Chuyện Xưa

 
 

      Buổi chiều hết giờ làm tôi vội vàng ra xe. Lòng nhẹ nhàng thanh thản nghĩ đến buổi cơm chiều ở sau nhà, gió hiu hiu hát ngồi ăn cơm và nhìn công trình của mình cuối tuần qua trên  mảnh vườn nhỏ. Bỗng tôi nghe ai gọi tên mình thật to từ phía sau, giật thót người sao có ai gọi tên cúng cơm của mình một cách gấp rút như vậy! Tiếp theo đó là tiếng chân bước vội vàng đến. Tôi lo sợ quay lại, một người đàn ông bước đến gần:

- Xin lỗi, hy vọng là tôi không làm cô giật mình.

Tôi chưa biết phải nói gì khi nhận ra anh ta là một trong những người trong phái đoàn đến thanh tra sở tôi sáng nay. Anh ta giới thiệu tên mình và nói tiếp:

- Sáng nay khi người ta giới thiệu tên cô và nghe cô thuyết trình... Tôi muốn hỏi thăm... Cô có phải con gái của bác... năm 67 hay 68 có làm việc ở Đà Lạt không?

Tôi lắng nghe câu hỏi thật dài... Ở cái lứa tuổi năm mươi mấy (cái xuân xanh!) già thì chưa chịu già mà trẻ thì không còn trẻ nên có ai gọi là cô thay vì "bà" làm tôi bỗng dễ dãi:

- Đúng... tôi...

- Trời may quá... Anh ta reo lên. Tôi cứ sợ không phải?

Đến phiên tôi hỏi:

- Mà sao... Anh lại biết ba tôi?

Anh ta kể lể cho tôi nghe, ba anh ta là bác... làm việc chung với ba tôi ở Đà Lạt lúc đó và cả hai gia đình ở chung một cư xá... Anh hỏi còn nhớ hè năm đó (lúc đó ba tôi làm việc ở Đà Lạt và gia đình ở Nha Trang chỉ có hè mới được lên vài tháng ở gần ba tôi và sau đó về đi học lại) chúng tôi thường kéo cả đám đi lòng vòng chơi hàng ngày do anh ta cầm đầu vì lớn nhất trong đám.

Tôi ngờ ngợ:

- Dạ tôi nhớ... Lâu quá không gặp tôi nhìn không ra anh.

Anh ta cười, nói (nịnh) một câu rất là tự nhiên:

- Cô thì không khác mấy... Thoạt thấy cô tôi cứ nghĩ không lẽ... ai đâu mà trẻ hoài vậy!

Tôi phì cười, tự nhiên lại nói đùa:

- Như vậy là anh nói tôi trẻ như hồi còn mười hai, mười ba tuổi...

- Tôi nói thật nhưng nghe thì giống xạo hở...

Tôi đâm ra ái ngại, nói cái gì đây khi người ta nhận ra mình và thăm hỏi:

- Cám ơn anh... Hai bác khỏe chứ?

- À... thì khỏe cho người già! Hai bác khỏe chứ?

Dạ khỏe, tôi đáp. Chắc thấy đã chiều tối nên anh ta chào từ giã. Tôi vâng dạ và lịch sự nói:

- Cho tôi kính lời thăm hai bác.

         Tôi ra về mà không khỏi nhớ lại những ngày thơ ấu ở Đà Lạt, mấy năm đó ba tôi làm việc ở xứ sương mù này, cứ hè đến thì chúng tôi lai được lên thăm ba và ở đó vài tháng. Hàng ngày thì bọn con nít chúng tôi, đều là con nhà binh làm chung đơn vị nên ba mẹ tin tưởng và cho chúng tôi tụ tập rong chơi. Những ngày hè đó, đám con trai nghịch ngơm thường dẫn đầu và thích mạo hiểm, mấy thằng em trai của tôi nhiệt liệt tham gia, nên tôi cũng phải lò tò đi theo. Những hôm chúng tôi đi vào những vườn đào hay mận bỏ trống, đám con trai leo trèo hái trái cây trong khi tôi thơ thẩn hái hoa dại, hoặc đứng dưới gốc cây chờ người ta hái. Tôi nhớ chúng nó hay bảo:

- Ăn không... Chụp nè!

