Từ Ngày Hôm Nay
 
 

Tôi quay vội vàng vào bên trong, cố dấu những giọt nước mắt. Nhớ đến gương mặt rạng rỡ và nụ cười thật tươi trên gương mặt của con tôi, tôi cũng gượng vui cho con mình yên tâm. Bây giờ còn lại một mình, tôi trở vào nhà… khung cảnh im lìm, tôi thơ thẩn đi về căn phòng của thằng bé. Bên trong thì cũng như thường lệ, bề bộn quần áo, sách vở và giấy tờ lung tung, hôm nay sao tôi lại thấy thân yêu, như thói quen, tôi cúi xuống nhặt quần áo bỏ vào rổ đồ giặt. Mặc dù con tôi đã hẹn:

-         Chiều mai con đi học xong về sẽ về dọn phòng cho sạch sẽ…

Tôi cũng ừ ừ. Khi con tôi xin dọn ra ở với bạn đầu năm học này. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì thanh niên ở Mỹ học xong Trung học thì ít ai còn ở chung với cha mẹ cho dù đi học xa hay gần nhà, con tôi đã vào đại học mấy năm nay, bạn bè của nó đều đã dọn ra riêng hết rồi. Con tôi thỉnh thoảng cũng đề cập đến vấn đề này nhưng chưa lần nào có quyết định gì rõ ràng cho đến bây giờ. Tuy muốn con mình ở lại nhà cho đến khi học hành đến nơi chốn, nhưng tôi biết mình cũng không nên đi ngược lại được sự trưởng thành tự nhiên của con mình.

Vậy mà mấy tuần lễ nay khi thấy nó lăng xăng sắp xếp, nhìn mấy cái thùng giấy ngòai nhà xe… Tôi lại nao nao buồn! Bây giờ ngồi một mình trong căn phòng vắng, tôi không cầm được nước mắt. Trong góc phòng là mấy cái thùng giấy xếp dở dang, chắc con tôi muốn để lại nhà. Tôi thở dài nhè nhẹ, nhớ đến nụ cười thật tươi của con mình sáng nay, ai cũng nói nó có nụ cười giống tôi, cười toe tóet, vui cũng cười mà buồn cũng cười…  Tôi tò mò nhìn vào mấy cái thùng đầy những sách vở và mấy tấm hình cũ, tôi không khỏi bồi hồi nhìn tấm hình khi con tôi còn bé đang mặc một bộ đồ hóa trang trong ngày Halloween, bộ đồ mà tôi đã cẩn thận may và sửa tới sửa lui cho vừa. Tôi còn nhớ con tôi ngồi cạnh bên, líu lo nói chuyện, hôm đó thằng bé lăng xăng nào là rót nước cho tôi uống, nào là bóp vai cho tôi bớt mệt (!).

Những kỷ niệm ngày con tôi con bé ào ạt kéo về.

Tôi thường nghe người ta than thở lúc sanh con, cơn đau dữ dội, hay lúc con còn bé, thức trắng đêm mà lo lắng cho con. Tôi không hiểu mình vô trách nhiệm hay là mình lãng trí mau quên. Mà trong lòng tôi chỉ ăm ắp những kỷ niệm êm đềm…

Trong tôi còn rất rõ hình ảnh một buổi sáng mùa đông, khi con tôi vừa chào đời, một ngày cuối tháng mười hai, tôi nằm trên giường trong bệnh viện, sau một đêm dài không ngủ, tôi nhớ mắt mình cứ đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ, sương mù ngập cả bầu trời… và từ từ nắng lên dịu dàng chiếu sau những cành cây thông, bắt đầu cho một ngày mới. 

Tuy mệt mỏi nhưng tôi đã không làm sao ngủ được, cứ bồn chồn nôn nóng chờ y tá mang con tôi vào.

Lúc đó thằng bé nhỏ tí teo, đỏ hoe, mới lọt lòng mẹ, da nó nhăm nhúm như ông già, những sợi tóc đen nhánh ươn ướt nằm sát vào đầu, chỉ thấy đôi mắt thật sáng, và nụ cười khi tôi bồng nó, người xưa thường nói: chắc “mụ bà” đang dạy nó!  Tôi thì muốn nghĩ, thằng bé đã cười với tôi!

