Thầy Hoàng Bích Sơn

Và “Sự Nghiệp Âm Nhạc” Của Tôi

 

 
 

      Cao Sơn Lưu Thủy là một trong  Thập Đại Cổ Khúc Trung Hoa nổi tiếng. Đây là khúc nhạc của thời Xuân Thu Chiến Quốc - thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên – khúc nhạc biểu hiện cho một tình tri kỷ giữa hai người bạn Bá Nha và Tử kỳ.

 

Bá Nha đánh đàn hay tuyệt, Chung Tử Kỳ thấu hiểu cảm xúc của bạn trên từng nốt nhạc vang lên. Khi thì núi cao vời vợi, lúc là sóng nước trôi xuôi hay ngập đầy bão tố, tiếng đàn vang lên là Tử Kỳ tỏ rõ ý bạn liền.

 

Cách ly là chuyện thường của sự đời, Tử Kỳ mất lúc bạn không cận kề bên. Ngày về trước mộ bạn, Bá Nha đập vỡ cây đàn bởi không tin còn ai ở trên đời hiểu được nỗi lòng mình qua những giai điệu cảm xúc đó.

 

Câu chuyện xưa được kể như để cho ta thấy vai trò của âm nhạc trong đời sống bình thường. Trong những môn nghệ thuật chính: Thi ca, Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Sân khấu & Khiêu vũ và Điện ảnh. Âm nhạc được xếp ở hàng thứ hai. Âm thanh, giai điệu, tiết tấu và lời ca như một sự kết hợp nhịp nhàng cho mỗi ý hướng tạo dựng khúc nhạc, tâm thức của người nghe chuyển biến trong thời gian rất ngắn.

 

Khởi đầu của một đời người - em bé ngủ yên lành trong lời ru ầu ơ của mẹ. Lớn dần lên theo cô giáo tiểu học học hát, học múa những điệu dân gian….trình diễn trong chương trình cuối năm phát thưởng; cô giáo của lớp nào dạy hát và múa hay tập kịch cho học trò lớp đó.

 

Năm nào Đà Nẵng cũng tổ chức Tết Trung Thu cho học sinh tiểu học, toàn thể chúng tôi tập trung ở trường Nam Tiểu Học để được phát quà bánh kẹo và lồng đèn. Diễn văn ngắn của đại diện chính quyền, Ty Giáo Dục, Thầy, Cô giáo xong là phần của ban nhạc để chúng tôi nhịp bước theo khi đi rước đèn quanh phố chính.

 

Khởi đầu bằng một khúc nhạc ngắn đầy vui nhộn, tôi không biết là gì và thật sự sợ hãi khi được chọn làm “nhạc trưởng” cho đoạn nhạc kế tiếp khi tôi học lớp Nhất (tương đương với lớp 5 bây giờ). Ban nhạc năm ấy là ban nhạc của quân đội Mỹ đang đóng ở ven thành phố, ông nhạc trưởng đưa tay ẳm gọn con nhỏ đặt lên chiếc ghế đặt sẵn cạnh bên, đưa cho tôi một cái que và ra dấu biểu cứ làm theo như tay ông. Một lát nhìn sang bên cạnh chẳng thấy ông đâu , không biết ông đi mô nhưng lỡ leo lên …lưng cọp rồi nên cứ…vung tay thôi, ban nhạc trình diễn đàng hoàng đâu ra đó duới sự “chỉ huynh” chính của một con …gà mờ, như rứa là sự nghiệp âm nhạc của tôi đã bắt đầu…

 

Lên trung học, mỗi môn học là một thầy cô giáo riêng, Việt văn, Sử Địa, Toán, Lý Hóa, Sinh ngữ…..là những môn chánh, Nữ Công Gia Chánh, Vẽ (Hội họa),  Âm nhạc … là những môn phụ. Trong những môn phụ, tôi tự thấy mình giỏi nhất là nhạc với thầy Hoàng Bích Sơn.

  Thầy Hoàng Bích Sơn người nhỏ chút, ốm yếu - ốm tong teo, má hóp, da thì không được trắng cho lắm, người hơi thấp, giọng Huế nói thì đôi khi thiệt là khó nghe. Thầy cũng ít khi cười, hình như lúc nào cũng nhăn nhăn khi chúng tôi hát không đúng, tay cầm một chiếc…đũa quơ qua quơ lại khi đám học trò nhỏ hát, đôi khi vừa hát vừa …hét vì Thầy cứ một tay quơ đũa, một tay ra dấu và miệng nói “to lên to lên”.Thầy Sơn, theo tôi ngày đó, thì hình như hát không được hay lắm, chắc tại bài hát mô cũng mang âm hưởng giọng Huế của Thầy, nhạc hùng nhạc vui, nhạc buồn chi cũng rứa thôi. 
 

Ở đây khi nhìn cô con gái hồi tiểu học phải tập viết một bài hát theo ý cô giáo dạy môn âm nhạc, tôi băn khoăn tự hỏi - không biết ngày đó thầy có bắt học trò mỗi đứa thử làm một bài hát ngắn với bao nhiêu kiến thức về nhạc truyền trao đó không.

