Tưởng
rằng
đã
quên




Anh Trinh
 

 

Thái Hòa chở tôi đi quanh Đà Nẵng một vòng, nó nói:

- Chở mi đi chơi vòng vòng mà ta cứ ngỡ đang nằm mơ Trang ơi.

 

Tôi ngồi phía sau cảm động, nhớ hồi hai đứa còn cơ hàn. Hòa là đứa bạn thân đã từng chia sẻ với tôi suốt một khoảng đời cơ cực.

 

Tôi ngậm ngùi:

- Ừ, lần mô về ta cũng bận đủ thứ chuyện, bạn bè thì đông, chia cho mỗi đứa một chút. Phải chi có nhiều thời gian hơn, hai đứa mình đi chơi xa một chuyến hỉ.

Hòa nói bâng quơ:

- Hè năm ngoái lên Đà Lạt chơi, ta có ghé thắp nhang cho ông Dũng, mới đó mà 3 năm rồi mi.

 

Ba năm rồi, tôi được tin Dũng mất qua một email của Hòa. Chỉ mấy dòng ngắn ngủi báo tin: Dũng qua đời rồi, bị té ở cầu thang khi vừa đi đám cưới một người bạn về. Dũng chết bất ngờ quá khi mới ở độ tuổi mà công danh sự nghiệp đang lên, gia đình đang vui vẻ. Tôi buồn mất mấy ngày, cảm giác như mình đánh mất một cái gì rất thân quen đã có mặt trong đời sống của mình để mỗi khi nhớ về một quãng đời thì hình ảnh đó lại hiện ra rất gần gũi. Đó là Dũng, là Thái Hòa, là Nguyễn… và những ngày xưa.

 

Ngày xưa đó… sau một mùa hè làm quen với lao động, họp hành, thi đua, mít-tin và những đổi thay, những khó khăn của một đất nước vừa im tiếng súng, đang chuyển mình sau cuộc chiến triền miên. Đầu năm học mới, tôi bước chân vào ngưỡng cửa lớp mười một. Trường Nữ bị giải tán, tôi được xếp vào học chung lớp với Thái Hòa tại ngôi trường trung học lớn nhất Đà Nẵng. Vất vả nhiều lần vì nạn “lý lịch”, tôi biết thân phận mình nên học hành rất nghiêm chỉnh. Tôi chơi thân với Hòa trong một trường hợp khá buồn cười.

 

Tiết mục sinh hoạt văn nghệ và đọc báo đầu giờ mỗi buổi sáng của lớp, với mục đích giải trí và để cho học sinh làm quen với thời sự đang diễn biến mỗi ngày. Có khi là để tập hát những bài hát ngợi ca chế độ, thần tượng các anh hùng đã bỏ mình vì nước qua các cuộc chiến tranh. Học sinh thời đó ai cũng phải có một cuốn sổ nhỏ để hàng ngày ghi chép những sinh hoạt về “Văn, Thể, Mỹ”.

Có lần, tôi từ bàn đầu quay xuống bàn sau mượn cuốn sổ của Hòa để chép lại bản nhạc “Cô gái vót chông”, tôi bỗng thích thú vì trong cuốn sổ đó có chép rất nhiều nhạc của những nhạc sĩ tôi thích. Bài “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy, “Paris có gì lạ không em” của Ngô Thuỵ Miên, “Hạ Trắng” của Trịnh công Sơn… ngoài ra còn vô số những đoạn thơ Tuổi Ngọc được chép phía sau cuốn sổ. Đối với những cô bé tuổi mười sáu, mười bảy như chúng tôi thuở ấy, văn thơ lãng mạn trước 1975 càng bị cấm thì càng hấp dẫn. Tôi len lén chép vào cuốn sổ của Thái Hòa một đoạn thơ:

 

Chẳng lẽ em cứ ngậm ngùi mãi

Đường ta đi dấu cũ không còn

Em nói với tôi điều gì cũng được

Cay đắng em thì xót xa tôi

Chẳng lẽ em mãi im như tượng đá

Đâu phải buổi đầu ngại mắt sâu

Em mất tôi, còn có nỗi buồn

Tôi mất em, đời sống ai quen

Em có cần tôi để ru đời sống?

Sao em không hỏi lại lòng mình

Tiếc gì tôi thì em cứ nói

Khóc làm chi, khổ cũng quen rồi!

 

Thái Hòa chịu chơi dòm tôi cười hì… hì… thế là hai đứa quen, và thân nhau hơn. Dường như giờ học nào hai đứa cũng có bút đàm, trong cuốn sổ tay nháp của tôi giữ đến bây giờ vẫn còn. Đó là kỷ niệm của một thời dưới mái trường Phan Châu Trinh mà lần nào đọc lại tôi cũng cười một mình.

