những sợi tơ hồng của Nhược An
 

 

       Nhược An bước lên nấc thang xe đò Hoàng để xuôi về Santa Ana. Sáng nay thời tiết vùng San Jose đang vào thu nên hơi lành lạnh, khoác thêm chiếc coat không dài lắm, bằng vải nhẹ, màu nhạt, Nhược An vẫn thấy run run khe khẽ. Theo lời Khiết dặn dò từ mấy ngày trước, Nhược An đã xếp vào chiếc vali nhỏ hai loại áo quần dày và mỏng, để nếu thời tiết có thay đổi thất thường, thì Nhược An vẫn đủ đồ dùng trong những ngày xuống dưới này thăm Khiết.

Như dự trù, hôm nay là thứ sáu, khi gặp nhau, Nhược An sẽ có một buổi chiều với Khiết và nguyên cả ngày mai nữa, đến sáng chúa nhật thì Nhược An sẽ phải quay về lại San Jose rồi.

Vừa ngồi xuống ghế xe đò thì cell reo lên:

- Hello Khiết.

Giọng Khiết vọng lại từ bên kia đầu dây:

- Hello Nhược An, đã lên xe chưa vậy?

- Xong rồi, chỉ còn chờ đúng giờ là xe chạy.

Khiết nói như reo:

- OK! Chiều nay gặp Nhược An!

Cho cell vào túi áo, Nhược An nhìn xuống lề đường, thấy con gái Nhược Mi vẫn còn đứng bên dưới trông lên mình, Nhược An vẫy tay và nói vọng ra qua cửa xe mở:

- Mẹ OK rồi, con đi làm và về nhà nhớ thắp nhang trên bàn thờ bố nhé:

Nhược Mi vẫy lại mẹ và lên xe lái đi. Khoảng hơn mười một giờ trưa thì Khiết gọi lần nữa:

- Nhược An à, khoảng ba giờ chiều thì xe đến là mình sẽ gặp nhau, Khiết mặc áo màu nâu có kẻ sọc trắng để Nhược An nhận diện cho dễ đó nghe.

Nhược An đùa:

- Nhược An không có quên nét mặt của Khiết đâu, đừng lo!

Khiết ngập ngừng vài giây rồi nói:

- Nhược An làm Khiết cảm động quá chừng, nhưng...

Nhược An vẫn đùa:

- Đừng nhưng nhị gì hết Khiết à, nghỉ một lát rồi chút nữa gặp nhau nhé!

Khi Khiết cúp phone rồi, Nhược An tựa lưng vào thành ghế, mơ màng nhớ lại mấy chục năm về trước, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, Nhược An được phân bổ về dạy học ở trường cấp ba Hòa Khánh, Đà Nẵng. Cùng nhận nhiệm sở đầu tiên trong đời giống như Nhược An là Khiết, người bạn trai chung lớp, là mối tình đầu tiên của Nhược An. Gia đình Khiết cư ngụ ở ngôi biệt thự có khu vườn xưa cổ bao quanh, bên dốc cầu Nam Giao, trên đường Huyền Trân Công Chúa.

Lúc còn là sinh viên, Nhược An vẫn thích sau giờ tan học, đi dạo một mình ngang nhà Khiết, say mê ngắm những sợi tơ hồng mùa thu giăng giăng vướng vít trên hàng chè tàu dẫn vào con ngõ lặng im, soi bóng xuống dòng sông Bến Ngự hiền hòa, chầm chậm chảy lững lờ như đang dừng lại. Nhược An không biết là ở đâu, cứ vào thu, từ trên trời cao lại bay bay xuống những sợi tơ hồng, mong manh, thật dễ thương mà theo me của Nhược An nói, là chỉ ở Huế mới có hiện tượng thiên nhiên này. Nhưng khi Nhược An cầm lấy trên tay để xem thì trong phút chốc những sợi tơ đã tan thành nước, và bay hơi nhanh chóng. Nhược An yêu lắm khung cảnh êm đềm của con đường nhà Khiết ở và những sợi tơ hồng nên thường nói với Khiết:

- Đây chắc là những mớ tơ của Chức Nữ khi thương nhớ Ngưu Lang, không sao dệt vải được nên xé nhỏ ném xuống trần gian phải không Khiết?

- Me Khiết cũng bảo vậy, chắc là phía trên cao của bầu trời Huế là chỗ đặt khung cửi dệt vải của Chức Nữ đó Nhược An ơi.

Nhược An phá lên cười:

- Tụi mình sao giống như con nít thế, đến giờ mà còn tin tưởng và sống theo chuyện thần tiên!

