Đà
Nẵng
Như
Một
TìnhCờ



Kim-Chi
 

 

 

      Hết giờ làm tôi vội vàng đứng dậy ra về. Hôm nay có hẹn với người bạn đi ăn cơm tối và có vài chuyện tâm tình. Hai đứa lâu ngày không gặp nhau có nhiều điều để nói. Tôi nôn nao đi nhanh ra cửa.

Bên ngoài trời mưa tầm tã… Tôi ngạc nhiên đứng nhìn, buổi chiều bận rộn trong phòng kín nên đã không hay biết gì. Mở cánh cửa lớn thì gió và mưa tạt vào, từng hạt nước bắn lên thành cửa kiếng tạo thành những âm thanh dồn dập rồi từng hạt nước tạt vào trong và bắn vào mặt tôi! Tôi khựng laị lùi vào trong và đứng nhìn ra ngoài, thấy chiếc xe của mình đậu ngoài kia mà không biết làm sao để đi ra cho khỏi ướt. Một cảm giác “mắc mưa” mà lâu lắm rồi tôi mới có lại… Bỗng dưng tôi laị nhớ về những cơn mưa ngày nào ở Đà nẵng của một thời đã rất xa…

 

Tôi về Đà Nẵng như một tình cờ. Ba tôi thuyên chuyển ra miền Trung làm việc lúc tôi còn bé mà ông thì vẫn phải đổi đi hoài. Tôi cứ nghĩ gia đình chắc cũng chỉ ở đó một vài năm thôi, rồi Đà Nẵng cũng sẽ là một thành phố nữa mà tôi đã đi qua. Vậy mà năm này qua năm khác… tôi lớn lên dần ở thành phố đó và nó trở thành thân yêu đối với tôi.

 

Nhớ nhất là những ngày mưa, mưa dầm dề… Những hôm đi học về đứng chờ xe đến đón. Tôi cũng chờ lơ ngơ như hôm nay… văng vẵng cũng là tiếng nhạc, nhưng mà là những bản nhạc của thời chinh chiến đầy xót xa… Những hôm vắng người đơị xe, tôi rất thích, vì nghe nhạc không bị tiếng nói cười át đi và lại thư thả hát theo một cách thích chí “thà là giọt mưa rơi trên mặt em… có còn hơn không…”  rôì mơ ước mình được là “em” nào đó trong bản nhạc!

Nhưng phần đông là những ngày ồn ào đông đảo. Tôi nhớ mình cứ muốn thu nhỏ lại để khỏi bị chen lấn xô đẩy. Mà cũng lạ, người đứng đợi xe không phải chỉ là học trò trường tôi mà có cả đám con trai của trường bên… sang đứng bên này đợi xe… có kỳ không? Đã vậy họ laị là những người lắm mồm lắm miệng, thích nói lăng nhăng làm người khác khó chịu. Thường thì tôi ít bị chiếu cố, vì có các cô gái khác trả treo với họ. Nhưng rồi những ngày mưa thì phải chen lấn vào mái hiên hay cái dù của những chiếc xe bán hàng vặt. Tôi cẩn thận đứng xa ra cho chắc ăn… nên bỗng dưng họ có lý do để chế nhạo tôi:

-          Trời mưa mà đứng giữa trời cho ướt…

-          Đứng gần mình chắc sợ bị ăn thịt!

Không muốn quay lại liền, một lát sau tôi chậm rãi lén nhìn… quả thật có một khoãng trống giữa “xóm nhà lá” và tôi. Hơi bẽn lẽn vì sự cẩn thận hơi quá của mình. Tôi từ từ lui lại vài bước. Có tiếng cười khúc khích, nhưng tôi cũng không thèm để ý, miễn là đừng ướt là được rồi, hình như họ tiếp tục trêu ghẹo gì đó tôi không để ý. Tôi mãi lắng nghe theo một tiếng đàn guitar và tiếng hát nho nhỏ chìm trong tiếng nói cười và tiếng mưa rơi.

