người

thầy

đầu tiên

   
 

    Chiều cuối tuần, tôi đang lúi húi trồng cây trên sân thượng, tiếng cô cháu gái kêu ơi ới ngoài cổng, tôi lật đật chạy xuống chưa kịp mở cổng

- Dì ơi! Dì làm gấp cho con một bài thơ

- Bo vô đây đã, thơ thẩn chi rứa? Tôi vừa mở cổng vừa hỏi

- Mai con phải nộp bài rồi mà con chưa làm được.

- Nộp bài chi? Tôi vẫn chưa hiểu cô cháu muốn tôi làm gì

- Mai là hạn cuối cùng phải nộp bài cho tờ bích báo của lớp con, cô giáo chủ nhiệm con nói ai mà không nộp bài, cô trừ điểm hạnh kiểm.

- Rứa thì Bo chịu khó làm đi, Bo không làm thơ thì viết văn đi.

- Nhưng con viết không được, con dở môn văn lắm, thôi dì viết dùm con đi nghe. Nó vừa ôm cổ tôi vừa năn nỉ. Nó tưởng tôi cũng bị xiêu lòng như những lần nó vòi vĩnh trước đây.

- Bo tự làm cho quen, dì không làm dùm đâu.

 

Thấy tôi nói một cách cương quyết nó ngồi im buồn thiu, mặt ỉu xìu. Tôi lại thấy tội nghiệp nó

- Thôi để dì cho Bo mượn quyển vở tập làm văn của dì hồi xưa, Bo có thể dựa vô đó mà làm

- Hoan hô dì, dì C muôn năm! Nó ôm chầm tôi hét toáng lên

- Muốn nằm thì có. Tôi thấy vui vui vì sự ồn ào của nó.

- Bo ngồi đó chơi một chút, chờ dì đi tìm, lâu ngày quá rồi không biết dì để đâu nữa. Tôi vừa nói vừa đứng lên đi tìm quyển vở cũ.

 

Cầm quyển vở cũ ố vàng, bạc màu giở giở vài trang, nhìn những dòng chữ  nắn nót, lòng tôi lại bồi hồi tràn ngập những hồi ức ngày còn bé…

Ngày ấy, trường tôi học là một trường nữ nằm ở trung tâm thành phố, nơi giao nhau của hai con đường rợp bóng cây kiền kiền. Hằng ngày chúng tôi đi bộ dọc theo các con phố đến trường, vừa đi vừa nhâm nhi kẹo, cười nói huyên thuyên, vừa ngắm nghía phố xá, người qua lại.

Mấy hôm nay, lớp tôi học giờ văn rất “khoẻ” vì cô giáo dạy văn nghỉ ốm, có vài thầy cô dạy thế, nhưng thường thầy cô dạy thế không bao giờ kiểm tra bài cũ, cũng không khắt khe lắm, lũ chúng tôi tha hồ cười đùa.

Hôm nay lại học giờ văn chúng tôi đang chạy tới chạy lui, ngồi lộn xộn, cười nói huyên náo trong lớp, bỗng có tiếng suỵt suỵt của ai đó, rồi tiếng nói to của trưởng lớp:

- Ê! trật tự tụi bây ơi, thầy vô kìa.

Tíếng ồn lắng xuống, cả lớp nhìn ra cửa. Một thầy đang bước vào, đứng giữa lớp, thầy nhìn chúng tôi cười cười rồi nói

- Từ nay tôi sẽ dạy môn văn các em thay cô G. và tôi cũng sẽ là giáo sư chủ nhiệm lớp các em. Có tiếng bạn nào nói nhỏ nhỏ:

- Cười có lún đồng tiền như con gái, tụi bây ơi. Có tiếng cười khúc khích ở đâu đó, cả lớp nhìn thầy chăm chăm. Thầy xoay mình lên bảng đen, lấy khăn chùi bảng. Con nhỏ Hoàng Châu ngồi cạnh tôi thì thầm vào lỗ tai tôi:

- Hình như thầy đỏ mặt đó mi. Tôi cố mở to cặp mắt cận thị nhìn thầy:

- Mô có mi

- Mắt mi vừa đui vừa lé.

