tứ
hành xung




   
 

      Ông thầy bói hấp háy cặp mắt kèm nhèm dưới đôi kính lão, nhấn mạnh với má tôi:

- Dần, Thân, Tị, Hợi, tứ hành xung. Hai cô cậu này lấy nhau sẽ không bền đâu.

Má tôi thành khẩn:

- Vậy là nhất định không được hả thầy!

Ông thầy bói lại lẩm nhẩm đếm mấy ngón tay:

- Cô này Quí Tỵ, anh này Canh Dần.  Ôi cha hơi khó đó.

Má tôi ngần ngừ nhìn thầy, đặt tiền quẻ rồi buồn bả lui ra.  Tôi kéo tay má:

- Về thôi má ơi.  Canh dần là một con cọp thôi má à, chớ đâu phải Giáp Dần, một đàn cọp thì mới sợ chớ.  Một con cọp hả, con rắn quí của má dư sức quấn nó nghẹt thở luôn.

Má nhìn tôi nghi ngờ:

- Làm sao con biết Canh Dần là một con cọp, còn Giáp Dần là một đàn?...

Tôi trả lời tỉnh bơ:

- Thì con nghe ba nói Canh là chỉ “canh cô mồ quả”, tức là chỉ có một mình, còn Giáp là mười hai, tỉ như mười hai con giáp, tức là một đàn, không phải sao?

Má làm thinh một hồi, xong lại thở dài:

- Không được đâu con. Hôn nhân quan trong lắm, phải suốt đời suốt kiếp. Lỡ má gã con cho nó, sau này xảy ra chuyện gì, hối hận cũng không kịp con à.  Con thấy dì Nhung của con đó, dượng Sáu tuổi Dần làm khổ bả quá trời, còn đem con riêng của ổng về bắt bả phải nuôi…

Tôi trả lời má:

- Mỗi người một số mệnh má à, dù có khổ đi nữa con cũng chịu, vì con thương “hắn”…

Má nghiêm nét mặt:

- Tại sao má nói hoài con vẫn khăng khăng vậy. Con biết là tụi con không thuận số mà. Tại sao con phải lấy chồng tuổi Dần chớ. Đâu phải con không có ai… Hơn nữa tuổi dần mạng lớn lắm con à, coi chừng nó sẽ “bẻ mạng” con đó.

Tôi hăm dọa:

- Nếu má không gả con cho “hắn” con sẽ không lấy ai hết, con sẽ làm gái già để má hối hận cho coi.

Má lặng thinh không nói gì quay đi.

 

 

Hồi đó tôi là một nữ sinh của ngôi trường con gái. Má chắc cũng nghĩ là tôi “ăn chưa no lo chưa tới”, sẽ ham vui mà quên đi chàng “Canh Dần”. Thấy tôi hồn nhiên tung tăng ngày hai buổi đến trường với bạn bè, đi ciné, đi ăn hàng vui với cuộc sống mộng mơ của tuổi học trò, má tôi bằng lòng lắm, không nhắc đến chuyện của tôi và chàng nữa. Má cũng cho tôi tiếp bạn trai ở nhà nữa chớ, thỉnh thoảng lại có một “cái đuôi” tà tà theo tôi tới cổng… Nhưng sao lòng tôi cũng không quên được “hắn”, mà “hắn” thì lúc nào cũng tìm cách lảng vảng bên tôi, khi thì một gói ổi hay mận hái ở vườn nhà, hay là một trái xoài tượng bự tổ chảng, với gói muối ớt thấy bắt thèm, còn kèm theo một phong thư…

Ôi những bức thư hồi đó sao mà hay quá. Tôi cứ đọc đi đọc lại mãi không thấy chán. “Hắn” lại có nụ cười ấm áp dễ sợ, và đôi mắt… ôi…

 

Những khi vắng vẻ, sau giờ học tôi lại lân la đến bên má thủ thỉ:

- Má coi, “hắn” tuổi cọp nhưng hiền thấy mồ, mỗi lần tới nhà mình là ngồi im không dám nhúc nhích.  Chính chị Ba cũng khen đó mà…

Thấy má yên lặng, tôi tiếp:

- Trong nhà mình ba là khó tính nhất, mà cũng phải nói “thằng này coi được đến”… Vậy má còn lo gì nữa.