 
 

Đợi cho tiếng xôn xao bớt đi tôi lén quay laị nhìn người thanh niên đang ôm cây đàn say sưa hát “chiều nay còn mưa sao em không lại…” bản nhạc mà tôi yêu thích… tôi tinh nghịch nhủ thầm, ít ra cũng phải vậy “ở đâu cũng có anh hùng…”,

 

Trong đầu óc tôi lúc đó “anh hùng” là người thanh niên có gương mặt hiền lành ôm cây đàn… Hình ảnh đó lờn vờn trong tôi mãi. Đương nhiên là tôi dấu không nói cho ai nghe nhất là mấy đứa bạn.

Đến một chiều kia, ngồi học bài tôi laị (tình cờ) nghe tiếng đàn văng vẵng, lúc đầu tưởng là các anh tôi… Nhưng sực nhớ cả nhà đi vắng. Tôi quay laị học bài tiếp nhưng tiếng đàn cứ vang vang, một lát sau thì tiếng hát nhẹ nhàng cất lên “gọi nắng lên vai em gầy..”

Đến đó tôi đứng bật dậy, gấp vở laị. Tiếng hát vọng từ bên kia cái hàng rào hoa giấy. Cư xá nhà binh thì san sát nhau, chỉ cần leo lên lan can nhìn qua thì tôi sẽ biết “ai đang hát”. Tò mò mà hơi rụt rè của một cô gái nhưng lại cọng vào chút tinh nghịch lém lĩnh của một đứa trẻ “con nhà binh” đã khiến tôi đến gần hàng rào, thay vì leo lên người ta sẽ thấy, tôi lanh trí nhìn qua khe hở của dàn hoa giấy, đưa tay kéo mấy cành hoa tím xinh xinh qua một bên để nhìn…  À… Thảo nào mà tiếng đàn hát nghe quen quen… Anh ta là kẻ vẫn ôm đàn đi học và có lần trời mưa đã ngồi hát trước tường tôi trong khi chờ xe…

Tôi lắng nghe anh ta hát… Không đến nỗi tệ, nhưng tiếng đàn thì rất hay… đang say sưa nghe thì ác thay, cây gai của cành hoa đâm vào tay, tôi hét lên và đương nhiên tiếng đàn dừng laị… anh ta nhìn quanh, chắc không biết có chuyện gì mà có tiếng hét thất thanh.

Kiễng chân nhìn về phía tiếng kêu thì anh ta trông thấy tôi đang lấp ló sau hàng rào:

-          Cô bị sao vậy?

-          Ơ… đâu bị gì đâu… Tôi đang học bài mà. Tôi chối ngay.

Anh ta tinh nghịch:

-          Vậy sao hét lên thất thanh?

-          Ơ..

Anh ta tiếp tục nhìn tôi như chờ câu trả lời hợp lý, bực mình tôi bỗng trở nên đanh đá:

-          Ờ… Thì trưa thanh vắng nghe tiếng đàn hát tôi hết hồn…

-          Trời ơi, tôi đàn và hát ghê đến vậy sao. Anh ta vừa nói vừa cười sằng sặc.

Tôi xấu hổ quá chỉ biết chạy biến vào nhà, trong lòng không khỏi ngaị mình có nói năng vô ý tứ để phật lòng người ta không.

 

Nhưng sau đó hàng ngày thì anh ta vẫn ra ôm đàn hát hết bài này sang bài khác, cũng lại “tình cờ” nhằm lúc tôi học bài... Chỉ có là ngồi lên lan can cao chứ không ngồi ở tam cấp, chắc để tôi trông thấy cho rõ khỏi mắc công rình rập qua buị hoa…

 

Tôi không nhớ chúng tôi có chuyện vãn gì nhiều, mỗi lần thấy tôi ôm cuốn tập thì anh laị hỏi “Học bài hở, siêng quá học dùm tôi luôn đi!”. Còn tôi học hành cũng hơi khó vì tiếng đàn tưng tưng, thĩnh thoãng laị hát những bài tôi thích…

Không hiểu gương mặt tôi có khó chịu lắm không mà anh ta phải tìm cách hối lộ, những hôm đi học về chờ xe, trời lành lạnh anh ta vẫn mời tôi ăn chè. Nhớ chúng bạn căn dặn, “đừng ăn gì của tụi con trai mời, có bùa trong đó mình sẽ mê nó…”. Cho nên lần nào tôi cũng cương quyết lắc đầu…

