Lỡ Bước Sang Ngang...
 

 

           Ba chị và ba tôi làm cùng đơn vị, khi tôi mới ra Huế học, ba tôi bảo hai đứa học cùng trường và đều là ma mới vào năm thứ nhất nên muốn chúng tôi làm bạn với nhau. Hôm đầu tiên gặp trông chị đoan trang chững chạc lại xưng chị với tôi và gọi tôi là “o” nì hay “o” nớ… Tôi nhớ chị đèo tôi đi chiếc xe đạp ra chợ Đông Ba, đi loanh quanh một hồi tôi khát nước nên rủ chị ăn chè. Chị ý tứ lắm, bảo đợi một tí sẽ đến quán của O chi đó, tôi quên tên rồi. 

Tôi đi với chị mà thỉnh thoảng liếc mắt nhìn, chị nói năng vừa đủ nghe, cười thì cũng khe khẽ và kín đáo nhìn quanh chứ không phải như tôi. Chị có mái tóc đen dài ngang lưng, gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt một mí liếc thật là tình. Chỉ có chiều cao thì hơi khiêm tốn và cách ăn mặc thì không điệu đàng như những cô gái đồng trang lứa.

Chúng tôi đi một hồi lâu thì đến một cái quán nhỏ, quán nằm kín đáo giữa các lùm cây, chị bảo "con gái không ăn hàng ngoài đường ngoài xá, dị òm". Chị gọi hai chén chè bé tí teo. Chị ăn nhỏ nhẹ và chậm rãi, riêng tôi thì thoáng một cái, chén chè nhỏ đã sạch rồi. Liếc mắt nhìn cái rổ bánh bèo mượt mà... tôi nói nho nhỏ:

- Ăn bánh bèo không?

Chị lắc đầu nguầy nguậy bảo là sợ no chiều không ăn cơm được. Tôi cũng hơi cụt hứng nhưng lại nài nỉ:

- Còn sớm mà, chị đạp xe về đến nhà thì đói bụng chứ gì!

Chị bật cười, thấy vậy tôi gọi luôn hai dĩa bánh bèo, thấy tôi ăn ngon lành chị quở:

- Ăn sao thấy ngon lành quá!

Tôi cười hì hì chả biết phải chống chế với chị làm sao.

Sau đó thì chúng tôi cũng thường gặp nhau trong trường, thăm hỏi nhau thôi chứ ít đi chơi chung, tôi đoán chắc chị thấy ớn tôi ăn hàng và thường làm chuyện "dị òm", lời chị nói khi tôi nhìn thấy cái gì lạ lạ là nhìn chằm chặp, hoặc là "thấy cái gì nói cái đó".

Riêng tôi thì thấy chị nghiêm trang chừng mực giống bà cụ non nên tôi cũng ớn ớn.

Chúng tôi học được nửa năm ở Văn Khoa thì tình hình đất nước thay đổi. Tôi theo gia đình di tản về Sài Sài gòn và lưu lạc sang Mỹ.

       Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ về quãng đời được làm cô sinh viên Văn Khoa ngắn ngủi và những tháng ngày "dập dìu tài tử giai nhân"... Cuộc đời đi học ở Mỹ thì khác hẳn và không thơ mộng gì cho lắm.

Mãi đến cả chục năm sau, một hôm ba tôi lại gọi báo tin vừa liên lạc được với gia đình bác và chị, họ cũng đang định cư ở Mỹ và sẽ đến thăm gia đình tôi.

Tôi rất vui khi hay tin "bà cụ non" bình yên và sẽ được gặp lại. Hôm đó tôi đến nhà ba mẹ mình thật sớm để phu mẹ tôi sửa soạn thức ăn trưa thết đãi gia đình chị. Ba mẹ tôi vui lắm vì sắp gặp lại bạn cũ. Riêng tôi loay hoay trong bếp giúp mẹ mình và nghĩ mông lung về cô gái ý tứ, kín đáo mà tôi được biết trước đây.

Gia đình chị đến bằng chiếc xe van lớn, ba mẹ chị thì trông ốm hơn xưa tuy vẫn hồng hào khỏe mạnh, lái xe là một người đàn ông mập mạp, da ngăm đen và có hàm râu quai nón thật là oai. Tôi dõi mắt kiếm chị, đang còn dáo dác vì đi cùng là hai đứa bé mà tôi đoán là con của chị thì một bàn tay đặt lên vai tôi:

- Chao ôi... tôi nhớ o ni khi tê cao dong dỏng mà răng chừ thấp ri...

Tôi quay lại nhìn chị, hơi ngờ ngợ, chị khác xưa nhiều, chỉ có đôi mắt một mí cười có đuôi là không khác thôi:

- Chị... đi đường mệt không?

Chị không trả lời tôi mà hối hả gọi chồng (người đàn ông oai vệ) và các con giúp mang quà cáp vào biếu ba mẹ tôi.

