Đà
Nẵng
của tôi
hay của ai






Trần Thị Hoa

 

 

Tôi trở về Đà Nẵng vào một ngày cuối tháng Hai. Còn nhớ hôm trước Lễ Giáng Sinh, sẵn có đứa con gái lớn của chúng tôi từ New York về chơi, gia đình chúng tôi cùng đi phố. Tôi bảo chồng:

- Phố năm nay đông ghê ! Qua khòi đèn đỏ nầy anh cho em và hai con xuống đây. Còn anh đi đậu xe rồi tới sau cũng được.

Vẫn không giãm tốc độ, chàng vui vẻ:

- Anh nhớ mọi năm vào ngày nầy là mấy public parking có đậu xe Free cho những xe nào có ba người trở lên…

Tôi nghi ngờ:

- Lỡ năm nay không có thì sao?

Chàng giọng chắc chắn.

- Đừng lo, anh bảo đảm mà. Thế là chàng hăm hở chở mấy mẹ con tôi vào parking. Thấy chưa? Năm nay đâu có được đậu xe free. Tôi đau khổ nghĩ tới mấy con dốc ở phố San Francisco mà lòng buồn rười rượi.

Nhìn vẻ mặt nhăn nhó của tôi, chàng lên lớp:

- Đã biết bữa nay phải đi bộ nhiều mà còn mang giày cao. Sáng nay trước khi ra khỏi nhà anh đã nhắc là phải mang dép thấp cho thoải mái mà không nghe… Thiệt là…

Tôi lầm bầm:

- Nào ai muốn. Tại chiều cao của em hơi khiêm nhường chứ bộ…

Rồi tôi giận dỗi làm thinh không thèm nói chuyện nữa. Chồng tôi tuy tính tình hơi khó nhăn, ưa cằn nhằn nhưng được cái dễ thương, thấy tôi buồn buồn là kiếm chuyện nói cho tôi vui.

- Em à, anh tính là sau Tết ta, mình về Việt-Nam chơi nghe. Kỳ nầy vé đang Sale rẻ lắm. Không đi anh đi một mình à.

Tôi ngần ngừ:

- Đâu có ai coi tiệm chớ, mà thời gian mình dự định đi là nhằm vào khoảng lễ Valentine. Chắc không được đâu.

Chàng hùng hồn:

- Vậy là mình đi sau lễ một ngày. Có bé út ở nhà, để nó giúp coi tiệm cũng được…

Rồi nhìn tôi say đắm, chàng nói tiếp:

- Cũng lâu lắm em chưa về thăm nhà. Hơn nữa em làm việc nhiều quá, con thì đã lớn, anh nghĩ em cần nghỉ xả hơi.

Tôi hơi lo lắng:

- Để em tính lại coi sao…

Những ngày sau đó chàng “ Khủng bố “ tôi với tất cã tin tức về chuyến đi nầy. Nào là VN bây giờ an toàn lắm, lại vệ sinh hơn trước rất nhiều, khí hậu cũng không khó chịu lắm …v…v…và …v...v… Và không biết bằng cách nào mà chàng đã quy tụ được bốn cặp bạn thân. Ai nấy đều hớn hở về chuyến đi nầy. Mỹ Thu goi  liên hồi từ dưới Los.:

- Đi chơi mi ơi! có mi đi thì tao mới đi.

Anh Ngọc chồng M. Thu hứa hẹn:

- Life is to short! Đi chơi đi mà… Tui biết tánh bà romantic. Về Đà-Nẵng tui sẽ rủ mọi người đi câu cá, bơi thuyền, ngắm trăng. Ôi tuyệt vời…

Tôi nói với Oanh:

- Tui mà đi về thế nào tui cũng lên cân 10lbs. cho coi. Thiệt uổng công tui mấy tháng nay diet.

Oanh, cô bạn “ Bé bự “ của tôi cười:

- Bà nhìn tui nè…  sợ gì chứ!

Mai thuyết phục:

- Ở Việt-Nam có nhiều đồ ăn ngon lắm mà ở Mỹ không có. Đi Việt-Nam là phải ăn. Về nhà tính sau.

