Phượng Hoàng

tôi....




Kim-Chi
 
 

           Tôi vẫn thường nghe về cuộc chiến ở Việt Nam, đến cuộc đời gian khổ và sự hy sinh lớn lao của người lính VNCH. Những kỷ niệm vui buồn họ thường nhắc đến một cách trân quí và tôi nghe rất gần gũi.

Có một cái gì đó, hình như là sự kiêu hãnh riêng của những cựu chiến binh này mỗi khi noí đến cuộc đời quân ngũ của mấy mươi năm về trước. Trong số đó có ba tôi, có các anh tôi. Tôi không dám nói là mình hiểu được những tâm tình này vì tôi chưa từng phục vụ trong quân đội, nhưng vì “cơm nhà binh” nuôi tôi lớn nên tôi cũng có nhiều kỷ niệm cũng như cái nhìn riêng của một đứa con có cha trong quân ngũ.

 

Ngày còn ở VN ba tôi vắng nhà thường, mặc dù thương ba mình nhưng tôi ít gần gũi ông. Tôi nhớ ngay cả khi ông đảm nhận chức vụ khá quan trọng, có lẽ vì lý do an ninh, ông về nhà thường nhưng không nhất định, có hôm cơm vừa dọn lên bàn, thì lại có gì đó xảy ra, ông to nhỏ với người tuỳ viên của ông, vậy là ăn vội vàng rồi đi. Gia đình cũng đã quá quen và chấp nhận, riêng má tôi chỉ thở dài nhìn theo…

 

Một kỷ niệm tôi nhớ mãi, khi còn bé tí, lúc đó ba tôi làm việc ở Thủ Đức, gia đình sống ở cư xá ngay trong Trung Tâm Huấn Luyện, chiều chiều ba tôi thư thả bát bộ về và chúng tôi tung tăng chạy ra mừng.

 

Có lần kia khi hai anh tôi có xe đạp mới, mấy anh em phiêu lưu đèo nhau đi thật xa nhà (mà có thể cũng chẳng xa mâý… nhưng là con nít chúng tôi đã thấy xa!) đến nơi có nhiều hàng rào kẽm gai và những gò đất, tôi sợ lắm vì cảm thấy có vẻ nguy hiểm, các anh tôi thì reo hò sung sướng, vứt xe đạp một bên, giả làm đánh trận nhào lộn trên các gò đất… Một hồi thỏa thích thì kéo nhau về, hình như anh tôi đi lạc đường, tuy là miệng cứ bô bô:

 

– Anh biết đường này mà… đừng lo!

 

Bỗng chúng tôi nghe tiếng ai rất quen, thì ra là ba tôi đang noí gì đó với các khoá sinh, giọng ông dõng dạc và lớn, rất oai nghiêm. Lúc đó thì anh tôi mới bắt đầu run:

 

– Chết… chỗ ba đang “làm việc”!

 

Chúng tôi im thim thíp lấp ló từ xa tít, một hồi lâu anh tôi lần mò đưa các em ra khỏi vùng “nguy hiểm”, về đến gần nhà anh thở phào:

 

– Thôi ở đây và chờ ba về…

 

Đúng như anh tôi đoán, một lát sau ba tôi về, anh em tôi reo mừng, ông dịu dàng đến bên xoa đầu và ôm chúng tôi vào lòng. Tôi lờ mờ hiểu lúc đó, ba tôi lúc đi làm thì oai và nghiêm trang lắm nhưng về đến nhà thì rất dịu dàng thương yêu chúng tôi.

 

Tôi lớn lên dần, gia đình di chuyển nhiều nơi, có khi là thành phố lớn có khi là nơi hẻo lánh xa xăm, chúng tôi không thấy gì lạ, cứ sống đời trẻ thơ bên cạnh má tôi và thỉnh thoảng ba tôi về thăm.

Khi tôi vào trung học gia đình định cư ở thành phố lớn, ba tôi đi về thường xuyên hơn. Lúc đó má tôi rất nghiêm khắc với tôi, ba tôi thì vừa nghiêm vừa chìu chuộng, đương nhiên là tôi bị anh em trai phân bì…

 

Tôi nhớ có những hôm thay vì có người nhà đón tôi đi học về như thường lệ, ba tôi đích thân chờ tôi ở cổng trường, bạn bè tôi trầm trồ, ba tôi oai và đẹp trai quá!  Tôi phổng mũi và hãnh diện lắm về ba mình.