 

Sợ nhất là lúc thi môn nhạc: xướng âm, ký âm  … rồi vừa hát vừa tự đánh nhịp, đứa nào đứa nấy cũng …xanh mặt, rồi cũng qua đi những kỳ thi… tìm kiếm thiên tài âm nhạc – chúng tôi lên lớp  - lên trung học đệ nhị cấp, không còn môn nhạc nữa. Nhưng trong sân trường chúng tôi vẫn gặp thầy luôn xách cái cặp to và chắc nặng hơn thân thầy với …một chiếc đũa lẻ loi, một xấp giấy đầy năm dòng kẻ và không biết bao nhiêu bài hát và vẫn thường tự hỏi không biết đưá học trò nhỏ mô sẽ là “nạn nhân” kế tiếp của thầy - nạn nhân đau khổ vừa hát vừa đánh nhịp vừa nghe bị “la” hát như rứa là không đúng cao độ và trường độ…. Nhưng chỉ hát không thôi mà chẳng có tiếng đàn theo suốt, thì hát đúng và hay bao nhiêu đi nữa cũng khó mềm được lòng người. Thầy Hoàng Bích Sơn chơi đàn Accordion - tiếng đàn rộn rã và có thể ít khi cần sự phụ họa của các nhạc cụ khác mà vẫn nghe tràn đầy, nhưng có lẽ hơi khó nhìn và quá nặng cho một người nhỏ con, nhất là con gái. Hình như Thầy cũng biết chơi vài loại đàn khác nữa.

 

Tết hay cuối năm trường đều có làm văn nghệ, tôi cũng lăng xăng làm các việc vặt, đóng các vai phụ, hăng say thưởng thức…. và vẫn có đôi khi thầm trách“răng Ba Me không cho con vô đoàn Du Ca để học thêm về ca hát, biết đâu chừng bây chừ con là ca sĩ hạng…trung trung”.

 

Nếu không gần ngày thi, với sự hướng dẫn của một người anh họ gần bằng tuổi Ba tôi, mỗi chiều chủ nhật ba năm cuối trung học tôi và một số bạn đi đến một nhà thương dã chiến của người Mỹ ở ngoại ô Đà Nẵng gần Quảng Nam. Bệnh viện này chỉ chuyên chữa trị và chăm sóc trẻ em bệnh hay bị thương tích vì chiến tranh của vùng nông thôn do các Bác sĩ Quân Y Hoa Kỳ đảm nhận, chúng tôi chơi với các em, thông dịch vài câu đơn giản cho các bà mẹ quê và nghe một giáo sĩ trẻ người Mỹ hát với cây đàn guitar thật hay. Các em lành bệnh được chuyển qua phòng khác nuôi đến khi mập tròn, rồi về lại với cha mẹ anh em trong ruộng đồng  quê cũ.

 

Hết trung học tôi vào Sài Gòn học Dược, mùa Hè sau năm thứ nhất Đại học về lại nhà Ba Me ở Đà Nẵng là cũng đi vào bệnh viện nhi đồng dã chiến đó và cương quyết học guitar – không phải cổ điển – mà chỉ để tự mình hát, soạn hợp âm và đánh đàn. Guitar được tôi chọn vì nghĩ là học được trong thời gian ngắn nhất và cây đàn nhẹ trên vai chắc theo được cùng tôi khắp chốn rong chơi. Không được học Y Khoa để chữa trị cho các em thì biết đâu tôi cũng mang được tiếng hát làm dịu đi những cơn đau và mang đến nụ cười. Những bài học về nhạc lý từ thầy Hoàng Bích Sơn chắc vẫn còn vương vấn nên ông thầy dạy đàn của tôi đã nói là trong đời ông chưa thấy học trò mô học nhanh như rứa, tôi chắc là ông không có nhiều học trò hay là gặp phải nhiều đứa tối dạ nên cỡ vừa chớm trung bình như tôi trở thành vượt trội.

 

Hết hè, mang cây đàn guitar trên vai bò lên máy bay vô lại Saigon học năm thứ hai. Bận rộn với bài vở khó, giờ tập đàn cũng không thể nhiều hơn nên biết đến bao giờ mới nhuần nhuyễn đây.

 

Ba Mươi tháng Tư 1975, sau lời tuyên bố lúc 11 giờ 30 sáng, tôi khóc như mưa và rồi ra đứng trong sân trường Đại học Vạn Hạnh cùng khóc với những người lính trẻ của miền Nam . Khoảng 10 ngày sau, một người anh họ mang đến một cây guitar nữa – cây đàn nhờ đưa tặng cho tôi từ người bạn Mỹ của anh trong một đoàn thanh niên thiện nguyện. Cây đàn đẹp hơn, và âm hưởng phát ra thì hay hơn đàn tôi nhiều lắm, nhưng cả hai cây đàn vẫn chỉ nằm trong một góc nhà, tôi không hề đụng tới, cái duyên với đàn chưa bén sâu thì bỗng dưng vụt mất.

