Tuổi Mười Ba
 
 

 

           Tôi vẫn thường nói đến cuộc đời của “con nhà binh” trước đây. Riêng trong thời gian này, tuổi xế chiều, tôi cũng như những người khác thích nhớ về ngày xa xưa…

 

Rất xa xưa, hơn một nửa thế kỷ mà cứ ngỡ nhứ mới ngày hôm qua…

Năm 1966, ba tôi được thuyên chuyển ra miền trung. Lúc tình hình căng thẳng sau những đảo chánh cũng như mâu thuẫn về tôn giáo. Nên gia đình không theo ba dù là thành phố ba đến là Đà Nẵng, lúc đó đứng hàng thị xã và có nhiều trường tốt để chúng tôi theo học.

 

Đến gần hai năm sau, chúng tôi mới theo chân ba. Lúc đó ba còn ở trong Câu Lạc Bộ sĩ quan. Tôi còn nhớ Câu Lạc Bộ gồm hai dãy nhà lầu cao do người Pháp xây trước đây. Mỗi dãy lầu chia làm nhiều gian và khá rộng rãi.

Giữa hai dãy lầu là một cái sân khá lớn, có nhiều tàng cây cao mát, đó cũng là nơi bọn trẻ con chúng tôi tụ tập chơi đùa…

Gia đình chúng tôi ở căn trên lầu, hình như nguyên một dãy chỉ có gia đình tôi và gia đình bác N, cho nên cái hành lang dài thật dài (cũng có thể là vì lúc đó tôi còn nhỏ). Tôi nhớ ba mợ tôi và hai bác có sắp những chiếc ghế mây dọc theo hàng hiên để chúng tôi ngồi học bài, trò chuyện với nhau.

Chúng tôi và hai đứa con gái của bác N khá gần gũi, hai cô bé đó nhỏ hơn tôi vài tuổi, xinh xắn giống hai con búp bê, chúng có vẻ thân với hai cô em gái của tôi hơn vì cùng lứa tuổi.

Riêng hai bác thì dù có hai đứa con gái nhưng tôi nhớ hai bác rất thương tôi, những hôm ba tôi về trễ, bác trai ghé trường đón tôi về chung với con gái bác. Những khi tôi không nghe lời, bị ba mợ la, tôi thường rơm rớm nước mắt, mặt mày nặng nề ra ngồi ở cái ghế ngoài hiên… Nhà gần nhau, nên đứa nào bị la rầy là nhà bên cũng nghe thấy! Những lần như vậy bác trai ra thì thầm bảo tôi:

-         -  Không việc gì mà phải buồn, cháu nhé! Cười lên xem nào, ngoan bác cho cháu chocolate nhé!

Và bác sẽ dúi cho tôi miếng kẹo. Hoặc là bác gái đi phố, mợ tôi bận gì không đi cùng, bác kéo tay tôi:

-         -  Đi với bác!

Ra phố hai bác cháu tung tăng… Bác nói với những người bán hàng “con tôi đấy”, có người thắc mắc:

-         -     Sao cháu không nói tiếng Bắc như bác!

Bác gái là người rất vui tính, bác nhìn tôi:

-         -   Con nói tiếng Bắc đi chứ!

Tôi đáp lại:

-         -   Vâng ạ!

Thật ra thì tôi chỉ có thể nói như vậy thôi… Bác cháu cười xòa với nhau.

Bác gái thích mua len, nên chúng tôi chọn len đủ màu, bác đan rất giỏi và khéo, mợ tôi cũng học ở bác được nhiều kiểu đẹp. Bác cũng có đan cho tôi cái áo cánh xinh xinh.

Tôi thích bắt chước người lớn và muốn học đan nên mỗi lần bác và mợ tôi ngồi nhàn hạ đan áo và trò chuyện với nhau. Tôi thường đến kế bên ngồi, có mấy khúc len dư tôi xin và cũng tập tành đan theo, những lúc đó tôi thấy vui và thấy mình người lớn lắm.

