thì cô bối lên cao gọn gàng. Cô luôn góp mặt trong các hoạt động của trường nhất là giúp Bà Hiệu Trưởng về mặt đối ngoại.

 
 

Sau biến cố 1975 cô không được đứng trên bục giảng nữa. Chẳng còn chọn lựa nào khác, năm 1980 cô vượt biển ra nước ngoài và sinh sống ở San Jose - tiểu bang California.

Tại đây cô làm việc ở Sở Xã Hội IRC tức là Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, chuyên cứu và giúp cho những người mới nhập cư ổn định đời sống mới khi đến định cư tại Hoa Kỳ, bất kể sắc dân nào trên thế giới.

Lần đầu tôi gặp lại cô sau nhiều năm là dịp các chị ở Houston  đứng ra tổ chức Hội Ngộ cựu nữ sinh và Thầy cô giáo NTH Hồng Đức ĐN.

Năm 2010, Bà Hiệu Trưởng đã bị chứng Alzheimer và đang sống với người con trai tại Tam Đảo- Ba Vì Hà Nội. Sự có mặt của người phụ nữ nhỏ nhắn, Cô Tổng Giám Thị như là cái bóng mát cao cả làm ấm lòng tất cả cựu nữ sinh cũng như thế hệ đồng nghiệp của cô.

Lúc này cô đã già, gần 80 tuổi. Mái tóc cắt ngắn gọn gàng, cô vẫn gầy guộc nhỏ nhắn. Học trò xúm xít quanh cô, cô Tổng Giám Thị trường chúng tôi môi luôn nở nụ cười hiền và giọng nói nhỏ nhẹ muôn đời không thay đổi.

 
     
   
     
 

Tôi có dịp trò chuyện thăm hỏi cô nhiều hơn qua điện thoại khi Nhóm Hồng Đức Atlanta tổ chức Hội Ngộ Hồng Đức kỳ 2 năm 2012; cô tuy không tham dự được nhưng cũng ân cần góp ý và động viên tinh thần cho chúng tôi.  Cô cho biết, xưa nay cô vẫn sống một mình. Không chồng không con. Và cô thích vậy!

Năm 2016,  trường chúng tôi Hội ngộ ở San Jose,  cô có mặt cả hai buổi Tiền Đại Hội và Đêm Hội Ngộ rất vui. Kỳ này có nhiều Thầy cô từ các nước về tham dự và từ Việt Nam qua. Đồng nghiệp, Thầy trò gặp nhau, thật không thể nào có được buổi hội cảm động như vậy nữa.

Được biết, kể từ khi đến Hoa Kỳ, với vốn tiếng Anh sẵn có, cô Liệu không hề gặp khó khăn về ngôn ngữ nên nhanh chóng trở thành nhân viên của Sở Xã Hội. Cô làm việc ở đó từ ngày nhập cư cho đến lúc nghỉ hưu. Ban đầu cô trách hồ sơ văn phòng, chức vụ cuối cùng là Giám đốc.

Bên cạnh đó Cô còn góp phần rất nhiều trong các công việc từ thiện, giúp các trẻ em mồ côi ở Việt Nam và nhất là Tổ Chức Huế và Những Người Bạn. Cô giúp và lo cho bao nhiêu người vượt qua hoạn nạn. Cô có niềm vui từ tâm hồn nên như cô tâm sự: không lúc nào cô cảm thấy cô đơn.

Không những học trò hai ngôi trường nam nữ bên nhau ở góc đường Lê Lợi - Thống Nhất Đà Nẵng, mà tất cả học sinh Liên Trường Quảng Đà đều yêu thương, ngưỡng mộ cô.

Người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, tính cách đơn giản, hiền hoà nhưng trái tim cô không nhỏ. Suốt một đời cô sống vì đàn học sinh và vì các mảnh đời không mái ấm, không mẹ cha. Cô vì mọi người.

Đại dịch Covid kéo dài đã hơn một năm. Tháng 11 năm 2020 bạn tôi đi chợ còn gặp cô, nhìn ra cô, chào hỏi nói chuyện vui vẽ. Không bao lâu chúng tôi nghe tin cô đã mắc căn bệnh lãng trí nên đi đứng rất chậm chạp. Rồi cô bị ngã; phải vào bệnh viện điều trị. Sau đó...  Bệnh Viện chuyền cô vào Viện Dưỡng Lão.

Một buổi tối mùa đông, người chị cùng trường cho biết có tin từ một anh bạn Phan Châu Trinh ĐN, cũng là con nuôi của Cô, anh cho hay cô đã bị hôn mê sâu, chắc không còn bao lâu.... Và tin cuối cùng, không chờ mà đến:

Cô Tổng Giám Thị một thời của trường chúng tôi đã ngủ yên trong cơn mê dài. Trái tim nhân hậu, ấm áp đã...ngừng đập!

Cô hưởng thọ 87 tuổi.

Một cuộc đời dài đã kết thúc quá nhanh. Chúng tôi, thế hệ học sinh của cô buồn thương vì hoàn cảnh đại dịch không thể đến thăm cô những ngày cuối đời.

Người như cô, với những gì cô đã làm cho mọi người thì bao nhiêu lời cầu chúc cho cô được thanh thản, an nhiên chắc cũng thừa.

Tôi chạnh nghĩ, những bước nhẹ nhàng của cô đi vào giấc ngàn thu có khi cũng là mơ ước của bao nhiêu người.

Đêm nay, mùa đông ở Atlanta trở nên lạnh hơn bao giờ hết!

 
     
  Anh Trinh Atlanta Feb.2021  
     
     
     
   
     
     
  Trang Nhà  
  Tin Tức  
  Liên lạc.nutrunghocdanang@yahoo.com