Mà tôi thì chả bao giờ chụp được cứ né mỗi khi chúng ném xuống, xong thì đi lượm cho... chắc ăn! bị ghẹo tôi cũng tỉnh bơ vì bận thơ thẩn kiếm những cánh hoa đẹp cho riêng mình. Những kỷ niệm rong chơi ở đó thật là đẹp và êm đềm cùng với những người bạn nhỏ.

Riêng anh ta thì nhớ rất nhiều chuyện thú vị, có lẽ vì ở đó lâu hơn tôi. Khi anh anh ta kể đến những hôm cả đám đi vào những căn nhà nghỉ mát thật lớn, chủ nhà thường chỉ ở đó một vài tháng trong năm, thời gian còn lại là trống. Chúng tôi tha hồ chạy nhảy vui đùa trong những khoảng sân rộng đầy hoa đẹp, cũng như bày ra những trò chơi rượt bắt, trốn tìm mà tôi thường thường không muốn tham gia vì sợ chạy té... sợ dơ quần áo!

Kể đến đó thì anh ta lại cười một cách thích thú và tôi thì thấy hơi quê:

- Anh có phịa ra thêm không vậy? Tôi đâu có nhớ!

Anh ta lắc đầu nhưng tôi nghĩ chắc phải có phịa ra chút ít để chọc quê tôi. Ngày xưa cũng vậy mà, nên hễ thấy mặt là tôi né, chỉ có khi nào đông người tôi mới dám đi chơi chung.

Tôi làm thinh vì nể anh ta bây giờ là thanh tra của mình, thấy tôi không nói gì anh ta bỗng nói:

- Hồi đó chắc cô ghét tôi lắm phải không?

Hồi đó, tôi nghĩ thầm, bộ tưởng bây giờ... Nhưng tôi cũng nhìn lơ đi chỗ khác và nói nho nhỏ:

- Tôi không nhớ gì hết!

- Vậy thì đỡ khổ cho tôi, cám ơn cô!

Rồi ông ta bước đi. Tuần lễ đó chúng tôi làm việc bù đầu, khi nào cũng nghiêm trang vì "nhà có khách"! Riêng anh ta thì thân thiện, thường ghé qua chỗ tôi làm nhắc lại chuyện xưa, chuyện gì anh ta kể cũng sôi nổi và buồn cười... Trí nhớ của tôi thì cho tôi về những ngày êm đềm hơn.     

 

      Thứ sáu tuần đó, như thường lệ mọi người rủ nhau đi ăn trưa. Tôi đi làm trễ hơn nên thường không đi ăn chung với họ. Hôm đó tôi vừa bước vào sở thì lại thấy anh ta thò đầu vào hối hả:

- Lát nữa cô cũng đi ăn trưa chung với mọi người chứ!

- Chắc là không! Tôi mới vào sở mà, 3 giờ chiều mới đi ăn trưa!

- Hôm nay đi sớm một hôm cho vui đi... Thứ hai tôi về Sacramento lại, cô không còn thấy cái bản mặt khó ưa của tôi nữa.

Tôi bật cười, anh ta nói như trách:

- Làm gì ma cô mừng ra mặt vậy!

Không hiểu sao tôi bất thình lình lanh lợi một cách đáng khen:

 

- À.. thì vì không còn bị thanh tra nữa! vừa lúc đó xếp của tôi đi ngang cũng nhắc nhở:

- Thu xếp đi ăn trưa nghe...

Anh ta nhìn tôi đắc ý rồi tíu tít nói chuyện với bà xếp.

Trưa đó mọi người kéo nhau ra nhà hàng Việt Nam, tôi bận một vài công việc nên khi đến nơi thì mọi người đã an tọa. Đang nhìn quanh thì anh ta niềm nở đứng dậy mời:

- Cô... Ngồi đây

Tôi vâng dạ ngồi xuống, mọi người quảng cáo với anh ta về những món ngon của nhà hàng này kèm theo lời khen nức nở. Anh ta quay sang hỏi tôi:

- Ngon thật không cô?

