Từ Chợ Ninh Hòa
 
 

 

 

   Từ chợ Ninh Hòa, môt quận lỵ thuộc tỉnh Khánh Hòa, người ta có thể đi xe ngựa về hướng tây chừng 3 cây số sẽ là làng Bình Thành, một làng nằm dọc theo đường quốc lộ rất hiền hòa và phì nhiêu ruộng lúa.  Đến đầu cầu Bình Gành, bỏ đường cái quan đi vào một đoạn người ta sẽ thấy một căn nhà khá khang trang, chung quanh nhà là vườn cây ăn trái, nhiều nhất là xoài, có đôi ba cây ổi và khế…

Ông chủ căn nhà đó là ông Cửu, có lẽ người ta gọi theo chức vị của ông ngày trước chứ đó không phải là tên thật của ông ta.  Người ở vùng này ít gọi ai bằng tên thật sợ là vô phép, họ gọi nhau bằng tên thứ, để tránh lầm lẫn thì đôi khi đi kèm theo tên của đứa con đầu lòng…

Ông Cửu hồi hưu đã lâu, vợ ông mất sớm, hai cô gái lớn đã có chồng và ở riêng.  Ông sống ở đây cô con gái út và người con trai.  Ông được người trong làng thương yêu và kính nể vì ông rất hiền từ luôn giúp đỡ những người chung quanh khi hoạn nạn, nếu ai tìm đến ông nhờ cậy chuyện gì ông không bao giờ từ chối.

Ba cha con ông Cửu sống lặng lẽ bên nhau, mỗi ngày người ta thường thấy ông đi câu từ sáng sớm ở một con sông cuối làng.  Mặt trời lên ông thanh thản đi về, có khi cái rọ trên tay ông nặng trĩu vài con cá, có khi lại chỉ đi về với cái cần câu vác trên vai.  Ông cũng thường tạt ngang qua nơi các tá điền đang làm việc để thăm hỏi vài câu, nếu hôm nào có nhiều cá, ông để lại một ít cho những ngừơi này và luôn miệng nói:

- Chú Ba… chú Tư ăn dùm cha con tui bớt, mấy con cá tươi quá…

Tuy nói vậy nhưng có khi ông lại cho hết và về sai người trong nhà đi chợ mua thức ăn cho gia đình hôm đó, nếu cô con gái có hỏi:

- Ủa, hôm nay ba không câu được con cá nào à?

Thì ông lại chậm rãi nói:

- Thì cũng được mấy con ngon lắm, ba ghé qua thấy chú Ba… (có khi là chú Tư…) ba cho rồi, tôi nghiệp nhà chú đông con, làm công cả ngày cực khổ mà

không đủ ăn…

Cũng như cây trái trong vườn ông thường gọi những đứa con tá điền:

-  Bây qua hái dùm ông đi, được bao nhiêu thì đem ra chợ bán lấy tiền sách vở đi học, để lại cho ông đôi ba trái cúng bà của bây là đủ rồi.

Chỉ có cây khế ngọt ở góc sân thật là sai trái, từng cành trĩu nặng với nhứng trái khế vàng óng ả… Nhưng ai ai cũng đều ngầm hiểu và chừa ra. Vì đó là nơi cô Út và người em trai thường quanh quẩn dưới gốc, hai chị em và một vài người bạn thường rù rì cười nói với nhau.  Cô Út thường nói:

- Mấy em đừng hái uổng, để trái cho đẹp, mai mốt nếu mà nó chín quá rồi, cô làm kẹo làm mứt để cúng giỗ… xong rồi thì cũng đến mấy em!

 

Khác với hai người chị lớn, cô Út không phải là người giỏi buôn bán như cô Hai hoặc quán xuyến công chuyện trong ngoài như cô Ba, cô Út ngoài giờ học chỉ quanh quẩn trong nhà, cô thích thêu thùa may vá hoặc vào bếp nấu nướng, những ngày tết hay giỗ kỵ, cô là ngừơi đảm trách phần bánh mứt, nấu nướng.  Cô khéo tay và kiên nhẫn, những cô gái vùng hoặc trang lứa trong giòng họ đều ngưỡng mộ và thường tụ tập trên cái sân gạch lớn trước nhà để cùng cô Út  thêu thùa may vá hay làm bánh.