Má tôi thở dài ngao ngán:

- Tại sao nhà mình lại vô phước có đứa con gái mê trai tới như vậy chớ!

 

Và mặc dù tôi nói gì thì nói, má tôi vẫn cương quyết đi gặp thêm vài thầy bói nữa. Tôi đành phải tháp tùng má mà trong lòng bực bội quá chừng, cầu mong sao có một ông thầy nào nói khác đi cho mình nhờ. Nhưng hình như các ông thầy đều học chung một sách, nên hễ cứ Dần, Thân, Tỵ, Hợi là “tứ hành xung” ngay.

Kể lại cho chàng cọp của tôi nghe, chàng nổi nóng:

- Thời buổi này mà má đi coi bói hoài. Anh mà gặp ông thầy bói đó, anh thanh toán liền.

Tôi nghiệp ba tôi, ngày nào ba cũng dở mấy cuốn sách Tàu cũ xì chằng chịt chữ, lật từ phía sau ra coi, thỉnh thoảng lại đưa mắt trầm ngâm nhìn lên trời.  Tôi rót tách nước trà nóng mang lại cho ba, rụt rè:

- Có cách nào không ba?

Ba tôi đăm chiêu:

- Chỉ có cách là con xách gói theo nó, không làm đám cưới gì hết là xong.

Chị Ba tôi giật mình:

- Ba đừng nói dỡn chớ.  Như vậy coi sao được…

Một ngày kia chàng dành phần đưa má đến một ông thầy bói mù, thầy phán rằng:

- Hai người này muốn lấy nhau thì phải làm đám cưới thật nhỏ, càng nhỏ càng tốt thì mới ăn đời ở kiếp được.

Tôi buồn:

- Đời con gái chỉ có một lần, làm đám đám cưới nhỏ quá coi không được anh ơi.

Chàng an ủi:

- Em đừng lo, mình đám cưới nhỏ ở đây cho ba má yên lòng, rồi vào Sài Gòn mình làm nữa, bà con ở đó đông lắm…

 

Thật, ra, đám cưới lớn hay nhỏ, đối với cô học trò mới lớn đầy mộng mơ này thì tôi đâu “care”, miễn sao được làm vợ “chàng”. Ôi, tình yêu mù quáng (?).

 

Và chàng cọp của tôi đã rước được một ông thầy đoán việc như thần. Sau ba đám đám hỏi, chúng tôi dự đinh đám cưới xong xuôi, còn mười hôm nữa là cưới thì xảy ra mất Đà Nẵng. Lúc đó chàng đang ở Sài Gòn bất kể hiểm nguy, chạy về Đà Nẵng kéo tôi chạy thục mạng, leo lên tàu Hải quân dông vô tuốt Sài Gòn, rồi cuối cùng qua Mỹ…

Vài hôm trước ngày đi, thấy tình hình quá lộn xộn, má bảo tôi:

- Coi như là ba má đã gả con rồi. Lấy chồng thì phải theo chồng nghe con. Hình như là bên chồng con có ý định vô Sài Gòn ở. Nếu có cơ hội đừng chần chờ.  Ba má ở lại đây không sao cả.

Tôi khóc:

- Má à, con mang ơn ba má đã cho chúng con được toại nguyện, nhưng con đâu muốn lấy chồng mà phải xa gia đình kiểu này.

Quay qua chàng cọp đứng xớ rớ gần đó, má dặn:

- Con nhớ lo lắng cho nó nghe con. Tính nó nóng nảy lại hay hờn mát, con nhớ nhường nhịn săn sóc nhau… Có vậy ba má mới yên lòng. Vả lại Sài Gòn - Đà Nẵng cũng gần mà…

Nhưng mà đâu ngờ tôi đi một lèo qua Mỹ, hai mươi bốn năm sau mới trở lại thì ba má đâu còn.

 

Mỗi lần gây gỗ, tôi sụt sùi nhắc:

- Đồ rể bất hiếu. Anh có nhớ đã hứa gì với má không?  Hồi đó con cúi đầu cung kính dạ dạ thưa thưa hay lắm mà, sao bây giờ… Đó thấy chưa chỉ có một mình tui ở đây, anh muốn ăn hiếp tui bao nhiêu lại không được mà…

Những lúc đó tôi thấy chàng dịu lại, không còn hùng hổ nữa… (Nói nhỏ thôi, chàng rất thương má tôi).

