Bambino
 

 

 

 

        Trời đã bắt đầu tối lại thêm lất phất mưa rơi. Những trận gió đập mưa rào rào vào cửa kính. Tôi lo lắng nhìn các dĩa đồ ăn đã nguội lạnh trên bàn. Hôm nay là sinh nhật thứ 50 của chồng tôi. Ba mẹ con tôi muốn dành cho chàng một sự ngạc nhiên. Từ sáng sớm chúng tôi đã vào bếp. Hai con tôi thì lo nướng những cái bánh cup cake nhỏ, còn tôi thì làm các món mà chồng tôi thích nhứt. Đồng hồ thong thả điểm chín giờ.  Có tiếng cửa garage mở và giọng chồng tôi vui vẻ:

- Em ơi ra coi nè...

Tôi cố gắng che dấu nỗi bực bội, cùng 2 con thủng thỉnh đi xuống. Chồng tôi hình như không hề biết đã quá giờ cơm. Chàng hớn hở giơ cao cái lồng nhỏ, trong đó có một con chó con màu nâu đang ngơ ngác nhìn tôi. Giọng chàng hớn hở:

- Con chó này anh mua được rẻ, vì người chủ bị dị ứng với nó nên không muốn nuôi nữa.

Rồi mặc cho chàng huyên thuyên kể lể về nỗi khó nhọc của hai vợ chồng người Mễ già đã vất vả thế nào để đem nó từ Mễ qua, thì mẹ con tôi ngao ngán nhìn “nó”. Bộ lông màu nâu xơ xác và cái đuôi nhỏ xíu. Duy chỉ có đôi mắt thiệt to tròn, đen tuyền và lúc nào cũng long lanh như ướt nước, làm cho khuôn mặt nó thêm phần lém lỉnh.

Chàng nói thêm:

- Nó còn nhỏ lắm. Nè em xem, còn chưa mọc đủ răng nữa đó. Không răng mô!

Tôi lầm bầm:

- Đợi tới lúc nó có đủ răng rồi thì anh tính sao đây?

Con gái lớn của tôi... khóc:

- Bố đã biết mẹ và tụi con sợ chó mà còn nuôi nữa, hu... hu...

còn nuôi nữa, hu... hu...

 
 

Chồng tôi rất yêu súc vật. Sinh nhật chàng năm nay, chàng chỉ muốn mua một con chó về nuôi. Chàng muốn suprise mẹ con tôi đây mà. Khi các con còn nhỏ, chàng chỉ nhìn các con chó nhà hàng xóm một cách thèm muốn nhưng vì quá bận rộn nên không dám nuôi. Nay con cái đã lớn hết, chúng tôi không còn chăm chút chúng như khi còn bé nữa, nên chàng “rảnh rỗi” muốn kiếm thêm việc để làm đây. Tôi cằn nhằn:

- Anh không nghe nói sao? Nuôi mèo chó bên đây cũng như là có con mọn vậy đó. Hơn nữa em cũng... sợ chó.

Chàng cười chọc quê:

- Điều đó em khỏi quảng cáo, anh nhớ mà...

Chả là bên Việt Nam, vì có vườn rộng nên nhà chàng nuôi cả thảy là 8 con chó.  Còn nhớ một lần qua nhà chàng ăn cơm tối, khi ra về má chàng còn gửi cho tôi một túi đồ ăn bự nữa. Sau khi “tạ từ trong đêm” xong, chàng vừa quay lưng trở vào nhà thì con chó lớn nhất “âu yếm” tặng tôi một số “dấu răng kỷ niệm” vào bắp chân. Ngày hôm sau vết thương làm độc, sưng to, nhức nhối thật là khó chịu. Tôi phải nghỉ học mất mấy hôm.  Các bạn lại thăm, hù tôi:

- Mi coi chừng nghe. Tao nghe nói hễ bị chó cắn là phải chích cả trăm mũi thuốc vào ngay giữa rún đó, đau thấu trời xanh, nếu không chỉ 100 ngày sau sẽ bị bịnh chó dại, mi sẽ bò bằng bốn chân, tru lên như chó rồi chết.

- Mi nhớ ông Ba Lâm ở xóm trên không?  Bị chết vì chó cắn đó.

Tôi cãi:

- Đâu có, ổng bị chết vì ăn trúng độc mà, nên đau bụng quá mới rên la thôi.

Bạn tôi nổi nóng:

- Kệ mi. Không tin thì thôi...

Tôi hoảng hồn, nhất định đòi nghỉ chơi, mặc dù chàng đã quà cáp cho tôi lu bù, còn hết lời năn nỉ:

- Em sao kỳ quá à... Tự nhiên lại giận anh, con chó nó cắn em chứ đâu phải anh...

Rồi chàng hùng hồn bảo đảm với tôi là con chó đó rất lành và đã được chích ngừa.  Bằng chứng là nó đã cắn rất nhiều người nhưng có ai bị... điên đâu!