Rồi đến khi nó lên hai, lên ba… tôi không nhớ con tôi hay khóc nhè. Thắng bé  thường hét to hơn là khóc, một hai tiếng rồi thôi!  Lúc nào cũng đi theo bên tôi, cười nói huyên thuyên!  Ngày con tôi bập bẹ tập nói, tôi vui mừng nó nói gì mình thấy cũng dễ thương, càng lớn thì lại đâm ra lý sự, bướng bỉnh, và thắc mắc rất nhiều, nhưng tôi vẫn thấy đáng yêu. Hình như lúc nào con tôi cũng có sẵn câu:

-         Tại sao vậy má?

 

Tôi không thể trả lời với con là không biết, mà phải tìm hiểu hay giải thích lòng vòng để cho con mình nghe.  Rồi nó lớn dần và tôi bắt đầu bí mỗi khi nó hỏi tại sao, có khi tôi cũng biết câu trả lời nhưng lại thấy nói ra không tiện, lại hẹn hò, để má đi hỏi… mong cho qua chuyện, nhưng trẻ con thường nhớ dai, chỉ ngày sau là nhắc:

-         Má có “tìm hiểu” ra chưa, tại sao vậy?

Tôi đành phải nhìn nó cười. Dưới mắt con tôi, chắc thằng bé nghĩ tôi “hay lắm” và cái gì cũng biết. Có lần giờ học nhạc ở trường, thầy giáo phân chia nhạc cụ, con tôi lại lựa xylophone, hôm đó đón nó đi học về, mồ hôi nhuễ nhọai, thằng bé vác lỉnh kỉnh một cây đàn… nhiều mảnh.  Tôi nhìn nó e ngại:

-         Con học đàn gì… lạ vậy?

-         Xylophone đó má!

Tôi thắc mắc:

-         Sao tùm lum vậy con, cây đờn còn xài được không vậy?

-         Mình phải ráp lại, mới xài được.

Tôi phân vân nhìn con tôi và cây đàn. Về đến nhà chiều đó, chúng tôi được thưởng thức những âm thanh khá lạ kỳ, khi con tôi hăng say tập dợt… riêng tôi thì cũng đã khá quen rồi, từ sáo, kèn… thứ nào nghe cũng rất chỏi tai, nhưng cũng phải ráng thưởng thức và khuyến khích “mầm non”, lúc nào cũng với nụ cười trên môi… Chỉ mong cho anh “nhạc sĩ” mệt và nghỉ xả hơi càng sớm càng tốt. Hôm đó, sau một hồi tập dợt, con tôi lò mò đến kế bên:

-         Má!  Má có cách gì cho cây đờn “dính” lại cho con dễ xách đi không?

Tôi nhìn con tôi, nhìn cây đàn… Lúc thường thì chắc đã lăn ra cười thỏa thích nhưng nghĩ đến lúc thằng bé phải “khiêng” cây đàn này từ lớp học ra phòng nhạc thì cũng tôi nghiệp lắm đây!

Tôi bỗng trở thành “thợ” sửa đàn, trả lời con một cách tự tin:

-         Để má coi… con “sắp” nó (cây đờn) ra để má ngắm và kiếm cách!

 

Lúc đó tôi cũng đang làm việc cho ty học chánh, nên cũng rõ về ngân khỏan nhà trường rất eo hẹp, phần nhạc là do chúng tôi trong hội phụ huynh học sinh đóng góp và vận động, nên cũng không dám chê trách nhà trường và dụng cụ phân phát cho học sinh…

Cũng vì con tôi quá tin tưởng và trông cậy vào tôi mà tôi đã can đảm lên, tôi đã mạnh dạn ra Home Depot, sau một hồi diễn tả bằng tay chân, bằng lời nói, họ đã giúp tôi “chế” được một khung bằng nylon để đặt cái đàn lên cho gọn gàng, và rồi tôi đã lanh tay lẹ chân ra tiệm vải mua mấy thước vải dày chuyên bọc ghế (cẩn thận dẫn thằng bé theo để chọn màu cho vừa ý), sau đó mang về may một cái túi lớn gấp hai lần anh nhạc sĩ tí hon, hai mẹ con nhìn cái túi đờn gật gù đắc ý với nhau.

