Màu Hồng Kỷ Niệm
 
 

 
 

                 Tôi thường hay bị quỡ là có nhiều bạn... Có lần tôi nói, trừơng tôi ngày xưa có bao nhiêu học sinh thì tôi có từng ấy người bạn, đùa vậy thôi... Con gái (ngày xưa đó!) thì ưa đánh đôi đánh đọ, đi đâu cũng có bạn bè...

 

Người bạn tôi sắp đề cập đến rất đặc biệt, ba của cô ta làm chung với ba tôi, cho nên đúng ra tôi biết cô ta từ khi còn rất nhỏ, thĩnh thoãng có tiệc tùng ở đơn vị ba tôi hoặc là những dịp lễ tết, chúng tôi vẫn gặp nhau. Ngay cả quần áo chúng tôi cũng được may từ một thợ ra, vì hai gia đình thân thiết.

 

Vào trung học thì cô ta luôn học lớp bên cạnh tôi. Nhưng chỉ nhìn nhau cười rồi mạnh đứa nào đi chơi riêng với bạn mình.

 

Mãi đến khi vào đại học, chúng tôi ra học Văn Khoa ở Huế, ngày thu xếp hành trang lên Kinh Đô để mài dùi kinh sử (le dễ sợ!) Ba mợ tôi bảo, bác T sẽ đưa tôi đi, con gái bác là Hường sẽ ở chung nhà để hai đứa cùng đi hoc... Nghe vậy tôi rất mừng sẽ có bạn cặp kè không lẻ loi khi vào trường mới.

 

Những ngày đầu tiên xa nhà, hai đứa có nhiều chuyện để cùng lo nên cũng nhanh chóng thân nhau. Càng gần Hường tôi càng thấy cô ta rất dễ mến, khác với bề ngoài có vẻ cứng rắn, Hường lại là cô gái rất tình cảm. Những đêm mới xa nhà, vừa tắt đèn ngũ là tôi nghe tiếng thút thít... Hết hồn tôi hỏi:

 

- Sao khóc vây? mình làm gì buồn lòng Hường hà?

 

Một lát Hường chậm rãi nói:

 

- Không... Hường nhớ nhà quá!!!

 

Tôi thấy mình thật vô tình... Mấy ngày nay tôi cũng xa nhà như Hường nhưng tôi không… buồn! Như chim xổ lồng, chạy tung tăng... còn hơn là đi nghĩ hè... Không bị canh chừng, đi học thì tự đi, tự về không bị đưa đón... Tôi bẽn lẽn nói với Hừơng:

 

- Ừ... thôi cố đi, vài bữa cũng quen...

 

Rồi nói thêm để cho bớt xấu hổ:

 

- Như mình nè... đâu có khóc... đâu!

 

Hường ừ ừ. Trong bóng đêm tôi không thấy được nhưng tôi biết cô nàng cũng rấm rức chứ không khò ngay như tôi.

Trước đó tôi nghĩ gương mặt nghiêm trang của Hường là làm le nhưng đến gần thì thấy đó là sự hiền lành và ngoan ngoãn. Ngày đó ở chung với Hường sự mẫu mực của cô bạn làm tôi ngac nhiên cũng như cân bằng đi sự tò mò thích phá lệ của tôi.

 

Tôi nhớ những ngày đầu niên khóa, tháng 9 tháng 10 trời mưa, dạo đó tôi được sắm cho chiếc xe đạp mini... thích đội áo mưa đạp lòng vòng đi chơi. Tôi rủ đi thì Hường miễn cưỡng, có khi thì nói:

 

- Trời mưa như vậy đi về ba Chi thấy được thì bị la đó...

 

Tôi tinh nghịch:

 

- Giờ này mắc đi làm... làm sao ba Chi thấy đươc...

 

Hường không chịu thua:

 

- Đi mưa về mắc bệnh thì mệt và bị la...

 

Hình như lúc nào Hường cũng sợ "bị la", và tôi thì kiếm mọi cách để thuyết phục Hường là "không sao đâu"!

