Chuyện Lớp Mười...
 

 

   Tôi ngẩng đầu nhìn chiếc đồng hồ màu hồng treo trên tường, đã hai giờ chiều. Ánh nắng bên ngoài vẫn đang gay gắt, buổi trưa mùa hè thật vắng vẻ, cây cối đứng im phăng phắc không một ngọn gió thoảng qua.

Nhà tôi là một ngôi nhà nhỏ hai tầng trong xóm lao động. Đầu ngõ Ba tôi trồng một giàn hoa Vàng Anh, các chùm hoa vàng rực rỡ chen giữa lùm lá xanh um. Ba tôi sơn màu hồng cổng rào, tường nhà bên ngoài cũng màu hồng, thành đề tài cho các bạn tha hồ choc tôi. Các bạn tôi thường nghêu nghao: “ … nhà em có hoa vàng trước ngõ, tường thật là cao…” nhưng tường rào nhà tôi không cao, ngày còn nhỏ tôi thường trốn ngủ trưa, trèo rào lẻn đi chơi

Trưa nay tôi không dám ngủ trưa, sợ ngủ quên, để chờ các bạn đến. Cuộc hẹn găp các bạn để bàn về lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập trường được ấn định vào lúc hai giờ chiều, nhưng thường các bạn hay dùng đồng hồ cao su nên tôi phải hẹn lúc một giờ rưỡi. Dầu vậy, chắc cái nắng cháy da, nám mặt ngoài kia đã cản đường những người hăng hái nhất.

Tôi nghĩ thầm: chắc còn phải chờ đợi lâu đây. Tôi với tay lấy cuốn album cũ trên tủ sách lần giở từng trang. Những tấm hình đen trắng, ố vàng lần lượt gợi lại cho tôi những kỷ niệm khó quên ngày còn học dưới mái trường Nữ Trung Học Hồng Đức. Ngày đó…

 

Nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng và vua Lê Thánh Tôn, có bút hiệu là Hồng đức mà trường mang tên. Trường Nữ Trung Học Hồng Đức tổ chức lễ kỷ niệm ngày truyền thống (30/1 âm lịch) trong hai ngày, có cắm trại tại trường, có tổ chức các gian hàng vui chơi, các cuộc thi nhiều môn giữa các lớp, có bán vé vào cửa cho các học sinh trường bạn vào các gian hàng chơi. Thành phần tham dự là học sinh từ lớp 10 dến lớp 12.

Thông tin trên vừa được nhà trường thông báo cho các học sinh, là  lũ chúng tôi đã rạo rực, xôn xao ăn ngủ không yên rồi.

Lũ chúng tôi, đó là đám học trò lớp 10, cái đám “choi choi” của trường NTH HĐ, cái bọn không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải người lớn.

 Các bạn của tôi, có bạn vẫn còn thích cột áo dài lên để nhảy dây, để chơi trốn tìm, u mọi... có bạn đã biết làm đỏm, xum xoe áo quần, có bạn đã biết đỏ mặt thẹn thùng, chân bước lính quýnh khi đi ngang qua đám con trai bị chọc ghẹo, nhưng cũng sẵn sàng đứng lại đấu võ mồm nếu đi một đám đông với nhau mà bị chọc dai.

Các bạn tôi học cùng nhau từ năm lớp sáu đến năm lớp chín. Lên lớp mười theo phân ban của nhà trường, các bạn xếp vào các lớp A, B, C…  lại chia thành từng nhóm khác nhau.

Trong dịp lễ kỷ niệm này, các lớp mười là tham gia hăng hái, tích cực nhất. Các bạn tham dự tất cả các môn thi do nhà trường tổ chức như là: thi nhảy bao bố, thi đua xe đạp chậm, thi đi tìm mật thư, thi bích báo, thi nấu ăn ngon, thi văn nghệ, thi tổ chức các gian hàng trò chơi, gian hàng ăn uống... vì một số môn thi có vẻ trẻ con nên các chị lớn không thèm tham dự.

Vậy là sư ganh đua giữa các nhóm lớp mười với nhau trở thành gay cấn, sôi nỗi, mặc dù mỗi nhóm đều có những sở trường và sở đoản khác nhau.