Cô Út là một người hiền lành và rất thương người giống ông Cửu,

 

nên cũng được mọi người thương yêu. Người kể không đề cập đến sắc đẹp của cô Út, nhưng suy từ những câu chuyện xảy qua chung quanh thì cô hẳn phải là một người không những xinh đẹp mà còn duyên dáng mặn mà nên đã làm bao nhiêu chàng trai làng say đắm…

Nhưng hình như dạo đó cô Út chưa để ý đến ai, có lẽ vì mồ côi mẹ sớm, trong gia đình chỉ có mấy cha con sống với nhau, cô Út dành hết tình thương và thì giờ của mình cho cha gìa và em dại.  Cô lại rất đam mê những việc trong nhà và vén khéo, căn nhà xưa của ông Cửu lúc nào cũng linh động tươi mát nhờ bàn tay khéo léo của cô.  Khách đến nhà chơi luôn luôn được thưởng thức tài nghệ của cô qua các món bánh để nhâm nhi với chén trà…

Cô cũng rất siêng năng may vá thêu thùa, lúc nào cô cũng thướt tha trong những chiếc áo xinh đẹp do chính tay cô may.  Các cô gái cùng trang lứa rất hâm mộ tài năng của cô Út và thường quanh quẩn bên cô để tập tành.

Cuộc sống của cô thật êm đềm và bình dị bên cạnh những người thân yêu.  Ông Cửu tuy sống cuộc đời nhàn hạ và đạm bạc, những tuổi già cũng làm ngày càng yếu đi…  Cô Út và người em trai mỗi ngày càng lớn hơn, riêng cô Út thì nay đã là một thiếu nữ, cũng có bao nhiêu chàng trai lịch lãm xứng đáng theo đuỗi…  Trong đó có con trai của ông Chánh ở làng kế bên, cũng là em chồng của người chị Cả cô, họ là người quyền thế, tiếng tăm được nhiều người kính trong nể nang.  Nhưng đối với cô Út, cô chỉ xem anh ta như một người anh đáng kính.  Bên cạnh đó cũng có anh P, một người quen với gia đình anh thường tới lui chuyện vãn với ông Cửu và nhất là thích ra ngồi bên gốc cây khế, nơi cô Út thường ngồi thêu thùa may vá, cô Út thích trò chuyện với anh P vì anh ta là người Tây học văn minh và suy nghĩ phóng khoáng hơn những người chung quanh, cô rất quí anh P và xem như một người bạn, nhưng hình như đối với anh P thì tình cảm dành cho cô Út có hơi khác một chút.

Năm đó cô Út bắt đầu vào học ở trường Quận, người em trai tuy nhỏ tuổi hơn nhưng cũng theo đuổi bằng chị trong việc học.  Hai chị em thường ở lại nhà chị Cả buổi trưa, nhà chị ở gần chợ quận, chiều chiều hai chị em lại về nhà ở làng Bình Thành. Những lúc lưu lại ở nhà chị Cả, cô Út và cậu em cũng đem lại niềm vui cho gia đình chị Cả, cô Út vốn thương yêu trẻ con nên cũng thường chơi

đùa với các cháu.  Cũng như khi về nhà, dạo đó người chi Kế của cô và các con cũng đã dọn về ở chung thay vì theo chồng là sĩ quan trong quân đội vừa có lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn.

Mấy chị em cô Út, xúm xít bên nhau rất là vui.  Ông Cửu cũng rất vui vì được thấy con cháu hằng ngày. Mà cũng có thể đó là một sắp đặt hay đền bù gì đó… Năm đó ông Cửu cũng đã mãn phần.  Các con ông cũng ở quanh đó một lần nữa khóc thương cho đấng sinh thành.  Mộ của ông Cửu được xây trên đất của gia đình bên cạnh người vợ thân yêu và tổ tiên…  Đó là miếng đất cao thoảng khóat giữa đám ruộng mênh mông của gia đình qua nhiều đời.  Chiều chiều người ta thấy mấy chị em và mấy đứa cháu nhỏ chạy tung tăng… họ đến ngồi bên mộ ông bà Cửu cũng giống như ngày xưa thỉnh thoãng ông Cửu vẫn đem các con đến ngồi bên mộ người vợ của mình.