 
 
 

Những ngày đầu tiên có chó thật khổ cho tôi. Mà hình như nó nhớ mẹ, nhớ nhà hay sao đó mà đêm nào cũng kêu khóc. Lâu lâu nó còn tung cửa chuồng chạy vào phòng tôi, phóng ngay lên giường, chun vào mền làm tôi sợ gần chết. Nhưng chồng tôi mới dịu dàng làm sao?  Anh nhẹ nhàng ẳm nó vào lòng, vuốt ve rồi đem đặt nó lại vào chuồng.

Ban ngày sau khi hai con đi học, chồng tôi đi làm thì tôi có bổn phận đem nó ra nhà sau rồi mới sửa soạn đến tiệm làm việc. Tôi lấy một đôi găng tay thật dày mang vào, dùng một cái khăn bông lớn chụp lên người nó, rồi tôi run run ôm cả khăn lẫn chó chạy ra nhà sau, bỏ vội nó xuống, đóng sập cửa lại và chạy thục mạng vào phòng.

Vợ chồng bỏ thói quen ăn sáng chung với nhau vào mỗi sáng thứ bảy để đem nó đi... học. Hồi đó nó chỉ bằng bắp tay người lớn thôi mà hung dữ quá chừng, gặp chó bự cỡ nào cũng không ngán, cứ chạy theo sủa và làm như muốn gây sự khiến ai nấy cũng tức cười. Rồi cũng tới ngày nó ra trường, được đội mũ tốt nghiệp, được chụp hình và còn có một văn bằng nữa. Nó rất khôn biết nghe theo lời dạy và làm theo rất dễ thương. Sau mấy tháng với sự chăm sóc tận tình của chúng tôi, nó đã lại sức và trông rất “bảnh trai” với bộ lông màu nâu pha vàng láng mướt, cả ngày cứ quấn quít theo chúng tôi không rời.

Không biết tự bao giờ tôi đã thương yêu và thân thiết với nó quá đỗi. Tôi đã không còn sợ nó như những ngày đầu tiên. Những lúc tôi ngồi khâu vá hay đọc sách, nó hay nằm sát một bên, gác đầu lên đùi tôi. Những lúc này đôi mắt nó mơ màng và hiền lành thấy thương lắm. Cứ đến giờ tôi đi làm về là đã thấy nó nằm đợi ở cầu thang. Hôm nào tôi về trễ thì nó xuống chờ ngay cửa nhà xe. Những lúc tôi phải đi làm thêm ngày chủ nhật, con gái út tôi kể:

- Nguyên ngày hôm nay nó cứ thơ thẩn kiếm mẹ quanh nhà, chẳng màng tới ăn uống gì cả. Đôi lúc nó nhìn con, đầu nghiêng nghiêng làm như muốn hỏi.

Có những khi chồng tôi đi công tác vắng nhà, buổi tối nó không chịu ngủ, cứ xuống ngồi đợi dưới cầu thang tới khuya, đến khi ẳm nó vào chuồng, tôi thấy mắt nó đẫm lệ.

Lại một lần khác, khi con bé Út đi camping ba bốn hôm, nó không nô đùa như mọi ngày, lại bỏ ăn, cứ nằm trước cửa phòng út mà đợi. Chúng tôi nghĩ là nó bịnh, định đem đi bác sĩ thì hôm đó bé Út về tới. Như một phép lạ, nó lại vui vẻ và khỏe mạnh như cũ. Ở trong nhà bất cứ phòng nào nó cũng vào hết, trừ phòng con gái lớn của tôi. Tôi thấy làm lạ là nó chỉ nằm ngoài cửa, hỏi thì con tôi nói có cấm nó không được vào.

Nó khôn lắm làm như đoán biết được khi nào chúng tôi đi làm, khi nào đi chơi.  Khi chúng tôi đi làm thì nó chỉ đưa từng người ra cửa, sau đó chạy vào phòng tôi vạch màn cửa nhìn xuống. Còn lúc nào chúng tôi sửa soạn đi chơi là nó theo không rời nửa bước, còn ngậm sợi dây xích cổ của nó mang lại nữa.  Đến khi cho nó lên xe rồi, làm như sợ chúng tôi đổi ý, nó luôn luôn núp ở phía sau cho đến lúc xe chạy.

Nội việc đặt tên cho nó thôi đã đem tới nhiều tranh cãi.  Chồng tôi nói:

- Anh muốn đặt nó tên Tôtô.

Tôi phản đối;

- Nó trông không “giống” Tôtô chút nào hết anh à. Em nghĩ chó tên Tôtô phải là chó to... Em đặt nó tên Bibi vậy nhé.

Chàng không đồng ý:

- Anh không thích tên Bibi mấy.