 

Ngoài ra chúng tôi có nhiều ý thích giống nhau của những cô gái mới lớn như đi ăn hàng, đi qua phố mua sách mua truyên. Tôi thích ghé vào tiệm vải, ngắm nhìn, chọn màu, rồi mang về cắt cắt may may... Tôi thuyết phục lắm Hường cũng mua vải, nhưng về thì không may mà đợi mang về Đà Nẵng để thơ may...

 

Tôi nóng nảy hơn nên mua về là cắt may đại, chiều là xúng xính mặc đi chơi. Hường thường kiên nhẫn ngồi xem tôi may, có khi phụ tôi một tay. Áo may xong thì Hường cũng ướm vào người mình ngắm nghia có vẻ thích, nếu tôi bảo bận thì Hường lại lắc đầu... Mắc cỡ vì không quen những kiểu "nhí nhảnh”...

 

Vui nhất là những hôm đi học hay đi về, trên đường thĩnh thoãng cũng có những câu nam sinh hỏi vu vơ vài điều, hoặc là lẵng lặng đi phía sau... Hai chúng tôi đâm ra tinh nghịch, một đôi khi cũng trả treo lại với "nhưng gương mặt khó ưa"... Xong rồi dắt díu nhau đi như ma rượt về nhà...

 

Buổi chiều hai đứa thường ra trước nhà ngồi trên lan can nhìn ông đi qua bà đi lại, hoặc tha thẩn trong sân rù rì kể chuyện trong lớp và cười rúc rích. Hàng xóm thì cũng có không ít nam thanh nữ tú... Đặc biệt là các thanh niên trạc tuổi chúng tôi thì thường dòm ngó và làm như theo dõi chúng tôi.

 

Một thời gian ngắn thì hai anh hàng xóm đã “anh dũng" sang làm quen. Vậy là hai chúng tôi rộn ràng cả lên, có thể Hường không rộn ràng mà chỉ có tôi. Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi thừơng dòm trước dòm sau, điệu đàng thêm một tí.

Và rồi một buổi trưa kia, hình như là hai đứa gọi gánh chè vào ăn... Đang chễm chệ thưởng thức chè tưởng như không có ngày mai thì hai anh hàng xóm tà tà đi qua. Người anh chắc là cỡ chúng tôi và người em thì nhỏ hơn, mặt mày cả hai bảnh bao và nói năng cũng lịch sự.

Qua đến thì cậu em hỏi:

 

- Sắp đến giờ chúng tôi đi học, hai chị cho tôi gọi chè và ăn ở đây để kịp giờ đi học nhé!

 

Hai chúng tôi nhìn nhau, có lẻ gương mặt hai đứa ngơ ra vì bất ngờ nên cậu anh lên tiếng:

 

- Chúng tôi mang về nhà cũng đươc... không phiền hai cô.

 

Cô hàng chè bật cười... Hình như chúng tôi cũng cười theo, vậy là hai anh thanh niên đó thừa thắng xông lên, nhanh nhẹn nhảy lên tam cấp nhà tôi ngồi xơi chè. Riêng hai đứa tôi thì vừa ăn chè vừa lấm lét nhìn ra đường, nếu ba tôi hay ba Hường mà xuất hiện bất thình lình thì hai chúng tôi không biết sẽ nói năng như thế nào với hai cụ đây!

 

Vậy là từ đó chúng tôi trở thành quen biết. Có nghĩa là chào hỏi, trò chuyện vu vơ. Hoặc là chiều chiều hai anh em nhà họ "vô tình" đi đâu về, nếu thấy hai chúng tôi đang ngồi trên lan can thì lại ghé vào tựa cửa nói chuyện trên trời dứơi đất.

Cho đến một ngày không mấy gì đẹp trời cho lắm, buổi sáng hai đứa chuẩn bị đi học, tôi ra sân trước chờ Hường thì thấy chú làm vườn loay hoay đóng gì đó ở hàng rào. Tôi thấy lạ vì giữa hai nhà là một hàng rào cây xanh, cao lên khoãng ngang đầu tôi, còn nếu ai cao hơn thì có thể nhìn được qua nhà bên! Tôi hỏi chú làm gì, chú tằng hắng giọng nói thật lớn, ý như muốn cho luôn hàng xóm kế bên nghe được:

 

- Ông bảo tôi sửa lại hàng rào, đoạn này không biết "ai" đã bẻ hết cây... có một khoãng trống, ông lo sợ có kẻ gian vào nhà...

