người dơi

  Tặng “ Người Dơi” kính thương nhân mùa nhớ ơn thầy cô
 

 

   Tôi đi dọc theo hành lang đến lớp. Sáng nay tôi phải lên lớp năm tiết. Một buổi sáng làm việc vất vả đây, tôi nghĩ thầm, mắt lơ đãng nhìn quanh sân trường im vắng. Tất cả học sinh đã vào lớp, lác đác một vài học sinh đi muộn đang rảo bước, mặt đầy lo lắng căng thẳng.

Một nữ sinh từ trong lớp chạy ra hành lang nhìn dáo dác về phía văn phòng, chợt thấy tôi đang lù lù đi tới, nó lật đật chạy vào lớp la toáng lên:

- “Người Dơi”! “Người Dơi” tới rồi tụi bây ơi.

Một cái đầu thò ra ngoài cửa lớp rồi thụt nhanh vào

- Về chỗ mau lên, “Điệp viên 007” tới rồi.

Có tiếng chân chạy huỳnh huỵnh, tiếng bàn ghế xô đẩy rào rạc. Tôi xuất hiện ở cửa lớp, mọi âm thanh bỗng im bặt, cả lớp ai cũng đã về chỗ ngồi, im lặng như tờ.

Khi tôi bước vào lớp, cả lớp đứng bật dậy chào.

Tôi cảm thấy buồn cười vì biệt hiệu “ Người Dơi”, rồi “Điệp viên 007” mà lũ học trò đặt cho mình, chắc là tại cái kính đen của mình. Nhìn lướt qua những khuôn mặt học trò đang cố đứng nghiêm trang, thầm nghĩ : Té ra cũng biết sợ  “Người Dơi” đó chứ!

       - Cám ơn quý vị.

     Tôi xoay lên bảng vờ cầm dẻ lau xoa xoa mặt bảng để cố che dấu nụ cười. Có tiếng thì thào của ai đó sau lưng

   - “Linh hồn tượng đá” mà cũng biết mỉm cười…

                                                  

 *   *   *

*

 

         Có bàn tay đụng nhẹ vào vai tôi, đang chìm đắm trong hồi ức cũ , tôi giật mình xoay người lại

    - Phòng năm đằng ni cô nè. Tôi im lặng gật đầu đi theo một thầy giáo trẻ.

   

Hôm nay, theo lời mời của một người học trò cũ, tôi trở lại ngôi trường xưa làm giám thị 1 cho một khoá thi vào trường cao đẳng.

 

Vừa bứơc vào cổng trường lòng tôi đã bồi hồi, xôn xao. Bao kỷ niệm tưởng đã lãng quên theo năm tháng bỗng hiện về như mới ngày hôm qua. Tim tôi đập rộn ràng, mắt nhìn quanh quất từ phòng họp Hội đồng giáo viên, qua phòng Giám học, Thư viện, các lớp học, hàng cây bạc hà… Nhìn đâu cũng tràn ngập những kỷ niệm. Cổ họng tôi thắt lại vì cảm xúc đang trào dâng. Lòng thầm hỏi đã bao lâu rồi tôi mới về lại chốn cũ này.

Sáng nay chưa phải là ngày thi chính thức, các thí sinh dự thi chỉ đến để nghe phổ biến nội quy thi rồi về. Tôi đứng im xem thầy giáo trẻ,  người giám thị 2, đang cố gắng gào lên, yêu cầu học sinh yên lặng. Nhưng các học sinh chừng như chẳng quan tâm cứ mãi miết chuyện trò, hỏi han nhau ầm ĩ. Thấy thầy giáo trẻ đỏ mặt tía tai vẫn không làm các em học sinh trật tự được, tôi ra dấu cho thầy để tôi giải quyết.

Tôi bước lên bục giảng, đứng im lặng nhìn các học sinh đang ồn ào lao xao. Năm phút rồi mười phút trôi qua tôi vẫn đứng lặng im, không nghe tôi nói gì, các em dần dần bớt ồn rồi im lặng nhìn tôi.

- Quý vị nói xong chưa? Bây giờ tới phiên tôi nói. Phải có người nói người nghe, chứ quý vị giành nhau nói vậy rồi ai nghe? Cả phòng thi im lặng.

- Tất cả nghe phổ biến nội quy thi, để thực hiện cho đúng.

Ngày hôm sau tôi tiếp tục đi coi thi, ngồi vào bàn thầy giáo nhìn các học sinh đang cắm cúi làm bài, lòng tôi lại dâng lên cảm giác mơ màng về ngày xưa.

- Em Nguyễn Thị Th. lên đọc bài. Cả lớp ngồi im

- Em Nguyễn Thị Th. lên bảng đi. Tôi nhắc lại lần nữa

- Dạ… dạ, một tiếng nói yếu ớt từ dưới lớp vọng lên.

