ngày về

  (Tặng bạn Như Ánh, kỷ niệm một lần về thăm lại ĐN, bạn bè U50)
 
 

Rời Đà Nẵng về Mỹ đã một tuần nay nhưng tôi vẫn chưa trở lại nhịp sống bình thường, một phần là do sự chênh lệch múi giờ ở hai nơi, một phần là hồn tôi còn vương vấn nơi quê hương đất Quảng, quê hương của những ngày tuổi nhỏ. Đầu tôi vẫn còn đầy ắp những hình ảnh của bạn bè, tai tôi như nghe tiếng nói tiếng cười lao xao đâu đây.

Thỉnh thoảng đang làm việc tôi lại ngẩn người ra hồi lâu vì chợt nhớ một câu chuyện của bạn nào đó, có khi lại mỉm cười một mình vì bổng nhớ một câu bông đùa của bạn... Cô em gái tôi thấy tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn tha hồ đoán già đoán non, cho là tôi đang tương tư anh chàng nào. Tôi không cãi lại, im lặng mỉm cười, càng làm cho nó nghi nghi hoặc hoặc.

Quả là tôi cũng đáng buồn cười thật, tôi đang tương tư cái lũ bạn ngày còn nhỏ của tôi, chỉ hơi rảnh rang một chút là hồn tôi lại bay về Đà Nẵng ngay.

*****

Phi cơ bay thấp xuống dần, qua khung cửa sổ nhỏ thành phố Đà Nẵng đang dần dần hiện ra bên dưới. Tôi thấy tim mình dường như đang đập nhanh hơn, bồn chồn nôn nao không tả được.

Như sắp gặp người yêu vậy, mà chỉ có hai con nhỏ Mậu và Bích Hoài chứ có ai đâu, tôi nghĩ thầm và cảm thấy buồn cười cho mình.

Xách va li qua cửa thuế quan, tôi thấy Mậu đang đứng cùng năm người nữa. Ai vậy nhỉ? Tôi thầm hỏi.

Mậu bước đến ôm chầm lấy tôi, rồi xoay qua chỉ những người chung quanh.

-   Như  biết bạn nào đây không?

-   Bích Hoài chứ ai, Hoài đâu có thay đổi gì đâu. Bích Hoài phá lên cười một cách khoái chí.

 Tôi nhìn sang những khuôn mặt tươi cười xung quanh cố moi móc ký ức, tôi không muốn các bạn buồn vì tôi không nhớ các bạn. Giây phút này còn căng thẳng hơn cả những lúc đi thi cử nữa.

-   À! Thơ Thơ đây phải không?

-   Ta đây chứ ai. Thơ Thơ vênh mặt lên, điệu bộ này thì không lầm với ai được.

-   Thơ Thơ tặng hoa cho “ Dờ vật chính” đi chứ.

-   Ờ! Quên… quên

Trời ! có mang theo cả hoa tặng nữa. Tôi nghĩ thầm. Niềm vui thật bất ngờ, tôi cứ nghĩ chỉ có Mậu và Bích Hoài đón tôi không ngờ các bạn đến vui như vậy.

- Sao lại gọi “ Dờ vật chính” ? Tôi ngạc nhiên hỏi. Mậu thì thầm vào lỗ tai tôi Còn cả bọn phá lên cừơi.

-         Ai đây, Như  nhớ không? Người giỏi toán lớp mình,  Hương cận. Người đẹp này cách đây hơn 30 năm đã mang hai cái đít chai rồi, bây giờ cũng vậy.

-         Người này thì đi thi đố vui để học được thầy Thụy cho cuốn "English For Today" về gác giàn bếp nè, Hoàng Châu cách cách

-         Người này nữa?

-         Người này thì đẹp gái hơn ngày xưa nhiều. Tôi nhanh nhẩu trả lời làm cả bọn cười ồ, còn Kim Cúc thì cười ngỏn ngoẻn.

Cả bọn lên xe đến nhà hàng cơm niêu, vừa ăn cơm trưa vừa nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa.

-         Như  nè, mi còn cho cái tai Bát giới của mi nhảy lambada được không? Mậu la to lên cố áp tiếng nói chuyện rì rào của các bạn

-         Dĩ nhiên là được, mi muốn nhảy điệu chi? Tango, cha cha cha… hay slow là ta cho nó nhảy theo điệu đó. Mậu kể lể:

-         Ngày trước giờ thầy Dũ dạy Anh văn, Như cho cái tai Bát giới của nó nhún nhảy làm con Cúc ngồi bên cạnh cười rúc rích từng hồi. Thầy Dũ cứ tưởng cười chi thầy, nói rồi Mậu giả lại giọng thầy gọi Cúc :

-         Cúc! Em cười cái chi rứa? Cả bọn cười rũ ra

-         Ăn xong rồi con Mậu, con Như  lên chùa Phổ Đà quỳ hương đi, Hoàng Châu cách cách nói

-         Ủa! sao vậy? Tôi hơi ngạc nhiên

-         Vì Mậu và Như  hồi đó cũng có tham gia chọc thầy Dũ, chừ thầy được thờ trên chùa Phổ Đà, tụi bây lên xin lỗi thầy đi.