Khiết không cười:

- Khiết rất thích những sợi tơ hồng, Khiết nghĩ đây là mối liên kết vợ chồng với nhau, mai sau có đi xa cũng sẽ nhớ đến để quay trở về nhà.

Những mẩu chuyện nho nhỏ về sợi tơ hồng huyền ảo cứ theo chân Khiết và Nhược An đi qua những năm tháng trên giảng đường đại học, là một dấu ấn riêng cho mối tình thơ mộng rất trữ tình của thành phố cổ kính như trong chiêm bao.

Nhược An không bao giờ quên những chiều mưa nhẹ, Khiết cùng Nhược An đạp xe leo qua con dốc nhỏ và vào nghỉ chân tại quán bánh bèo có mái tranh che nghiêng nghiêng ở bên chân núi Ngự Bình. Những chiếc bánh bèo xinh, mỏng mảnh, Khiết và Nhược An thích thú ăn cho đến khi chồng chén xếp lên cao ngất mới ngừng lại, Nhược An nói:

- Hình như mình ăn bánh là để chút nữa có sức để đạp xe về phải không hở Khiết?

- Chủ hàng thật là khôn, biết là con đường rất xa nên mở quán tại đây đó Nhược An.

Nhược An cười:

- Mai mốt Nhược An sẽ lên đây ở...

- Xạo đi!

Nhược An hỏi Khiết khi hai đứa lên xe về lại thành phố:

- Khiết à, có phải là "Núi Ngự Bình trước tròn sau méo" như người ta nói hay không?

- Me Khiết nói đó như một cách ví von thôi, có thể là lòng người trước sau không giống nhau mà.

Nhược An chọc ghẹo:

- Khiết có vẻ nghe lời me ghê!

Khiết đỏ bừng mặt:

- Ba Khiết cũng nghe me Khiết nói mà...

- Không sao, Nhược An đùa thôi!

Có một hôm, Khiết trao cho Nhược An bài thơ được chép ra từ cuốn tập của me Khiết, bài thơ viết dành cho Huế của thi sĩ Mường Mán:

 

TỪ BIỆT HUẾ

Nhớ đừng lời chia buồn đừng đưa tay chào

Đừng vẫy khăn xanh đừng khóc

Lúc ta ra đi nghe Huế

Cứ đổ sương mù cứ rơi lá

Cứ hát trong nắng cứ ngủ vùi dưới mưa

Nhưng đừng ngóng cổ trông

Lúc ta ra đi nghe Huế

Hãy gọi tên ta những đêm mùa đông có trăng trên đường Huyền Trân Công Chúa

Hãy gọi tên ta trên cổ thành hoang vu

Lúc đó dù đang đứng gác trên núi

Ta cũng cố mường tượng ra em

Lúc đó dù đang nạp đạn trong rừng

Ta cũng xin áp tai xuống đất mà nghe nhịp tim em thở...

 

Nhược An kêu lên:

- Bài thơ hay tuyệt Khiết ơi, Nhược An thích nhất là câu "Cứ đổ sương mù cứ rơi lá Cứ hát trong nắng cứ ngủ vùi dưới mưa..." Thật là lãng mạn và du dương!

Những vần thơ là lạ của Mường Mán và những chuỗi ngày với biết bao nhiêu vòng xe mùa hè lăn đều từ nhà đến trường, hay qua cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, chìm trong làn sương mờ mùa đông xứ Huế đã hòa quyện vào trái tim của Nhược An rồi cũng trôi nhanh. Sau khi tình cờ được cùng nhau về dạy học ở Đà Nẵng, mùa thu năm đó ba me Khiết đang dự định qua thăm gia đình Nhược An để bàn tính lễ cưới cho hai đứa thì Nhược An có người cậu ruột, đã sắp xếp thêm hai chỗ chung với mình trong chuyến vượt biên ở bãi biển Thuận An, và ba me Nhược An muốn con gái ghép vào với Khiết để cùng đi nên ngưng dự tính đám cưới lại. Riêng Khiết không muốn xa ba me nên còn ngần ngừ chưa trả lời dứt khoát.

Từ Hòa Khánh, Nhược An nhận được điện tín của gia đình gọi về gấp vì bà ngoại qua đời, Nhược An phải vội vàng lên tàu trở về Huế, chỉ còn Khiết ở lại trường tiếp tục công việc dạy học của mình. Rồi thế là trong một đêm không báo trước, Nhược An đã xuống thuyền ra đi, may mắn khoảng một tuần sau đã đến được bến bờ bình yên.