 

Năm đó gần đến tết, mợ tôi làm bánh mứt, bác gái thì không biết làm những thứ này, đến phiên mợ tôi chỉ dẫn. Hai bà tíu tít mua sắm, xong thì nào là gọt, cắt, ngâm và bắt đầu rim mứt, phơi… thật nhộn nhịp vui!

 

Một sáng kia, tôi tung tăng sang nhà bác. Tôi bỗng thấy có đứa con trai ngồi ở cái ghế mây phía trước. Tôi khựng lại và từ từ lùi về phía nhà mình. Trong lòng thắc mắc, ai vậy ta…

 

Sau đó thì tôi biết ra, đó là đứa con trai lớn của hai bác, là anh của hai con bé xinh xinh kia. Anh ta học nội trú ở Huế và về ăn tết với gia đình.

P ít nói và nghiêm trang hơn cả hai bác, không tếu hoặc nói đùa như bố mẹ của mình, tôi nghe anh ta thường la các em. Hai đứa nhỏ làm như cũng lấm lét khi có anh mình.

 

Riêng tôi cũng thấy ớn ớn người con trai đó, tôi ít dám tự tiện chạy sang nhà hai bác, hay chạy đến kế bên bác gái vòi vĩnh má của người ta!

 

 

Chừng vài hôm thì cũng bắt đầu quen quen. Buổi chiều chúng tôi thường kéo nhau xuống sân chơi, tôi thích ngồi ở lan can nhìn đám con nít chạy nhảy vui đùa. Xa xa tôi thấy P cũng ngồi chăm chú bên cuốn tập, ghi chép hay vẽ cái gì đó một cách say mê, thĩnh thoãng cũng bỏ tập xuống chạy ra chơi với đám con nít. Có khi đi ngang qua tôi thì lại hỏi:

-         Sao đàng ấy không ra chơi cho vui…

Tôi lắc đầu trả lời là không thích! P chặc lưỡi và lắc lắc đầu, tôi mặc kệ và trong lòng lại thắc mắc, vì sao lại gọi tôi là “đằng ấy”… lạ thật! Tên tôi đâu có phải là “đằng ấy”.

 

Thĩnh thoãng tôi cũng bị lôi kéo vào chơi u mọi hay là những trò rượt bắt khác, khổ thân tôi chậm chạp nên chỉ có từ thua đến thua… Đã vậy khi người ta cứu mình, không lanh lợi để người ta cứu cho nhanh, rốt cuộc là chết chùm, như lần đó chơi u, P cứu tôi không được còn hụt hơi chết theo…

Tôi nhớ lúng túng, xin lỗi vì tôi mà P chết! Tưởng là sẽ bị giận nhưng P lại cười:

-         Chết chùm cũng vui!

Hơi lạ, người gì mà khó hiểu, tư nhiên lại xuề xòa thế kia.

Sau này thì tôi dần biết ra, P chỉ ít nói chứ không khó tính lắm. Có lần thấy P loay hoay vẽ, tôi tò mò đến xem, P vẽ đẹp lắm. Vẽ cảnh đẹp và chân dung đẹp, nét vẻ sắc sảo như người lớn, tôi lanh chanh nói:

-         Chắc lớn lên P sẽ là họa sĩ!

-         Biết coi bói hả…

Tôi cười:

-          Thấy vẽ đẹp thì sẽ làm họa sĩ…

-         Vậy C sẽ là ca sĩ hở… P nói như trêu tôi

-        

-         Thấy hay hát… say sưa hát không cần biết trời đất gì hết!

Tôi xấu hổ quá… lúc nào vậy, mà… tôi lại “say sưa hát…”, tôi cố làm nghiêm mặt và vờ như không nghe gì hết!

 

Tuy là hay trêu tôi nhưng P cũng là người luôn bênh vực tôi với lũ trẻ con hàng xóm.  Cho nên sau tết khi P trở về Huế học, tôi ít tham gia những trò chơi của đám con nít, chỉ ngồi xem chúng chơi như thuở trước.

