bài thơ...
vẫn chưa quên
   
 

Tôi không phải là “người di tản buồn”, tôi buồn hơn người di tản nữa, bởi những năm tháng còn lại sau ngày 30 tháng Tư, bởi đã ra đi trên những chuyến tàu rất mong manh mà không có được dịp trở lại quê nhà nuôi lớn tôi suốt cả 18 năm đầu đời. Những chuyến đi không lời từ giã bởi vì tôi có biết bến bờ nào mình sẽ tới đâu. Những chuyến đi đong đầy lo âu… đầy hy vọng. Ai đã đẩy đưa tôi đến xứ bình an này, chắc… duyên từ bao nhiêu kiếp trước vấn vương hoài cho đến kiếp nay.

 

Học trường Phan Châu Trinh trong những năm đầu trung học, tôi được chuyển qua trường Nữ Trung Học Hồng Đức 1967.  Mùa hè đỏ lửa 1972 tôi ở trong Ban Cứu Trợ cùng làm việc với các Thầy Cô cho đến người dân tỵ nạn cuối cùng rời khỏi trung tâm tạm cư NTH Hồng Đức. Trong thời gian đó Ba tôi, chỉ một lần, cho cô con gái đến quan sát hoạt động của Ban Cứu Trợ trung ương của thành phố Đà Nẵng. Rồi tôi vẫn phải ngồi thi kỳ Tú tài I để lên lớp 12 và là Tổng Thư Ký Ban Đại Diện Học Sinh niên khóa 1972-1973. Cùng sinh hoạt với tất cả các bạn, căng thẳng với ban học tập khi mang chuông đi xứ người, lo lắng với ban xã hội không biết có đủ quà cho người lính trẻ khi về hậu cứ chưa… đối với ban văn nghệ thì thật lòng thưởng thức… ban thể thao là ủng hộ nhiệt tình và với ban báo chí…

 

Sau kết quả tú tài II, tôi nói không học Luật như  hướng dẫn của 1 thầy trong trường HĐ và chắc cũng là ý muốn im lặng của Ba. Không được đi du học vì nếu bệnh thì ai sẽ lo và đi thì sẽ đi luôn không về… cũng không được học Y Khoa vì là con gái. Buồn thấu ruột gan tôi xách gói xin đi Huế chơi với cô bạn thân cùng lớp và tự mình quyết định sẽ ghi danh học Sư phạm. Chỉ được hai, ba ngày thì một sáng nhận được điện thoại bắt phải về nhà ngay. Bỏ lại cô bạn trên xứ đó, tôi về đến Đà Nẵng thì trời sắp tối. “Con phải vô Saigon học Dược”, Me nói, “đây là vé máy bay”. Sáng hôm sau được đưa ra phi trường, với chuyến bay đầu ngày đó tôi đã không có dịp nói lời chia tay với thầy cô giáo sau bao nhiêu năm trung học, với bạn cùng lớp cùng trường… không biết bao nhiêu điều để nhớ… nhất là những khi tôi đến chơi với ban báo chí mà năm đó LTN là trưởng ban. Đó là những giây phút êm đềm ngặm nhấm những bài thơ đẹp và những đoản văn nhẹ như mây chiều trong gió. Có bài đến bây chừ tôi vẫn chưa quên:

 

Khúc Tưởng Niệm

         

Đêm qua ừ hoa bưởi

Nở đầy vườn chiêm bao

Giật mình ta với bóng

Cũng u hoài như nhau

 

Màu trăng là nỗi nhớ

Vàng phai một cõi đời

Ngậm ngùi đêm trôi chậm

Thời gian nghe chơi vơi

 

Khói hương là nước mắt

Vẫn thắp hoài đêm đêm

Bóng anh là năm tháng

Nên năm tháng dài thêm

 

Mơ hồ từ xa vắng

Đôi mắt người đăm đăm

Ba năm trong huyệt lạnh

Xương cốt buồn lặng căm

 

Một lần ta nhắm mắt

Bao kỹ niệm vỗ về

Một lần ta cúi mặt

Máu về tim tái tê

 

Đêm qua ừ hoa bưởi

Nở trắng vườn chiêm bao

Hương xưa màu nguyệt lặng

Gío về đáy mộ sâu

 

Nghẹn ngào ta đốt nến

Người có về đêm nay

Ngậm ngùi đêm trôi chậm

Bóng tối đầy đôi vai

 

Bao năm sông núi hát

Mang mang sầu bên song

Đêm nay ừ hoa trắng

Rụng đầy một cõi không!.

 

Nguyên Thi

 

Nguyên Thi là bút hiệu của LTN, cô bạn ban C - cùng ngang lớp, đã cho chúng tôi thưởng thức không biết bao bài văn, bài thơ đầy rung cảm từ những năm đầu mới lên trung học. LTN không xử dụng email, tôi - ở đây - thỉnh thoảng nhận được một lá thư ngắn của LTN. Mỗi lá thư là như một bài thơ với bao lời thương mến như những thư viết tay khác từ Đà Nẵng của các Thầy Cô. Nhiều bạn khác, bằng email, bằng điện thoại nhiều giờ không cắt… cứ làm day dứt nhớ Đà nẵng không nguôi, mỗi lần được liên lạc là thêm một lần như nhận được bài thơ đẹp với nhiều điệu âm vang gợi nhớ - nhất là những buổi chiều mưa trên bến sông xưa. Ở đây cũng có dòng sông, nhưng chiều tôi không còn ra ngồi ngắm nữa bởi… sân sau đã vàng rụng cánh mai gầy…

 

 Mai Tuyết Ánh

29/03/2010