Với bao nỗ lực làm quen ở những bước đầu, Nhược An từ từ đi học lại giữa nhiều khó khăn và ổn định dần dần cuộc sống trên xứ người. Vài năm sau Nhược An tìm cách liên lạc với Khiết, nhưng me của Nhược An viết thư báo sang cho con gái biết là gia đình Khiết đã chuyển vào sinh sống hẳn trong Nam, không trở về Huế nữa nên ba me Nhược An cũng không có địa chỉ của Khiết.

Rồi Nhược An gặp gỡ và yêu Chuẩn, một người cùng làm chung hãng với Nhược An, sau đó Nhược An nhanh chóng đám cưới và không lâu thì con gái Nhược Mi ra đời. Mấy năm kế tiếp, Chuẩn mắc phải một căn bệnh nặng và mất đi, Nhược An đã phải vất vả cùng với con gái bước dần qua những tháng ngày buồn bã, cứ thế bây giờ Nhược Mi đã tốt nghiệp đại học, đã có công việc phù hợp với sở thích. Quay về với cô đơn, và Nhược An giật mình khi đếm lại thời gian trôi qua cũng đã gần ba mươi năm ròng rã...

Khoảng ba tháng trước, vào tối thứ bảy, khi cô con gái duy nhất Nhược Mi tham dự đám cưới của người bạn thân, Nhược An một mình ở nhà đang xem cuốn phim yêu thích thì chuông điện thoại bỗng reo lên, nhìn vào caller ID thấy dãy số lạ, Nhược An tiếp tục theo dõi tình tiết diễn biến của phim thì ba phút sau, chuông điện thoại lại vang lên lần nữa. Cũng vẫn số vừa rồi, chắc là người gọi cần lắm, Nhược An nhấc phone thì nghe một giọng nói đàn ông với âm Huế pha nhẹ tiếng Nam rất lạ:

- Dạ chào bà, xin cho hỏi đây có phải là nhà của cô Nhược An không ạ?

- Tôi là Nhược An...

Phía bên kia lặng im giây lát rồi giọng nói lạ lại ngập ngừng vang lên:

- Không biết là... Nhược An có còn nhớ Khiết ở Huế ngày xưa không vậy?

Nhược An ngạc nhiên quá đỗi, với tay tắt TV và nghe giọng mình hơi nghẹn:

- Ô, Khiết đó sao, bây giờ Khiết đang ở đâu?

- Ở gần Nhược An lắm, Santa Ana...

Nhược An hỏi:

- Sao Khiết biết số của Nhược An để gọi vậy?

- Trước khi đi Mỹ, Khiết về thăm Huế, có gặp ba me của Nhược An nên xin số để liên lạc. Khiết qua đây một mình do đứa con gái đi trước bảo lãnh mới hơn hai tuần nay thôi.

- Thế còn bà xã của Khiết đâu?

Giọng Khiết lạnh lẽo:

- Li dị lâu rồi Nhược An à, Khiết đang ở chung nhà với vợ chồng con gái và cháu ngoại.

- Xin lỗi đã đụng vào nỗi buồn của Khiết nhé.

- Không sao, Khiết đã quen, Nhược An đừng bận tâm làm gì...

Khiết nói tiếp:

- Mấy mươi năm qua rồi, đời sống ở Mỹ bận rộn quá, trước đây Khiết nhớ Nhược An rất là hồn nhiên, không biết bây giờ Nhược An ra sao...

Nhược An cười:

- Đương nhiên là có thay đổi rồi, Nhược An sẽ gởi hình hai mẹ con cho Khiết xem nhé.

- Nhưng Khiết không có xài email gì hết vì hơi bất tiện...

- Vậy thì đành "chịu thua" thôi...

Thế là sau đó, cứ cách hai ba đêm, Khiết lại gọi Nhược An để nói đủ thứ chuyện của gần ba mươi năm không gặp. Có khi, Khiết hỏi:

- Nhược An còn nhớ bài thơ của Mường Mán không vậy?

- Vẫn còn nhớ rõ lắm, thơ của Khiết tặng Nhược An mà...

Giọng Khiết ngậm ngùi:

- Hồi đó, lúc Nhược An đi rồi, ở Hòa Khánh, Khiết cứ lẩm bẩm hoài mấy câu như người mộng du: "Nhưng đừng ngóng cổ trông Lúc ta ra đi nghe Huế Hãy gọi tên ta những đêm mùa đông có trăng trên đường Huyền Trân Công Chúa  Hãy gọi tên ta trên cổ thành hoang vu..."

- Xin lỗi Khiết, Nhược An đâu có muốn...

- Không sao đâu, chuyện cũ rồi mà, vô tình nhắc lại thôi, hãy quên đi Nhược An!