Chiều hôm sau đi học về, con tôi hớn hở khoe:

-         Thầy con khen cái túi đờn và xin má luôn để xài. Nếu má chịu, thầy sẽ viết tên má lên túi để làm kỷ niệm…

Tôi tinh nghịch:

-         Thầy con muốn nhớ ơn má thì cứ viết tên má ngay cửa ra vào!

Thằng bé lắc đầu:

-         Má… muốn nhiều quá!

 

Tôi khoái chí cười híp mắt, cũng vì thích được khen, tôi cũng bất đắc dĩ trở thành “Bầu show” đôi lần. Khó khăn nhất là lần con tôi muốn biễu diễn Múa Lân trong một ngày hội Quốc Tế ở trường, thằng bé hăng hái ghi tên xong và về nhà khoe:

-         Má ơi, kỳ này Festival con múa lân.

Tôi linh tính có chuyện gì không ổn sắp xảy ra cho tôi nên hỏi liền:

-         Ai sẽ tập cho con?

-         Má chứ ai, con thấy học trò má ở trường Việt Ngữ làm đó…

Tôi quay lại nhìn thằng bé, tròn xoe mắt:

-         Má… có biết múa Lân đâu mà chỉ cho con!

-         Cũng dễ mà… Má làm được mà…

Tôi thở dài ngao ngán, nhưng rồi “máu văn nghệ” cũng nổi lên, cũng lăng xăng chạy đi mượn đầu lân, ông địa… Ngày tập dợt, con tôi rủ bạn cùng lớp đến, không có thằng nhỏ nào là người Việt Nam, chắc cả đám chưa bao giờ thấy múa lân là gì. Tôi bèn xách video nhạc xuân ra cho chúng nó xem, mấy thằng nhỏ thích chí xem say sưa, mấy tuần sau đó, sân sau nhà tôi khi nào cũng nhộn nhịp tiếng trống múa lân tôi đã thâu từ trong băng nhạc ra, và một đám con nít nhảy múa… không giống lắm nhưng rất nhiệt tình và trông cũng vui mắt.

Ngày trình diễn bà bầu “bất đắc dĩ” đã hiên ngang cùng đám trẻ con lên sân khấu, tôi đứng hồi hộp bên cánh gà, con tôi giới thiệu về phong tục múa lân, tôi rất ngạc nhiên khi thằng bé đã tự tìm tòi về phần này, nghe nó rành mach cắt nghĩa, giọng dõng dạc tự tin (cũng với nụ cười trên môi), nước mắt tôi chợt ứa ra (!), tiếp theo là:

-         … Tôi và các bạn cảm ơn má tôi đã giúp tập dợt và may những bộ y phục nhiều màu này…

Mọi người nhìn về phía tôi, tôi ngượng ngùng gật đầu chào. Hôm đó sau phần văn nghệ, các nghệ sĩ tí hon được khen tặng tới tấp, tôi cũng được đứng ké chụp hình với tư cách đạo diễn tài tình (cũng xin mở ngoặc ở đây, hôm đó các cậu nhỏ nhảy múa tùm lum không giống gì đám múa lân thuần túy chút nào hết, người xem là toàn người Mỹ… thấy đoàn múa lân tí hon quần áo sặc sỡ coi rất vui mắt nên thấy quá tuyệt vời, vậy thôi!)

 

Vậy đó, con tôi thích tình nguyện dùm cho tôi, khi học lớp Pháp văn lúc ở Middle School, đến mùa Noel, thằng bé đã quảng cáo về “Buche de Noel” của tôi, vậy là tôi phải khăn gói đem vật liệu, dụng cụ vào lớp Pháp văn của nó để thực hành cho cô giáo và bạn bè nó xem.  Hôm đó trời mùa đông lạnh lẽo, tôi phải xin nghỉ làm mấy tiếng đồng hồ lỉnh kỉnh khuân vác đủ thứ vào lớp học của nó để làm bánh, đang bực bội và mệt mỏi, tôi nghe tiếng nó líu lo bên trong:

-         Má tao đến rồi kìa! Nhìn gương mặt nó tươi cười. Má để con phụ cho…  Cám ơn má nhiều lắm…

Vậy là bao nhiêu mệt mỏi, bực dọc tiêu tan hết. Nhìn thằng bé lúc đó đã cao hơn tôi, ở cái tuổi mà trẻ con không muốn nhắc đến cha mẹ, riêng con tôi thì cứ bi bô: Má của tao… với bạn bè.  Tôi cảm thấy vui và an ủi vô cùng!