-         Con Ngọc Liên chứ không phải ta. Tôi và Mậu cùng la lên

-         Hai đứa bây cũng có cười dà hùa theo, Hương cận nói

-         Ừ! Hồi đó không biết sao mình a dua theo chi rứa hè, Mậu càm ràm hối tiếc.

-         Hồi đó thầy Dũ có làm mấy câu thơ về bọn mình đó, tụi bây nhớ không? Hạnh lên tiếng

-         Răng không ai nhớ chi hết, mi đọc lại đi, Cúc nói

-         Học sinh im! Nghe ta đọc đây, Hạnh đằng hắng giọng rồi đọc:

 

 

Những con se sẽ lắm lời

Đanh đá ganh ghét giữa trời cãi nhau

Một phút im lặng đột ngột, tất cả đang bùi ngùi nhớ về thầy Dũ. Không gian chùng xuống. Ký ức hiện về, tôi vội thay đổi không khí:

-         Ta nhớ hồi đó ta với con Cúc đóng một vở kịch, con Cúc đóng vai một anh chàng nhà quê không biết chữ, còn ta đóng vai vợ của anh chàng nhà quê đó.

-         Ủa! Răng mình quên mất rồi hè. Cúc nói

-         Đúng rồi! con Cúc đóng anh chàng nhà quê, cột cái khăn rằn trên đầu. Còn con Như đóng vai bà vợ , có nhan sắc, đỏng đảnh. Một hôm ông chồng bắt gặp một lá thư, vì không biết chữ phải nhờ người đọc. Đến đoạn đóng mở ngoặc đơn, ông chồng kêu lên: “Trời ơi! Đóng mở vậy còn chi bà xã tui”… Thơ Thơ với trí nhớ của một hoạ sĩ, hăng hái kể lại:

 

-         Bây giờ ông xã tôi đẹp gái hơn hồi xưa nữa đó. Tôi cà rỡn.

Câu chuyện vẫn còn huyên thuyên bất tận nếu bạn Hương, Cúc, Hạnh… không nhắc nhở đến giờ về đi làm rồi.

Tôi ở lại nhà bạn Mậu, anh La chồng bạn Mậu rất nhiệt tình, dễ thương, đã để cho Mậu và tôi ở cùng phòng tha hồ tâm sự, chuyện trò suốt đêm.

-         Cho anh La ở giữa, bà lớn bà nhỏ ở hai bên. Mậu chọc

-         Bà nhỏ chi bự con rứa mà nhỏ? Anh La chọc lại làm tôi hơi quê

-         Thường người ta vẫn cưng bà nhỏ hơn bà lớn và sợ bà lớn hơn bà nhỏ mà ở đây bà lớn nhưng nhỏ con, bà nhỏ nhưng bự con, anh La tính sao đây? Tôi nói

-         Anh sẽ tùy theo tình hình từng lúc từng nơi mà cho ai làm bà lớn hay bà nhỏ. Anh La tỉnh bơ  nói lại làm mọi người cười oà.

 Buổi tối hôm ấy, tôi và Mậu đang đi thăm người bà con thì các bạn gọi điện thoại kêu réo ầm ỉ, bảo phải đến ngay, đến ngay.

 Khi tôi và Mậu đến Karaoke Sương Chiều, các bạn đã tập trung đầy đủ. Khoảng gần ba mươi bạn đang chờ tôi với lẳng hoa có gắn dòng chữ chào mừng Như trở về, làm tôi cảm động muốn nghẹt thở. Tình thân bè bạn mà tôi ngỡ đã đi vào quên lãng sau hơn ba mươi năm không gặp nhau, ngờ đâu vẫn còn thắm thiết như mới sau một kỳ nghỉ hè gặp lại.

 Các bạn tíu tít hỏi thăm tôi đủ điều làm tôi trả lời không kịp thở. Có nhiều bạn đã ba mươi mấy năm tôi mới gặp lại, bạn nào gặp lại tôi cũng mừng vui hớn hở. Lòng tôi tràn ngập một tình cảm ấm cúng như đi xa mới trở về gia đình, gia đình của các cựu nữ sinh Hồng Đức.

Gặp lại nhau, các bạn chuyện trò không ngừng, một số bạn say mê hát karaoke những bài hát vui, những bài hát thời học sinh, còn một số cùng nhau nhảy, múa thành vòng tròn. May là phòng Karaoke rộng rãi, xây dựng kiên cố nên mới chịu đựng được gần ba mươi cái loa phóng thanh cùng phát một lúc và những thân hình bồ tượng nhún nhảy.