Lần gặp gỡ thật là nhộn nhịp vui. Ba tôi và bác trai luôn miệng kể chuyện nhà binh. Bác gái và mẹ tôi thì mải mê nhắc chuyện xưa. Riêng tôi thì ngơ ngác khi thấy chị không còn là cô gái e lệ của ngày xưa. Bây giờ chị nói năng mạnh bạo, gần như ra lệnh cho mọi người, diện mạo bên ngoài thì lại loè loẹt không đơn giản như xưa… tôi thấy thoáng buồn và nhớ đến “bà cụ non” thuở kia.

Anh chồng của chị thì ít nói, chị sai bảo anh gì thì anh ngoan ngoãn làm theo. Ăn xong buổi trưa chị bảo anh ta:

- Anh lái xe mệt thì nghĩ tí đi, em nhờ o ni chở đi một vòng phố xem tình hình ở đây mình buôn bán được không?

Mẹ tôi lật đật thu xếp cho anh nơi nghỉ ngơi, anh ta ngoan ngoãn rút lui. Tôi có bổn phận đưa chị quanh phố. Được biết từ khi định cư ở Mỹ anh chị làm cho một tiệm phở ở miền nam Cali và học hỏi được kinh nghiệm, thấy thành phố chúng tôi ở nhỏ và chưa có tiệm phở nào lớn nên họ định mở một tiệm thử thời vận.

Tôi đưa chị đến các nhà hàng để chị xem, cũng như hỏi thăm giá cả nhà phố... chị có vẻ hài lòng, gật gù nói:

- Vậy thì tốt! chắc tuần sau mình lên đây lo việc, o giúp cho mình nghe!

- Sẵn sàng chị...

Chị cười híp cả mắt:

- Mai mốt đãi o ăn phở mỗi ngày!

Tôi cũng cười theo.

Tuần sau tôi đón chị ở trạm xe, định hỏi sao anh không đi với chị. Thì chị thư thả nói:

- Tui đi một mình cho tiện, có ông đi kề rề, cà rà... tốn thì giờ!

Tôi nhìn chị lòng đầy thắc mắc, nhưng thấy không tiện hỏi nên thôi. Đi với chị đến trưa thì chị đã nhanh chóng thu xếp được nhiều việc, chúng tôi nghỉ chân ở một tiệm ăn Việt Nam vừa để ăn trưa vừa chị dò xét tình hình.

Tôi vẫn còn ngỡ ngàng vì chị khác hẳn ngày xưa từ cách ăn nói cho đến ý tứ, tôi nhìn ngắm chị đối thoại với người chủ nhà hàng mà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi buột miệng:

- Chị giỏi và tháo vác quá...

Chị cười:

- Cực quá thì sẽ biết khôn thôi.

Chị nhìn xa xăm và nói:

- Hồi đó o với tui còn học ở văn khoa là thời thơ mộng... có ai ngờ sau này, hoàn cảnh đưa đẩy, gặp ông nhà tui là chủ tàu... không cần thương yêu chi hết... ưng ổng thì đưa được cả gia đình đi và có một số vốn làm ăn, chứ không thì...

Chị bỏ lửng câu nói trong khi tôi nhìn chị đăm đăm. Khoảng đời vừa qua của chị gói ghém trong vài câu ngắn gọn chị vừa nói. Trông chị bình thản thuật lại, tôi bỗng nghe có chút gì chua xót... Tránh không nhìn chị, tôi dõi mắt nhìn về phía trước, tiếp tục lái xe.

Lần đó chị ở lại nhà tôi khá lâu để lo cho xong công việc. Vốn thích nấu nướng và buôn bán nên tôi cũng không ngại giúp chị. Tối đến thì tôi mãi bận việc gia đình chồng con, không thấy chị liên lạc về nhà tôi cũng không dám nhắc nhở tuy là cũng sợ chị buồn nên tôi thường kiếm sách báo hay phim ảnh cho chị giải trí:

- Chị đọc truyện hay sách báo gì thì em có một ít đây chị cứ tự nhiên nghe.

Chị gật gù, nhìn kệ sách của tôi chị nói có vẻ chán nản:

- Tâm trí đâu mà đọc truyện đọc sách...

Tuy nói vậy nhưng khi thấy tập thơ chị lại reo lên:

- Ui chao, o có tập thơ ni à...

Tôi khoe liền:

- Em có nhiều thơ lắm chị...

Chị không trả lời tôi, cầm lấy tập thơ và ra ngồi ở một góc đọc say sưa.

Tôi trêu:

- Chà... coi bộ cũng mê thơ dữ à...

- Mình nhớ có bài thơ của Nguyễn Bính "Em ơi em ở lại nhà, vườn dâu em đốn mẹ già em thương" (*)... từ nhỏ mình đã thích... 

Gương mặt chị mơ màng, giọng chị nho nhỏ đọc mấy vần thơ... trong chốc lát tôi thấy lại cô gái nhỏ nhẹ của một thời...

       Nhưng rồi đó là hình ảnh hiếm hoi ít khi tôi thấy về chị. Thời gian sau đó, anh chị khai trương tiệm phở. Họ buôn bán rất khá, phở ngon, ông chủ cần cù làm việc bà chủ thì lanh lợi, miệng bằng tay tay bằng miệng. Ai ai cũng biết danh chị, nhất là những người làm cho chị ở nhà hàng họ đều răm rắp tuân theo kỷ luật sắt!