  

Nhưng không phải khi nào sự “giúp đỡ” của tôi cũng làm con tôi vui lòng. Đôi khi cũng có những “tai nạn” đáng tiếc xảy ra. Hôm đó thì cũng như thừơng lệ, tôi dọn dẹp phòng của con, vất đi rác rến, quần áo treo ngay thẳng… làm xong tôi đứng ngắm nghiá hài lòng, thế nào thằng bé cũng sẽ ôm chầm lấy tôi:

-         Thương má quá, má là số một.

Ôi hạnh phúc biết là bao nhiêu! Chiều đó đón con đi học về tôi thản nhiên đi thẳng vào bếp, chuẩn bị thức ăn xế cho con, tưởng là nó sẽ chạy ra cảm ơn mình nhưng khi quay lại, con tôi đã đứng đó với gương mặt bí xị, nước mắt rưng rưng… Tôi hết hồn:

-         Chuyện gì vậy con?

Thằng bé lắp bắp:

-         Má… má làm gì với cái “Science project” của con rồi?

-         Má có làm gì đâu, con mất cái gì.

Con tôi run run cầm tay tôi dắt vào phòng chỉ:

-         Mấy cái lọ con để đây… là mấy cây nẩy mầm để thứ 6 này con nộp cho cô giáo!

Đến phiên tôi xanh mặt, chết rồi sáng nay khi dọn dẹp phòng, thấy mấy cái lọ thủy tinh có gì mốc meo trong đó thấy ghê quá… Tôi mang đi vất rồi.  Đến phiên tôi “nói không nên lời”:

-         Má không biết nó là cái gì, má…, trời ơi làm sao má biết được!

Con tôi khóc hu hu, tôi càng rối trí thêm.  Thằng bé nằm dài ra giường khóc rấm rức.  Tôi khổ sở nhìn nó:

-         Con đang học về bài gì đưa má xem… coi thử má có làm gì được không?

-         Con đang học về cây cỏ… mà… hu hu… làm sao kịp, còn có mấy ngày nữa làm sao có cái gì “mọc” mau đến mấy cỡ khác nhau để con nộp cho cô đây… hu hu!

Tôi vừa nghe thằng bé khóc vừa nhìn vào bài học của nó, những người thường gây rắc rối lại là những ngừơi hay có nhiều sáng kiến bất thình lình như tôi.  Tôi chợt nảy ra một ý, vừa chạy ra bếp vừa nói với con:

-         Con đừng lo, má biết rồi…

Tôi reo lên mừng rỡ, con tôi cũng tò mò thất thểu đi theo sau. Tôi lục lọi trong tủ kiếm đậu xanh hột còn vỏ, chỉ có giá là nẩy mầm nhanh nhất, tôi miên man với ý nghĩ đó và hăng say tìm kiếm trong tủ. Trong khi con tôi tò mò đứng trố mắt nhìn tôi:

-         Má kiếm gì vậy?

-         Má kiếm đậu xanh để ươm giá cho con, lọai này nẩy mầm nhanh lắm 3 ngày là có giá rồi.

Con tôi nghi ngờ:

-         Sao má biết?

-         Biết chứ sao không! Má ăn giá cả đời phải biết chứ (!)

Kiếm hoài tòan là loại đậu xanh không vỏ mà tôi vẫn dùng để làm bánh. Vậy là hai mẹ con xách nhau đi chợ, thấy con tôi buồn bã, tôi dỗ dành:

-         Má mua cà rem (hối lộ) cho con nghe, chiu không? Con đừng lo, má sẽ  ươm giá, má hứa là thứ 6 con sẽ có bài nộp.