Sau Thái-Lan, Sài-Gòn, Nha-Trang… Bây giờ tôi trở về Đà-Nẵng. Từ trên máy bay nhìn xuống, bầu trời toàn là màu xám. Thấp thoáng là những nhà cửa, ruộng vườn. Đà-Nẵng của tôi đó, nơi mà tôi sinh ra, lớn lên, đã một thời để Yêu, một thời để Nhớ.  Nhưng tôi trở lại ĐN để thăm, để tìm lai những kỷ niệm ngày Xanh hay trở lại để làm một người khách lạ! Lòng tôi rộn ràng với bao nỗi niềm không giải thích được. Tôi nao nức nhìn qua cửa sổ máy bay, hỏi chồng:

- Đố anh đây là khoảng nào?

Chàng nhẩm tính:

- Phi công nói là còn 10 phút nữa là sẽ đáp xuống. Anh nghi bây giờ mình đang bay ngang Nam-Ô.

Tôi nhìn chàng nghi ngờ:

- Sao anh dám chắc?

 

 

Đà-Nẵng đón tôi với cái oi bức khó chịu, mặc dù Trời không nắng lắm. Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết ai cũng có người thân ra đón. Chúng tôi vui mừng gặp lại mhau.

Trên đường về nhà người em, tôi đi ngang qua căn nhà cũ của gia đình chúng tôi ngày xưa. Nơi đây bây giờ là một văn phòng du lịch và bán vé máy bay rất bề thế.

Tôi ngỏ ý muốn vào thăm bên trong, Người thư ký nói:

- Để tôi vào xin phép Giám Đốc. Nhưng chị muốn vào xem bên trong để làm gì?

Tôi nói thẳng:

- Đây là nhà cũ của tôi.

Sau khi được sự đồng ý của viên Giám Đốc, chúng tôi được cho vào. Em Út tôi tháp tùng theo giảng giải.

- Chị nhớ không? Đây là chỗ bàn ăn Ba hay ngồi uống trà mỗi buổi sáng nè. Hồi đó chị em mình còn nhỏ, thấy trà có chi ngon mà sáng nào Ba cũng uống. Có một lần em lén nếm thử, thấy vừa đắng lại vừa chát.

Cô Út lại chỉ vào một góc phòng.

 

- Còn đây là hầm chống pháo kích… Hồi đó Má có cái lệ là hễ chỉ cần một đứa làm lỗi là đánh đòn hết ba chị em. Tụi mình hay chun vào đó núp, có khi ngủ quên trong đó luôn. Những ngày chị đi rồi Má hay ra ngồi trước cửa, dưới dàn hoa giấy mà chị đã trồng, mắt Má cứ dõi trông ra đường chờ đợi chị… Còn đây là tấm phản Ba nằm lúc lâm chung. Tội nghiệp Ba giây phút cuối cuộc đời, con cháu quây quần đông đủ chung quanh hết mà Ba cứ hỏi thăm chị về chưa, nước mắt cứ chảy hoài, Ba cứ đợi mãi và còn nhắc tụi em nhớ xé một khăn tang cho chị, cho tới lúc tàn hơi và lịm đi.

 

Em tôi lại chỉ vào một căn phòng nhỏ gần sát cửa sổ:

- Chị ơi, còn đây là cái bếp ngày xưa nè. Hồi đó chị em mình hay tập làm bánh bông lan, cứ bị cháy đen thui và cứng ngắc như khúc củi.

Căn bếp nhỏ gợi tôi nhớ lại Má tôi hay kho cá Bống, những con cá nhỏ xíu ngay xưa vào mùa Đông kho thật mặn mà chúng tôi ăn hoài không chán… Tôi nhớ những chùm hoa Thiên Lý màu xanh, Má tôi hay xào với thịt bò… Về Việt-Nam kỳ nầy tôi đã ăn hoa Thiên Lý mỗi ngày, nhưng sao vẫn không có được hương vị như Má tôi làm. Những con cá Bống ở Mỹ lớn quá, dù cố gằng kho cách nào cũng không giống những con cá Bống ngày xưa…

Em tôi vẫn tiếp tục:

- Hồi đó khi chị đi rồi, mấy người bạn của chị tới nhà hỏi thăm hoài, có người còn khóc nữa…

- Hồi đó ĐN buồn lắm, Trời tháng Ba mà cứ mưa hoài. Ai cũng đồn chị đã bỏ xác ngoài biển, ngày nào Má và chị Ba cũng đi tìm xác chị…

Hồi đó… hồi đó… Em tôi cứ nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa của chúng tôi bằng hai chữ  “Hồi đó”. Trời

ơi, sao tôi lại vô tình đến vậy, sao tôi lại đành đoạn dứt áo ra đi như thế ? Nhưng em tôi đâu có biết, hồi đó tôi đâu thể quyết định gì, chỉ trôi giạt theo giòng người chạy loạn như chiếc lá trong cơn lũ.  Tôi đã bỏ lại một Đà-Nẵng dấu yêu, một gia đình và một đám bạn bè nhiều thương mến.