 

Nhóm Nguyệt Thu, Nguyệt Nga, Tuyết Mai, Tuyết... lao vào môn thi nấu ăn, môn này có các chị lớp lớn tham dự nữa.

Đề tài thi nấu ăn là: Mỗi nhóm phải nấu bữa ăn cho một gia đình bình thường gồm có sáu người, bữa ăn này phải đầy đủ dinh dưỡng, ngon lành và trình bày các món ăn đẹp mắt, trong thời gian là một tiếng đồng hồ.

Các bà nội trợ tương lai đua nhau trổ tài. Sau thời gian quy đinh các nhóm đều hoàn thành, mâm cơm dự thi nào cũng đạt tiêu chuẩn đủ dinh dưỡng, nấu ngon và trình bày đẹp.

 Ban Giám khảo đành phải ra một câu hỏi phụ là giá tiền của bữa ăn dự thi là bao nhiêu tiền? Các nhóm đều trả lời giá của bữa ăn ngon như vậy rất cao, riêng nhóm Nguyệt Thu đã đưa ra một gía rất thấp làm Ban Giám khảo ngạc nhiên:

-   Sao nhóm các em lại có giá rẻ vậy?

-   Thưa Ban Giám khảo, nhóm em làm bữa ăn được giá rẻ như vậy  vì nhờ mẹ bạn Nguyệt Nga bán hàng ngoài chợ Hàn mua giúp theo giá bán sĩ, nên được giá rẻ hơn bình thường. Nhóm trưởng Nguyêt Thu nhanh miệng trả lời làm Ban Giám khảo và các bạn tham dự đều cười xoà.

-    Các nhóm đều đạt các tiêu chuẩn của đề ra, nhưng riêng nhóm em Nguyệt Thu có giá thành bữa ăn rẻ nhất, phù hợp với kinh tế sinh hoạt của một gia đình bình thường. Vì vậy Ban Giám khảo quyết định nhóm em Nguyệt Thu được đứng nhất. Ban Giám khảo tuyên bố

Vậy là nhóm Nguyệt Thu đứng nhất về môn nấu ăn.

Theo sự gợi ý của thầy Tường, nhóm Nguyệt Thu thừa thắng xông lên, tổ chức quán ăn Bạn Tôi để phục vụ cho các bạn tham dự lễ kỷ niệm. Nhưng quán này không tồn tại được lâu, vì dầu mua giá sĩ quá rẻ mà bán giá lẻ quá “cắt cổ” làm các bạn thực khách chỉ dám đến một lần rồi bỏ chạy dài.

Nhóm Lễ Trinh, Anh Trinh, Mậu, Bạch Nhạn, Hoàng Châu... nhanh nhẩu chiếm chiếc xe hư bỏ ở cạnh cổng trường làm căn cứ. Nguyên chiếc xe này là xe đưa đón học sinh nhưng đã bị hư, từ lâu không còn dùng được nữa, biến thành chỗ hứng lá kiền kiền rơi xuống và bao nhiêu thứ  “linh tinh” khác nữa.

Nhóm Lễ Trinh phải bỏ ra một ngày để tổng vệ sinh, đánh bóng cho nó, biến thành căn cứ để họp nhóm làm bích báo, bàn chuyên thơ văn trên xe này.

 Có lẽ do hơi hướng của chiếc xe đã làm cho những bài thơ, bài văn của nhóm này mùi mẫn lãng mạn hơn các nhóm khác. Đồng thời cũng do bàn tay tài hoa của nhóm trưởng Lễ Trinh trình bày, làm tờ bích báo của nhóm đẹp một cách đặc biệt. Vì vậy nhóm này được giải nhất toàn trường về bích báo.

Sau đó không thể bỏ không căn cứ được nhóm Lễ Trinh bèn trang hoàng thành xe bán kem, giải khát phục vụ cho những ngày lễ. Các bạn có thể vừa đi xe buýt vừa uống giải khát, thoang thoảng có mùi “sầu riêng”.

Nhóm Kim Anh, Hồng, Kim Oanh, Phạm Thị Hoa, Thanh Hương, Quang Ấn, Hạnh… với gian hàng trò chơi.