 Đa số các bạn ở Đà Nẵng, trong cùng một thành phố thường gặp lại nhau, cùng cười đùa, chọc phá nhau rất vui. Nhìn các bạn tôi ao ước làm sao có được những giây phút với bạn bè, để chia sẻ buồn vui như vậy.

 Những ngày kế tiếp sau đó, tôi được các bạn dẫn đi thăm Tháp Mỹ Sơn, đi thăm phố cổ Hội An, đi uống cà phê tán dóc, đi nhà hàng, đi massage, đi mua sắm, đi làm đẹp… Chúng tôi quấn quýt bên nhau mấy ngày liền. Mậu, Hoa, Hương , Hoàng Châu, Cúc, Bạch Nhạn, Tuyết, Thanh Thu… đã lơ là công việc vì mải chuyện trò với tôi, mải tranh nhau kể lại những kỷ niệm của thời học trò dưới mái trường Nữ Trung Học Hồng Đức. Bích Hoài, Thơ Thơ, Kim Oanh, Lệ Hồng, Tuyết Hằng, Thu Sương, Trang, Thêm… hẳn cũng “đãi” chồng con ăn cơm hộp dài dài vì bận bạn bè.

 Mậu dẫn tôi đi mua vải may áo dài, nhìn những tấm vải ướm thử vào người, tôi thấy cái nào cũng đẹp. Tôi mua một lần năm cái. Tuy nhiên, người thợ may không được đẹp đã làm tôi buồn mất năm phút. Đúng lúc này tự nhiên nỗi nhớ chợt oà về, tôi nghĩ thầm: nếu “người ấy” may cho tôi hẳn là đẹp hơn.

 Thành phố Đà Nẵng thật là nhỏ. Ngày hôm sau, tôi nhờ Cúc chở tôi đến nhà anh chị bà con để từ giã về Mỹ.

 Thật bất ngờ, tôi gặp “người ta” đang ở đó. Anh bà con của tôi đã kêu lên: “ Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, làm cả hai đều ngượng ngập, gượng cười lúng túng.

 Người ta vẫn vậy: đẹp trai, hiền lành, chân thật và ít nói. Tôi đành phải lên tiếng để phá vỡ khoảng trống chông chênh.

- C. mới đến chơi à?

- Ừ! C mới đến, N về khi nào vậy?

- N. về mấy hôm rồi, chiều nay bay vào Sài gòn.

- Sao gấp vậy? Về mà chẳng nghe ai nó chi hết trơn? C. nói, vẻ mặt ngẩn ngơ, luyến tiếc

- N. ở nhà bạn mấy hôm nay, đi chơi khắp nơi rồi, giờ đến chào anh ch để chiều đi

- Hai hôm nữa C. đi phỏng vấn, chuẩn bi đi Cali. C nhìn tôi chăm chú nói

- Vậy hả? Vậy hẹn gặp nhau ở Cali. Tôi cười cười nói.

- N. cho số điện thoại đi, C. qua sẽ điện thoại cho N. Tôi ngoáy vội mấy chữ số trên tờ giấy, thấy tay mình sao hơi run run.

 Từ giã anh ch và C. tôi về, lòng còn xao xuyến bâng khuâng, Cúc nói gì đó, tôi không nghe cũng ầm ừ cho qua chuyện. Lòng thầm hỏi sao bao nhiêu năm rồi mà mình vẫn chưa quên?

 Tôi vẫn còn mong ước canh cánh bên lòng là chưa được ngắm lại bãi biển Mỹ Khê, nơi ngày xưa được nghỉ tiết học cuối là chúng tôi rủ nhau ra bờ biển nghịch nước, đùa với sóng. Bạn Lân lúc đó thích biển quá đã mặc nguyên áo dài đi học tắm biển. Nhưng rồi ngại làm phiền bạn bè đưa đi, tôi đành hẹn với biển sang năm về vậy.

 Buổi chiều, các bạn lại tụ tập tiễn tôi ra sân bay. Cả bọn choàng vai nhau chụp hình, cười đùa. Nhìn những khuôn mặt bạn bè vây quanh tôi, tự nhiên tôi thấy mắt hơi cay cay, tôi rút vội mắt kính đen mang vào.

-         Sao không thấy ai khóc hết bây? Có ai đó nói

-         Chừ mà có đứa mô khóc mồi là cả bọn khóc liền. Hoàng Châu pha trò. Cả bọn phá lên cười.

 Tôi bước qua cửa hải quan ngoái đầu nhìn lại, các bạn vẫn còn đứng đó giơ tay vẫy vẫy... Tôi nhìn quanh quất như cố thu hết hình ảnh của tất cả bạn bè và khung trời yêu dấu để mang về bên kia quả địa cầu.

 Mắt nhạt nhòa, tim tê tái tôi xoay mình bước đi.

 

 

 

 

Trần-Kim-Cúc