một ngày tháng Ba...
 
 

Hàng năm cứ đến cuối tháng Tư… Bao nhiêu người Việt nhớ đến biến cố buồn… Riêng với gia đình tôi… chia lìa và mất mát bắt đầu từ cuối tháng Ba…

Gần năm mươi năm rồi còn gì, nỗi buồn đã dịu đi, không nặng nề như những năm đầu khi mới rời xa quê nhà. Cuộc sống như giòng nước cuốn đi, qua bao nhiêu gập ghềnh, biến cố, con người và những đổi thay,

 

Có những mất mát không bao giờ cũ, tiếc thương không bao giờ phai. Như chúng tôi chiều nay mấy anh em chiều nay tụ tập lại để làm đám giỗ cho anh thứ nhì của tôi. Vẫn có cái gì đó buồn buồn vây lấy chúng tôi.

 

Năm tháng đó, ngày Đà Nẵng thất thủ một ngày cuối tháng Ba, chúng tôi có lẽ là đoàn người cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng vì gia đình mãi đợi ba tôi về từ Huế. Các anh tôi ở trong quân đội không cùng đi với gia đình… Chúng tôi về đến Nha Trang rồi Cam Ranh Vũng Tàu… Sài Gòn. Ba người anh tôi vẫn bặt tin! Lúc đó thì Ba mợ tôi lo lắng nhưng vẫn với niềm hy vọng, vì hằng ngày vẵn có thêm tin tức của các chiến sĩ mọi binh chủng về đến Sài Gòn…

 

Một tháng trôi qua rất nhanh với nhiều biến cố… Chúng tôi rời khỏi Việt Nam, các anh tôi vẫn biệt tăm… Sau đó tôi không nhớ là bao lâu, có tin anh Cả của tôi bị bắt ở Phù Cát, anh Ba không ai biết tin tức… anh Tư thì bị kẹt từ Đà Nẵng…

Vài Năm sau thì hai anh Cả và anh Tư cũng đoàn tụ được với gia đình… Chỉ có anh Ba… Gia đình tìm kiếm anh khắp mọi nơi… anh vẫn biệt âm vô tín…

 

Mấy năm sau thì gia đình hết hy vọng và bắt đầu làm giỗ cho anh vào cuối tháng Ba vì chắc anh đã không còn nữa… Cũng như mọi năm, chiều nay mấy anh em tụ tập lại để thắp hương cho anh. Mấy anh em ngồi quanh mâm cơm, Ba mợ cũng không còn… Tôi thấy thương cho anh em tôi… may mà còn được ngồi bên nhau mà nhắc lại chuyện xưa… Nhớ lại người anh vắn số!

 
 

Nhìn tấm hình thờ anh tôi, chúng tôi đùa với nhau, còn sống thì năm nay anh cũng bảy mươi mấy rồi mà nhìn hình trẻ ghê… Tôi thấy nhớ đến anh nhiều…

Trong một gia đình đông anh em, phần đông là học giỏi, đẹp trai xinh gái… máu văn nghệ cùng mình… Anh tôi thì “trung bình về mọi phương diện”… Đặc biệt là khi nào cũng tà tà, không có gì phải vội! Đi học thì anh học vừa đủ, tôi nhớ năm xưa anh thường bị ba tôi và anh Cả la rầy nhưng anh không hề nao núng, anh chẳng muốn hơn ai! Anh hiền lành, chả bao giờ mắc lòng anh em.

 

Anh có lẽ mơ mộng nhiều, anh thường ngồi trước hiên nhà, lớn một chút thì với điếu thuốc trên môi phì phà rất nghệ sĩ, các anh khác của tôi cũng hút thuốc nhưng không bao giờ dám hút ở nhà hay trước mặt ba mợ tôi… riêng anh thì hình như là… liều!

Tôi nhớ có lần anh chơi “Tìm bạn bốn phương”, nhà tôi bỗng dưng có thật nhiều thư con gái gửi đến, người nhận là một tên lạ. Anh Cả tôi nói với ông đưa thư:

-         Hình như nhầm địa chỉ, nhà tôi không có ai tên này…

Anh tôi ở trong nhà bay ra:

-         Của em đó!

Anh Cả tôi ngờ vực nhìn em mình:

-         Mày xạo… con nít ranh làm gì có con gái gửi thư nhiều vậy!