 

Nhưng tôi còn hãnh diện hơn nữa khi nhắc đến ba tôi, ai cũng nể nang là ba tôi có tài lại thanh liêm (và đẹp trai!)

 

Khi gia đình đinh cư ở Mỹ thì mỗi ngày tôi càng gần ba tôi hơn thì tôi nhận ra thêm sự cẩn thận và nghiêm khắc của ba mình, ngoài sự bảo bọc luôn luôn là “kỷ luật sắt” để rèn luyện chúng tôi thành những binh sĩ (ý quên công dân) gương mẫu.

 

Bên cạnh những điều ông răn dạy, bây giờ có thêm một điều nữa: “…nên nhớ mình là người Việt Nam ở xứ người, phải luôn cân nhắc hành động của mình cho xứng đáng… để còn ngẩng mặt tự xưng là người Việt Nam…”

 

Anh em chúng tôi thường than vãn với nhau và gọi ông là “Phượng Hoàng”, ám danh của ba tôi ngày xưa còn trong quân đội. Và vẫn nói với nhau: “Cẩn thận nhé, mình đang đem chuông đi đánh xứ người…”

 

Những ngày đầu tiên ở xứ người, Phượng Hoàng ngược xuôi cho việc học hành của chúng tôi. Sáng sớm ông thức dậy đưa các em tôi đi học rồi mới đi làm. Hôm đầu tiên tôi đi học (đại học!).  Sợ tôi đi xe bus lạc, ông đi cùng với tôi, ngồi trên xe, ông căn dặn tôi đủ điều, tôi chợt nghĩ, không hiểu có giống ngày xưa khi ông chuẩn bị cho binh sĩ khi sắp ra trận không!

 

Vào trường lo thủ tục cho tôi xong, ông lại dặn dò thêm và đưa cho tôi cái bản đồ, có gạch vàng đường về nhà rất cẩn thận… Tôi cầm cái bản đồ mà lòng rối như tơ vò, nhìn vào bản đồ thì càng lo ngại thêm, bản đồ đối với là một thứ “không hiểu họ chế ra làm gì…”, nhưng tôi đã rất cảm động vì sự chu đáo của ba mình, cầm lấy mà nhìn theo ông khuất dần trong đám đông, từ giây phút đó tôi thấy tôi phải làm một cái gì đó để đền đáp lại sự thương yêu và hy sinh của ba mình.

 

Tôi còn nhớ việc làm đầu tiên của tôi taị một nhà hàng sau giờ học, có lẽ thương tôi đi về khuya, ba tôi thường đến đón rất sớm, đậu xe bên ngoài. Tôi vừa thương vừa lo cho ba mình, làm việc vừa mắt ngong ngóng ra ngoài sót ruột vì biết ông đang kiên nhẫn ngôì chờ… có lần tôi hứa hẹn với ông, mai mốt con biết lái xe và đi một mình để khỏi mắc công ba! Đương nhiên là ông phản đối, đêm hôm mà đi đâu một mình… ba đón được rồi!

 

Nhưng mùa hè năm đó ông cũng dạy cho tôi lái xe, tôi nhanh nhẩu:

 

– Hồi ở Đà Nẵng chú L. có chỉ cho con và con biết lái sơ sơ rồi…

 

Ba tôi có vẻ không bằng lòng:

 

– Một là biết hai là không.  Sơ sơ là làm sao.

 

Tôi im không dám nói thêm gì. Và rồi sau đó tôi trải qua một khóa “huấn luyện” của Phượng Hoàng về lý thuyết… Rất cam go nhưng may cho tôi là đậu bằng viết ngay lần đầu, ba tôi bình thản trong khi tôi nhảy cà tưng lên mừng, ông chỉ nói:

 

– Mấy ‘thằng” Mỹ dễ quá!

 

Tôi biết nếu ba tôi chấm bài thì chắc chắn tôi đã đậu cành mềm!