Mỗi lần tôi ghé qua ăn phở, chị thường chạy ra, ngồi xuống kế bên tỉ tê kể hết chuyện này qua chuyện khác.

Chị đối với tôi luôn như là một người thân, mà hình như dù chị quen biết nhiều, chị chẳng có người bạn gái nào ngoài tôi. Thỉnh thoảng có chuyện khó nghĩ, chị vẫn đợi khi tôi ghé qua là kể lễ, có khi còn hỏi:

- Mà theo o thì tui làm rứa có đúng không?

Đương nhiên là tôi ú ớ, mỗi người mỗi tính và tôi lại nể cả nên câu trả lời của tôi thì thường chả đâu vào đâu. 

Mỗi khi nhìn ngắm chị hò hét với những người làm, hoặc trả lời nhát gừng và to tiếng với chồng tôi thường nghĩ, có phải đây là người con gái nhỏ nhẹ, hiền lành đến tôi phải ngại ngùng khi tiếp xúc của ngày xưa không.

Một hôm ghé qua tiệm, tôi thấy chị chưng diện hơn ngày thường, chị mặc cái áo xẩm nhung màu đen dài đến chân, chiếc áo bó sát vào người làm cho chị thấy mập và nặng nề hơn bình thường. Mặc dù là chị đi đứng nhanh nhẹn cười nói vui vẻ hơn mọi ngày. Thấy chuyện lạ, tôi trêu chị:

- Hôm nay sao diện thế! Bộ có bồ đến thăm hay sao!

Nét mặt chị nghiêm lại và nói to:

- Nói tầm bậy!

Rồi chị liếc vào trong, không thấy anh chị kề tai tôi nói nhỏ:

- Khỉ... coi chừng ổng nghe thấy thì hỏng hết!

Tôi trố mắt nhìn chị trong khi chị loay hoay lo công chuyện, đang thắc mắc thì có hai người khách bước vào, chị từ trong bước ra chào mừng rỡ. Hình như chị khựng lại khi thấy người đàn ông đi chung với một người đàn bà khác, tôi nghe thấy họ chào hỏi nhau và người đàn ông giới thiệu:

- Đây là bà xã tôi... Đi xa nhà cả tuần nay thèm thức ăn Việt Nam, may quá gặp bạn có tiệm phở ở đây nhà tôi mừng quá... Còn đây là bạn học của anh...

Tôi không rõ chị nói gì nhưng gương mặt chị gượng gạo đến tôi nghiệp. Tôi ngồi cách mấy bàn cứ nhìn họ chằm chặp và đoán già đoán non. Tôi thấy gương mặt chị tái nhợt không vui tươi như ban nãy. Họ đi rồi, chị xà đến bàn, chị ngồi phịch xuống đôi mắt long lanh ướt. Tôi hoảng hồn thì thầm:

- Chị sao vậy!

Chi lắc đầu nhè nhẹ. Mấy người làm đưa mắt tò mò nhìn bà chủ của mình. Tôi vội vàng kéo chị đi ra xe với tôi, chị ngoan ngoãn đi theo cũng không quên quay lại dặn dò mấy người giúp việc.

Ra đến xe thì chị như chiếc lá úa sắp lìa cành, u sầu thẫn thờ ngồi mặc cho tôi lái xe đi, nước mắt chị lăn dài trên má, đôi môi chị mấp máy kể lể từng chi tiết về mối tình thắm thiết và trái ngang. Tôi nghe tiếng được tiếng mất, nhưng lại hiểu rõ người đàn bà tội nghiệp đang ngồi cạnh bên hơn bao giờ hết... Tôi phải nói với chị điều gì đây... Không thể nói, cái gì rồi cũng sẽ nguôi ngoai, khi mối tình chôn dấu của chị đã một ngày chấp cánh bay. Không thể nói chị còn có gia đình, khi thấy được cuộc sống tẻ nhạt không thương yêu giữa chị và người đàn ông  mà chị vì gia đình  đã hy sinh...

Tôi ngồi lặng yên nghe chị khóc... Hình ảnh người đàn bà tháo vát mạnh mẽ mà tôi trông thấy hàng ngày thay vào cho người đàn bà yếu đuối đang nức nở tiếc cho một thời đã mất… Tôi thấy gần gũi chị hơn bao giờ hết… cô gái mà tôi biết ngày xưa thì ra cũng còn đây!

Mấy câu thơ mà chị đã một lần đọc cho tôi nghe giống như một lời thở than:

 

Thế là tàn một giấc mơ,

Thế là cả một bài thơ não nùng !

Tuổi son má đỏ môi hồng,

Bước chân về đến nhà chồng là thôi !

Đêm qua mưa gió đầy giời,

Trong hồn chị có một người đi qua... (*)

 Thôi chị cứ khóc đi… “o ni” sẽ ngồi đây cùng với chị với một niềm thương cảm, chị ơi!

 

 Kim-Chi

(*)  Lỡ bước sang ngang-thơ Nguyễn Bính