Nhớ Mạ
   
 

 

- Chừ mình tới thắp hương cho bà ngoại con hỉ?


- Dạ
- Hôm nay con được mấy điểm mười?
- Dạ ba.
- Con nhớ báo cáo bà ngoại nghe.
- Dạ.

Nhưng nhà Mạ đóng cửa. Đức đang chạy taxi. Thành đang ở công ty, Thanh có lẽ đi đón mấy đứa nhỏ. Ba thì đã đi Huế từ hôm qua. Ba muốn nằm bên mộ Mạ, làm thơ tình tặng Mạ. Ba trầm lặng, ít nói, rứa mà bữa ni ba hay nhắc đến Mạ lắm. Nhìn chi cũng nhớ Mạ. “Tội nghiệp, Mạ con thích cây lược vàng lắm, ngày mô cũng ăn vài lá chữa bệnh, lại hay hái cho hàng xóm. Bữa ni đám lược vàng xanh um không ai hái! ”.

Mình thích làm vườn. Nhìn hoa cỏ, trầu cau quấn quít lại nhớ mạ.

                       Nhìn bông hoa nở rộ
                       Con không khỏi ngậm ngùi
                       Quanh con đều có mẹ
                       Từ làn gió biển khơi
                       Mẹ là trời là đất
                       Là vũ trụ đó thôi
                       Mẹ con đâu có mất
                       Mà hoá thân sáng ngời
                       Nên sao thêm lấp lánh
                       Cây lá càng xanh tươi
                       Giữ cho tâm trong sáng
                       Để thấy mẹ mỉm cười



Mạ lam lũ khi gánh cháo lòng, khi rỗ thịt đi bán. Sáng tới lò mổ gần nhà, lấy lòng, lấy thịt heo, bán cả ngày, trả lại vốn cho chủ lò, kiếm chút lời. Mạ có trí nhớ rất tốt, nhiều người không có tiền Mạ cho mua chịu, thấy lâu mới lựa lời nhắc khéo, ai cũng vui vẻ trả nợ, không mất bao giờ. Mười Bốn, Rằm, Ba Mươi, Mồng Một Mạ lại bán đồ chay. Tương chao Mạ làm, không đâu bằng được.

Mạ kham nhẫn nuôi con, khuyến khích chồng đi chùa, làm việc thiện. Nhà mình không dùng từ “Đi chợ”, mà là “Đi lấy đồ ăn” vì Mạ đã mua sẵn đồ ăn, sơ chế ở chợ, bỏ vào giỏ, con cái chỉ ra lấy đem về nấu, không phải bận tâm chuyện tiền nong, mua bán để tập trung vào chuyện học.

Một hôm, Mạ đang ngồi bán thịt heo ở chợ Tam Giác, có một ni cô đi qua, nhìn Mạ chăm chú, rồi nói: Răng mặt mày phúc hậu ri mà lâm vào nghiệp bán thịt giữa chợ tội quá!

Khi các con đã lớn, đi làm, có gia đình riêng, Mạ dứt nghiệp bán thịt heo theo ước nguyện từ lâu, sắm ít hàng hoá lặt vặt để vừa trông nhà, vừa bán hàng, con cái khuyên Mạ không nghe, nói để có việc làm cho vui. Con cái đành nghe Mạ, phụ giúp mọi việc, còn Mạ thì coi hàng, đi vô đi ra cho hoạt bát.

Nhưng cuối cùng thì Mạ lại tự quyết định dẹp quán: Đức đã có việc làm. Ngọc chuẩn bị ra ở riêng. Vợ chồng Thành về đây nhưng tụi hắn có công ty riêng, lại bận bịu con nhỏ, không thể phụ Mạ được. Cái tủ ni Mạ cho con bé bán bánh chuối chiên trước nhà. Tội nghiệp, hắn chịu khó lắm.

Nghe Mạ quyết định dẹp quán, ai cũng mừng. Con cái hết đứa ni đến đứa khác tới chơi, chuyện trò với Mạ. Chiều đó mình đã hẹn với các bạn đi ăn tối, nhưng lại thích ngồi chơi lâu với Mạ, nghe Mạ kể chuyện, lần lữa nên trể giờ và quyết định không đi nữa.