 

Hòa là cô bạn rất gần gũi với tôi trong những năm cuối của bậc trung học, cho đến những ngày tôi lao đao cho mối duyên tình trắc trở. Lúc nào Thái Hòa cũng bên cạnh tôi như một chiếc bóng, góp ý cho tôi, phân tích phải trái, sẵn sàng vì tôi mà làm mọi việc. Tôi và Hòa hợp nhau nhiều mặt, hai đứa thương nhau còn hơn chị em ruột, luôn che chở cho nhau cái thời trốn mẹ đi chơi với người yêu, sớt chia nhau những chén mì sợi lót lòng trong ngày hè cặm cụi học thi. Và nhất là cả hai đều hay mơ mộng, hay “treo ngược tâm hồn lên cành cây”. Hai đứa đều có sở thích chép thơ, chép nhạc trữ tình vào một cuốn sổ nhỏ và chuyền nhau xem, như để thêu dệt cho thời con gái vốn không được nên thơ bởi nhiều ngăn cấm của sinh hoạt xã hội thời bấy giờ.

 

Ngày đó… Thái Hòa yêu Nguyễn, một trong những cái đuôi đi kè kè theo cô nàng mỗi buổi tan trường, mối tình thời học trò kéo dài từ thuở trung học cho đến khi cả hai lên Đại Học. Tình yêu của Hòa và Nguyễn trải dài qua những cánh thư, mỗi năm hai đứa gặp nhau vào dịp Tết Nguyên Đán và một tháng hè. Đó là một chuyện tình đẹp như những câu chuyện tình của Từ Kế Tường, truyện Hoa Tím hay Tuổi Ngọc ngày xưa. Nguyễn học đại học ở Sài Gòn. Anh chàng có dáng dấp thư sinh với đôi kiếng cận hiện đang là mốt trong giới sinh viên thời đó. Nguyễn vui tính nhưng không kém phần sâu sắc, vậy mà không hiểu sao nhỏ Thái Hòa cứ than “Nguyễn… con nít quá, chuyện gì cũng đem ra đùa giởn được, với Nguyễn không có chuyện gì là người lớn cả”.

 

Hòa vào Đại học Sư phạm Huế trong khi tôi lây lất chờ kết quả của các kỳ thi Trung cấp. Cuối cùng, tôi bị cắt hộ khẩu ở Đà Nẵng vì đã không tham gia nghĩa vụ lao động cho công trình xây dựng đập nước Phú Ninh. Tôi vào Sài Gòn chờ ngày đi vượt biên, Nguyễn và tôi thân nhau từ dạo đó.

 

Một trong những người bạn của Nguyễn là Dũng, dân Đà Nẵng, lúc đó cũng là một sinh viên trường Tài chính, Dũng được Nguyễn giới thiệu quen biết tôi như một đồng hương. Đoạn đường Sài Gòn - Đà Nẵng cách nhau khoảng một ngàn cây số, phương tiện giao thông thuở đó thật khó khăn nên… tuy gần mà xa. Kiếm được một đồng hương giữa đất Sài Gòn cũng khó như đi tìm tô mì Quảng ở Liên xô! Dũng ốm và cao hơn Nguyễn, dung nhan thuộc loại “đẹp xấu tùy người đối diện”, Dũng vui tính và hay đùa nghịch như Nguyễn, chúng tôi đã có một khoảng thời gian bạn bè khá vui vẻ dù hai anh bạn cũng là hai con nợ của tôi thời đó.

 

Để cầm cự trong những tháng ngày chờ có chuyến đi, ngày ngày tôi theo bà thím đi xuống Cần Thơ để mua gạo về bán lại ngay tại Xa Cảng Miền Tây. Vốn không xuất thân là con nhà buôn bán nên tôi rất chậm chạp và yếu tim. Thời đó, dưới chế độ thương nghiệp quốc doanh, những cá nhân đi mua gạo từ một nơi khác về bán lại cũng bị xem là buôn lậu. Mà cũng phải, chỉ cần trót lọt một giạ gạo qua khỏi các trạm thuế, từ Cần Thơ về đến Sài Gòn là đã lời gấp đôi. Tôi sống lăn lóc trong giới buôn lậu khá lâu và học được nhiều mánh khóe. Có khi chuyển sang mua tôm khô từ Cà Mau về. Để qua mắt thuế vụ, tôi phải cải trang thành một bà bầu với cái bào thai 6, 7 tháng chất chứa toàn tôm khô hay mực khô, có khi là mỡ heo đã rán thành nước… Khi làm ăn khấm khá, tôi cùng hai anh bạn đồng hương đi ăn uống, xi nê… đứa nào cũng nhắc “Phải chi có nhỏ Hòa ở đây thì vui biết mấy!”. Nguyễn vô tư hơn Dũng, tôi nghĩ có lẽ vì Nguyễn là con út, mà lại là con trai duy nhất, Nguyễn chỉ có hai bà chị gái nên anh chàng được cưng chìu, ít lo lắng. Trong khi đó, Dũng là anh trai lớn trong nhà, môt gia đình căn bản, nề nếp ở trong quê. Dũng hay tìm hiểu về cách buôn bán của tôi với vẻ chăm chú vốn ít có ở các chàng sinh viên.