Hồi lâu mới có một cô gái run rẩy bước lên. Nhìn khuôn mặt tái mét run sợ của cô học trò, lòng tôi chùng xuống, nhẹ nhàng hỏi:

- Cô có làm chi em đâu mà em run dữ rứa?

- Em có học bài không?

- Dạ... dạ có.

- Rứa thì em đọc đi.

- Dạ… dạ thưa… cô đọc đoạn nào?

- Nhớ chi đọc nấy cũng được. Tôi nhìn lơ ra cửa sổ để cô bé khỏi sợ, chờ nghe cô bé đọc bài

 

- Thân thể nguời ta... thân thể người ta chia ra… chia ra... làm… làm ba phần.

- Rồi răng nữa?

 

 

Rầm! Tôi chưa hỏi hết câu thì cô bé bỗng ngã ra xỉu, tôi hốt hoảng đứng dậy đỡ cô bé. Cả lớp hoảng hồn, nhốn nháo. Một vài em chạy lên đỡ bạn. Tôi nói nhanh:

- Có em nào có dầu gió không?

- Dạ có đây cô. Một em cầm chai dầu Nhị thiên đường chạy đến

- Xoa dầu vào hai bên thái dương và nhân trung cho bạn...

Cô bé dần dần tỉnh lại, mở mắt ra, thấy tôi và các bạn đang vây quanh có vẻ hốt hoảng, vội vàng ngồi dậy.

- Em thấy trong người răng rồi? khuôn mặt vẫn còn tái xanh cô bé lắc lắc đầu

- Có đỡ hơn chưa mà ngồi dậy rứa? Tôi hỏi

- Cô đừng lo, bạn thường hay bị xỉu rứa đó. Một cô học trò thấy tôi lo lắng vội nói.

- Rứa hả? Bị mấy lần rồi?

- Dạ ba bốn lần rồi cô

- Thôi hai em dìu bạn lên văn phòng nghỉ ngơi, còn các em khác về chỗ ngồi, ổn định lớp đi.

- Chúng ta học bài mới.

Thấy không thể dò bài các em nữa tôi tuyên bố giảng bài mới cho các em. Nhiều tiếng thở phào từ dưới lớp vọng lên làm tôi buồn cười thầm.

 

 *   *   *

*

- Thưa cô, cho em xin một tờ giấy thi nữa.

Tôi ngẩng đầu lên, một cô bé mặc áo dài trắng có khuôn mặt bầu bỉnh, ánh mắt trong sáng đang nhìn tôi. Tôi mỉm cười trao cho em tờ giấy thi, em cũng cười lại.

Mấy hôm nay tôi coi thi chung với thầy giáo trẻ, em gọi tôi bằng cô và xưng em như một người học trò. Em thường dành làm hết mọi việc, chừng như sợ tôi mệt. Thấy tôi trầm ngâm nhìn khắp mọi nơi em hỏi:

 

- Hồi trước cô dạy trường ni há ?

- Cô dạy ở đây bảy năm, còn em đang dạy trường mô?

- Em đang dạy trường Thái Phiên, được điều động xuống đây coi thi.

Tôi vừa nói chuyện với em vừa thầm nghĩ: những người học trò cũ của tôi chắc bây giờ cũng bằng hoặc lớn hơn em này.

Ngày đó tôi còn trẻ, dạy lớp 12. Các em nam sinh đứng cao hơn tôi một cái đầu. Thấy tôi còn trẻ các em thích chọc ghẹo tôi.

Có lần tôi vừa xoay mình lên bảng viết, dưới lớp có tiếng đồng thanh la lên:

- Em yêu cô!

Tôi thấy mặt mình nóng bừng lên, bối rối chưa biết phải làm sao, đành giả lơ vờ như không nghe. Có tiếng xì xào: một hai ba

- Em yêu cô!

Lần này còn la to hơn lần trước nữa, nhiều tiếng cười vọng từ dưới lớp lên. Bây giờ thì không thể vờ không nghe được. Tôi cố nén nụ cười, làm mặt nghiêm nhìn xuống lớp

- Ai vừa mới nói chi đó, đứng dậy đi.

Nhiều tíếng lao xao, tiếng thúc đẩy nhau. Cuối cùng có ba cậu học trò đứng dậy.

Trời ơi! Răng mà táo tợn ghê ri. Tôi nghĩ thầm, tim đập nhanh nhưng vẫn cố giữ khuôn mặt lạnh lùng

- Ai muốn nói chuyện riêng với tôi thì đến nhà riêng tôi nói, còn đây là lớp học, không thể làm mất thời gian học của mọi người được. Chúng ta tiếp tục học bài…

 

Tôi tưởng câu chuyện đến đó kết thúc, không ngờ đến tối hôm ấy, khi tôi đang ngồi soạn bài ở phòng trong, cô giáo ở cùng nhà với tôi chạy vào báo có ba cậu học trò đến tìm tôi.