  Ngày tháng lặng lẽ trôi qua, cô Út và cậu em trai vẫn hàng ngày đến trường, trưa trưa thì về nhà chị Cả và chiều đến thì lại về trong làng với chị Ba.  Người chị Cả và anh rể vẫn thường khuyên cô Út nên ở lại phố thay vì mỗi ngày phải đi về trong làng, nhưng cô Út tìm cách từ chối, vì cô thương cho chị kế của mình và đám con dại ở nhà.  Thấy cô cương quyết anh chị cô cũng không dám ép cô nhiều. Anh rể cô là một người tốt bụng, tuy là con nhà quyền thế nhưng anh ta rất hiền lành và tế nhị,

dạo đó anh là sĩ quan quân y làm việc tại chợ quận, nên anh cũng quen biết nhiều và được đồng nghiệp thương mến, bình thường anh cũng có nhiều bạn bè ghé qua thăm hỏi, trò chuyện.

 

Những người bạn xa gần của người anh rể thường ghé thăm lúc đó phần đông là sĩ quan trẻ, những lúc ở đó cô Út thường giúp chị mình pha trà mới khách theo nề nếp gia đình, những hôm có bánh trái do chị em cô làm thì khách cũng được thưởng thức.  Cô Út thường chào hỏi và rút lui vì nghĩ đó là khách của anh rể mình.  Nhưng những người trai trẻ này thì hình như thích trò chuyện với cô, họ thường viện cớ ra nhà sau, hay ngoài vườn để trò chuyện với cô Út.

Trong đám người quen biết đó có một sĩ quan trẻ vừa được thuyên chuyển về từ Dục Mỹ, anh T rất lịch lãm và hiểu biết nhiều, lại rất văn nghệ.  Khi đến nhà thay vì lăng xăng như những người khác, anh chỉ chào hỏi sơ qua, những hôm nào viếng thăm lâu, anh lại cầm lấy cây đàn gần đó hát vu vơ một bản nhạc…

Những hôm nghỉ học thì cô Út ở nhà với chị kế trong làng chứ không ra ngoài phố quận, những ngày đó thường là lễ hay Tết, cô bận rộn phụ giúp chị mình công việc bánh trái và có niềm vui riêng của mình.

Hình như hôm đó là ngày đầu xuân cô Út đang ở nhà phụ giúp chị, có chút thì giờ rảnh rỗi cô ra ngồi dưới gốc cây khế, thong thả thêu nốt cái áo gối cho đứa cháu, cô vừa thêu vừa nhàn hạ ngắm chậu mai bên nhà một cách thích thú, gió nhè nhẹ thổi… và cô thoáng nghe như có tiếng ai huýt sáo một bản nhạc trữ tình, cô quay lại, người sĩ quan trẻ lịch lãm, anh T bước vào nhìn cô vui vẻ chào:

- Cô Út, đầu năm tôi đến thăm cô và gia đình.

Cô Út ngạc nhiên nhìn anh T:

- Chào Anh!  Chà… mà sao anh biết nhà?

- Tôi vẫn nghe anh B (anh rể của cô Út) nói về nhà của ông cụ ở làng Bình Thành, tôi đi vào đại không ngờ… đúng!

Cô Út nể nang người thanh niên đẹp trai và tài ba này quá (cũng xin mở ngoặc, sau này anh ta thú thật là đến đầu làng, khi đi bộ vào lang thang chưa biết hỏi làm sao, những người trong làng thấy anh thì bàn tán, người lịch lãm trẻ trung đi vào đây thì chắc là quen biết hay tìm cô Út con ông Cửu, nên họ chỉ nhà cho

anh vào…).

Họ ngồi trò chuyện với nhau khá lâu, chi tiết thì không được nghe kể nhiều, nhưng chắc phải là thơ mộng lắm vì người thanh niên đó sau này viếng thăm cô Út rất thường cho dù là khi cô trong nhà hay ra phố với người chị.

Những người trong làng cũng có vẻ mến mộ anh ta nên có người đã mách với anh rắng: “Cậu ơi, cưới vợ thì cưới liền tay… Cô Út tui ở đây biết bao nhiêu là người đang dòm ngó!”