Anh tôi tỉnh bơ nói:

-         Phải tên… không? Em lấy biệt hiệu tìm bạn bốn phương đó mà…

Anh Cả tôi vỡ lẽ (chắc thấm thán phục). Vậy là hai anh khệ nệ ôm chồng thư vào chia nhau mà đọc. Nào là “thư có kèm ảnh” của các cô “yêu màu tím, thích nhạc họ Trịnh…”

Ngoài nhận thư anh tôi cũng thích viết thư hồi âm “dù thư đến trễ”! Có gửi đi hay không thì tôi không biết vì đi ngang bàn học của anh tôi thấy cả đống giấy vo tròn, xé vụn vất tùm lum.

Thĩnh thoãng tôi cũng lén nhặt và đọc xem anh anh viết những gì mà không vừa ý cứ xé bỏ hoài, có lần tôi đọc được một đoạn:

“Em thân mến, xin lỗi đã hồi âm trễ… vì hai tuần qua anh đau nặng phải nằm bệnh viện…”

Tôi nín không được, lăn bò ra cười, anh chạy đến giật lại tờ giấy và đưa tay lên dọa ký đầu… Anh chỉ dọa thôi chứ anh không bao giờ ăn hiếp em út.

   
 

Nhà tôi lúc đó ba mợ cũng có sắm bàn ping pong để các con chơi, có bộ cờ tướng để phát triến… trí óc! Anh ít khi tranh giành những món này! Ở nhà còn có cái đàn guitar để chúng tôi văn nghệ văn gừng, con trai ai cũng biết đàn, con gái thì chỉ hát, nghe người ta đàn là cứ phóng đến:

-         Bài này hay… để em hát!

Vậy là có cãi vả:

-         Thôi… để yên cho người ta đàn…

Chỉ có khi anh Ba tôi cầm đàn thì chả ai đòi hát, vì anh chỉ khảy tưng tưng cho vui… Chứ không thích luyện tập hay đàn bài gì cho hay ho! Lâu lâu thì nghe càm ràm:

-         Đàn dỡ mà cứ ôm cái đàn hoài không để cho ai đánh!

Anh tôi là vậy đó! Thích làm gì là làm chứ ít bị áp lực bởi những người chung quanh. Tôi biết anh tôi thích làm thơ, tôi nghe anh thường bị la rầy, tập vở không giữa sạch sẽ, ghi chép lung tung… Tôi thấy anh thường ngồi mơ mộng hằng giờ ghi ghi chép chép… lâu lâu xé bỏ…

Khi tôi chập chững làm thơ, tôi cũng bị ba mợ la… không lo học hành! Tôi cũng tủi thân ra trước sân. Nếu anh đang ngồi ở xích đu thì anh sẽ xít qua một bên cho tôi ngồi… hai người cùng cảnh ngộ im lặng ngồi bên nhau… mơ mộng!

 

Tôi nhớ thĩnh thoãng anh lại đọc những câu thơ hoặc những “lời hay ý đẹp”, thường nhất vẫn là câu:

“Sống là nuối tiếc dĩ vãng, chán nản hiện tại và mơ ước tương lai tươi sáng…”

Tôi không rõ anh “nuối tiếc dĩ vãng” nào ở lứa tuổi mười mấy! Hay anh chỉ nói cho ra vẻ người lớn vậy thôi!

 

Riêng tôi nhớ nhiều những ngày tháng cũ, sống trong chiến tranh nhưng chúng tôi hồn nhiên bên nhau! Anh tôi vắn số không được làm người lớn! Nhưng có lẽ anh hiền lành nên thượng đế đã đem anh đi về một nơi yên bình, không lo âu đau khổ…

 

 

Năm mươi năm rồi… Nhưng chúng tôi không bao giờ quên anh! Riêng tôi nể nang anh “chịu chơi”! Thích là làm! Không vội vã, không tranh dành, sống hài hòa với mọi người!

 

Mỗi khi nhớ đến anh tôi thấy nhẹ nhàng, ấm áp! Tôi cảm ơn anh đã làm anh của tôi mười mấy năm, tôi học ở anh được nhiều điều hay hơn tôi tưởng! Dù anh không còn với chúng tôi nhưng hình như anh vẫn đâu đây, chúng tôi luôn có anh trong đời sống hàng ngày!

 

Thương nhớ anh nhiều!

     
 Kim-Chi
 
  Trở về:
Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com