Con Út tôi chen vào:

- Con thấy con chó này càng nhìn càng giống một con nai nhỏ, vậy mình đặt tên nó là Bambino đi, được không?

Thấy tên Bambino cũng dễ thương, nên vợ chồng tôi đồng ý.

Trong nhà Bambino chỉ sợ có chồng tôi. Những khi nó làm lỗi thấy thương lắm. Mắt anh chàng lấm la lấm lét, bốn chân bò lết trên sàn, vòng qua hướng khác rồi chạy ào về phía tôi. Lúc nầy trông nó thật buồn cười. Nó nép vào lòng tôi, chỉ chừa ra cái mũi nhỏ xíu và đôi mắt to đen nhìn chồng tôi ra điều đã tìm được một bờ bến an toàn.

Vậy mà bây giờ Bambino đã lìa xa chúng tôi mãi mãi. Nó đã bị xe đụng chết. Tôi còn nhớ rất rõ tối hôm đó vào khoảng chín giờ, cũng bằng thời gian hai năm trước, chồng tôi đã mang Bambino đến cho tôi. Tôi vừa mở hé cửa nhà xe thì Bambino chạy vụt ra đường. Liền sau đó tôi nghe nó hét lên hai tiếng thất thanh và tiếng xe thắng gấp. Tôi hoảng hốt chạy vụt ra thì chỉ kịp trông thấy một chiếc xe đang de lui và bỏ chạy. Tôi thấy Bambino nằm sóng soài giữa đường.  Ẳm lên thì nó đã chết.

Tôi đã thức suốt đêm ngồi bên xác nó. Tôi quấn nó bằng cái mền nó yêu thích nhất. Tôi đã ôm chặt nó vào lòng tưởng như có thể đem hơi ấm của mình giúp nó hồi sinh. Tôi cứ ngồi như vậy từ lúc Bambino còn ấm cho tới khi bắt đầu lạnh giá. Đôi mắt nó ngày nào nhìn tôi đầy thương mến nay đã không còn thần sắc vẫn mở lớn, nhưng nhuốm đầy vẻ kinh hoàng.  Đôi tai của nó còn đang vểnh lên trong tình trạng nghe ngóng.  Bác sĩ xác nhận là Bambino đã chết vì bịnh tim và toàn thân nó không có một vết thương nào cả. Ôi! Chết bằng cách nào thì chúng tôi cũng đã mất Bambino rồi.

Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định đem nó đi thiêu. Chúng tôi đã chuyền tay nhau ôm Bambino một lần chót. Lạ lùng thay trước khi giao xác nó cho nhân viên hỏa thiêu, xác Bambino bỗng mềm hẳn lại, hồng hào và ấm. Có lẽ Bambino đã cảm nhận được mối ân tình của chúng tôi dành cho nó chăng. Và đôi mắt của nó đã dịu dàng trở lại, thật thoải mái và thanh thản, tôi nghĩ nó đã yên nghỉ an lành nơi thế giới bên kia.

 
 
 

Bây giờ chỉ còn chúng tôi với mớ kỷ niệm về Bambino và hộp tro đựng hài cốt nó. Hộp tro thì nằm bất động mà sao tôi như mường tượng được hình dáng nhỏ nhắn của nó đang tung tăng chạy nhảy quanh nhà. Có những đêm nhớ nó không ngủ được, tôi vùng chạy ra nơi Bambino đã nằm chết. Quanh tôi tối đen và im lắng. Tôi đặt bàn tay mình lên mặt đường loang lỗ. Hai tiếng kêu thét kinh hoàng của nó như còn văng vẳng đâu đây...

Bạn bè thấy tôi buồn quá ai cũng an ủi:

- Chỉ là con vật thôi mà... mất con này thì tìm con khác.

Thậm chí có người tặng tôi một con chó nữa. Những ân tình đó tôi cảm kích vô cùng, nhưng có lẽ chẳng ai hiểu được sự thương yêu gắn bó giữa Bambino với chúng tôi sâu đậm dường nào.

Và tôi cũng thấy mình nợ những người bạn Mỹ của tôi một lời xin lỗi chân thành. Hồi đó khi chó hay mèo của họ qua đời, họ đã đến với chúng tôi và khóc lóc tiếc thương. Lúc đó tôi đã nhạo cười họ. Cho đến bây giờ tôi mới biết thế nào là tình cảm giữa người và vật, thật gắn bó biết bao.

Tôi nhớ Bambino, tôi nhớ những ngày xưa có nó. Dù chỉ có hai năm ngắn ngủi, nhưng nó đã cho tôi bao nhiêu niềm vui và an ủi sau những ngày làm việc mệt nhọc, trở về nhà thấy Bambino nhào lộn quấn quít vì mừng. Tôi đã thương và quí nó như một người bạn thân thiết, một người bạn mà tôi sẽ mãi mãi không quên.

Bambino ơi!

Trần Thị Hoa