 

Những ngày chủ nhật không có lớp, thỉnh thoảng Dũng theo tôi đi Cần Thơ. Dũng gợi ý cho tôi mang thuốc Tây từ Sài Gòn về bỏ mối và đem gạo từ dưới lên. Hắn bảo đó là một dạng buôn bán hai chiều. Thỉnh thoảng sau khi giao hàng xong, trong lúc chờ chuyến xe về lại Sài Gòn, Dũng rủ tôi dạo chơi vòng vòng qua Bến Ninh Kiều, thăm cái thành phố hiền hòa và hữu tình của vùng sông nước này. Cần thơ là thành phố trù phú và sạch sẽ nhất miền Tây Nam bộ. Đã được ghi vào ca dao bình dân:

 

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

 

Tôi và Dũng đi bộ qua nhiều con đường đẹp ở đây. Hai đứa ghé vào chợ Cần Thơ ăn hàng, nói đủ thứ chuyện để nhớ Đà Nẵng. Dũng rất lanh lẹ tháo vát, khác hẳn nét thư sinh của Nguyễn. Dần dần, tôi nhận ra ở Dũng không có cái miệt mài của một sinh viên tỉnh lẻ, Dũng luôn là người muốn thay đổi hoàn cảnh và khác với tôi, Dũng rất bạo gan trước những thử thách.

 

Nhưng Sài Gòn không phải là chốn để tôi tạm nương thân. Đó là năm 1979, sau một cơn bệnh nan y tưởng như bỏ mạng lại đất miền Nam vốn chẳng có ai thân thích ngoài hai ông bạn đồng hương, tôi trở về Đà Nẵng trong một nhân dáng tiều tụy, không còn một đồng xu dính túi. Tóc tai cũng rơi rụng theo những cơn sốt thương hàn khiến hình hài tôi càng thêm thê thảm. Thời con gái mật ngọt của tôi đúng là chưa nở đã tàn. Đau lòng hơn cả là sự thất vọng, khi nhận ra vùng đất chôn rau cắt rốn đã không chấp nhận tôi nữa. Gia đình tôi luôn bị địa phương đe doạ khi má tôi để tôi ở lại trong nhà mà không có giấy phép tạm trú. Tôi không có công việc gì để làm qua ngày. Thế là sau khi được má giao thêm cho một ít vốn liếng, tôi lại bôn ba qua những chuyến buôn dài từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Khi đi bằng xe hàng, lúc đi bằng tàu lửa. Đời sống không ổn định chút nào từ công việc cho đến nơi ăn chốn ở. Tôi vẫn liên lạc thường với Nguyễn và Dũng, nghe đâu Dũng lúc này cũng bắt đầu lơ là vơí việc học, hắn nói “Dạ dày đói meo, học không vô”. Tết năm đó, Nguyễn và Dũng cùng về ăn Tết. Một ngày mồng ba Tết, Dũng rủ cả bọn về quê Dũng chơi. Nhỏ Thái Hòa rỉ tai tôi:

- Ông Dũng muốn đưa mi về ra mắt bà già đó.

Tôi tỉnh bơ nói đùa:

- Bà già không đồng ý thì ta cũng bắt cóc con trai bả được, dễ ẹc.

 

Thật ra tôi chỉ xem Dũng là một người bạn bình thường. Dũng nghịch lắm, tôi thì vô tư. Có lần hai đứa đi băng qua đường giữa Sài Gòn xe cộ đông đúc, tôi tự nhiên nắm tay Dũng vì sợ lạc, sợ xe đụng. Sang đến lề đường bên kia, hắn la lên:

- Ê, rõ ràng có bao nhiêu người làm chứng, Trang đã nắm tay Dũng trước đó nghe, mai mốt nâng khăn sửa túi cho Dũng nữa là… xong!

Tôi la ơi ới và… lần sau cũng cứ hồn nhiên tiếp tục. Thế là Dũng có cơ hội nhỏ to với Thái Hòa “Con nhà Trang tự nguyện nắm tay Dũng rồi… hi… hi…” Những dịp đi chơi chung bốn đứa, biết Thái Hòa và Nguyễn là cặp bồ bịch từ lâu, hai đứa cũng muốn có thời gian tâm sự riêng nên tôi đành phải đi chung với Dũng. Có phải lâu ngày bén hơi, hai đứa dần dần đi đâu cũng có cặp mới lạ chứ!

 

Lần đầu tiên trong dịp Tết năm đó chúng tôi theo Dũng về quê. Quê Dũng cách Đà Nẵng không xa mấy. Bốn đứa đèo nhau trên hai chiếc xe đạp. Dũng chở tôi mà than thở:

- Ui cha, đạp xe lên dốc không muốn nổi, chở Trang mệt thiệt nghe!

Tôi đấm vào lưng hắn:

- Noi gương Nguyễn kìa, ông Nguyễn đèo nhỏ Hòa đi vù vù có than thở chi mô?

Hắn rề rề:

- Tên Nguyễn không mệt cũng phải!

Tôi chưa hiểu ý:

- Hắn cũng như ông, nhỏ Hòa cũng bằng Trang, người ta đèo nhau vui vẻ, ông cứ than hoài!

- Phải chi Trang cũng như nhỏ Hòa thì Dũng đèo đi hoài, không thấy mệt đâu.

- Ủa, có chi khác mô?

