NHƯ CÁNH HỒNG NHẸ RƠI
Thầy TỐNG VĂN THỤY
 
   
     
   
 

 

Chiều xuống, chút nắng vàng còn vương trên bờ tường xám cuối con hẻm nhỏ rồi cũng phai. Mấy chú chim ríu rít trên cành trâm trước nhà vụt bay. Từ phương xa, bạn báo tin cô Đặng Thị Liệu đã ra đi hôm 30/1/2021 ở San José, California, Hoa Kỳ.

Cô Đặng Thị Liệu là giáo sư Anh Văn và Tổng Giám Thị trường Nữ Trung Học Đà Nẵng mà tôi có duyên dạy học từ mùa thu 1973 đến 3/1975. Chức danh Tổng Giám Thị tuy đầy uy nghiêm nhưng có hơi mờ nhạt, vì thầy Cung Thế Mỹ là phụ tá, đã đóng vai trò của mình hoàn hảo quá. Nên học trò trường Nữ thường nhớ thầy Cung Thế Mỹ mà… quên mất cô.

 
 

Mái tóc ngắn, nụ cười sảng khoái, phong thái giản dị mà quý phái, những gam màu trắng, nâu hay xám nhạt trong vườn hoa muôn sắc các cô giáo trường Nữ. Bên trong hình bóng tưởng như yên ả ấy là tính cách bộc trực, mạnh mẽ, phân minh mà tình cảm. Tôi gặp cô thường xuyên hơn khi trường Nữ không còn nữa. Những năm tháng khó khăn hiu quạnh ấy, con người lại sống gần gũi và thân tình. Ngôi nhà mà cô chỉ tạm sở hữu tầng trệt trên đường Yên Bái là nơi chúng tôi thường ghé thăm. Phòng khách bóng tối khỏa lấp, chiếc sofa đã cũ, trên tường mấy bức tranh khổ lớn sắc màu viễn xứ Gauguin…

 
     
 

Thỉnh thoảng, những dịp Giáng Sinh, lễ Tết, là người còn lại của tiệm bánh Kim My nổi tiếng Đà Nẵng trước đây, cô mời vài người quen cà phê-bánh ngọt nhà làm. Có lần, trong ánh sáng chập chờn đêm Giáng Sinh tại nhà, có cây thông đèn chớp sáng tối ở góc phòng, cô ái ngại lên tiếng kết thúc sớm đêm Bình An Cho Người Dưới Thế vì cảm thấy không khí hoang mang và không mấy an bình. Chẳng thể dừng lại phía sau Khung cửa hẹp thuở ấy với tĩnh vật buồn bã, bất an, lòng người nghi kị, cô vào Sài Gòn. Ghé thăm cô ở đường Nguyễn Trung Trực, tôi gặp lại tiếng cười reo vui ngày nào. Sài Gòn chỉ là bước chuyển tiếp để sang bên kia Thái Bình Dương.

Thuyền nhân. Cô kể lại, khi con thuyền viễn xứ tả tơi phải neo bên ngoài bến bờ Tự Do, cô được đưa lên thuyền nhỏ, đại diện đám người di tản để vào bờ thương thuyết với giới chức địa phương vì thông thạo tiếng Anh và biết cách tùy nghi ứng xử.

 
 

Từ hòn đảo tị nạn ấy là khởi đầu những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con với biết bao là trách nhiệm và tình thương cho kẻ ở-người đi, người di tản đến trước, những làn sóng tị nạn về sau trên đất Mỹ. Một nước Mỹ của muôn vàn ước mơ và hạnh ngộ. Cô vui vẻ nhận lãnh, chu toàn công việc như một Ân sủng. Tôi nghĩ cô đã sống trọn vẹn ngày tháng ly hương, không chỉ cho mình, vì mình chỉ là hạt cát giữa muôn trùng biển khơi. Cô tham gia những hội đoàn thiện nguyện, giúp đỡ những trẻ em đường phố, những phận người nổi trôi…

Thỉnh thoảng, cô lại về Việt Nam. Thăm Huế. Lòng ta là những hàng thành quách cũ/Vũ Đình Liên. Từ Đà Nẵng, vòng vo lên đỉnh Sơn Chà, dừng chân bên cây đa nghìn năm, thấy Đà Nẵng trong vòng tay, trong tầm mắt, mà sao xa xôi quá đỗi. Cách đây đúng 10 năm, cô ghé thăm bà Hiệu Trưởng trường Nữ, đang lưu trú ở Hà Nội, tiễn đưa bà về nơi cuối trời.

 
 

Lần cuối gặp cô nhân Đại Hội Trường Nữ Hồng Đức 2016 ở San José, California. Chiều hôm ấy nắng vàng trải nhẹ trên thảm cỏ, trên những khuôn mặt thân quen. Hôm ấy, nụ cười cô chưa bao giờ rạng rỡ như thế. Bên những bậc cấp nơi sân khấu ngoài trời,tôi hỏi cô : Bao nhiêu năm rồi, cô nhớ gì nhiều nhất ? Trong một thoáng ngậm ngùi: Đà Nẵng. Cô đã sống nhẹ nhàng một thời, một đời và đem đến cho mọi người biết bao niềm vui.

Cầu chúc cô thanh thản ra đi. Như cánh hồng nhẹ rơi.

 
 

Vĩnh biệt cô Đặng Thị Liệu (1933-2021)


 
 

Tống Văn Thụy.

Đà Nẵng. 2/2/2021

 
   
     
  Trang Nhà  
  Tin Tức  
  Liên lạc.nutrunghocdanang@yahoo.com