Thật là quá thể cho cái lũ trẻ ranh này. Tôi thầm nghĩ không biết phải làm sao với bọn trẻ này đây. Nếu nghiêm khắc, gạt phăng đi thì không khéo chúng phản ứng lại. Hay là dỗ dành chúng, vì trẻ con bao giờ cũng là trẻ con. Sau một hồi suy tính, đã có chủ ý, tôi vui vẻ bước ra phòng khách.

 

Ba cậu nhỏ đang ngồi thì thầm nho nhỏ với nhau, thấy tôi bước ra, đứng dậy chào. Ba khuôn mặt đẹp trai, búng ra sữa tôi nghĩ thầm

- À! Ba em học lớp 12A3 đây hả ?

- Dạ.

- Các em ngồi đi. Các cậu nhỏ khép nép ngồi xuống ghế

- Ba vị nói yêu tôi khi sáng đó hả? Ba khuôn mặt đỏ bừng lên, lúng túng. Tôi nghĩ thầm: ở trong lớp, ỷ vào đám đông, các cậu nghịch ngợm lắm, sao bây giờ như mèo cụt đuôi ?

- Mình tôi mà ba vị đòi yêu tôi, làm sao đây? Tôi cười cười tiếp tục diễu cợt

- Em mấy tuổi rồi? Tôi chỉ một cậu nhỏ ngồi gần tôi

- Dạ, em mười tám tuổi. Cậu cười ngỏn ngoẻn trả lời

- Còn hai em?

- Dạ, em mười bảy.

- Em mười tám. Hai cậu cúi đầu lí nhí

- Tôi hai lăm tuổi, hơn các em 7-8 tuổi. Thấy ba cậu ngồi im cúi đầu tôi dịu giọng lại.

- Tôi cám ơn tình cảm của các em đối với tôi, nhưng nhiệm vụ của các em bây giờ là học. Các em phải học xong lớp 12 này, thi tốt nghiệp cho đậu. Rồi thi vào đại học, học thêm 5 năm nữa thành 6 năm, mới bằng tôi bây giờ. Khi đó hãy đến tìm tôi.

- Chỉ sợ lúc đó các cậu đã thành tài rồi chẳng thèm đến thăm tôi. Tôi cười cười nói

- Dạ, không đâu cô. Ba cậu đồng thanh trả lời.

- Cô giảng bài các em thấy khó hiểu lắm hả? Tôi nói lãng qua chuyện khác.

- Dạ không, cô giảng dễ hiểu lắm

- Rứa hả, răng cô thấy ba đứa nhìn đi đâu, có nghe đâu?

Ba cậu nhỏ gãi đầu gãi tai cười.

 

Từ đó bộ ba nghịch phá nhất lớp trở thành những người học trò ngoan nhất trong giờ học tôi. Thỉnh thoảng các em đến chơi với tôi, kể cho tôi nghe chuyện học hành, chuyện bạn bè trong lớp, trong trường và cả những ước mơ sau này của các em.

Chuyện các em nghịch phá tôi trở thành một kỷ niệm khó quên nhất của tôi và các em.

 

 *   *   *

*

Sáng nay là buổi coi thi cuối cùng, tôi cảm thấy nao nao buồn như một lần nữa lại chia tay nơi chốn này. Cả buổi sáng tôi miên man nghĩ về những người học trò cũ. Những người học trò tôi từng dạy ở đây bây giờ đã lớn, đã có gia đình, sự nghiệp riêng. Lâu lâu họ ghé thăm tôi, kể chuyện người học trò kia thành công rực rỡ trên đường đời, lòng tôi vui sướng như chính tôi được thành công; người học trò nọ thất bại tôi lại buồn rầu lo lắng; hoặc có người bị bệnh nan y, ra đi về miền miên viễn lòng tôi xót xa , thương tiếc âm thầm.

Những người học trò nhỏ bé của tôi, mặc dù bây giờ họ không còn nhỏ bé nữa, nhưng trong lòng tôi họ vẫn là những cậu nhỏ nghịch phá, những cô bé có đôi mắt trong sáng ngây thơ, đã từng âu yếm, nghịch ngợm đặt cho tôi đủ các biệt hiệu: “Người Dơi”, “Điệp viên”, "linh hồn tượng đá"...  lại chính là niềm vui và mục đích của đời tôi.

Nếu quả thật có kiếp trước kiếp sau, thì kiếp sau tôi vẫn xin được làm người nâng đôi cánh ước mơ cho các em.

 

Trần-Thị Kim-Cúc