 

Mãi đến một hôm, buổi trưa tôi cũng ôm tập ra học bài, hôm đó yên tĩnh không có tiếng đàn hát gì hết. Thấy cũng lạ nhưng tôi vẫn theo thói quen leo lên lan can ngồi mở tập ra ê a học bài… Tôi bỗng nhìn thấy một bao chè treo lũng lẵng ở cửa sổ, tò mò tôi đến gần nhìn… một tờ giấy trắng nhỏ cột vào chung với bao chè: “Ăn chè lạnh để học bài cho mau thuộc!”. Đưa mắt nhìn quanh và nhìn bao chè. Daọ đó chè người ta thường bán trong bao ni lông cột lại bằng sợi dây thun, con nít cứ cắn một góc rồi mút ăn. Đôi mắt tôi tròn xoe nhìn gói chè với những hạt đậu bóng ngon, mấy sợi dừa bào hấp dẫn… Chỉ có tôi ngồi đây học bài và chỉ có một người hay ngồi phía bên kia lan can… đờn hát trong khi tôi học!

Tôi tủm tỉm cười không biết là vì có người nghĩ đến mình hay là vì bao chè ngon, lúc đó chắc là vì bao chè nhiều hơn! Gỡ bao chè xuống tôi cắn một góc bao, những giọt chè mát rượi, hạt đậu béo và miếng dừa thơm… tuyệt cú mèo!

 Ngồi trên lan can tôi thư thả đong đưa chân, nhấm nháp chè một cách thích thú mà quên cả học bài… Cho đến khi có tiếng hỏi từ bên kia dàn hoa:

-          Chè ngon không?

Tôi như đứa trẻ bị bắt quả tang đang ăn vụng, lúng túng đáp:

-          Ơ… ơ… ngon! Cảm ơn…

-          Muốn mời cô ly chè coi bộ khó quá! Anh ta tiếp.

Không biết trả lời thế nào, một hồi thì hình như đã nói một câu thật vô duyên:

-          Mà sao treo cái gói chè kỳ vậy, rủi nó rớt xuống thì sao!

Không nghe tiếng trả trả lời chỉ nghe tiếng cười. Mà người thanh niên đó không những làm chuyện lạ đời mà tôi nhớ cũng đã khá gan dạ.

 

Số là tôi có đến mấy ông anh và hai thằng em kế, đàn hát cũng khá. Mà đương nhiên  là anh em của tôi gương mặt chắc cũng “khó ưa” cỡ tôi… Thế mà anh hàng xóm ma mới đó một ngày đẹp trời đã dẫn thân vào hang cọp… Không biết đã làm cách nào đã làm quen với anh em nhà tôi, mấy gương mặt “khó ưa”, mà một hôm tôi đi học về thấy anh ta đã hiên ngang ngồi ở sân nhà tôi, vui vẻ đàn hát với các anh tôi…

Bình thường thì tôi đã xà vào ngồi, vòi vĩnh anh tôi đàn cho hát một bài nhưng  hôm đó thì ngoan ngoãn đi thẳng vào nhà. Tuy là vào bên trong thì vẫn nghe ngóng xem bên ngoài họ ca hát những bài gì… coi bộ họ cũng hợp nhau lắm, thấy đàn hát liên miên hết bài này qua bài khác…

 

Mà ở cư xá nhà binh, thì người ở đến và đi là chuyện thường. Bố anh cũng thuyên chuyển đi sau đó. Anh tôi có vẻ bịn rịn người bạn “văn nghệ” mới quen, hẹn hò:

-          Biết đâu mai mốt ông già mình laị chuyển đến làm chung với ba cậu… tuị mình laị gặp nhau…

Nhưng chuyện đó đã không xảy ra như vậy, vài năm sau thế sự đã đổi thay. Ba tôi không còn trong quân đội. Tôi không còn là đứa con nhà binh nữa, không rày đây mai đó mà trôi dạt về một nơi rất xa… rất xa Đà Nẵng thân yêu.