Hắn lắc đầu:

- Trang không biết noi gương Thái Hòa làm sao biểu Dũng noi gương Nguyễn được.

- Ông ni, rắc rối… muốn chi thì nói!

Hắn tỉnh bơ:

- Hà… hà… muốn… Trang ôm eo Dũng như Hòa ôm eo Nguyễn kìa.

Tôi la làng và đấm vào lưng hắn:

- Còn lâu á.

Hắn vẫn lì lợm:

- Nói thiệt nghe, chở Trang ngồi đàng sau giống như chở… cục đá quá, không có cảm giác chi hết, có ôm eo thì lỡ xe lạng lách, Trang rớt cái bịch xuống Dũng mới biết mà ngừng lại đỡ Trang lên đi tiếp chớ.

Tôi mắc cở im lặng. Hắn thỉnh thoảng dòm lui:

- Nè cô bé, không ôm eo thì lên làm bác tài chở Dũng nghe, bảo đảm Dũng sẽ ôm eo Trang không cần năn nỉ.

Tôi chẳng biết Dũng tán tôi hay hắn đang đùa.

 

Thanh Quýt khá yên bình, nhà Dũng nằm ngay trên quốc lộ 1, với lối đi nhỏ giữa hai khoảng ruộng. Ngôi nhà ngói nhỏ, có hàng cau phía trước y như hình ảnh của một mái nhà trong tranh vẽ đồng quê Việt Nam. Hôm đó Mẹ Dũng nấu mâm cỗ cúng tiễn đưa ông bà, chúng tôi lăng xăng phụ giúp. Lúc ngồi vào bàn ăn, tôi thật muốn xị mặt eo xèo vì món ăn nào của quê Dũng cũng có màu vị nghệ vàng tươi. Tôi và Thái Hòa nháy mắt nhau khi thấy bà già Dũng liếc xéo tôi, hình như bà không được vui khi ông con gắp thức ăn để ga lăng cô bạn từ Đà Nẵng về. Sau bữa ăn, mẹ Dũng vác cuốc ra ruộng, tôi và Dũng đi theo. Thấy bà già xới đất, tôi hỏi xã giao:

- Ủa Tết mà bác cũng làm ruộng, không nghĩ sao Bác?

Bà già phán một câu:

- Hừ, ngày mô có ăn thì phải có làm.

Tôi lạnh ngắt kéo Dũng đi chỗ khác chơi, gặp Thái Hòa và Nguyễn tôi đùa:

- Làm dâu bà già Dũng chắc phải về quê cuốc đất, mót khoai, không biết ta chịu nổi không đây.

Dũng tỉnh bơ:

- Dũng mà cưới Trang thì cho Trang ở nhà nuôi con, khỏi làm gì hết, yên chí!

- Không biết có được yên thân nuôi cháu nội cho bà già ông không?

Hắn tấn tới:

- Có Dũng mà, Trang lo gì cho mệt.

 

Chúng tôi cứ đùa như thế rất vô tư chẳng biết Dũng có nghĩ gì không.

Một lần Dũng rủ tôi đi ăn chè, tôi chuẩn bị xong xuôi thì phải méo xẹo cái mặt vì Dũng đến chở tôi bằng cái xe đạp dàn ngang… không có yên sau. Tôi nuốt hận leo lên ngồi ở dàn xe, trong lòng Dũng. Hắn ngang nhiên chở tôi đi khắp phố phường Đà Nẵng và còn cười hà… hà…

- Chuyến này… đố ai mà dám cua Trang nữa!

Tôi đỏ mặt, hắn tiếp:

- Mà lỡ Trang đang có ai đó, đi ngoài đường gặp hoàn cảnh này… chắc là… chia tay luôn, phải không cô bé?

Tôi không nhịn được xoay mặt nhìn lên định đấm cho hắn một cái, tôi khựng người lại… và la lên:

- Ê, Dũng có cái nốt ruồi lệ kìa!

Ngay dưới mí mắt của Dũng có một hột nốt ruồi bé xíu, như một giọt lệ.

Hắn im lặng, tôi liền tiếp:

- Đùng có ghẹo người ta, thế nào sau này Dũng cũng khổ vì tình cho mà xem.

- Ai mà dám làm Dũng buồn, ngoại trừ Trang.

Câu nói của Dũng như rơi vào một khoảng không vì tôi chợt nhận ra có chút gì đó không bình thường trong cái vẻ nghịch ngợm hàng ngày của Dũng.

 

Mấy tháng sau, nhà nước có một đợt đổi tiền, là sinh viên của trường Tài Chính nên Nguyễn và Dũng đều có công tác trong đợt này, không biết làm ăn ra sao cuối cùng Dũng gặp phải rắc rối với một bà chủ quán cà phê gần trường. Bản tính nóng nảy của thanh niên khiến Dũng chẳng biết nhường nhịn, sự việc đổ bể, nhà trường cuối cùng giải quyết gọn nhẹ bằng cách đuổi học Dũng.