Các trò chơi như ném phi tiêu trúng vào vòng tròn đồng tâm quay tít, ném đồng tiền kên trên bàn gương, ném banh vào rỗ... thu hút các học sinh nam ở các trường bạn không ít. Vì mỗi lần các bạn nam sinh tham gia đều được các bạn nữ sinh đứng thành vòng tròn xung quanh cổ vũ.

Những tiếng cười, tiếng xít xoa tiếc rẻ, tiếng vỗ tay tán thưởng của các bạn nữ sinh làm mặt các bạn nam sinh lúc đỏ, lúc trắng bệch, lúc xám xanh… thay đổi liên tục, làm trò chơi thêm phần hào hứng, náo nhiệt.

 

Tuy vậy, ở cuộc thi văn nghệ là sôi nổi hơn cả vì tất cả các lớp đều tham gia.

Nhóm Khoa Nguyên, Chế Thu Hương, Liên Hương, Hoài Thanh, Minh Nguyệt, Kim Cúc lập thành ban nhạc lớp mười, dưới sự dìu dắt của ông bầu là “Thầy Tường”. Trong đó Khoa Nguyên chơi guitar bass, Minh Nguyệt choi guitar accord, Kim Cúc chơi guitar solo, Chế Thu Hương chơi organ (mượn organ của Nhà thờ chơi đỡ), Liên Hương chơi trống, Hoài Thanh chơi piano.

Ban nhạc lớp mười này luyện tập ngày đêm để chuẩn bị trình diễn vào đêm văn nghệ chính thức của ngày lễ. Nhưng đến phút cuối ông bầu “Thầy Tường” không cho lên sân khấu, lý do là đã có ban nhạc chuyên nghiệp rồi nên Ban nhạc lớp mười đành ngồi ở ghế dự bị.

Nhóm Lệ Hồng, Hoa, Trinh… trong tiết mục hoá trang các hoa hậu của các nước đến Việt Nam tham dự ngày lễ Hai Bà Trưng.

Bạn Lệ Hồng trong trang phục áo dài với mái tóc thề, thướt tha đi tới đi lui làm hoa hậu Việt Nam.

Ban Trinh trong vai hoa hậu nước Mễ Tây Cơ với váy áo sặc sỡ và cái mũ lát rộng vành.

Bạn Hoa trong vai hoa hậu Trung Quốc với bộ xường xám duyên dáng.

Bạn Hằng trong vai hoa hậu Mỹ với áo dài dạ hội màu xanh, tóc nhuộm vàng, da trắng hồng xinh đẹp.

Bạn Phi Nga với nước da ngăm ngăm, đôi mắt đen to hàng mi dài cong vút, mũi thẳng cao, như được Trời cho làm hoa hậu Ấn Độ từ khi lọt lòng rồi…

Nhóm Tuýêt Hằng, Bạch Nhạn, Thu Sương, Anh Trinh… trong hoạt cảnh Bạch Tuyết và bảy chú lùn.

Bạn Tuyết Hằng trong vai Bạch Tuyết xinh đep, thánh thiện. Bạn Bạch Huệ trong vai hoàng tử, cũng khá đẹp trai tuy có hơi lanh chanh một chút.

Các bạn Anh Trinh, Thu Sương, Bạch Nhạn trong vai chú lùn. Các chú lùn thì có lùn nhưng ốm tong ốm teo, và cũng chỉ có ba chú lùn chứ không đủ bảy chú lùn, lý do là không tìm thêm được bạn nào lùn bằng ba bạn này.

Nhóm Đặng thị Hội, tôi và Huyên trong tiết mục ban AVT cải biên thành ban HCH. Chúng tôi bắt chước ban AVT trong tiết mục Ba bà đi bán lợn xề. Bạn Đặng Thị Hội bắt chước theo giọng Nam, tôi thừa kế của Ba tôi giọng Huế và Huyên thừa kế của Mẹ bạn giọng Bắc.

Còn thiếu nhạc cụ cổ truyền, Hội và tôi đạp xe đi mười cây số đến nhà cậu của bạn để mượn cây đàn nguyệt.