 

Chiều đó, ông đưa tôi ra sân trường tiểu học cạnh nhà (sau khi học trò đã về hết rôì). Tôi lo ngại nhìn chiếc station wagon dài thườn thượt của ba mình… lại là xe số tay, tôi lí nhí:

   
 

– Ba cho con tập xe số tự động… dễ hơn…

 

– Không. Ba tôi đáp. Phải tập lái số tay như vậy thì xe nào mình cũng lái được. Nên nhớ là khi nào cũng phải chuẩn bị cho chính mình để trong bất cứ trường hợp nào mình cũng thích hợp và sống được.

 

Tôi đành phải dạ vâng. Không hiểu ba tôi dự định gì cho tương lai của tôi mà luôn luôn “huấn nhục” tôi như vậy!

 

Mặc cho tôi bất mãn, ba tôi thản nhiên căn dặn thủ tục cần thiết trước khi leo lên xe:

 

– Trước khi lên xe lái nhớ luôn luôn kiểm soát cẩn thận, bánh xe, xăng nhớt đầy đủ. Lên xe thì coi lại…

 

Ông vừa nói vừa đi quanh xe, lấy chân đá đá vào bánh xe… Tôi toan nói:

 

– Ba… con mang giày cao gót, mũi nhọn mà con đá như vậy vừa hư giày con vừa hư bánh xe… mà trông cũng không yểu điệu lắm…

 

Nhưng tôi ngưng lại kịp và chỉ dạ nho nhỏ…

 

Lên xe, bắt đầu lái, tôi run lập cập vì “cấp chỉ huy” ngồi kế bên, nhưng rôì tôi cũng lái vài vòng quanh trường (thắng gấp đôi lần, sang số nhanh quá làm tắt máy xe…).

 

Ba tôi thản nhiên ngồi bên, điềm đạm nói:

 

– Thả “ga” ra từ từ và đạp thắng…

 

Rồi ông bất chợt nói:

 

– Bây giờ đi ra đường…

 

Tôi hốt hoảng:

 

– Con sợ…

 

– Cái gì mà sợ, đường rộng thênh thang.

 

Rồi ông lại tiếp:

 

– Phải can đảm lên…

 

Nếu trong cuộc đời có khi nào tôi “than thân trách phận” thì là lúc đó… Tôi cố nén tiếng thở dài, tôi đang tập lái xe để chạy trong thành phố chứ đâu phải sắp ra trận đâu mà ba tôi bắt tôi phải “can đảm” lên…

 

Rồi buổi học đã trôi qua, thấy tôi lái xe về đậu trước sân, thằng em trai tôi ló đầu ra (nó đã học lái xe với ba tôi trước rồi) nhìn tôi cười cười, đợi ba tôi đi vào nhà là nó chạy như bay ra:

 

– Thế nào… bị la mấy lần…

 

– Không nhớ hết…

 

Hắn cười:

 

– Thôi cố đi, nên nhớ “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”…

 

Nói xong thằng em tôi cười lém lỉnh, tôi bực bội nguýt háy nó và đi vào nhà.

 

Về sau này, anh em chúng tôi góp lại những mẫu chuyện “huấn luyện chiến xa” do ba tôi đảm trách và đám lính là chín mười anh em chúng tôi. Em gái tôi than thở:

 

– Đến phiên em thì cái xe cũ của ba hết chạy được, mà em cũng phải lái vì là xe số tay! Muốn chạy thì chạy muốn ngừng thì ngừng.

 

– May cho mày ba không bắt học sửa xe… Anh tôi nói.

 

Đứa em gái la lên:

 

– Trời ơi, quên kể… ba tập cho em thay bánh xe…

 

– Hú vía, chị không bị học bài đó… Nhưng chị thì bị học những thứ khác… chẳng hạn như ở trong bếp…

 

Vì đời sống quân ngũ đã làm cho ba tôi luôn luôn thận trọng và ở tư thế sẵn sàng… Tôi vốn thích nấu nướng, nên ngay từ khi còn ở nhà với bá má, tôi vẫn thích la cà trong bếp hay phòng ăn, và đương nhiên tôi là phụ tá đắc lực của má tôi. Có nghĩa là nhiều điều ba tôi cho là quan trọng mà má tôi cứ tỉnh bơ thì tôi là đứa có bổn phận phải nhắc nhở một người duy nhất trên đời này “dám” tỉnh bơ khi ba tôi “phán” điều gì…