Nhược An hỏi:

- Khiết còn nhớ những sợi dây tơ hồng mùa thu ở Huế không?

- Nhớ lắm chứ! Nghe nói bây giờ không có nữa Nhược An ơi, chắc là địa cầu đang nóng dần lên, làm cho những sợi tơ hồng bị tan ra thành nước trước khi rơi xuống đất, tiếc quá hả Nhược An?

Giọng Nhược An đượm buồn:

- Thật là đáng tiếc! Vậy mà bao năm ở đây, Nhược An chỉ nhớ mỗi mình những sợi dây tơ...

Không lâu sau Khiết vui mừng gọi báo cho Nhược An biết tin là mình đã có việc làm trong một ngôi chợ Việt Nam gần nhà, do con gái Khiết đã xin cho ba mình. Nhược An nói:

- Bước đầu tạm thời như vậy Khiết à, từ từ rồi tính tiếp nhé.

- Khiết rất muốn làm việc trong ngành giáo dục như ở Việt Nam ghê Nhược An ơi, nhưng chắc là khó vì Khiết lớn tuổi rồi, chẳng biết học hành ra sao, bắt đầu từ đâu...

Nhược An khuyên:

- Cố gắng là sẽ được đó Khiết. Một thời gian nữa thì ghi danh đi học trở lại nghe. Chúc Khiết gặp nhiều may mắn.

Thấy mẹ rất vui khi đã liên lạc trở lại với người bạn trai cũ, Nhược Mi nói:

- Sao mẹ không làm một chuyến đi thăm chú ấy, dù sao hồi xưa, theo lời mẹ kể thì mẹ đã rời khỏi chú để ra đi trước mà mẹ?

Nhược An trả lời con gái mà như quyết định luôn cho mình:

- Thì xem như mẹ có lỗi với chú ấy, có thể mẹ sẽ đi thăm chú một lần đó con.

Cùng lúc có công việc làm là Khiết đã lấy được bằng lái xe, giọng Khiết rất hân hoan khi chia xẻ với Nhược An:

- Khi nào Nhược An xuống đây chơi, là Khiết có thể làm tài xế cho Nhược An được rồi.

Nhược An nửa đùa nửa thật:

- Tuần sau Nhược An xuống thăm Khiết được không hở?

Khiết hồi hộp:

- Thật sao?

- Khiết muốn điều đó thành sự thật không?

- Muốn lắm!

Nhược An nói chắc chắn:

- Vậy thì weekend tới đây Nhược An sẽ xuống Santa Ana bằng xe đò Hoàng, Khiết đến đón Nhược An nhé, OK?

Khiết rất vui mừng khi biết Nhược An sẽ thực hiện một chuyến thăm mình. Sau đó Nhược An vào book khách sạn gần nơi Khiết cư ngụ, để dễ dàng cho Khiết trong việc đưa đón Nhược An trong mấy ngày lưu lại.

Chuyến xe đến nơi khá đúng giờ, thời tiết ở đây mát mẻ dễ chịu. Nhược An cởi áo khoác vắt lên tay, bước ra cửa, chưa kịp tìm Khiết thì đã thấy một người đàn ông bước tới cạnh mình, trong chiếc áo màu sắc đúng như Khiết mô tả trong điện thoại lúc ban sáng với Nhược An. Rồi tiếng Khiết quen thuộc vang lên:

- Có phải Nhược An không vậy? Khiết đây nè!

Nhược An chỉ kịp chào "Hello" với Khiết và sững người lại vì bất ngờ. Khiết đó sao? Trước mắt Nhược An, thật rõ ràng, hình dáng một người đàn ông khắc khổ với làn da đen sạm, và áo quần lôi thôi, cũ kỹ. Khiết dáng dấp thư sinh của Nhược An gần ba mươi năm sau là như vậy ư? Khiết nói tiếp, chẳng biết có nhận ra được cảm xúc bàng hoàng của Nhược An hay không:

- Bây giờ Khiết mời Nhược An đến tiệm ăn Huế nghe. Cô chủ nhà hàng là một nữ nhạc sĩ nổi tiếng, chắc Nhược An cũng đã biết rồi. Thưởng thức đồ ăn ở đây để nhớ về bánh bèo Ngự Bình của mình năm xưa nhé Nhược An!

Bần thần như người đi trong mộng, Nhược An để mặc Khiết lập cập xếp chiếc vali của mình vào hàng ghế sau xe. Chỉ một việc nhỏ này thôi mà cũng làm Khiết thở mạnh như muốn hụt hơi! Nhược An yên lặng bước lên xe, trái ngược hẳn với tâm trạng nôn nao vì sẽ gặp được Khiết qua bao năm của mấy ngày trước.