Quả thật kẻ hở cũng lớn, tôi đưa mắt nhìn qua nhà kế bên qua khe hở và giật mình khi thấy hai anh em nhà hàng xóm đang theo dõi chú làm vườn với gương mặt hầm hầm sửa hàng rào. Tôi biết ngay ba tôi hay là chú này đang ám chỉ đến "kẻ gian" nào. Tôi nói chống chế vì sợ mất lòng người quen biết:

- Sao ba tôi lo xa vậy! xóm này toàn nhà của viên chức cao cấp, kẻ gian nào nào mà lẻn vào đây hở chú!

 

Nghe tôi nói thì chắc chú làm vườn không biết trả lời sao nên chỉ ừ ừ... Tôi chạy bay vào nhà méc cho Hường nghe. Hai đứa lo lắng, vậy là bị ông già theo dõi rồi. Rồi dặn dò nhau phải cẩn thận.

 

Riêng hai anh hàng xóm thì làm như điếc không sợ súng, buổi chiều chúng tôi đi học về thì đứng bên lan can trên lầu nhà họ chào vọng qua:

 

- Mới đi học về hả?

Cậu em lanh chanh khai báo:

 

- Ba chị sai người đóng hàng rào rồi, anh của em không nhìn qua đươc... tụi em phải leo lên lầu nhìn qua đó.

 

Hai đứa tôi lúng túng nhìn nhau, tôi nói:

- Vậy là lâu nay hai người đứng chỗ hàng rào nhìn qua hả!

 

Cậu anh chống chế:

- Thĩnh thoãng thôi... chỉ khi nghe tiếng hai cô ở ngoài sân thôi...

 

Hai đứa chúng tôi bấu lấy nhau, chết mình rồi, trong nhà thì có hai ông ba và "đàn em" coi chừng, bên ngoài thì "thĩnh thoãng" có hàng xóm theo dõi. Thật là khổ.

 

 

Nhưng rồi, khi còn trẻ mình thường quên mau... chúng tôi lại tung tăng ngày tháng. Đi học thì nhà cũng gần trường nhưng hai đứa thường đi vòng đường xa để hái hoa, để ghé qua quán chè. Hai chúng thường gật gù đồng ý với nhau:

 

- Hồi còn ở trung học, hai đứa đều bị đi xe nhà, bây giờ được thả bộ đi học thích quá!

 

Mỗi ngày thì chúng tôi quen đường hơn và có khi mạo hiểm đi chơi xa hơn. Hai đứa thừơng thay phiên nhau đèo đi thật xa. Thật là thích thú, hai bên đường có thật nhiều hoa dại ... tha hồ mà hái, đi mệt thì ghé vào các quán cóc bên đường ăn ly chè...

Có lần đang hì hục đèo nhau đi thì trời đổ mưa. Hai đứa vội vàng chạy vào nấp dưới một tàng cây lớn. Ban đầu thì thích lắm, đưa tay hưng nước mưa... chao ôi là thơ mộng, "hạt mưa mưa rơi tí tách"... tôi hát nghêu ngao một cách sung sướng...

 

Nhưng rồi trời cứ mưa hoài hai đứa bắt đầu nản chí anh hùng... Cũng may là lại có chị bán bánh cũng gánh vào trú mưa kế đó. Vậy là hai chúng tôi gọi mỗi đứa một dĩa bánh... những chiếc bánh nậm bánh bột lọc nho nhỏ, mềm mại, chút nước mắm cay cay... cơn mưa bên ngoài lại thú vị trở lại...

