Con Đường Angus

 
 

 

           Tôi bước thật nhanh theo phía sau ba mình. Hành lang dưỡng đường buổi sáng thật im lặng chỉ có tiếng chân hai cha con tôi rảo bước. Căn phòng quen thuộc của mợ tôi hiện ra. Ba tôi nôn nóng bước vào ôn tồn thăm hỏi. 

Tôi chào mợ mình xong thì để yên cho hai người thăm viếng và quay qua làm những công việc lặt vặt giúp mợ tôi, rồi thì đứng lơ ngơ đưa mắt nhìn quanh. 

Căn phòng đối diện cũng có hai người già nằm. Trong ánh đèn mờ tôi thấy một ông lão ngồi trên chiếc xe lăn. Đầu ông ta đội chiếc mũ nỉ, đôi mắt nhắm nghiền và cặp kính trắng nằm hững hờ trên sóng mũi. Ông ta gợi cho tôi một hình ảnh trong các phim đen trắng thời xưa... 

Có tiếng ba tôi bảo đi hỏi y tá xem mợ tôi đêm qua có trở bệnh không và sáng đã uống thuốc chưa. Tôi vâng dạ đi về phía phòng y tá trực. Đôi mắt cũng không quên liếc nhìn về phía phòng ông lão phương phi kia. 

Những lúc vào đây thăm mợ tôi, anh em chúng tôi thích nhìn tên và hình của các bệnh nhân treo ở cửa phòng, rồi thêu dệt về quá khứ của họ. Lần nào chúng tôi cũng kết luận "cũng một thời oanh liệt chứ chẳng chơi!" và rồi tiếp theo là chép miệng "ai rồi cũng đến đây... ". 

Khi đưa mắt nhìn bảng tên của ông lão hàng xóm với mợ tôi. Chì là một tấm hình giống như phong cảnh ở Ý và 2 chữ tắt J P. Nhưng tôi không có thì giờ suy nghĩ nhiều vì đang thi hành nhiệm vụ ba tôi giao phó. Cô y tá trực quen vui vẻ trả lời:

- Đã cho mẹ cô uống thuốc lúc 6 giờ sáng rồi 8 giờ thì y tá sẽ mang thuốc đến cho mẹ cô.

Cô vừa nói vừa nhìn vào computer và cuốn sổ rồi lẩm bầm một mình:

- Mr. Papi... uống thuốc chưa không thấy ghi...

Biết không phải nói với mình, nhưng tôi cũng lắng nghe "Papi..." cái họ này nghe quen quá...

Cám ơn cô ý tá, tôi lững thững đi về phòng mợ mình, thấy mợ tôi ngồi một mình:

- Ba đâu rồi hả mợ...

- Ổng đi làm rồi!

Tôi dạ nho nhỏ, câu trả lời của bà kéo tôi trở về thực tại, mợ tôi có nhớ gì mà hỏi. Thấy xót xa tôi nói như vỗ về:

- Mợ đói chưa, con dọn cháo ăn nghe.

- Đợi ba về ăn luôn. 

Tôi lại dạ dạ mà lòng thấy man mác buồn cho chứng bệnh của mợ tôi, mợ tôi còn đó nhưng không còn đó... Tôi vừa vui khi được ngồi bên mợ mình, đưa bàn tay vuốt ve vai bà, nhưng đồng thời tôi cũng thấy xa xôi quá... Buông tiếng thở dài... cũng đã quen dần, tôi đành quay về với thực tại loay hoay kéo cái bàn nhỏ chuẩn bị buổi điểm tâm cho ba mợ tôi. Bên ngoài hành lang những người trợ y cũng đang đẩy những chiếc xe phân phát thức ăn điểm tâm cho bệnh nhân. Tiếng nói chuyện xôn xao bên ngoài khác hẳn với ban nãy. 