Không biết vì nghe lời khuyên của dân làng hay là theo tiếng gọi của chính con tim mình, mà không ít lâu sau đó một đám cưới đã diễn ra, chú rễ là một sỹ quan trẻ oai hùng và cô dâu là một thiếu nữ hiền lành (thêm vào lời người kể không nhắc đến là đảm đang và xinh đẹp) đã diễn ra.

Ai ai cũng vui mừng cho họ, và cầu chúc họ một cuộc đời hạnh phúc với nhau...

Câu chuyện trên đây có thể không phải là một câu chuyện lạ thường cho lắm, có thể tại mỗi làng thôn ở Việt nam thể nào cũng có một cô Út như vậy.  Nhưng đối với tôi thì nó rất đặc biệt từ vị trí của ngôi làng Bình Thành cho đến con đường đất, cái sân gạch trước nhà ông Cửu… và nhất là cô Út.

 
 

Câu chuyện tôi được nghe đi nghe lại nhiều lần, từ khi tôi con bé tí… Người kể cho tôi nghe chính là cô Út không ai khác hơn là thân mẫu của tôi.

Ngày tôi còn bé, cứ mỗi lần nằm gối đầu trên chân để má tôi vuốt tóc ru tôi ngủ hay là ngồi bên cạnh xem má tôi may vá thêu thùa…  Và rồi đến bây giờ, tôi đã sống hơn nửa đời người và má tôi đầu đã bạc, tôi vẫn bồi hồi khi nghe má tôi bắt đầu bằng:

- Con biết không hồi đó…

Một âm hưởng êm đềm mà tôi có thể mường tượng ra ngôi làng Bình Thành, quận Ninh Hòa và con đường đi vào nhà, con đường mà ba tôi (vâng người sĩ quan trẻ oai hùng đó chính là Ba tôi!) đã mò mẫm tìm đến vào một buổi chiều

xuân nào đó!

Có một điều mà cũng câu chuyện lập đi lập lại mà tôi đã nghe qua nhiều giai đọan trong đời tôi, lời kể vẫn vậy, từ tốn và trìu mến nhưng hình như mỗi lần tôi nghe lại, tôi lại thấy ra được một chi tiết mà tôi không thấy được trong những lần trước…

Càng lớn tôi càng trân qúy câu chuyện và nguồn gốc của mình, giống như lời má tôi kể, bà không nhắc đến ruộng đất hay tài sản của ông tôi, mà tôi cứ nghe bà lập đi lập lại về đức tính hiền hậu thương ngừơi của ông, cũng như những lời dạy dỗ của ông mà bà dùng để khuyên lơn chúng tôi sau này.  Có những lúc vấp ngã trên đường đời, về ngồi bên bà, tôi ít nghe bà trách móc hay chê khen một ai, mà chỉ từ tốn:

- Con à, má nhớ ông Ngoại vẫn nói với má hoài, ở đời mình cứ…

Hay là:

- Sông có khúc người có lúc, con cứ ở phải thì gặp phải…

Má tôi có năm người con gái, có lần Ba tôi nhận xét, đứa nào cũng xinh đẹp (lời khen thiên vị của người cha) vì là con của má tôi, tôi nghe trong giọng nói của ông có sự ngưỡng mộ rất đáng quí.  Riêng tôi, tôi chỉ mong được giống má mình ở sự vén khéo, nhu mì và không coi vật chất bề ngòai quan trọng bằng cách đối xử của con người với nhau.  Đó là khuôn thước tôi vẫn cố sống theo mà tôi biết sẽ làm má tôi rất hài lòng.

Cũng như tôi hy vọng khi má tôi đọc những giòng chữ này, bà sẽ mỉm cười, vui hơn những bữa tiệc lớn tôi đã tổ chức cho bà hay những món quà đắt tiền trước đây.  Vì bà biết ra rằng, bao lâu nay khi nghe bà kể chuyện… ngày xưa, tôi đã không nghe một cách thơ ơ, mà tôi đã nhớ từng chi tiết, tất cả đã thấm vào tôi đã trở thành một phần quan trọng của con người tôi, của cuộc đời tôi.  Tất cả cũng bắt đầu từ ngôi làng Bình Thành, Ninh Hòa… mà tôi sẽ không bao giờ quên!

  Kim-Chi