Lâu lâu cuối tuần P cũng được về thăm nhà, P thường chạy qua rủ tôi ra sân hay ngồi ở hàng ba xem P vẽ. Có lần P hỏi tôi:

-         Mai mối lớn lên sẽ làm gì…

-         … Còn lâu mới tới… Chưa biết!

-         Chắc sẽ lấy chồng và dọn đi xa…

Tôi trợn mắt:

-         Nói tào lao, C méc hai bác bây giờ!

-         Chấp đó, tớ có nói gì sai đâu!

Tôi làm mặt nghiêm, P nói gì thêm tôi cũng không trả lời…

Có lần tôi thấy bức tranh P vẽ thật đẹp, tôi thích quá hỏi cho tôi đi, P nói là không. Tôi hỏi tới:

-         Sao vậy! P có nhiều tranh mà không cho C một cái!

-         Để làm gì chứ!

-         Để làm… kỷ niệm!

Thật ra lúc đó tôi cũng không biết kỷ niệm là gì, nghe người ta nói thấy hay hay thì nói vậy thôi. Có lẽ P cũng biết, nên trả lời:

-         Con nít mà bày đặt!

 

Nói xong P cười và tôi cũng cười theo, tuy là ấm ức vì sao ích kỷ thế không cho tôi bớt 1 bức tranh! Đó là những kỷ niệm nho nhỏ ngày ấy, tôi không nhớ hết về người bạn hàng xóm của tôi, ít bắt nạt và thường che chở tôi.

 

Sau đó thì ba tôi được thuyên chuyển ra đơn vì hành quân, gia đình tôi dọn đến một cư xá khác. Tôi không nhớ chúng tôi đã buồn bã hay tiễn đưa gì, vì thật ra cũng loanh quanh ở những căn nhà quân đội vẫn không mất liên lạc.

 

Nhưng chúng tôi ít gặp nhau hơn, chừng vài năm của gia đoạn đó chúng tôi thay đổi nhiều từ những đứa trẻ bây giờ là thanh niên thiếu nữ. Nhớ lần Tết đến, hình như là năm 69 hay 70 gì đó, gặp lại có hơi lúng túng, tuy là vẫn thăm hỏi, P lại cũng hỏi tôi 1 câu giống năm xưa:

-         Nghe nói đằng ấy sắp lấy chồng!

Tôi đanh đá hơn xưa đáp lại:

-         Ờ đó!

P nhìn tôi đăm đăm rồi nói lầm bầm cái gì đó, tôi lo tức mình cũng không nghe P đã nói gì! Đến phiên tôi hỏi thăm:

-         Lúc này còn vẽ không?

-         Không! Bỏ luôn rồi không vẽ nữa…

Đến phiên tôi trừng mắt nhìn P nghĩ thầm, vẫn bướng bỉnh như xưa hay là sợ tôi xin mà nói vậy! Tuy lời qua tiếng lại không mấy gì làm hòa thuận nhưng chúng tôi vẫn dắt nhau ra sân ngồi… ngắm cảnh để cho người lớn trò chuyện và thăm viếng nhau.

 

Khi tôi học lớp 10 ở ngôi trường con gái, thì P cũng về Đà Nẵng học và trường hai chúng tôi cạnh nhau. Có lần 2 giờ sau được nghĩ, tôi và đám bạn rủ nhau đi bộ xuống bờ sông ăn kem, vừa bước qua đường tôi thấy P cũng vừa băng qua, bất ngờ gặp hai đứa reo lên chào người quen biết… Bước đi tôi nghe P nói:

-         Làm người lớn mặc áo dài… nhìn không ra!

Tôi chào và bước vội đi, cứ sợ là P sẽ phán cho câu “sắp lấy chồng!” như những lần trước thì khổ cho tôi.

Những tưởng tuổi thanh xuân của chúng tôi sẽ êm đềm thì năm 72, tôi nghe tin bác trai ba, P bị rơi máy bay ở Hạ Lào lúc đang tham sát chiến trường… Tôi bàng hoàng, nhớ bác hiền lành tốt bụng. Nhưng buồn nhất là nghĩ đến bác gái và gia đình… và P, chắc là P đang buồn lắm!