- Đã đui làm răng lé được nữa. Thấy hai đứa tôi thì thầm thầy bước đến đứng cạnh HC hỏi:

- Các em học đến đâu rồi?

- Dạ… dạ… bị hỏi bất ngờ HC luống cuống giở vở

- Dạ, học xong thơ lục bát rồi thầy. Tôi vội vàng trả lời thay HC

- Có ai làm được bài thơ lục bát nào không? Đưa thầy xem? Nói rồi thầy bước lên bục giảng

- Mi làm chi mà run dữ  rứa? Mặt đỏ nữa kìa. Tôi chọc

- Ai run, ai đỏ mặt hồi nào? Đồ đui, nói phét. HC nổi cáu rủa tôi cộng thêm một cái nguýt dài một cây số...

 

Những giờ học hôm đó, cả lớp tôi chừng như chẳng nghe thầy giảng được bao nhiêu vì mải săm soi nhìn quần áo thầy, nhìn đôi giày bóng loáng của thầy, nhìn vóc dáng của thầy và khối đứa ngẩn ngơ nhìn má lúm đồng tiền thật sâu của thầy. Các giờ học kế tiếp chúng tôi vẫn còn mải mê bàn tán về thầy

- Thầy có mái tóc bềnh bồng, đẹp trai quá cỡ!

- Thầy model hết ý!

Và nhiều lời xì xào “thêm mắm thêm muối” nữa. Thông tin nóng hổi này còn lan truyền qua các lớp bên cạnh. Giờ ra chơi các bạn lớp bên cạnh tò mò muốn biết mặt thầy liền ra chơi sớm, xếp hàng dọc theo hành lang, nơi thầy sẽ đi qua khi dạy xong để đến phòng họp Hội đồng. Các bạn hồi hộp chờ xem thầy sẽ phản ứng như thế nào. Nhưng thầy vẫn nghiêm lạnh, ánh mắt thản nhiên có chút diễu cợt khi đi qua hai hàng nữ sinh đang nhìn chằm chằm, khúc khích cười hoặc buông những câu đùa chọc bâng quơ.

Những giờ học văn buồn ngủ bỗng trở thành những giờ học sôi nổi, hấp dẫn. Nhất là người vốn “trọng toán khinh văn” như tôi. Khi thầy giảng bài, chúng tôi hoàn toàn bi cuốn hút vào cách giảng gợi mở bài của thầy, thầy yêu cầu chúng tôi phải tập trung nghe giảng nhưng không bắt chúng tôi phải chép lại tất cả lời thầy giảng mà chỉ ghi những ý chính theo khả năng hiểu bài và diễn đạt của mình. Điều này khiến chúng tôi phải chú ý nghe thầy giảng, nếu không chú ý thì không biết ghi gì vào vở, vì thầy không đọc cho chúng tôi chép bài.

Với cách học này, lúc đầu chúng tôi rất bỡ ngỡ, có khi đến cuối giờ học vẫn chưa biết ghi gì vào vở, phải yêu cầu thầy giảng chậm chậm. Nhưng rồi dần dần chúng tôi cũng quen, đến giờ học văn cả lớp trở nên sôi động, lý thú hẵn lên. Có thêm những lời xì xào trìu mến và tự hào về thầy.

- Thầy mình vừa đẹp trai vừa có dáng nghệ sĩ.

- Thầy mình giỏi dễ sợ, hỏi chi thầy cũng biết hết

Thầy khuyến khích chúng tôi viết nhật ký và đã hướng dẫn chúng tôi mỗi người có một cuốn vở tập làm văn. Trong đó chúng tôi nắn nót chép lại những bài thơ, bài văn mà mình ưa thích và cả những bài thơ “con cóc” chúng tôi tự làm.

Bài thơ đầu tiên mà tôi tự làm là bài thơ thất ngôn bát cú. Hôm đó thầy dạy bài Thơ Đường, cuối giờ học thầy bảo cả lớp phải về làm mỗi người một bài thơ thất ngôn bát cú đem nộp vào giờ học kế tiếp.