 

Rời khỏi mái trường với nhiều ấm ức, Dũng lăn xả vào những chuyến đi buôn đường dài. Thuở đó thương trường không dễ chen chân vào, buôn bán đường xa bất cứ một món hàng gì cũng dễ dàng bị tịch thâu và ghép vào dạng buôn bán trái phép. Doanh nghiệp quốc doanh làm chủ mà hàng hóa gì cũng khan hiếm, có khi có tiền mà chẳng có hàng để mua. Thỉnh thoảng tôi gặp Dũng ở Đà Nẵng, cu cậu dúi cho tôi mấy cái “Giấy đi đường khống chỉ“, tức là loại giấy đã có đóng dấu nhưng chưa có chữ ký của thủ trưởng cơ quan. Với tờ giấy này tôi có thể xếp hàng mua vé tàu, vé xe theo giá chính thức. Lúc đó tôi chẳng thèm thắc mắc từ đâu Dũng có loại giấy tờ phi pháp này. Tôi đền ơn Dũng bằng mấy chầu chè rất vui vẻ. Có khi tôi còn biếu loại giấy đi đường này cho một bà chị quen thân trong giới “buôn bán trái phép” của tôi. Cho đến một hôm, cả nhà tôi đang ăn tối thì có một chiếc xe “Ba càng”, loại xe của Sở Công An hay xử dụng để đi bắt người phạm tội đến ngừng trước nhà tôi. Ba bốn nhân viên mặc đồng phục công an vào nhà đọc lệnh xét nhà. Họ cho biết là Dũng đã bị bắt khi xử dụng tờ giấy đi đường có đóng dấu của trường Tài Chính, con dấu này chính xác là bị mất cắp. Bà chị quen với tôi cũng bị bắt, không biết Dũng và chị ấy đã khai như thế nào mà dính luôn đến tôi. Cả nhà tôi xanh mặt khi công an tìm trong tủ sách của tôi có một giấy đi đường chưa xử dụng có con dấu của Trường Đại học Tài chính.

Tôi có lệnh bị tạm giam, nhưng trước hết là bị giải xuống công an thành phố. Ngồi trên chiếc xe ba càng đang nổ máy bành… bành… tôi còn thấy Má tôi hớt hải chạy theo, cố đưa cho tôi tấm mền bằng vải dù. Viễn ảnh có thêm một thành viên trong nhà bị vào cải tạo khiến Má tôi khóc không ra nước mắt nữa.

 

Tôi không bị đưa thẳng lên trại giam mà phải xuống phòng Công An thành phố để làm tờ tự khai. Từ đầu tới cuối, tôi cố tình giấu diếm cho Dũng, chỉ khai là bạn của Dũng và hắn cho tôi tờ giấy này chỉ có một lần, chưa được xử dụng. Viết bao nhiêu tờ tự khai tôi cũng không nói gì thêm, cho đến khi người ta đưa Dũng ra để đối chất. Tôi còn nhớ hình ảnh Dũng xuất hiện với hai tay bị còng ra phía sau, hai ngưòi công an kẹp hai bên nách lôi Dũng đến trước mặt tôi. Dũng ốm và tiều tụy, ánh đèn vàng yếu ớt của phòng Công An thành phố Đà Nẵng không đủ soi sáng khuôn mặt Dũng, nhưng tôi vẫn nhận ra ánh mắt Dũng nhìn tôi, trong một khoảnh khắc tôi thấy nao lòng, đó là ánh mắt của một con thú bị thương.

Một nhân viên điều tra hỏi Dũng:

- Phải người này không?

Dũng gật đầu.

Người nhân viên hỏi tiếp:

- Anh cung cấp loại giấy đó cho cô ta bao nhiêu lần?

Tôi nín thở chờ câu trả lời. May quá, Dũng nói y như những gì tôi đã khai:

- Tôi cho cô này chỉ 1 tờ thôi.

- Quan hệ giữa anh và cô ta thế nào?

Dũng trả lời rất nhỏ:

- Cô ấy là… người yêu của tôi.

Tôi sửng sốt trong một giây. Cuộc hỏi cung vẫn tiếp tục:

- Anh khai ra, bây giờ con dấu đó ở đâu?

Dũng:

- Tôi không biết.

 

Một cú đấm thẳng vào ngực Dũng, trong chớp nhoáng, tôi nghe một tiếng... hự! Dũng cuối gập người xuống rồi lại thẳng lên nhìn tôi. Trái tim tôi như có một bàn tay nào bóp nghiến, đau thắt, tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra ràn rụa. Dũng lại nhìn tôi. Cái nhìn rất hiền, như muốn nói với tôi là: Dũng không có sao đâu, cứ yên tâm đi cô bé! Tôi vẫn ngồi yên bất lực trước nỗi đớn đau mà Dũng đang gánh lấy một mình. Người ta đưa Dũng vào tạm giam để tiếp tục điều tra, trước khi cái dáng xiêu vẹo của Dũng với hai cánh tay bị trói ra phía sau mất hút sau cánh cửa của Phòng Công an thành phố; Dũng đã quay lại nhìn tôi một lần. Có lẽ suốt đời, tôi không bao giờ quên tia mắt Dũng đã nhìn tôi một đêm mùa hè năm đó.