 

Một hôm sau khi đi sắm sửa ở tiệm “Saint Francis”, một tiệm đồ cũ có cái tên rất… Tây! Ông vác về một cái bình chữa lửa, chúng tôi nhìn nhau với trăm ngàn câu hỏi trong đầu, ông loay hoay một hồi, hình như gọi điện thoại nói gì với ai đó tôi không rõ (tiếng Anh cảu tôi lúc đó rất giới hạn…) xong ông quay qua thằng em tôi:

 

– Đi với ba…

 

Em tôi, lính cảm tử dạ một tiếng thật to và lót tót đi theo ba tôi.  Chừng tiếng đồng hồ sau, em tôi lại bê cái bình chữa lửa về, ba tôi đi cạnh nó hớn hở nói:

 

– Vậy là yên tâm! Có cái bình chữa lửa ở trong bếp, có chuyện gì thì mẹ con dùng…  Để ba kiếm chỗ nào để cho tiện!

 

Má tôi nhìn cái bình (nên nhớ ngày đó, hình như người ta chưa làm những bình chữa lửa nhỏ để xài ở nhà, nên cái bình này to tướng để xài ở công sở…) có vẻ bất mãn:

 

– Cái bình này để chiếm hết chỗ… lại xấu xí, thôi ông để ngoài ga-ra đi, có gì chạy ra lấy.

 

Ba tôi không trả lời, sắp xếp một hồi và quyết định (trong khi má tôi tiếp tục bất mãn):

 

– Để ngay đây là tiện nhất. Rồi, bà và con ra đây tôi chỉ cho cách dùng.

 
 

Má tôi miễn cưỡng đi theo ra sau nhà, tôi là “binh deux” nên ngoan ngoãn theo mà không có ý kiến gì hết… thật tình khi ba tôi cắt nghĩa tôi dạ dạ chứ không hiểu, đến khi ba tôi bảo thực hành… tôi và má tôi bấm xịt lung tung!

 

Bây giờ mỗi lần nhắc lại, nhất là có lần thằng em tôi kiếm được tấm hình của căn nhà bếp và phòng ăn ngày xưa của gia đình, thấy cái bình chữa lửa treo gần tủ lạnh là chúng tôi lăn ra cười thích chí, giành nhau mà kể chuyện này sang chuyện khác…

 

Đến khi chúng tôi ở riêng thì Phượng Hoàng cũng bận rộn lắm với chúng tôi, ngày chưa có internet để gửi email thì ông gọi điện thoại nhắc nhở, lo lắng đủ điều. Khi ông hồi hưu và có nhiều thì giờ thì má tôi là người đầu tiên than thở:

 

– Cái gì ổng cũng dẹp đi, cái gì cũng cho là không an toàn… bao nhiêu năm nay thì sao!

 

Cũng may là bên cạnh sự cẩn thận làm má tôi bực bội, ông cũng có những cái đáng yêu khác nên cũng bớt đi sự cằn nhằn.

 

Và chúng tôi các binh sĩ đi theo ông suốt đời, vẫn được ông trông nom cho đến giờ này, chẳng hạn như sáng ra thì sẽ có email của Phượng Hoàng về một vài chuyện xảy ra trên chiến trường (ý quên trên thế giới), tôi là đứa ít theo dõi chính trị, những bài chữ chi chít thì ít đọc, ngoại trừ đó là chuyện tình cảm lâm ly bi đát, nên có lần trong bàn cơm cuối tuần ở nhà ông bà, tôi ngớ ngẩn hỏi gì đó thì ông hỏi lại:

 

– Ba có gưỉ bài… không có đọc hả…

 

Theo kinh nghiệm thì không nên vội vàng trả lời, con không thấy thư đó (vì Phượng Hoàng có thể tà tà mang cái laptop của ông ra và check ngay tại đó: có đây nè, ai cũng nhận được…) hay là dại hơn mà nói con bận… chỉ nên im lặng… là vàng!