Bỗng tôi nghe tiếng ba mình cười reo lên và trò chuyện xem chừng rất vui, tôi đoán chắc ông đang thăm hỏi những người làm việc ở đây.

Một chốc ông bước vào nói như reo mừng:

- Hay quá! biết ba vừa gặp ai không?

- Dạ ai hả ba?

- Ông John hàng xóm nhà mình ngày xưa đó... Ông nằm phòng đối diện đây nè!

Rồi ba tôi quay qua huyên thuyên kể cho mợ tôi nghe:

- Em còn nhớ ông John và bà Laura không, ở nhà đối diện mình đường Angus đó...

Mợ tôi đáp gọn lỏn:

- Sao lại không! Hồi đó ổng hay rầy mấy đứa nhỏ đậu xe trước nhà ổng...

Ba tôi chống chế:

- Có một lần thôi chứ đâu mà hoài... Sau này ổng qua chơi, anh làm gì cũng phụ giúp hết mà...

- Ừ... ổng bả thích chả giò em làm... 

Tôi thấy làm lạ, mợ tôi có thể kể chuyện xưa vanh vách, chuyện bây giờ thì lại khi nhớ khi quên! Trong khi ba mợ tôi tíu tít kể chuyện xưa, tôi mời ông bà ăn sáng, hai người ngồi bên nhau trông hiền hòa làm sao! Nhìn ba mợ mình vui khiến tôi thấy vui lây. Bỗng chốc, căn phòng bệnh của mợ tôi trở thành ấm cúng như đang ở nhà. 

Tôi lại ra đứng hướng mắt về phòng đối diện, lòng nhớ đến con đường Angus của mấy chục năm về trước khi gia đình mới định cư ở Mỹ. 

Và nhớ đến ông bà John Papi. 

Ngày đó khi gia đình tôi mới dọn về ngôi nhà có sân trước sân sau rộng rãi, theo thói quen của người Việt thì chiều đến cơm nước xong thì thích kéo nhau ra trước nhà ngồi hóng gió. Anh em chúng tôi thường ra ngồi và nói cười huyên thuyên, cười đùa trong khi các nhà hàng xóm thì mỗi nhà một vài người, cửa đóng im ỉm, họ có ra vào thì cũng lặng lẽ. 

Chúng tôi thường nhìn ngắm căn nhà đối diện, sân cỏ thẳng thớm, hoa trồng vén khéo và màu sắc thật là tươi vui. Chỉ có ông chủ nhà thì mặt mày không mấy tươi. Nhất là những khi chiều ông ra tưới cây trước sân, phía bên này chúng tôi cười nói (tiếng Việt), ông thường cau mày tuy không nói gì. 

Một ngày kia ông sang nhà tôi gõ cửa và nói với ba tôi:

- Yêu cầu ông bảo con ông dời chiếc xe, xin đừng đậu trước nhà tôi dầu nhớt chảy tùm lum... dơ quá! 

Giọng ông nghiêm trang lạnh lùng nghe đến rợn ngưòi! Ba tôi có lẽ ngạc nhiên và tự ái nên đáp lại:

- Tôi không biết có luật gì cấm con tôi đậu ở lề đường trước nhà ông! Nhưng ông yên tâm chúng tôi sẽ dời xe.

 Hình như ông ta cảm ơn và quay đi. Từ đó bắt đầu có một cái lằn giữa bên này đường và bên kia đường. Anh em chúng tôi đặt tên ông là ông Mafia, vì gương mặt lạnh lùng như những tay anh chị trong phim "Bố Già". Thường thì khi thấy ông chúng tôi vội vàng tránh mặt, dù là đến gần thì cũng lễ phép cất tiếng chào "Mr. Papi.." như lời ba mợ tôi căn dặn. 

Thỉnh thoảng thì cũng thấy ông bà ngồi hóng gió bên kia đường. Không bảo nhau nhưng chúng tôi cũng tự động "điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe..." hoặc là nhìn trước nhìn sau rồi phóng vô nhà. 