Khiết có lối chạy xe cẩn thận quá đáng của một người lớn tuổi mới có bằng lái. Chiếc xe chầm chậm ngang qua những dãy phố sầm uất của người Việt. Nhược An bỗng thấy chán nản khi nghe Khiết nói:

- Phụ nữ ở Mỹ được rất nhiều ưu đãi phải không Nhược An? Khiết thấy gần ba mươi năm rồi mà Nhược An chỉ lớn hơn hồi xưa chút đỉnh, và thời gian dài trôi qua là để hoàn chỉnh thêm những nét vốn có thôi. Nhược An rất thời trang, xinh đẹp và trẻ trung!

Khoảng lặng vài giây rồi Nhược An gượng cười:

- Cám ơn Khiết.

Khiết nói:

- Khiết rất thích nhạc phẩm Hai mươi năm gặp lại, hay lắm, để Khiết mở máy cho Nhược An nghe.

Tiếng hát vang lên nhè nhẹ, như kể lể tâm sự nhưng Nhược An rất muốn nói với Khiết là Nhược An không muốn nghe nữa, nhất là trong hoàn cảnh này. Nhưng Nhược An loay hoay mãi, chẳng biết mở lời làm sao vì thấy Khiết quá vui mừng trong ngày gặp lại mình. Nhược An thấy không nỡ nào, và Nhược An đành bước vào tiệm ăn với Khiết.

Rất ân cần, Khiết hỏi:

- Nhược An muốn ăn gì để Khiết gọi?

- Tùy Khiết chọn, sao cũng được mà.

Trong lúc đợi thức ăn, Nhược An nhìn mông lung ra bên ngoài, để mặc Khiết với giọng hồi tưởng về những chuyến đi chơi đã chìm vào nơi đâu từ thuở xa lắc xa lơ, Nhược An nghe mà tưởng chừng như một người nào đó đã cùng trải qua với Khiết, chứ không phải chính mình...

Bất chợt, hình như Khiết nhận ra vẻ lãnh đạm, hững hờ nơi Nhược An nên tiếng Khiết cất lên như phân trần:

- Vừa làm xong công việc, từ chợ Khiết chạy ngay ra đón Nhược An nên hơi vội vàng...

Nhược An nghe mình trả lời Khiết như nói vào cõi xa xăm:

- Có hề gì đâu, không có gì mà...

Dẫu đã biết rằng, thời gian âm thầm đi qua trên đời mỗi người đều có để lại những dấu chân tàn nhẫn, nhưng Nhược An bị bất ngờ quá, không thể nào chống đỡ...Cả cái ý định kết hợp lâu dài với Khiết, nếu có, thì cũng không còn, cũng đã tiêu tan...

Giờ đây, ngồi đối diện với Khiết, nhìn Khiết nói cười, cảm giác thất vọng nơi Nhược An tràn trề quá đỗi, trước mắt Nhược An là Khiết, một người đàn ông gầy ốm, vẻ già nua thảm hại không cần che dấu, hiện ra rõ ràng, trong ánh nắng chiều rất nhạt màu của mùa thu Cali. Cái vẻ thảm hại đó thật khác biệt với hình ảnh mà Nhược An đã ghi dấu rất ấn tượng bấy lâu trong tâm khảm mình. Tiếng hát Ngọc Lan đâu đây loáng thoáng vọng về:

 

"Bao nhiêu năm gặp lại

Nụ cười héo trên môi 

Bao nhiêu năm tình cạn

Tìm nhau đã mòn hơi 

Bao nhiêu năm một lần

Mình nhìn nhau chới với, anh ơi..."

 

Nhược An ngậm ngùi, những sợi tơ hồng thần thoại giăng giăng trên hàng chè tàu năm nào của Nhược An, bây giờ đã tan chảy thành bọt nước, biến mất mù khơi, không tìm thấy bóng...

Nếu mà, Nhược An không có chuyến đi này, thì những sợi tơ hồng xa xưa, chắc hẳn vẫn còn nguyên vẹn vẻ óng ánh, diệu kỳ của mối tình thơ trẻ nhuốm sắc màu huyền ảo. Nếu mà... Nếu mà...

Ôi, thời gian, đã trôi đi hơn mấy mươi năm!

Và Nhược An biết, ngày mai, thứ bảy, bằng mọi cách, Nhược An sẽ trở về lại nhà, trên chuyến xe sớm nhất.

 

 

 Trần Thu Hương