 

Sau đó tôi tiếp tục nhận giấy trình diện của công an Thành phố, phải lui tới trại giam Kho Đạn Đà Nẵng nhiều lần để các nhân viên điều tra tiếp tục khai thác hầu có đủ bằng cớ buộc tội Dũng. Tôi thông minh dựa theo lời khai của Dũng để nhẹ tội cho mình và không có hại cho Dũng. Tôi thoát, không bị ngồi đếm lịch ngày nào khi đã nhận là người yêu của Dũng. Sau đó, nghe đâu Dũng khôn khéo đổ tội cho một người bạn tên Hùng, tên này đã vượt biên cách ngày mọi chuyện đổ bể chừng 1 tuần. Thế là mất hết bao đầu mối, Dũng chỉ bị kết tôi xử dụng giấy tờ giả mạo, đương nhiên là là bị giam, hình như chừng 6 tháng. Mẹ Dũng từ trong quê ra đi thăm nuôi ông con, nghe nói có dính dáng đến tôi, bà có vẻ không vui. Tôi viết thư kể cho Thái Hòa và Nguyễn biết mọi việc, Nguyễn lúc nào cũng khẳng định Dũng là người bạn tốt; Hòa thì hết hồn khi nghe tin tôi bị rắc rối với công an qua những dòng thư chia sẻ, nó thương tôi và trách Dũng đã đem đến cho tôi quá nhiều phiền phức. Tháng sau, Thái Hòa phải đi lao động với trường tận Quảng Bình; Nguyễn nghe tin ông bạn đã nằm khám nên cũng buồn, không về Đà Nẵng. Mùa hè năm đó tôi thật cô đơn.

 

Một buổi trưa, có tiếng nhỏ em gái:

- Chị ơi, anh Dũng kiếm.

Dũng xuất hiện trước nhà tôi, lạ lẫm với mái tóc cắt cụt ngủn, trông rất quái, đúng là hình ảnh của một người vừa mới ra tù, tôi tròn mắt:

- Ra bao giờ vậy?

- Ra năm bính thân, hai mươi hai năm rồi.

Trời ạ, hắn vẫn còn cà rởn được, tôi nghĩ thầm.

Dũng tiếp:

- Giỡn cho vui thôi, Dũng gỡ chưa xong nửa cuốn lịch thì ra, việc đầu tiên là đạp xe đến nhà Trang, xem cô bé có sao không nè.

Tôi hơi ngạc nhiên trước sự bình thản của Dũng:

- Bây giờ… tính làm ăn gì không?

Hắn cười cười, vẻ tinh nghịch lấp lánh trong mắt:

- Thì… Trang lo mà nuôi Dũng đi chớ!

Tôi hết nhịn nổi:

- Ê, không dỡn nghe!

- Nói thiệt mà, trước công an Dũng đã nhận Trang là người yêu rồi nên cô bé mới được yên, bây giờ cô phải trả công chứ.

Tôi im lặng. Dũng gạ:

- Chúc mừng Dũng tự do, đi ăn chè không?

Đang ở thế bí, tôi ừ đại.

Dũng chở tôi xuống một quán chè, ăn chè xong hắn nhường cho tôi trả tiền bằng cách rất khôn khéo:

- Trang bao Dũng chứ, chẳng lẽ để tên bạn thất nghiệp này trả tiền thì… kỳ quá!

Chở tôi đi vòng vòng Dũng chẳng hé môi về những ngày trong trại giam, tôi thắc mắc, Dũng chỉ cười:

- Trang muốn biết để làm gì, cô bé chỉ cần biết bây giờ Dũng đèo Trang đi dạo bờ sông Hàn mát mẻ, đếm thử bao nhiêu cặp tình nhân đang hò hẹn tâm tình ở ghế đá. Ờ… mà… mình cũng là một cặp, phải không Trang?

Tôi im lặng cho sự quỷ quái của Dũng, hắn tiếp:

- Im lặng là đồng ý nghe cô bé, không cần trả công Dũng bằng 2 ly chè đâu, Dũng sẵn sàng chở Trang đi hết cuộc đời này luôn.

 

Dũng là vậy đó, lúc nào cũng nửa đùa nửa thật. Mặc dù vứa mới dính dáng đến luật pháp, Dũng vẫn rất bình thản, lạc quan. Tình cảm của Dũng dành cho tôi có phần đặc biệt hơn tình bạn một chút, khi gần khi xa Dũng đã biểu lộ điều đó, trong khi tôi luôn trong trạng thái e dè, cố tình không hiểu. Hay nói đúng ra là tôi mơ hồ cảm thấy không yên lòng trong mối quan hệ này dù tôi biết Dũng đã dành cho tôi nhiều ưu ái.