 

Bốn năm học kế tiếp ở trường Dược Saigon vì các bạn đồng khóa quá giỏi về nhạc, người thì có thể điều khiển cả một “giàn” hợp xướng có đủ cả bốn giọng Soprano, Alto, Tenor và Bass, có bạn thì hát hay như ca sĩ thứ thiệt, có bạn thì đạo diễn múa tài ba….nên tôi chỉ đành “nói” mà thôi. Mộng hát đúng và ôm đàn một mình làm nguyên sân khấu cũng theo với ngày tháng phai đi.

 

Sang đến Úc cuối tháng 8 năm 1980, tháng 2, 1981 lại đi học Dược một lần nữa … rồi cũng yên với việc làm mới và tôi lại chợt nhớ đến thầy Hoàng Bích Sơn với sự nghiệp âm nhạc dang dở năm xưa của mình. Không thể bấm những ngón tay trên đàn guitar nữa, tôi đi tìm một lớp đàn organ, cũng tàm tạm từ từ học vì dường như đã bắt đầu …luống tuổi rồi và “khuôn mặt nhăn nhăn” của thầy Hoàng Bích Sơn cũng thỉnh thoảng thoáng qua trong ký ức tôi.

 

Chuyện từ từ…học đàn organ đó của tôi cũng đến ngày tan rã từ lúc nhận việc làm mới tại Bệnh Viện Nhi Đồng  Sydney . A! cơ hội chới với với bệnh nhân con nít có lại rồi đây. Nhưng không là như tôi tưởng, có quá nhiều điều chuyên môn mới phải học thêm.

Tôi thường bị phân loại là thuộc nhóm hay “lỡ lời”, nhưng với công việc mới này chẳng có giờ đâu để vô tình đưa mắt nhìn quanh. Những căng thẳng đó cũng làm tôi quên bẵng luôn cả cây đàn organ nằm chờ trong một góc phòng, chắc là tại duyên không đậm rồi. Những lo lắng đó đôi khi cũng làm giấc ngủ ngắn đi vì nếu không đủ sáng suốt để phân tích và tính toán điều hợp lý cho toa thuốc của TPN (Total Parenteral Nutrition - Dinh dưỡng toàn phần cung cấp theo đường chích vào tĩnh mạch cho em bé sanh thiếu tháng và không ăn, bú được) hay nếu “lỡ tay” khi bào chế thì có thể một sanh linh sẽ từ giã cõi đời.

 

Trong suốt thời gian làm tại nhà thương con nít đó, tôi chưa từng “lỡ tay” làm hại một em bé nào, nhưng sau ba năm thì rõ ràng là đã “lỡ tay”… đánh mất cung đàn.  

 

Tháng Ba, 2012 vừa rồi tại Đà Nẵng trường tôi tổ chức họp mặt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, qua YouTube thấy lại các Thầy, Cô và bạn cùng lớp và khác lớp. Màu thời gian nhuốm đầy trên mái tóc của một số Thầy Cô, nhưng nụ cười ai cũng nở tròn đầy. Trong đó có thầy Hoàng Bích Sơn - thầy dạy môn nhạc của chúng tôi, đứa học trò mô của trường Nữ Trung Học Hồng Đức cũng phải qua tay thầy vì đó là thầy duy nhất dạy âm nhạc của cả một ngôi trường. Thầy Hoàng Bích Sơn chắc người thấp hơn một tí, nhưng mập mạp hơn  nhiều với nụ cười tươi thắm giúp tôi xóa được ấn tượng “mặt cứ nhăn nhăn” của thầy khi tôi hát sai và đánh nhịp không đúng ngày xưa.

 

Thưa Thầy Hoàng Bích Sơn kính mến,

Thầy chắc chẳng nhớ em là đứa học trò mô trong cả nghìn đứa  thầy đã dày công dạy “chỉ chỏ” - nhịp ¾, 4/4 đánh ra làm răng khi hát, 1#, 2# lên cao và 3giáng…thì xuống đến tận đâu…Ngày hôm ni em đã quên gần hết rồi, nhưng cũng nhờ những căn bản ngày xưa ấy mà nay thấy được sự kỳ diệu của âm nhạc. Em không giúp được ai gì hết bằng những âm thanh trầm bỗng du dương đó, em chỉ có đủ để tìm cho mình những gì thích hợp trong đời sống muôn vạn màu sắc chung quanh. Cuộc đời này với không cùng biến đổi, em chắc là không có đôi bạn nào tri kỷ như Bá Nha, Tử Kỳ năm xưa, nhưng em vẫn tin là Thầy vẫn cùng vui với những cây đàn, những trang giấy đầy năm dòng kẻ bắt đầu bằng một khóa Sol, khoá lại hết những gì không như ý và tuôn chảy hoài những êm ái cho người và bạn tri âm thì ở muôn vạn nẻo đường. Nhịp đời luôn luân chuyển, nhưng em chắc cuộc đời thầy bình an trong nụ cười “trẻ thơ” của Thầy trong ngày hội ngộ trường xưa.

 

 

 Mai-Tuyết-Ánh