Đúng là chúng tôi rất “khắc khẩu” nhưng chúng tôi luôn nhớ lời má dặn dò:

- Một sự nhịn chín sự lành… Nhịn chồng mình chớ ai, đâu có gì mà phải xấu hổ.

Nhiều lúc cãi nhau, bực quá tôi hét:

- Anh coi những cặp vợ chồng khác kìa, mỗi lần người nhìn nhau thật là âu yếm.  Còn nói thật chớ, mỗi lần anh nhìn tôi, tôi lại lo lắng không biết sắp xảy ra chuyện gì nữa đây. Xời ơi, ai có mắt kém như tui hồi đó không? Nhìn làm sao mà tui thấy đôi mắt anh tình tứ quá, đẹp quá, mỗi lần nhìn tui là tui xúc động thấy mồ, còn bây giờ hả, chu choa ơi, ánh mắt chi mà dễ sợ.

Chàng phản pháo liền:

- Hồi đó tôi nhìn một “con mèo ngái ngủ trên tay anh”, còn bây giờ thì tui nhìn một con cọp, nên ánh mắt phải khác chớ…

 

Gì chớ màn “hờn anh giận em” xảy ra đều đều như cơm bữa, tôi lầm bầm:

- Người đâu thấy ghét… Phải chi hồi đó theo tui mà làm cái kiều này, còn lâu tui mới ưng. Nếu má không dặn tui phải nhịn anh, thì còn lâu…

Chàng cọp cũng không vừa:

- Nè, nè cho bà hay, tui cũng đâu dè bà dữ quá vậy. Chồng vừa nói một tiếng là nhảy ngay vào họng, hai chân đánh đu đưa… Hồi xưa lúc nào cũng làm như nai tơ, hiền lành để gạt tui…

Tui òa lên khóc:

- Bây giờ anh muốn nói gì cũng được mà.  Đồ ác độc… hu hu…

 

 

X         X

X

 

 

Lần đầu tiên về Việt Nam, chúng tôi đã đi thăm lại những nới chốn đã từng in “dấu chân kỷ niệm” của chúng tôi. Mọi thứ đều đã đổi thay, hai mươi mấy năm rồi còn gì… thấy tôi trầm ngâm ngơ ngác, chàng nhắc:

- Nhớ hồi đó vui ghê em há! Anh đi theo em mệt bắt chết mà còn bị em háy nguýt, nạt nộ nữa chớ, nhiều lúc còn cho leo cây…

Thấy tôi vẫn làm thinh, chàng liền mở máy chọc tôi:

- Mà nói cho công bình nghe, hồi đó đâu phải mình anh theo em, cả em cũng “theo” anh nữa đó…

Tôi hơi bực mình:

- Vậy mà anh nói được.

Chàng cắt ngang:

- Em thử nhớ lại coi, nếu em không thường than thở với anh là em hay bị con nhỏ em kế ăn hiếp, không giả vờ hư xe, không coi ciné tới đoạn buồn và khóc sướt mướt, lấy cớ ngã đầu vào vai anh, làm cho anh cảm động thì…

 

Tôi tức đến nghẹn lời. Đàn ông sao bạc bẽo quá. Nhớ ngày xưa mỗi lần tôi khóc là chàng quýnh lên, năn nỉ, dỗ dành đủ điều còn bây giờ thì:

- Người đâu hở ra là khóc, già rồi…

 

X           X

X

 

 

Bây giờ chúng tôi sắp kỷ niệm 35 năm, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau. Ngoài cái tánh “Quảng Nam hay cãi” và luôn tìm cách chọc cho tôi nổi giận, cái gì chàng cũng được cả.