 

Mấy tháng sau, Thái Hòa từ Huế về báo cho tôi biết tin Dũng đã vào Quy Nhơn nhập học trường Đại học Sư Phạm. Hai đứa ngạc nhiên vô cùng, cứ xì xào bàn tán; vừa mừng cho cơ hội may mắn đến với Dũng, khâm phục cho sự lanh lẹ biết chớp lấy thời cơ của hắn. Rồi cũng không yên thân được bao lâu, tôi lại gặp Dũng, chưa kịp hỏi còn bao lâu Dũng sẽ trở thành thầy giáo, đã nghe hắn hí hửng “Dũng xin được việc làm ở Công ty Cung Ứng Tàu Biển, “nghề ráo” ngó bộ không hợp, Dũng đi kiếm nghề ướt át một chút”. Tôi và Thái Hòa mơ hồ cảm thấy bất an cho người bạn này. Hai đứa không biết được Dũng bằng cách nào mà có thể từ trại giam ra có mấy tháng đã vào Đại Học, rồi lại rời đại học một lần nữa lại có ngay một việc làm ngon lành khác. Ai cũng công nhận Dũng lanh và đầy mưu trí, một cái vốn hiếm có để người ta có thể đứng vững trong xã hội, bất cứ giai đoạn nào.

 

Tôi ít liên lạc được với Dũng từ dạo đó, những gì Dũng nói cũng không nằm lại trong tâm tư tôi. Quả thật, tôi sợ cho sự lanh lẹ đầy tính toán của Dũng. Có thể chính điều đó đã đẩy tôi và Dũng ra hai phía của cuộc sống. Tôi mơ hồ cảm nhận Dũng đã lao vào cuộc đời bằng chính đôi tay tự tin của Dũng, chẳng phải bằng những kiến thức ở học đường, với cái mác của lý lịch có một ông bố chết trận trong bộ quân phục phía bên kia. Trang vở đời Dũng đã không có tôi cùng góp mặt. Tôi thờ ơ với những tình cảm của Dũng dành cho mình, có lần thư cho tôi, Nguyễn cũng trách nhẹ “Cô bé vô tình quá, đã làm cho ông bạn của Nguyễn buồn tình đời, muốn xuống tóc đi tu đó!”

 

Tôi tiếp tục cuộc sống đơn điệu của mình với một gian hàng nhỏ trong khu chợ Tam Giác Đà Nẵng, một người bạn trai thuở sinh hoạt trong đoàn thể Thanh niên địa phương và một vài ước mơ chưa kịp hình thành. Nguyễn vẫn tiếp tục năm cuối Đại học. Mùa xuân năm đó, ở Sài Gòn, Nguyễn thành hôn, cô dâu không phải là Thái Hòa. Chấm dứt một chuyện tình, nhẹ nhàng và đơn giản như những dấu chấm lửng trong một bài hát tình buồn.

 

Nguyễn đã xem “… lời hẹn thề… là những cơn mưa…” khiến nhỏ bạn tôi đảo điên một thời. Dòng nước mắt tức tưởi không vơi được nỗi đau bất ngờ trong những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp. Vậy mà Hòa cũng cam đảm vượt qua mọi khổ đau để tốt nghiệp đại học với số điểm khá cao. Thái Hòa ra trường, được nhận nhiệm sở ở một vùng ngoại ô Đà Nẵng. Tình thân giữa tôi và nhỏ vẫn cứ tăng dần theo thời gian, với những khó khăn của thời thế kéo theo những khốn đốn của đời tôi.

 

Mùa hè trôi qua, mùa đông lại đến. Đã mười mấy năm đất nước ngưng chiến tranh. Dòng sông Bến Hải không còn chia cách hai miền đất nước nhưng đó không phải là sự hàn gắn cho những mộng mơ, nó đã lặng lẽ chứng kiến bao nhiêu sự cắt chia trong ý thức hệ, trong quan điểm chính trị và trong cả tình cảm con người. Phải, cuộc đời như một giấc chiêm bao, với tôi thì mười mấy năm sau đó như một cơn ác mộng. Trôi nổi qua nhiều éo le nghiệt ngã, tôi phải bôn ba nhiều nghề để kiếm sống. Thành phố Đà Nẵng nhỏ xíu vậy mà tôi không có dịp để gặp Dũng, ngoại trừ một lần, khi Dũng vào Bệnh Viện thăm người quen bị ốm, và tôi đang buôn bán ở Căng Tin Bệnh Viện. Dũng mập mạp hơn, ra vẻ là một người đàn ông thành đạt. Tôi ngại ngùng không dám hỏi thăm. Suốt ngày hôm đó tôi cứ tự hỏi, không biết Dũng có còn nhớ người bạn đã từng khốn khổ thuở… vào tù ra khám với Dũng hay chăng?

 

Hết giờ làm việc, trời xui đất khiến, tôi gặp Dũng cũng đang lấy xe phía sau nhà xe, dù tôi đã cố tình ngó lơ, Dũng cũng nhìn ra tôi sau một giây sửng sốt:

- Trang… làm ở đây hả?

Tôi bối rối, mặc cảm cho hoàn cảnh hiện tại của mình, nhớ lại chuyện xưa, tôi mất bình tỉnh như một cô bé mười mấy tuổi, ấm ứ không lên tiếng được, mãi cho đến khi tôi nhận ra đôi bàn tay mình đã nằm gọn trong tay Dũng ấm áp. Trời mùa hè mà sao tôi lại run lẩy bẩy. Dũng lại lên tiếng:

- Trang sao vậy?