Ngờ đâu, đó là lần gặp Mạ sau cùng. Một giờ sáng nghe điện thoại, mình hớt hải chạy lên, gặp xe cứu thương từ phía nhà Mạ chạy về, nhìn vô không thấy Mạ, cảm thấy chuyện không lành. Bước vô nhà thấy Mạ nằm yên như ngủ say, các em đều đã đến đông đủ. Út Ngọc là người có duyên được nâng đở Mạ lần sau cuối. Khuya Mạ dậy đi vệ sinh xong thấy mệt, dựa vào ngực Út Ngọc, còn Đức thì gọi 115. Xe cấp cứu đến ngay, bác sĩ nghe tim và bảo Mạ đã ra đi.

Ba từ Huế lật đật về. Ba nói “Răng em không chờ mươi mười lăm ngày cho xong lăng đã! Thôi em hãy đi theo ánh sáng màu vàng ” rồi mặc áo tràng, lần chuổi hạt, tụng kinh cầu xin Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn hương linh mạ về nơi Tây Phương Cực Lạc.

Từ lâu Ba Mạ đã sẵn sàng việc hậu sự theo phong cách Huế xưa. Ba tìm đất xây lăng, dành sẵn chổ lỡ chộn rộn di dời sẽ đưa cả di hài Ôn Mệ về đoàn tụ cùng Ba Mạ. Cả hai chụp ảnh thật tình. Mạ mặc áo dài nhung thật đẹp, cười thật duyên. Cũng nhờ nụ cười chúm chím duyên dáng ấy mà con cháu bớt thấy cô quạnh, thấy Mạ như vẫn còn đâu đây, ánh mắt dõi theo đầy trìu mến.

Đà Nẵng đang rộn ràng lễ hội. Anh Quang goi điện về nói chở Bé Nu đi chơi kẻo tội! Đi mẹ, đi chơi đi mẹ! Bé Nu nũng nịu. Mình chở Bé Nu đi trên đường phố mà nước mắt cứ chảy dài. Đà Nẵng đẹp rực rỡ với hai bờ Sông Hàn, với những chiếc cầu thi nhau khoe sắc về đêm.

“Phải chi bà ngoại sống thêm một tháng để xem pháo hoa mẹ hỉ!”

...

Mẹ khóc à?

...

Rứa mẹ không thấy bà ngoại cũng đang ở quanh đây sao?

... Mẹ thấy chứ!

Rứa răng mẹ khóc? Đi tiếp đi mẹ. Mẹ thấy đường phố đẹp không, rứa mà mấy ngày ni mẹ không đi chơi uổng quá!

Người người dồn ra phía Cầu Thuận Phước. Cầu đẹp quá mẹ hỉ. Mẹ chở con đi qua cái cầu mới ni đi. Nhưng chỉ đi một đoạn, vì cầu vẫn chưa thông. Cầu Thuận Phước lấp lánh, rực rờ như một dãi ngân hà. Uớc chi Mạ có thể chứng kiến Lễ Khánh Thành Cầu Thuận Phước, và qua Đảo Tiên Sa ngắm cảnh!

Bé Nu ngủ sớm, nhưng mình không ngủ được. Đêm trắng. Lại nhớ mạ giữa trường đời lặn lội vất vả vì con.

                       Ơi những chiếc đòn gánh tre
                       Trên đôi vai của mẹ
                       Đã nuôi con lớn trong đời
                       Mẹ gánh nặng
                       Cho con trẻ niềm vui
                       Con nhớ
                       Mẹ về
                       Sau ngày dài ở chợ
                       Đôi thúng tre đầy quà bánh
                       Đung đưa ở hai đầu đòn gánh
                       Trên vai mẹ thân yêu
                       Thuở ấy còn thơ
                       Mắt to hơn bụng
                       Con náo nức
                       Đón mẹ về
                       Có nụ cười son
                       Và quà bánh rất ngon
                       Con lớn lên
                       Con hiểu
                       Mẹ gánh nặng
                       Cho đời con nhẹ nhàng
                       Mẹ tháng ngày khó nhọc
                       Cho đời con thênh thang
                       Ôi tình yêu của mẹ
                       Bao la như biển trời
                       Ôi những chiếc đòn gánh tre
                       Trên đôi vai của mẹ
                       Đã nuôi con lớn nên người



Chừ thì Mạ đã quẳng gánh cuộc đời, thong dong cởi hạt cõi trời Tây Phương, cho con bao nỗi nhớ thương, bao nhiêu kỷ niệm con đường mẹ đi.

 

  Nguyễn thị Lân