 

Hình như ít có gì lọt qua khỏi mắt ông, cho nên đến tuổi này mà chúng tôi vẫn còn “ớn” ba mình, tuy là lớn tuổi có lẩm cẩm đi một tí, nhưng có nhiều chuyện mình muốn quên thì ông cụ vẫn còn nhớ rõ ràng!

 

Nhưng có một bí mật mà tôi biết về ba tôi, về Phượng Hoàng là trông bên ngoài có vẻ cứng rắn nhưng bên trong là một người tình cảm và rất văn nghệ. Có một cái hình đen trắng của ông khi mới vào quân đội, ông cầm cái đàn mandoline ngồi gảy rất nghệ sĩ, hình ảnh người thanh niên trẻ và tài ba đó làm tôi vừa hãnh diện và thương quí ông vô cùng.

 

Hôm sinh nhật 80 của ông, mấy anh em tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng, anh tôi lo phần văn nghệ (anh em chúng tôi hơi tự tin về khả năng văn nghệ của mình!), tôi và mấy bà chị dâu lo phần thức ăn, mấy đứa em thì lo phần slide show cảm động…

 

Phân chia công việc xong thì anh tôi tụ tập các “ca sĩ” lại để tập dợt, bàn cãi sôi nổi về những bản nhạc “vượt thời gian”… Ông anh lớn, ông “sống lâu” nhất đám thì phải biết ba tôi thích những bản nào…

 

Tôi thì nhớ ba mình hay ngâm nga bài “tình nghệ sỹ”…

 

– Thôi thôi không được… bài đó hình như là kỷ niệm với đào… Anh tôi la lên.

 

Chị dâu tôi cũng cản:

 

– Cẩn thận, hát trúng mấy bài đó thì má giận là chén dĩa bay… mất vui.

 

Sau một hồi nghiên cứu và bàn cãi, chúng tôi đã tìm được những bài mà ba (và má) tôi thích, như “Em đến thăm anh một chiều mưa”, nghe đâu có kỷ niệm gì đó… vì má tôi đã “quên đường về” mấy chục năm nay!

 

Chương trình văn nghệ hôm đó khá phong phú, toàn những bài nhạc hay, chú tôi từ nam Cali đến dự, nghe nói đến chương trình “ca nhạc” cũng muốn hát một bài (đã nói là máu văn nghệ tràn trề mà lị!).

 

Hôm đó tôi loay hoay trong bếp lo sửa soạn thức ăn, chạy lui chạy tới mà nghe các ca sĩ trong nhà hát và sót cả ruột, từ những bài tiền chiến như Cây Đàn Bỏ Quên, Thu Quyến rũ cho đến những bài tình ca của lính như Đồn vắng chiều xuân… tôi chạy ra hỏi anh mình:

 

– Chừng nào tới phiên em, sao mấy bài hay ai cũng “giành” hát hết rôì…

 

Anh tôi gật gù, tôi cầm micro liền vì sợ mất dịp may, anh tôi thì thầm bên tai:

 

– Còn bài Chiều mưa biên giới… được không?

 

Tôi ngần ngại vì baì này rất hay sợ mình hát thì… hết hay, nhưng cũng dạ dạ, tôi cất tiếng hát theo tiếng đàn guitar của anh mình:

 

– Chiều mưa biên giới anh đi về đâu… sao còn đứng ngóng nơi giang đầu, đường rừng chiều mưa may rét mướt…

 

Tôi say sưa theo bản nhạc lấy câu “hát hay không bằng hay hát” mà an ủi… Thả hồn theo bản nhạc tôi nhớ đến hai câu chót, biết ba mình rất thích và thường ngâm nga mỗi khi thích chí việc gì, tôi hồi hộp hát với xúc động… nhìn qua phía ông cụ thì thấy ông lại đang nói gì đó với anh tôi và anh lại lăng xăng chạy đi lấy micro cho ông, mọi người ngạc nhiên ông cất tiếng hát và ra dấu cho tôi cứ tiếp tục hát:

 

– Người đi khu chiến thương người hậu phương… Thương màu aó gửi ra sa trường. Lòng trần còn tơ vương khánh tướng… thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi…

 