 

Tuy xa xôi tôi vẫn nhớ về cư xá, nhớ con đường đi học, nhớ ngôi trường Nữ hiền hoà, nhớ cổng trường và những ngày mưa ngày nắng đầy kỷ niệm… Những bản nhạc xưa khi nghe laị luôn đưa tôi về những tháng cũ, những buổi trưa nắng hanh hanh bên hiên nhà…

Gia đình tôi vẫn có dịp gặp gỡ laị người quen trong cư xá, cùng chung cảnh ngộ nên dễ thân thiết nhau. Ba tôi thĩnh thoãng lại kể là vừa liên lạc được với bác này ngày xưa ở đơn vị… bác kia ngày đó đóng ở đơn vi… Nhưng chưa bao giờ nghe nhắc đến gia đình của người hàng xóm một dạo của tôi…

 

Nhưng dòng đời luôn có những tình cờ… Một lần anh tôi họp bạn Không quân cùng khoá ở nhà anh. Anh bảo tôi sang chơi cho vui thế nào cũng gặp người quen. Tôi ậm ừ, muốn nhờ em nấu nướng thì cứ nói chứ em làm gì có người quen nào mà gặp… Tôi cứ tiếc mình “sanh sau đẻ muộn” ngày đó chưa lớn đủ để làm “người yêu của lính”…

 

Nói vậy nhưng tôi vẫn giúp anh. Hôm đó nhà anh tôi đông bạn bè cùng khoá từ xa về, tôi thấy anh tôi như trẻ lại, giống như những ngày anh còn trong quân ngũ, anh nói cười huyên thuyên với bạn bè, người đến mỗi lúc một đông. Cứ lâu lâu tôi laị nghe anh tôi reo to lên và cười vui như được quà hay trúng số, tôi nói với bà chị dâu:

-          Anh mình chắc nên họp mặt thường để trẻ hoài đó chị!

Vừa lúc đó anh tôi đi vào cùng với hai ba người nữa:

-          Vào đây… vào đây… xem chú mày có nhìn ra ai không?

Nói rồi anh tôi chỉ tôi, mấy người kia nhìn tôi, tôi nhìn họ, có một người trông quen quen, ngợ ngợ không lẽ là… Anh ta cũng nhìn tôi cười và nói như kể lễ với anh tôi:

-          Em biết ngay mà… Bao nhiêu năm em kiếm gia đình bác và anh… không gặp nên khi anh họ em bảo là họp mặt khoá 68 và lại ở nhà một anh hồi đó nhà ở cư xá… em mừng quá!

Anh tôi suýt soa khen anh ta tài. Tôi chỉ nhìn họ cười cười vì dù rất mong gặp laị, nhưng đứng trước mặt tôi laị không biết nói gì… mà có lẽ anh ta đang mừng gặp lại anh tôi “khóa đàn anh” cũng là bạn văn nghệ chứ có phải mừng tôi đâu… Anh tôi chắc vui quá laị quay qua tôi hỏi một câu rất khó trả lời:

-          Cô mày còn nhớ anh này không?

Tôi giận thầm anh mình, người ý tứ như anh tôi sao laị hỏi một câu vô duyên như vậy, biết người ta có nhớ tôi không mà tôi dám nói… Nhưng anh ta đã nói:

-          Em thì nhớ cô này… Rồi ngập ngừng tiếp. Vẫn ngồi ở hàng ba học bài. Mà sang lắm có thuê người đàn và hát cho nghe!

Anh ta vừa nói vừa nhìn tôi nheo nheo mắt. Tôi có cảm tưởng như moị người đang nhìn tôi châm chọc, tôi buột miệng:

-          Anh tự động ra ngồi hát chứ ai dám thuê anh…

Vậy là tiếng cười ồ lên. Tôi cũng bật cười theo. Chắc tôi ngượng ngùng và trông kỳ cục lắm lúc đó, nên ta anh ta cứ nhìn tôi mà cười… Đương nhiên là tôi cố làm tỉnh bơ… Nhưng mà sao kỳ quá, có những lúc mình càng cố gắng làm như không có gì thì càng đâm ra lung túng vụng về hơn bao giờ hết…

 

Cuộc đời luôn là những chuỗi dài không ai biết trước được… Rồi laị cũng có những ngày như ngày hôm đó… Cũng tình cờ mà thôi…

 
Kim-Chi
   
 
  Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com