Tự Truyện

 
 

Buổi sáng ngủ dậy, khuôn mặt bỗng dưng biến dạng. Nó như thể một chiếc xe bị húc vào phía phải. Móp méo và thảm hại!

 Suốt một ngày trong phòng emergency. Với những kim chích, giây nhợ chằng chịt. Text, trả lời những câu hỏi...

 Và sau đó cuộc sống lại rẽ ngang một ngã khác. Cuộc đời không trôi qua ý muốn của riêng ai cả. Mới hôm qua, bạn khỏe mạnh vui vẻ với cuộc sống, với gia đình. Cuối tuần nghỉ ngơi, rong ruỗi đây đó với chồng con: shopping, nhà hàng. Hoặc cùng nhau làm vườn, tưới cây, tỉa cành. Mua thêm một vài loại cây theo ý muốn để làm sân vườn tươi tắn hơn. Mọi tính toán cho phía trước dễ dàng. Sẽ làm việc này. Sẽ thực hiện việc kia...

 Và rồi qua một đêm tất cà thay đổi. Bạn bè nghe tin gọi thăm hỏi. Tiếng phone reo suốt ngày. Chồng bảo "cháy máy". Đó là điều an ủi lớn nhất cho người bệnh. Nó chứng tỏ "không đến nỗi bị nhiều người ghét bỏ". Bạn bè bảo "Tốt thôi! Đã đến lúc phải dừng lại đi! Đừng bôn ba nữa!" Cô bạn thời niên thiếu tận Cananda gọi điện thoại nhắc nhở:

"Mi là điểm tựa của gia đình. Cả nhà "đực rựa" cả! Mi có chuyện gì bốn người đàn ông trong nhà khốn khổ"

 Có thật thế không? con cái đã lớn. Đứa đi làm, đứa đi học. Suốt ngày không gặp.

Tối đến, vào phòng ngủ vẫn chưa thấy tăm hơi đứa nào! Chỉ còn lại hai vợ chồng già như hai chiếc bóng trong căn nhà rộng.

Rảnh rỗi chỉ làm bạn với mảnh vườn, TV và vài tờ báo, cuốn sách...

 Cô bạn lại kêu lên "Vậy đó! chứ không có mi thì mọi chuyện sẽ rối tung lên! Làm ơn ở nhà dưỡng sức để còn sống với chồng con..."

5:30 sáng tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên. Người chồng dậy đi làm lục đục khẽ khàn sợ thức giấy người vợ bệnh hoạn. Nhưng giấc ngủ chỉ đến đó là đủ. Người già không ngủ nhiều.

 Cảm ơn cô bạn đã chỉ cho một loại trà cúc uống vào làm dịu thần kinh và ngủ ngon giấc. Không còn những trăn trở nửa đêm. Những thao thức mà dù niệm Phật hay đếm đến ngàn số mà không thể dỗ được giấc ngủ.

 Tiếng cửa garage xập xuống lúc chồng đi làm cũng là lúc tiếng “alarm” của đồng hồ báo thức đợt hai vang lên. 6:15 rời giường chuẩn bị ra khỏi nhà để tập thể dục. “Park” gần nhà không lớn lắm nhưng đủ rộng để đi bộ nhanh chừng mươi vòng khoảng một giờ thì về nhà.

 Giàn hoa giấy ghép hai màu trắng hồng nở rộ ở sân trước và cây táo với những quả chín vàng nặng trĩu bên cạnh. Một đợt hoa và trái đang nhú lên.

 Cuộc sống vẫn nối tiếp dù bạn đang rẽ qua hướng nào, chậm lại hay nhanh hơn thì mọi chuyện chung quanh vẫn có những quy luật riêng của nó… tưới những giọt nước cho hoa tươi thắm dưới sức nóng 100 độ của Houston. Và nhớ tưới mát cho chính mình bằng những tư tưởng tích cực và những vận động để làm sống lại một thân thể bệnh hoạn.

 Hai cây hoa giấy sân sau màu sắc rực rỡ hơn giàn hoa trước nhà. Màu tím cẩm và màu vàng sậm nở rộ làm sân vườn tươi mát hơn. Từ trong nhà nhìn ra những cành hoa rực sáng dưới ánh nắng mùa hè, đong đưa theo ngọn gió lòng chợt nhẹ nhàng hơn. Thôi những ray rức. Chẳng lẽ mình tàn phế rồi chăng, khi trở thành vô dụng?

 Cô bạn vẫn gọi mỗi sáng thăm hỏi:

 "Sao lại tàn phế được, chỉ là thay đổ một lối sống cho phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình thôi! Căn nhà sẽ gọn đẹp, ấm cúng hơn khi có bàn tay mi. Bữa cơm sẽ ngon hơn khi có mi chăm chút..."

Vậy thì mình chưa tàn cũng chẳng phế!

 Không phế thì sau một tháng châm cứu khuôn mặt đã thôi móp méo! Nó như chiếc xe (bị hỏng nặng) sau một accident đã được bàn tay phù phép của người thợ giỏi uốn nắn lại để không ai nhận ra hình dạng cũ... Vậy thôi, cũng an ủi là còn phước phần lắm để có khuôn mặt tử tế đón tiếp bạn bè họp mặt trong tháng chín.

 Cứ tưởng tượng sẽ được cười nói suốt tuần lễ với bạn bè, bệnh tật sẽ lùi lại. Như tiếng kêu thảng thốt của ông thầy châm cứu nhìn lại khuôn mặt sau 4 ngày tắm biển ở Florida.

"Chắc cô phải đi tắm biển mỗi tuần để mau bình phục hơn!"

Cái gì cũng cần thời gian để thay đổi. Và sự thay đổi tốt hay xấu, nhanh hay chậm là do ý chí và nghị lực của người trong cuộc.

Cuộc đời có những ngã rẽ không ai biết trước. Mong rằng những ngã rẽ về cuối cuộc đời là những ngã rẽ dễ chịu và ít áp lực để con sức lực đi tiếp quãng đường còn lại. 

 

 Ngọc Hà