Tiếng vỗ tay reo hò của mọi người làm tôi hãnh diện được hát chung với ba mình, nhìn sang thấy ông có vẻ xúc động… rồi giọng ông trầm bỗng kể lại kỷ niệm của bản nhạc khi ông còn ở Sư Đoàn 22 BB đóng ở cao nguyên… Tôi đứng bên nghe ông kể… hình ảnh người quân nhân trẻ và những tâm tình… làm cho mọi người xúc động và tôi thì rơm rớm…

 

Nhưng tôi ít dám khóc trước mặt ba mình, vì nhớ lời ông dặn, phải “can đảm”… dù tôi biết mình không là lính của ông, nhưng tôi cũng phải rèn luyện mình cứng rắn cho xứng đáng…

Những lần “cam đảm” không phải khi nào cũng dễ, như có lần ba tôi đau nặng, bác sĩ quyết định giải phẫu, chúng tôi lắng nghe bác sĩ cắt nghĩa… riêng ba tôi thì vẫn bình tĩnh.

Chiều hôm đó, các anh và em tôi chưa đi làm về, tôi và đứa em gái ở xa về đang “trực” ở bệnh viện, đến giờ chuẩn bị giải phẫu, người ta đưa ba tôi sang một phòng khác để chích thuốc, đo mạch… em tôi chờ ở ngoài vì cô y tá căn dặn:

 

– Nếu em cô muốn vào thì cô ra ngoài nhé, mỗi lần một người thôi…

 

Cô ta đi rồi, còn lại có ông và tôi, biết ba mình đang lo nên tôi nói bâng quơ:

 

– Ông bác sĩ này giỏi lắm ba… chắc mọi việc sẽ êm xuôi đó ba…

 

– Ừ em con nó nói ổng nổi tiếng lắm…

 

Tôi vâng dạ, chưa biết nói gì thì ba tôi tiếp:

 

– Ba thấy mình có phước quá, nằm nhà thương mấy hôm, các con lo lắng đủ điều…

 

– …

 

– Ba vui lắm, đứa nào cũng ngoan cũng có trách nhiệm… Để ba hãnh diện là các con đóng góp trong caí xã hội này…

 

Tôi phân vân không biết nên mừng hay nên lo… tại sao hôm nay ba tôi lại nói những lời này, tôi nghe nghèn nghẹn ở cổ, cố lấy bình tĩnh dạ vâng tính nói là chúng con muốn giống ba… muốn noi gương ba… nhưng lại không nói ra thành lời, chỉ biết vụng về kéo lại cái chăn cho ông và lắp bắp một câu không đâu vào đâu:

 

– Ba… ba có lạnh không?

 

– Không… em con đâu?

 

Chợt nhớ ra đứa em ở bên ngoài, tôi vội nói:

 

– Dạ, con ra ngoaì để em vaò với ba!

 

Ba tôi dù đang mệt cũng nói:

 

– Ừ, đúng rôì, người ta đã dặn… mình phải tự trọng thì người ta mới nể mình… Nhất là họ biết mình là người Việt Nam.

 

Tôi vâng dạ lui ra không khoỉ nể phục ba mình, nằm trên giường bệnh, đang vật lộn với sự sống chết mà vẫn không quên bổn phận đối với các con.

 

Ngồi bên ngoài phòng đợi, lo lắng và thương cho đấng sinh thành, bao nhiêu năm ngang dọc, luôn nghĩ đến lẽ phải, từ khi còn là một quân nhân, đến khi xa nhà trên xứ người vẫn mang theo khuôn thước luôn dạy dỗ các con dù là trong hoàn cảnh nào. Để rồi bây giờ thì cũng theo luật tự nhiên của cuộc đời… nước mắt tôi ràn rụa, có một mình ở đó, tôi không cần phải cứng rắn hay can đảm… Đang sụt sùi ngon lành thì anh tôi ở đâu chạy vào, thấy tôi khóc lu bu, gương mặt anh đổi sắc và hốt hoảng:

 

– Chuyện gì… Ba đâu?