Mùa hè năm đó, ba tôi nghỉ phép 2 tuần, ông đi xuống tòa thị chính xin giấy phép nới căn phòng trước cho rộng ra. Ba tôi rất hãnh diện đã theo đúng luật hành chánh ở xứ này, điền giấy tờ đầy đủ nộp tiền... Xong dán tờ giấy phép trước cửa và bắt đầu công việc. 

Hôm đó tôi đi học về thì thấy ông "Mafia" đang làm việc với ba tôi, tưởng mình đi trời nắng mà hoa mắt nhưng tôi cũng lắp bắp chào:

- Mr. Papi, how are you sir?

Ông gật gù chào tôi. Tôi thưa ba mình xong thì vội vàng chạy vào nhà. Thằng em kế đang ngồi ăn cơm lật đật tường trình liền:

- Có chuyện lạ chị ơi!

Không đợi tôi hỏi, hắn ta láu táu kể tiếp:

- Chị thấy ông Mafia đang làm việc với ba không? Sáng nay em với ba vừa đi mua gỗ về thì ổng qua... Nhìn mình làm việc thì tình nguyện cho mượn bàn cưa, dụng cụ để làm, ổng nói cha con ông làm kiểu này bao giờ mới xong...

Tôi gật gù:

- Ừ chị thấy ổng thì cũng hết hồn.

- Cũng tội nghiệp, sáng giờ ổng chỉ dẫn cho ba với em được nhiều chuyện lắm.

Thằng em nhiều chuyện của tôi còn thuật lại, ổng kể có hai người con đi lính ở Việt Nam... Nhưng chỉ có một người về...

Hai chị em tôi nhìn nhau im lặng, rồi thở dài, em tôi triết lý:

- Chiến tranh...  

Bình thường chắc tôi đã phì cười thằng em lý sự, nhưng hôm đó tôi mãi nhìn qua cửa sổ thấy ông John và ba tôi lúi húi làm việc ở trước, trông hai người nhuễ nhoại mồ hôi dưới nắng hè...  Hình ảnh ông Mafia trước đây sao hôm nay lại chỉ là người hàng xóm bằng xương bằng thịt như mình mà thôi! 

Sau đó thì thỉnh thoảng ba tôi cũng sang bên ông giúp trồng cây. Bà Laura và mợ tôi thì cũng trao đổi cách nấu ăn, dù mợ tôi thì tiếng Anh cũng tiếng được tiếng mất nên cũng có nhiều chuyện lẩm cẩm rất buồn cười.

 

Hôm đó trên đừơng về ba tôi vui lắm, ông gọi điện thoại báo tin cho các con biết, ông hàng xóm ngày xưa bây giờ cũng là hàng xóm của mợ. Rồi dặn tới dặn lui, đi thăm mợ nhớ ghé qua chào ông, ba tôi nói với giọng thương cảm xúc động:

- Tội nghiệp ông đã chín mươi mấy mà còn minh mẫn, ông hỏi thăm từng đứa... ông vui lắm khi nghe thấy chúng con nên người. Nhớ ghé thăm ông cho ông vui nghe. 

Tôi chậm rãi lái xe và nghe ba tôi nói chuyện với các con. Giọng ông hình như vui lắm vì ông vừa kiếm được người bạn hàng xóm, mà hình như còn hơn thế nữa cứ như là bạn tâm giao hay một người thân thuộc. 

Riêng tôi nhớ đến căn nhà xưa, nhớ đến những ngày cha mẹ mình đấu tranh để nuôi con, nhớ đến vui buồn của thời mới lớn. Nhớ đến ông bà hàng xóm và nỗi niềm của họ có lần tôi nghe kể. Nhớ con đường Angus ngày xưa hiền lành và những người đã từng sống ở đó... Thương làm sao!   

  Kim-Chi
   
 
  Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com