Trưa hôm đó sau khi đi học về nhà, ăn cơm xong là tôi ngồi vào bàn học làm ngay. Sau ba bốn tiếng đồng hồ vật lộn với vần bằng vần trắc tôi cũng làm xong bài thơ “con ếch” đầu tiên của mình, mừng hý hửng tôi chạy đến nhà HC khoe. Ngờ đâu HC cũng đang đánh vật với bài thơ của nó, vẫn chưa xong, tôi đành lao vào chạy tiếp sức cho HC. Nhờ có “tư duy” của hai cái đầu cộng lại bài thơ “nhà họ cóc” mới hoàn thành. Để ăn mừng sự kiện vĩ đại này, hai nhà “thơ lớp” tự thưởng cho mình hai ly nước mía.

Bài thơ “con ếch” đầu tiên của tôi được thầy mang ra đọc trước lớp. Thầy đã tận tình góp ý cho tôi từng câu thơ, từng cách dùng từ, mặt tôi lúc đó thoạt đỏ thọat trắng bệt. Khi được thầy khen mặt tôi đỏ lên vì sung sướng, rồi lại trắng bệt đi khi thầy chỉ cho  tôi thấy cách dùng từ của tôi chưa chuẩn xác, vì cứ mãi chú ý theo vần.

Sau đó các bạn tôi tha hồ chọc quê tôi là “lều thơ”

 

Thầy là giáo sư chủ nhiệm lớp chúng tôi, lại độc thân và còn trẻ nên thầy dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng tôi. Thầy thường tìm những quyển sách hay giới thiệu cho chúng tôi đọc, giúp cho chúng tôi tìm hiểu những thông tin tiến bộ của văn học. Thầy còn tập cho chúng tôi hát những bài hát của thiếu nhi, nhưng lúc đó chúng tôi lại hay hát những bài hát của người lớn như “Người yêu lý tưởng”, “Giết người trong mộng”, “Một trăm phần trăm”… Thật ra, những bài hát đó không có ai tập cho chúng tôi cả nhưng ngày nào chúng tôi cũng nghe trên TV, nghe hoài rồi thuộc luôn lúc nào cũng không biết nữa.

Dần dà chúng tôi hết rụt rè và cởi mở vui vẻ tâm sự mọi việc với thầy như anh em.

Tuy vậy, nhưng trong giờ học thầy rất nghiêm khắc với học trò, nhất là những bạn viết sai lỗi chính tả, thầy bắt chép phạt năm mươi lần từ sai đó, rồi nộp lại cho thầy. Ai mà lỡ sai hẳn phải nhớ đời từ đó. Thật khó mà nhận được điểm bảy trong bài tập làm văn của thầy, bạn nào nhận được điểm bảy của thầy là có thể vênh váo với bạn bè rồi.

Nhờ sự nhẫn nại dìu dắt của thầy chúng tôi ngày càng yêu thơ văn hơn, hình như mắt cũng mơ màng nhìn mây gió hơn…

Cuối năm học ấy, không ai bảo ai nhưng cuốn lưu bút nào cũng có những vần thơ mộc mạc, trong sáng ghi dấu những kỷ niệm vui buồn trong một năm học…

- Dì ơi! Có chưa? Bo chờ mãi không được đã chạy vào đứng bên tôi. Tôi vội vã gấp vở lại

- Có đây rồi nè. Cô Bo có hướng dẫn Bo làm văn, làm thơ gì không?

- Đâu có ai bày vẽ chi mô mà cứ bắt nộp bài thôi. Bo phụng phịu, ngoe nguẩy.

Cô cháu gái đã ra về, tôi vẫn còn nghĩ mông lung về thầy.

Thầy tôi, một vị thầy hết lòng vì học trò. Các nguyên tắc làm bài thầy dạy đến bây giờ tôi vẫn nhớ và vẫn áp dụng khi cần thiết.

Nhiều năm tháng trôi qua, tôi lớn lên đi học ở nhiều trường, có nhiều thầy cô giáo nhưng người thầy đầu tiên dạy cho tôi biết yêu thơ ca, người đầu tiên gieo hạt giống trong tâm hồn thơ dại và đã khắc vào lòng tôi những kỷ niệm không bao giờ phai mờ.

Kim-Cúc