Tôi khóc nấc lên làm mọi người hết hồn.  Khách hàng và các nhân viên trong văn phòng nhìn tôi ngạc nhiên. Em tôi nắm tay tôi lôi đi.

- Thôi đi về chị ơi. Coi kìa, ai cũng nhìn chị…

Tôi thẫn thờ bước ra cửa qua màn lệ nhạt nhoà.

 
 

Mượn được một chiếc xe Honda, vợ chồng chúng tôi chở nhau chạy khắp phố phường. Thật lâu lắm mới có được cảm giác nầy. Con đường nào cũng đổi khác, cả hình thức và tên gọi. Tôi đi qua lại trường xưa, bây giờ đang sửa chữa để trở thành một Đại học sinh ngữ. Bên kia là trường PCT với cánh cổng rêu phong. Tôi đứng tần ngần trước cổng trường lâu lắm. Nắng tháng Hai nhảy múa trong sân trường, trên những tàng cây Phượng vỹ. Mùa nầy Phượng không có hoa để tôi nhớ lại những ngày Hè có hoa đỏ rực rỡ mà chúng tôi hay hái hoa Phượng dùng các cái móc trong đoá hoa để chơi đá Gà, hễ cái nào bị thua là bị cho vào miệng, hay những trái Phượng già chúng tôi đập ra lấy cái hột nhỏ bên trong ăn bùi bùi béo béo. Không còn hoa Phượng để chúng tôi biết Hè đã về… không còn hoa Phượng để thương thương nhớ nhớ….

Đường phố bây giờ đã đổi khác nhiều lắm. Nhưng tôi cũng chẳng màng đến những cái tên mới. Tên gì nghe lạ hoắc, lại khó nhớ nữa. Tuổi thơ tôi đâu có đường Trần Phú, Lê Duẩn, Hải Phòng…

Kỳ nầy tôi về tôi được gặp nhiều bạn, có người đã hơn 40 năm qua chưa gặp lại. Chúng tôi xúc động ôn lại những kỷ niệm cũ. Có bạn còn giữ đươc những tấm hình ngày xưa của tôi nữa. Có anh than thở:

- Mỗi lần đi qua nhà cũ của H. anh nhớ lại ngày đó vui ghê. Anh tưởng rằng thời gian sẽ làm lãng quên tất cả, nhưng sao anh vẫn… nhớ…

Tôi hốt hoảng khoả lấp:

- Ờ há, mới đó mà đã mấy mươi năm, chúng ta ai cũng già hết rồi…

Có một hôm Trời hơi lạnh lạnh laị có vài giọt mưa lắc rắc, vợ chồng chúng tôi tới tiệm bánh cuốn T.H. để ăn sáng. Nhớ hồi xưa còn là bồ bịch, chúng tôi thường hay tới đây ăn. Vừa dựng xe thi thấy anh Dõng, M. Phung (KT.) và một số đông bạn hữu của hai anh. Anh Dõng la lên:

- Trời ơi ! Linh qúa. Mới vừa nhắc đến Hoa đó.

Sau khi ăn xong định trả tiền, thì được biết anh MP đã thanh toán từ hồi nào. Chúng tôi cảm ơn MP nghe
 

(nếu biết vậy H sẽ ăn thêm vài dĩa nữa)

Mấy ngày sau nhân trong một buổi họp mặt, tôi thấy thiếu mất một  người bạn. Hỏi thăm một hồi thì có người nói:

- Hình như anh có số phone của nó.

Sau đó anh về nhà lấy ra một list dày đặc các số phone. Với tay lấy cặp kính lão đeo vào, anh lần tìm số phone và bảo:

- Đây, gọi số ni nè. Nhưng hắn đi bán đến 8 giờ tối mới về.