 

***

 

Những kỷ niệm vơi đầy của ngày mới lớn với cô bạn hiền lành của tôi như nằm yên trong kỷ ức, một màu hồng ngây thơ dễ thương như tên của cô bạn. Cũng như ngày xưa, tôi và bạn giống như hai đường song song, tuy vẫn có tin tức nhau nhưng ít khi có dịp gần gũi, thăm viếng nhau. Kỳ Đại Hội 4 của trường tôi ở San Jose, chúng tôi gặp nhau, ca hát múa may thật vui nhưng chẳng trò chuyện gì được nhiều.

 

Cho nên kỳ này có dịp đi thăm Hường nhân có cô bạn ở xa ghé chơi Cali. Tôi nôn nao chuẩn bị, nhớ ngày xưa hai đứa hì hục làm bánh, khi được khi không. Bây giờ lớn tôi đã làm bánh nghề hơn, nên đã chuẩn bị một ít mang đi thăm bạn.

 

Những ngày sắp gặp nhau, hai đứa gọi điện thoại nhắc nhở, bàn soạn thực đơn cho buổi họp mặt sắp đến. Tôi mong cho mau đến ngày gặp bạn mình.

 

Chiều đó gặp nhau hai đứa tíu tít, thoáng một cái tôi thấy như mình trở lại ngày xưa. Thật là dễ thương và thân ái, tôi thấy như hai đứa chưa hề xa nhau ngày nào... cả một khung trời Văn Khoa ngày xưa hiện ra và hai hai cô học trò như trở về...

 

Hai chúng tôi tung tăng chụp hình quanh nhà Hường, kể chuyện xưa không ngớt. Hường nhắc lại nhiều chuyện mà tôi quên bẵng đi, nhớ lại cười híp cả mắt. Hường nhắc lại chuyện "kẻ gian", hai đứa cười đau cả bụng, Hường tỉ tê:

 

- Hai đứa mình thật là ngu ngơ... cái lần mình đi học về, tự nhiên thấy có hai thằng nhóc dắt xe đạp đi từ trong nhà mình ra... Hai đứa còn đang thắc mắc thì hai người kia hỏi thăm nhà ông A ông B gì đó ở đâu vì họ đang đi tìm... Mình còn thành thật trả lời: có biết đâu, ở đây toàn nhà của chính phủ cho công chức ở thôi... làm gì có nhà ai... đến khi họ đi rồi, hai đứa ra sau nhà thì mới biết, quần áo mình phơi ở đó bị mất hết rồi...

 

Kể chuyện mất cắp mà hai đứa cười ngặt nghẽo... Có lẽ thích chí vì chiến dịch chống kẻ gian của hai ông ba mình nhắm vào kẻ gian rình rập từ đàng xa chứ không nhắm vào kẻ gian thật...

 

Hôm đó thật là vui ấm cúng, chúng tôi mấy đứa bạn học ngày xưa ngồi bên nhau, nhắc chuyện vui chuyện buồn, nhâm nhi món gỏi cay cay thơm thơm của Diệu, món bún bò đậm đà mùi xả ớt của Hường, đón tiếp bạn Ái Chi từ Úc đến, tôi đã cẩn thận thêm vào những chiếc bánh trung thu ngọt ngào như tình bạn của chúng tôi.

Câu chuyện quanh thành phố Đà Nẵng của ngày xưa, những thân thuộc và những mẩu chuyện thời niên niên thiếu, thời chinh chiến... những trong sáng ngây thơ của chúng tôi cho dù lớn lên trong chiến tranh, nghiệt ngã của thời cuộc!

 

Tiễn các bạn ra về, Hường ôm gối mền qua nằm với tôi, tôi cười, mấy chục năm rồi hả Hường, đêm nay hai đứa tha hồ nói chuyện giống như ngày xưa... Rù rì một hồi chúng tôi chìm đi trong giấc ngủ không mộng mị, vì những gì tươi đẹp của tuổi nhỏ đã trở về và rất thật khi tôi gặp lại bạn bè ngày xưa...

 

Tôi có diễm phúc có thật nhiều bạn bè... Tôi ôm giữ từng kỷ niệm với từng người bạn thân thương. Và Hường, màu hồng kỷ niệm của những ngày mới lớn, phải không Hường?

  Kim-Chi
 
  về lại:
Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com