Thằng nhỏ cười chúm chím, tôi nghĩ vì thích ăn cà rem chứ không phải tin tài của tôi... Mấy ngày sau, ngày nào con tôi cũng đứng bên mấy lọ thủy tinh nho nhỏ nhìn ngắm say sưa, mỗi ngày ươm thêm một lọ đậu xanh, nhìn 3, 4 lọ với những cọng giá non nhiều cỡ khác nhau, con tôi trầm trồ:

-         Đẹp quá hả má. Rồi nó nói thêm. Mỗi lần con ăn giá con sẽ nhớ má “phá” bài học của con, suýt nữa là con bị phạt rồi… má thiệt tình!

Tôi chỉ biết nhìn con mình cười trừ. Vậy đó, “sự nghiệp” làm mẹ của tôi đầy dẫy những lỗi lầm… Rồi con tôi ngày càng lớn lên, niềm vui và nỗi buồn của nó mỗi ngày một lớn hơn. Và tôi cũng theo những thay đổi của đứa nhỏ. Tôi vui khi nó vui, buồn khi nó buồn.

Khi nó vào trung học, bắt đầu thấy con gái không đến nỗi “khó ưa”, cứ mỗi lần đón con ở trường thấy nó cười nói với mấy đứa con gái, tôi lại lo sợ viễn vông.

Nhưng rồi cũng không qua khỏi. Lúc đó thằng bé chắc mười lăm mười sáu gì đó, tôi còn làm tài xế đưa đón. Cuối tuần nó muốn đi ciné với bạn, sau khi tôi đồng ý rồi mới khám phá ra “bạn” là một đứa con gái.  Hồn vía tôi bay lên mây, tôi phải làm sao bây giờ… Thấy tôi băn khoăn, con tôi có vẻ bực bội:

-         Con đi với bạn trai hay gái thì có khác nhau cái gì?

Tôi nhìn nó nghĩ thầm, khác lắm chứ!  Nhưng cố suy nghĩ cách trả lời cho êm tai và có vẻ “văn minh” một chút:

-         Má ngạc nhiên vì thường ngày con đi với mấy thằng bạn má biết, đứa này má chưa biết… Vừa trả lời tôi vừa thán phục cho sự lanh trí của mình (!) Tôi mạnh dạn nói tiếp.  Biết ba má nó có cho phép nó đi không…

-         Má thiệt! Đó là chuyện của nó… sao con biết được!

-         Biết rồi!  Nhưng con mới quen với người ta, nếu ba má nó không cho phép, có phải là con bị mất cảm tình lây không?

Thằng bé im lặng, tuy có vẻ không bằng lòng về câu trả lời của tôi, nhưng có lẽ thấy không phải hoàn toàn vô lý! Tôi thở phào, cố làm ra vẻ “thông cảm” cho con tôi vui lòng:

-         Để má xem… Không sao đâu!

Tôi lại trở thành thám tử bất ngờ, khi có tên tuổi của “thủ phạm”, tôi chạy vào lấy cuốn sổ tay, tìm kiếm theo họ (cũng xin thú thật, tôi giữ danh sách số điện thọai cha mẹ của bạn bè con mình rất cẩn thận, sau bao nhiêu năm đi theo đội banh của con, đứng dựa cột đèn, gốc cây chờ con đá banh… tình nguyện làm mẹ đỡ đầu cho đội banh nào là gây qũy cho đồng phục, quà bánh, lại kiêm luôn chức ý tá… cuốn sổ của tôi ngày càng dày cộm…), sau một hồi điều tra, tôi có số điện thọai nhà con bé, cũng chẳng xa lạ gì lắm, tôi có thể vờ vĩnh gọi sang nói chuyện mưa nắng… Vậy đó bỗng dưng tôi trở thành một bà mẹ (mưu mô chia rẽ đôi trẻ) giống như trong những chuyện tình cảm éo le của các phim bộ Hồng Kông.

Vài ngày sau con tôi chỉnh tề quần áo, hình như có xức chút dầu thơm… Tôi đã tình nguyện đưa đón cô bạn nhỏ (đó là lý do của cú điện thọai, xin phép một cách gián tiếp!) con tôi có vẻ trầm lặng, trên đường đi cứ nhìn vào kiếng tự ngắm nghía mình (Vậy mà nhất quyết không có có gì khác mấy thằng bạn!)  Tôi làm bộ nói chuyện bâng quơ đùa dỡn cho con tôi bớt lúng túng, tôi cho con một ít tiền:

-         Con nhớ mời bạn uống nước nghe!