Tôi hí hoáy ghi chép.  Đến khi liên lạc được, bạn tôi nói:

- Bây giờ nói qua phone làm sao hết chuyện. Để mình qua nhà gặp nhau nghe.

Tôi hồi hộp ngồi chờ. Chỉ 10 phút sau, anh tới. Tôi giật mình nhủ thầm:

- Thời gian… lợi hại thiệt. Nhưng đã hơn 40 năm rồi, cái gì lại không thay đổi.

Sau một hồi nói chuyện, tôi hoàn toàn thất vọng.  Hình ảnh cũ đã không còn, mà hình như… trí nhớ của anh ta cũng mất luôn nữa.

 
 

Trước ngày trở vô Sài Gòn để về Mỹ, tôi có ghé lại thăm hai vợ chồng người bạn đã cho tôi số phone.  Lòng tôi ấm ức quá, vì “ Người đã quên rồi sao ta còn nhớ “. Tôi đem số phone ra so lại. Trời ơi, thiệt đúng như tôi nghĩ, anh đã cho tôi số phone của một người khác trùng tên. Tôi la trời:

- Lỗi tại ông mọi đàng… Đà Nẵng là thành phố của tin đồn. Rồi đây người ta sẽ nói tui… mê ông đó nên vừa về tới là hẹn kiếm ổng liền.  Ông phải đính chính giùm tui nghe…

Ngày tôi lên phi trường, có bạn bè và gia đình đưa tiễn. Chúng tôi nhìn nhau rưng rưng ngấn lệ. Ngày vui qua thật mau. Bạn tôi mua tặng tôi một bức tượng bằng đá có hình một cô nữ sinh mặc áo dài trắng đội nón lá. Để giữ mãi trong lòng hình ảnh cũ, anh nói. Tôi bùi ngùi:

- Thật chẳng có gì tặng lại anh chị. Tấm lòng của anh chị, vợ chồng H. sẽ nhớ mãi.

Anh cười buồn:

- Những kỷ niệm đã qua, tưởng là đã chết. Thì ra trong một góc sâu kín trong tim mỗi người, kỷ niệm luôn luôn ở đó.

Ôi, bây giờ còn bao nhiêu người trân quý kỷ niệm?

 
 

Đà-Nẵng bây giờ đẹp lắm, sạch sẽ, ngăn nắp lắm. Nhưng đâu còn là ĐN của tôi.

Tôi ngậm ngùi đi lại trên những con đường tráng nhựa rộng rãi mà nhớ vô bờ những con hẻm nhỏ, có những bụi hoa ngũ sắc mà mỗi trưa tôi và Mỹ Thu thường đi học sớm, hễ gặp bụi hoa nào là tranh nhau hái và hút lấy chút mật ngọt từ những cánh hoa nhỏ xíu. Tôi ở trong phòng khách sạn có máy lạnh mà nhớ vô cùng cái nắng thiêu đốt ngày Hè, đến những nắm lá Cốc non hái vội chấm muối ớt chia nhau ăn ngon lành.

Đà-Nẵng đón tôi như đón một du khách. Tôi thấy tôi lạc lõng trên chính quê hương của chính mình. Tôi muốn đi tìm một vài người bạn nhưng chẳng ai biết bây giờ họ ở đâu. Có một đêm tôi đến trước cổng trường vào buổi tối. Tôi nhìn vào ngôi trường lờ mờ trong bóng đêm mà ứa lệ. Tôi chẳng tìm được hình ảnh cô nữ sinh áo trắng ngày xưa. Hình như thời gian đã xóa mờ đi hết. Nhưng mà tôi trân quí thời hoc sinh hoa mộng của chúng tôi biết bao. Ước gì những góc phố, những con đường chưa hề thay đổi…

Thời gian chẳng chờ đợi một ai. Tôi nghiệm thấy một điều là khi bắt đầu về già, tôi hay nghĩ nhiều đến quá khứ, đến những nơi chốn tôi đã đến trong đời, mà thương nhớ nhiều nhất là Đà-Nẵng của tôi. Thời gian có hằn thêm nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt hay những gian nan trong cuộc đời, nhưng vĩnh viễn trong lòng tôi, Đà-Nẵng vẫn là một nơi chốn dấu yêu và tôi luôn luôn muốn trở về, dù bây giờ ĐN chỉ còn trong trí nhớ.
  Trần Thị Hoa