- Không... Tôi thành thật đáp. Người Mỹ khen thì anh biết rồi. Tôi thường chỉ đến đây để mua bánh mì đem đi...

- Vậy hả... Nè, cô còn nhớ bánh mì gà ở Chi Lăng không?

- Nhớ chứ, vừa nóng vừa dòn ngon...

Anh ta gật gù xong thì thắc mắc:

- Vậy mà sao cô lại không nhớ mấy lần bị nhát ma trong sân nhà hay là lần tôi làm cô té xe đạp...

Mấy chuyện này anh ta đã hỏi tới hỏi lui, mà tôi lại không hề nhớ!

Thấy anh ta cứ thắc mắc tôi nói:

- Chắc tại mấy người giả ma không đáng sợ lắm nên tôi không nhớ!

Anh ta cứ nhất quyết:

- Trời ơi, tôi nhớ mặt mày cô xanh lè, hét lên khủng khiếp rồi chạy vào nhà!

- Hên cho anh là tôi không nhớ mấy chuyện đó!

- Riêng tôi không làm sao quên được gương mặt sợ hãi của cô. Cứ ân hận mình đã ỷ lớn ăn hiếp trẻ nhỏ!

Tôi nghĩ thầm nhớ làm gì chuyện ghê rợn vậy! Định nói một câu trêu anh ta nhưng lại thôi. Ăn bữa trưa xong, chuẩn bị về sở thì anh ta quay qua nói với xếp tôi:

- Tôi sẽ quá giang cô này về bà nghe!

Hơi bực mình giọng kẻ cả của anh ta:

- Nhỡ tôi bận việc gì thì sao?

- Thì tôi đi theo cô... cả ngày cũng được! Đi với người đẹp mà!

Tôi buột miệng:

- Tán tỉnh tôi đó hở?

Nói vừa xong tôi đã thấy mình ngu... ơi là ngu. Lém lĩnh như người này, buồn buồn trả lời lại mà mình đỡ không kịp thì quê lắm! May quá, anh ta chỉ nói:

- Ơ... sợ cô đuổi xuống khỏi xe lắm!

Tôi thở phào, chưa kịp mừng thì anh ta chậm rãi hỏi:

- Mà... tán tỉnh thì sao…

Tôi kêu lên:

- Con nhà binh không tán tỉnh lẫn nhau!

Xong tôi cười thích chí, anh ta cũng cười theo:

- Cho cô thắng lần này đó! Để bù lại hồi xưa tôi thường ăn hiếp cô!

Anh ta trầm ngâm nhìn ra phía trước:

- Cô thì xưa giờ vẫn vậy... bị ghẹo xong cũng không giận hờn (phải tôi không?) Nên tôi cứ nhớ hoài.

Nghe nói thì tôi cũng thấy tội nghiệp (có mắc bẫy không đây) nên trả lời:

- Chuyện con nít mà, tôi có nhớ gì đâu!

Anh ta cười thở phào như vừa trút cái gánh nặng:

- ... Bây giờ mà cân chắc nhẹ đi cũng năm bảy ký!

Tôi trêu:

- Chuyến đi thanh tra này của anh thành công quá hở?

- Ngoài tưởng tượng.

Chúng tôi lại nhắc đến chuyện xưa, nhắc đến những người bạn nhỏ của ngày đó, không biết bây giờ đi về đâu. Chúng tôi những đứa con nhà binh, theo ba mình đi khắp nẻo đường, rày đây mai đó. Những đứa trẻ lớn lên trong chinh chiến, những tình bạn ngắn ngủi, bao nhiêu là kỷ niệm thơ ấu, mỗi người trong chúng tôi sẽ nhớ về ngày cũ một cách khác nhau. Có gặp lại thì chắc thì chắc cũng trêu ghẹo nhau (trong vòng lễ giáo) như chúng tôi vì được rèn luyện từ nhỏ trong quân đội, bên cạnh kỷ luật thì luôn có chút gì đó tinh nghịch, lém lĩnh, một cái gì đó rất là... (con) nhà binh!

  Kim-Chi