 

Chúng tôi đã sản xuất được một con Rồng và một con Chuột. Chẳng biết coi bói từ đâu, một hôm đang ngồi xem TV, chàng phán:

- Em nhớ thầy bói nói không? Thân, Tí, Thìn, tam hạp. Nhà mình bây giờ đã có Tí và Thìn, chỉ cần thêm một Thân nữa là đủ bộ.  Nếu em muốn nhà cửa thuận hòa, làm ăn phát đạt, con cái hiển vinh thì anh sẽ hy sinh… bước thêm bước nữa, kiếm một Thân về đây em nhé. Không biết em có nhớ không, chớ ai cũng nói tuổi Dần thường (ít nhất) hai vợ, hồi đó má em cũng nói mà, nên bây giờ đã đến lúc anh phải theo đúng số mạng của anh, theo đúng lời tổ tiên dạy mới được phước em à. Hơn nữa, anh mỗi ngày mỗi lớn tuổi rồi, nếu không thực hiện bây giờ thì nữa gìa quá rồi, khó kiếm lắm, vả lại đâu còn sơ múi gì được nữa…

Tôi đẩy chàng ngã cái rầm xuống sàn nhà:

- Anh nói gì? Tui nhớ ngày xưa anh ghét coi bói lắm mà, sao bây giờ lại…

Chàng càng chọc tức tôi hơn:

- Càng lớn tuổi anh càng suy nghĩ sâu xa hơn lúc trẻ. Cái gì cũng cãi được, nhưng cãi số mạng thì không nên đó em…

Tôi tức quá, làm thinh…

 

 

Lần chót về Việt Nam, trước khi về lại Mỹ, tôi lại đến thăm mộ ba má.  Tôi đã ngồi bên hai ngôi mộ này thật lâu, mơ màng nhớ lại những ngày ngược xuôi chở má tôi đi so đôi tuổi.  Tôi nhớ cứ hễ rằm hoặc mồng một má đều cúng thật lớn, đêm nào mà cũng thắp nhang khấn vái giữa trời, và rải những nắm gạo tứ tung, cầu xin mọi điều tốt đẹp cho chúng tôi.

Từ nhỏ, tôi là đứa quờ quạng và yếu đuối nhất nhà, lại lựa nhằm “tứ hành xung” nên má đặc biệt lo lắng cho tôi. Tôi thủ thỉ với má:

- Má à, không phải thầy bói nào cũng nói đúng hết đâu má. Con nhớ hoài sự lo lắng quan tâm của má khi phải trao con vào tay một… con cọp mà khuyên ráng thương yêu nhường nhịn và nâng đỡ lẫn nhau. Làm sao con quên được lời má dặn dò:

- Tại con thương nó thì má phải chịu, chớ gả cho con người tuổi Dần má lo lắm, sợ mạng nó lớn, nó ăn hiếp con… Hơn nữa tuổi Dần thường có nhiều vợ, sợ con má khổ…”  Má ơi, má đâu có biết chính những lời khuyên răn lo lắng của má đã dẫn dắt chúng con bao nhiêu năm nay. Con không biết thật sự tuổi của chúng con có tương khắc hay không, nhưng cố gắng theo lời má dặn thì cũng tốt lành…

Kể lại cho chàng nghe, chàng cười:

- Phải rồi chẳng biết ai ăn hiếp ai… Anh là con cọp nhưng lỡ sa vào hang rắn, sợ thấy mồ, rục rịch còn không dám… Còn ai chủ trương nhiều vợ thì anh không biết, chớ đối với anh một bà thôi mà anh cũng đuối lắm rồi.

Tôi nhăn nhó:

- Sao chẳng bao giờ anh khen hay nói tốt cho em vậy?

Chàng chỉ cười bí mật.

 

X        X

X

 

Chàng cọp nay đã già, thỉnh thoảng lại ngâm nga:

- Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt…

Tôi nguýt chàng một cái thật dài:

- Xí, làm như em đày đọa giam cầm gì anh không bằng. Bộ anh hối hận hả?

Chàng cười cười:

- Muộn rồi em ơi. Bây giờ chỉ có hối lộ chớ hối hận gì nữa. Thỉnh thoảng phải hối lộ em để được đi chơi Việt Nam (một mình) chớ.

Tôi giơ cao nắm đấm:

- Đừng hòng…

 

Để chấm dứt bài viết nầy… hỡi các bạn trong vòng lẩn quẩn “tứ hành xung”, đừng ngần ngại gì mà không vùng lên tìm lấy hạnh phúc của mình.  Cứ hãy yêu như chưa yêu lần nào…  Một chút nhẫn nhịn thôi cho hợp với số mạng, rồi khi cọp đã vào tròng, ta đóng sập cửa chồng sắt lại, (nhớ khóa kỹ) sau đó cứ vươn đôi tay sắt bọc nhung ra, coi còn cọp nào dám hó hé, ha… ha…

 

 

Trần-Thị-Hoa