Lớn lên trong chiến tranh, làm con nhà binh, đó là nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là ba mình có mệnh hệ gì… Và chuyện đau buồn đó đã xảy ra cho bạn của tôi! Tôi thất xót xa buồn… không biết mình làm được gì trước mất mát lớn lao đó…

 

Những năm kế tiếp của bậc trung học, chúng tôi tiếp tục học hành, hai ngôi trường vẫn hiền hòa nằm bên nhau. Một hôm, em gái P kể cho chúng tôi nghe, anh P có bạn gái học trường tôi tên là… Hằng ngày xếp hàng vào lớp tôi vẫn nhìn cô bé đó, nhỏ nhắn xinh xắn, mài tóc đen huyền ngang vai thật thơ mộng. Không như tôi lêu khêu và tóc luôn cột lại hoặc thắt bính, mợ tôi muốn vậy, tôi có phụng phịu đòi xõa tóc ra cho thành con gái thì mợ tôi vỗ về và cột cho sợi dây xinh xinh.

Bạn tôi đã thành người lớn… đã có người yêu, hèn nào cứ đoán già đoán non là tôi “sắp lấy chồng”…

Cuối năm lớp 12, sắp xong trung học là những ngày lo toan thi cử, chọn lựa cho những ngày tháng sắp tới. Một hôm đi học về, ngồi trên xe nhìn hai bên đường,  chú tài xế ngập ngừng đưa cho tôi một phong thư dày cộm, nói nho nhỏ:

-         Thư của cậu P con trai ông… gửi cho cô…

Tôi nghe được sự mến mộ của chú ấy và cách chú chuyển lại lá thư. Bình thường mấy đứa con trai nhờ cậy chú, chú vẫn la rầy chúng, hoặc nếu có nhận để chuyển lại cũng sẽ nói một cách bực dọc:

-         Tôi nói không dám nhận mà cứ năn nỉ… cô coi chừng ông bà biết…

Riêng với P thì chú có vẻ ân cần hơn, tôi cầm bì thơ dày cộm bỏ vào cặp và hoang mang vô cùng… Về nhà tôi ra ngồi một góc đọc “văn kiện” mà P đã viết cho tôi.

 
 

Phải nói là tôi vừa đọc vừa run, có chuyện gì mà phải viết cả chục trang giấy, mà dùng trang giấy học trò nên nó dày cộm, ước gì tôi còn lá thư đó để không nhớ sai ý, đại khái cũng kể lễ những chuyện như tôi vừa viết đây… Tôi chỉ nhớ là có trách móc tôi rất nhiều…

 

Đọc xong lá thư tôi rất buồn, muốn nói liền cho P hay là không phải như vậy! Nhưng suy nghĩ tới lui tôi đã không làm điều đó và mong có cơ hội nào thuận tiện tôi sẽ nói chuyện với bạn tôi. Tôi biết đó là thời gian khó khăn cho P và gia đình. Trong thư P có nói sẽ thi vào SVSQ của một trong những trường đào tạo sĩ quan có tiếng giống như ba P và ba tôi đã từng theo học trước đây. Tôi mừng cho P nối gót bác trai, chắc bác hài lòng nơi chín suối.

 

Nhưng tôi không có dịp để giải bày với P, cũng như P không có cơ hội thực hiện nguyện vọng của mình.

Tháng Tư năm 75. Ngày tháng định mệnh đã thay đổi cuộc đời của hai chúng tôi, của những người Việt Nam…

Ở xa, tôi may mắn có cơ hội để tiếp tục đến trường, có cơ hội để thực hiện ước mơ và hạnh phúc lứa đôi, tôi vẫn nhớ đến P, không biết bây giờ ra sao. Nhớ những lời trách móc năm xưa… Chắc không bao giờ tôi được giải bày với bạn tôi…

 

Mãi mấy chục năm sau, nếu tôi nhớ không sai thì khoãng năm 2000, nghĩa là cũng 25 năm sau ngày chúng tôi lìa xa đất nước. Một người bạn cũng là con nhà binh như tôi, có lần hỏi, có phải gia tôi là con Ông T… ở Câu Lạc Bộ sĩ quan… và tôi có biết gia đình bác N không.