-         Con biết mà má!

Đến nơi, con tôi vào bấm chuông, thật tình tôi rất muốn chạy theo, hỏi han tò mò đủ thứ, nhưng biết không nên và đành ngồi ngoài xe ấm ức. Có lẽ má con bé cũng vậy nên lò mò đi theo, tôi mừng rỡ thò đầu ra chào hỏi bà ta. Hai bà mẹ có vẻ lúng túng hơn hai đứa trẻ, chúng đã nhanh nhẩu lên xe ngồi sẵn sàng để đi, bà mẹ con bé nói vói vào trong xe:

-         Hai con đi chơi vui nghe.

Tôi nhìn bà ta thông cảm:

-         Tôi sẽ đem cháu về đúng giờ.

-         Cảm ơn bà, hy vọng gặp lại bà sau.

Sau này, con tôi biết lái xe, tôi không còn dịp “đưa đón học sinh”, nhưng tôi cũng vẫn (tò mò) thích la cà với đám trẻ con, nhà tôi bao giờ cũng là nơi tụ tập, ăn uống đùa dỡn. Không biết tôi có bao nhiêu buổi chiều “chăn” bầy trẻ sau nhà, nhìn ngắm chúng nó vui chơi trò chuyện, nên dần dà chúng cũng gần gũi tôi, bạn con tôi dù cho là người gốc gì cũng thích phở, bánh mì thịt và những món ăn Việt nam khác. Căn nhà khi nào cũng vang tiếng cười nói, vậy mà… từ nay…

Tôi trở về với thực tại, buồn bã sắp xếp lại mấy tấm hình trên bàn cho ngay thẳng, nhìn mỗi tấm hình của con là một kỷ niệm. Nhìn trong tủ áo, mấy món đồ chơi con tôi ưa thích vẫn còn nằm trên ngăn cao, tôi cẩn thận sắp xếp lại ngay thẳng, nâng niu như những kỷ vật, nước mắt không chảy ròng rã như sáng nay nhưng sao nghe nghẹn ngào trong lòng…

Loay hoay dọn dẹp xong căn phòng, tôi bước ra ngòai, theo thói quen tôi kéo cánh cửa lại… Nhưng thôi, tôi nhủ lòng… Từ ngày hôm nay tôi sẽ để cánh cửa phòng này mở toang ra, để khi đi ngang qua lại nhìn vào mà nghĩ đến những ngày vui, khi con còn ở với mình… Để sự trẻ trung hồn nhiên của con tôi sẽ còn hiện diện mãi trong căn nhà này.

Tôi lại nghĩ đến một buổi sáng mùa đông năm nào khi con tôi mới sinh ra đời, tôi đã ngồi im lặng thật lâu nhìn ra ngoài cửa sổ, bao nhiêu năm qua rồi nhưng tâm trạng đó vẫn còn rõ rệt ở trong tôi, một cái gì mông lung khó tả, không biết đó có phải là âu lo của những ngày sắp đến, có một cái gì mình không đoán được đang chờ đợi … Và rồi hai mươi mấy năm đã trôi qua, những lo sợ của ngày đó đã qua. Hôm nay tôi lại trở về với tâm trạng đó, lại lo lắng cho những ngày kế tiếp…

Bắt đầu từ hôm nay, hai mẹ con tôi rẽ qua một đọan đường mới, tôi buồn vì không trông thấy được con mình mỗi ngày, tôi không biết mình đã dạy cho con được bao nhiêu điều hay lẽ phải, hay là tôi chỉ biết thương và bảo vệ con mình bằng tất cả những gì tôi có. Tôi đã mò mẫm vấp ngã học làm mẹ cùng lúc con tôi học làm người.

Tôi biết mình còn phải học hỏi nhiều lắm để làm mẹ của một thanh niên và một người trưởng thành. Tôi hy vọng đọan đường sau này cũng như đoạn đường trước… Có khi chông gai nhưng đã không thiếu tiếng cười, tôi mong cho con mình luôn đạt những gì ước muốn, nhất là luôn được hạnh phúc và luôn đem lại hạnh phúc cho những người chung quanh, giống như bao nhiêu năm qua đã đem lại niềm vui và tiếng cười trong gia đình chúng tôi…

  Kim-Chi  2005