Huyên thì hết nịnh nọt, sang năn nỉ, ông ngoại bạn vẫn không cho mượn cây đàn cò, vì ông sợ làm hư cây đàn quý của ông. Huyên phải ra chiêu tối hậu là khóc như mưa bão, ông ngoại bạn mới đầu hàng, cho mượn cây đàn yêu quý.

Vẫn còn thiếu một nhạc cụ nhưng cuối cùng tôi phải sử dụng cây đàn guitar tân thời, vì thực ra bạn Hội ôm đàn nguyệt, bạn Huyên ôm đàn cò cũng chỉ để làm cảnh, chứ đâu biết đàn. Vậy là tôi đệm guitar cho các bạn hát.

Tiết mục này mặc dầu chưa phải là hay nhưng được nhiều bạn và các thầy cô tán thưởng vì nhìn thấy bộ điệu của bộ ba HCH là mọi người đủ tức cười rồi.

Ba chúng tôi mặc áo dài đen mượn của các cụ, quần trắng, đội khăn đóng. Các bạn còn nghịch ngợm vẽ thêm râu cho chúng tôi nữa. Bạn Huyên có bộ râu ba chòm, bạn Hội mang râu cá trê, còn tôi mang bộ râu dê với chùm râu dưới cằm.

Nhìn những bộ mặt non choẹt mà mang râu ria tùm lum làm các thầy cô phì cười, còn các bạn thì cười ngặt nghẽo.

Nhóm bạn Võ thị Thêm và bạn Xuân Thảo trong tiết mục song ca, với bài hát: Lãng du. Bạn Thêm với giọng bè tự biên thật hay, thật khoẻ. Nhờ vậy, sau này ai cũng biết “Thêm Lãng du” cả .

Ngòai ra, còn hai đơn ca của bạn Lệ Hồng trong bài Đêm đông và bạn Bích Hoài trong bài Ngày xưa Hoàng Thị. Hai bạn này hát đơn ca thật tuyệt vời. Như số Trời đã định từ khi còn nhỏ, sau này lớn lên bạn Bích Hoài thành ca sĩ nổi tiếng ở các phòng trà, còn bạn Lệ Hồng là ca sĩ nổi tiếng trong ngành Ngân Hàng.

Nhóm Xuân Hương với tiết mục hoạt cảnh Cô Bé đi chùa Hương... Bạn Xuân Hương trắng trẻo, mủm mỉm như một con búp bê trong vai Cô Bé đi chùa Hương, với áo tứ thân, tóc đuôi gà. Bạn Tuất trong vai Thầy của Cô bé, mặc áo dài khăn đóng, bạn Nga trong vai Mẹ của Cô bé, mặc áo tứ thân đội khăn mỏ quạ…

 

Tiếng cười nói, tiếng còi xe ầm ĩ đầu ngõ kéo tôi trở về với thực tại, lũ bạn lớp mười của tôi đã đến.

Các cô bé nửa trẻ con nửa người lớn ngày xưa giờ đã trưởng thành, các bạn đã lên chức vợ chức mẹ. Có bạn có con là sinh viên, có bạn còn chăm sóc con nhỏ, cũng có bạn vẫn “solo”.

Các bạn làm nhiều nghề khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng các bạn vẫn giữ một mối tình chung là tình thân, tình bằng hữu của cựu nữ sinh Hồng Đức hơn ba mươi năm không hề tàn phai.

-     Chủ nhà đâu, mau mang dù lọng ra đón tiếp khách quý.

Tôi mỉm cười, nghĩ thầm: nghe giọng nói biết là bạn Thêm đang léo nhéo rồi.

Tôi luyến tiếc gấp những tấm hình lại. Những tấm hình đen trắng, ố vàng, loang lỗ đã cùng tôi chia sẻ những rung cảm nhẹ nhàng của hồi ức kỷ niệm hơn ba mươi năm qua. Nó là bản tình ca không lời đã từng xoa dịu, an ủi, khích lệ tôi, giúp tôi rũ sạch những muộn phiền, lo âu trong dòng đời khốc liệt và sẽ cùng tôi đồng hành cho đến cuối đời. (*)

 

Kim-Cúc

(*): Một số sự việc, tên người, thời gian cũng nhạt nhoà theo năm tháng, vì vậy nếu có nhầm lẫn sai lệch xin các bạn vui lòng bỏ qua.