 

Người bạn đó cho tôi biết, người ta đã kiếm ra chiếc máy bay mà ba của anh ta và bác trai đã tử trận ngày xưa. Điều này tôi cũng nghe qua ba tôi cách đó mấy hôm. Tuy nhiên tôi cũng bồi hồi, anh ta còn cho biết thêm, sẽ có lễ tưởng niệm ở thủ đô Hoa Kỳ cho những người có mặt trong chuyến bay đó, gia đình anh ta và hy vọng bác gái lo được giấy tờ để sang tham dự.

 

Một khoãng đời xa xưa như hiện về.

Nói chuyện với P lần đó với tôi là một món quà không nhỏ, tôi cứ nghĩ sẽ phải phân trần cho những lời trách móc năm xưa của P, nhưng hình như đã không cần thiết… Chúng tôi thăm hỏi về đời sống của nhau, trong hoàn cảnh của mỗi người, ai cũng yên ổn… Tôi nghe giọng P nói, hiền lành hơn xưa, có cái gì đó chấp nhận với hiện tại… mộng lấp biển vá trời đã phôi pha theo tháng năm…

 

Riêng cô bé ngày xưa, mái tóc ngang vai của P năm nào cũng là bạn của tôi, vâng hai chúng tôi đều con nhà binh và là bạn, sau lần nói chuyện với P đã than với tôi là:

-         Ta nói với hắn là đừng gọi ta là cô bé nữa… già hết rồi…

Tôi bật cười nói với cô ta:

-         Thì với P, cuộc đời ngày trước đã dừng lại, C mãi là con bé 13 còn T mãi nhỏ bé như năm nào… Tuổi thơ và cuộc đời năm trước của P dừng lại ở đó.

 

Hãy để cho P giữ chút ngây thơ của quãng đời cũ. Khi tôi hỏi, sao P không còn nói tiếng Bắc, bạn tôi đã nói rằng, qua rồi! đó là một cuộc đời khác. Cuộc sống của P là bây giờ là một người hoàn toàn khác, không dính líu gì đến ngày xưa…

 

Tôi nghe xót xa… Có lẽ tôi quá nhạy cảm! Nhưng tôi không làm sao khác được, thĩnh thoãng khi làm việc gặp một người giỏi và ngang ngang, tôi lại nghĩ đến người bạn của tôi năm xưa, tôi cứ tiếc bạn tôi không có cơ hội thi thố tài năng hoặc làm những gì mình thích, mình đam mê!

 

Tôi cũng thấy một tấm hình của P ngồi ở căn nhà mình, P gầy gầy khác xưa… nhàn hạ ngồi trong sân nhà ở bộ ghế bằng đá màu hồng. Tôi mong là tôi đã thật sai và P sống cuộc đời an lành hạnh phúc.

 

 

 

Ít lâu sau tôi nhận được tấm hình P vẽ nằng viết chì và mấy câu thơ tựa đề là "Tuổi Mười Ba" P gửi tặng tôi… Tôi nhìn tấm hình P vẽ, hình ảnh ngày tôi còn đi học ở ngôi trường con gái, mái tóc thắt bính cột sợi dây… Tôi định đùa là mấy chục năm gặp lại cho tôi tấm hình và còn rộng lượng thêm bài thơ nữa… Nhưng không hiểu sao tôi không đùa được…

Bài thơ tôi xin giữ của ngày tôi 13. Tôi cám ơn cuộc đời đã cho chúng tôi gặp lại nhau, nói đôi câu tâm tình thăm hỏi và thấy tình thân của chúng tôi còn đó.

 

Cầu chúc mọi an lành hạnh phúc đến người bạn thời thơ ấu của tôi.
 

  Kim-Chi
 
  về lại:
Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com