 

Anh tôi hỏi tới tấp, tôi vội ấp úng chỉ chỉ vào bên trong:

 

– Ba chờ… giải phẫu…

 

Anh tôi lật đật vào trong… vừa đi vừa lắc đầu:

 

– Hết hồn… tưởng chuyện gì…

 

Tôi nghe vậy thì cũng cố lấy lại bình tĩnh, một lát anh tôi và em gái trở ra. Tưởng như bình thường anh tôi sẽ cằn nhằn tôi ma mủi, chưa gì đã khóc lóc nhưng lần này anh tôi cũng ngồi lặng yên mở tờ báo ra xem và hình như cũng lo lắng… Chỉ có đứa em gái đến ngồi bên tôi, nó dựa sát vào tôi.  Không dám nhìn em mình vì biết em tôi đang khóc… tôi ngồi lặng yên bên em mình và thiếp đi… hai đêm liền từ khi ba tôi vào bệnh viện, giờ giấc xáo trộn, tôi chạy ra chạy vaò thăm nom ba mình… biết là không làm gì được nhưng mà về nhà thì lại không yên tâm!

 

May mắn cho gia đình chúng tôi, lần đó ba tôi qua được nguy hiểm, cuộc giải phẩu thành công. Gần hai tiếng đồng hồ sau, vị bác sĩ bước ra cho chúng tôi hay và ba tôi đang nằm trong phòng hồi sinh. Các anh em khác đến sau tranh nhau vào thăm, chỉ có tôi và anh lớn ngồi yên một chỗ… anh tôi đứng lên đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, anh nói nho nhỏ với tôi:

 

– Phượng hoàng bình yên là tốt rồi, hồi trưa ông nói những điều làm anh sợ quá…

 

Tôi biết ba tôi đã nói gì với anh, nên anh đã im lặng có vẻ suy tư suốt mấy tiếng đồ hồ và hai anh em đã ngồi bên nhau, cả hai cùng lo lắng tuy không ai nói với ai tiếng nào.

 

Như lần xa xưa khi chúng tôi còn bé, mấy anh em đi chơi lỡ xa nhà và bị lạc đường về, hình như anh tôi cũng sợ giống lần này nhưng phải tỏ ra cứng rắn với các em…

 

Tôi cũng nhớ khi còn bé, mỗi lần đón ba đi làm về, ba tôi lấy mũ xuống, tôi thường muốn được cầm lấy để ngắm nghía cái huy hiệu thêu màu vàng, màu đỏ rất đẹp. Anh tôi lớn hơn làm le và đọc cho tôi nghe: “Tổ Quốc – Danh dự – Trách nhiệm”, sau đó ba tôi cắt nghĩa cho anh em tôi nghe, nhưng vì còn nhỏ đầu óc non nớt tôi không hiểu ý nghĩa sâu xa của những chữ đó, có lẽ biết biết vậy nên ba tôi cũng nói, khi lớn ba sẽ cắt nghĩa thêm cho các con nghe để hiểu… theo đó mà sống!

 

Hình như về sau ba tôi chưa lần nào có dịp để cắt nghĩa về những chữ này, nhưng suốt cuộc đời ông đã sống theo khuôn khổ đó với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết, ông luôn là một gương sáng cho chúng tôi noi theo.  Mấy anh em thường đuà về sự mẫu mực nghiêm khắc của ba tôi, rất “nhà binh” nhưng chúng tôi ai cũng biết diễm phúc của mình cũng như trách nhiệm đi song song với sự may mắn đó.

 

Có dịp nào tôi sẽ nói với ông, tôi đã sắp xếp trong đầu rất nhiều lời hay ý đẹp để nói lên công lao mấy chục năm ông đã rèn luyện thương yêu các con… Bao nhiêu là kỷ niệm chất chứa trong lòng… tôi luôn luôn hãnh diện là con gái của ông. Nhưng rồi cũng như thường lệ, chắc tôi sẽ chỉ vụng về lắp bắp vài chữ:

 

– “Con cảm ơn Ba…”

 

Nhưng có lẽ ở trên đời này những điều hay, đẹp và cao quí hình như không phải từ lời nói mà từ tấm lòng, từ ánh mắt nhìn và những hành động có khi là rất nhỏ… Phải không Ba…

 

  Kim-Chi
 
  Trở về
Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com