Tôi vẫn không thể nào ngước mắt lên nhìn Dũng, hai dòng nước mắt cứ thi nhau rơi xuống đôi bàn tay vẫn đang bị Dũng nắm chặt.

Tôi cố gắng gỡ tay mình ra khỏi tay Dũng ra trong im lặng. Hình như hiểu được những suy nghĩ của tôi, Dũng nhẹ nhàng:

- Không có ai dám nói mình đúng hay sai trước những biến cố của cuộc đời, Dũng… nghe Hòa và Nguyễn kể về hoàn cảnh của Trang rồi… Ngày đó, Dũng… cứ cầu mong cho mình kiếm được chút vững vàng trong cuộc sống thì sẽ nói với Trang là…

Hắn ngần ngừ rồi tiếp:

… Vậy mà sau nghe Hòa nói Trang đã…

Tôi lắc đầu cố cười trong nước mắt:

- Đâu có sao, Trang bằng lòng với những chọn lựa của mình mà.

Dũng vẫn nhẹ nhàng:

- Trang làm ở đây bao lâu rồi, Dũng quen biết nhiều, có thể giúp gì cho Trang được không?

Tôi ngại ngùng từ chối. Với nước mắt còn đọng trên bờ mi, tôi chia tay Dũng:

- Thôi, Trang về lo cho con bé ở nhà nghe.

Dũng cố níu:

- Trang đừng ngại, Dũng biết… Trang bây giờ nuôi con không phải bằng sữa mà… bằng cả nước mắt...

Dũng nói chưa hết câu tôi đã thấy đau lòng, không biết vì tủi thân hay vì bất ngờ trước sự bao dung của Dũng. Cảm giác có lỗi trước tình cảm của Dũng dành cho mình ngày xưa, tôi vội vàng đạp xe đi như chạy trốn.

 

Mấy năm sau, trong khi tôi chạy đôn chạy đáo để làm hồ sơ xuất cảnh, buộc lòng phải gặp mặt những vị quan chức của Nhà Đất, của sở Tài Chính để ký giấy tờ, tôi được biết Dũng đã có được một địa vị và uy tín vững vàng trong giới làm ăn. Những người có thẩm quyền hoàn tất giấy tờ cho tôi cũng có phần nể mặt khi biết tôi là bạn Dũng. Nghe đâu anh chàng đã lập gia đình với con gái một ông quan to. Con đường hoạn lộ của Dũng rất thênh thang, đúng như những gì tôi đã suy nghĩ về Dũng.

 

Tôi rời Việt Nam, gởi những yêu thương một thời lại Đà Nẵng, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm trong đời. Những ước mơ thời mới lớn đã chết dần theo năm tháng, theo sự nghiệt ngã của số phận đời tôi. Thái Hòa sau đó đã lập gia đình với một anh, là bạn của ông anh tôi. Mối tơ duyên này đã đem lại cho nhỏ bạn tôi một cuộc sống ổn định về nhiều mặt mà tôi vẫn cho rằng nó xứng đáng được thừa hưởng. Một mái nhà êm ấm, một người chồng có kiến thức, biết tính toán làm ăn, yêu vợ thương con, biết cư xử làm đẹp lòng mọi người. Đó là một cuộc sống mà bao người phụ nữ mơ ước. Tôi về Việt Nam thăm Thái Hòa và lần nào cũng vui vẻ ăn cơm chung với gia đình nó. Trong thế giới nhỏ êm đềm này của Hòa, tôi biết chắc không có chỗ cho sự hiện diện một mối tình tan vỡ ngày trước, nếu có… thì đó chỉ là sự tiếc nuối cho khoảng thời gian dài vô lý có sự xuất hiện của một người mang tên Nguyễn. Thái Hòa đã khẳng định với tôi như thế.

 

Còn tôi thì sao, cảm tình dành cho Dũng một sớm một chiều tôi ngỡ như chỉ là một cơn gió rất nhẹ, thoáng qua cuộc đời. Một tình cảm không chấp nhận, cũng chẳng chối từ. Chưa bắt đầu nên làm sao có kết thúc. Đôi lần tôi cùng Thái Hòa nhắc đến Dũng với những mẫu chuyện vớ vẩn ngày xưa. Hòa cho tôi biết một vài chuyện không vui trong đời sống hôn nhân của Dũng. Là người biết nắm bắt lấy cơ hội, Dũng thành công trên thương trường bao nhiêu thì lận đận trong hôn nhân bấy nhiêu. Tuy vậy, Dũng không phải là người dễ dàng đầu hàng nghịch cảnh. Mái ấm của Dũng đôi lần tưởng như gãy đổ nhưng Dũng cũng cố níu kéo lại bằng đủ cách, từ tình cảm cho đến khi phải xài đến thủ đoạn. Đôi lần Thái Hòa gật gù bảo tôi:

- Cũng may, hai đứa mình chưa cưới ông Dũng. Làm dâu bà già Dũng cũng tiêu mà làm vợ ổng cũng khổ.

 

Tự nhiên tôi lại nghĩ đến cái nốt ruồi lệ dưới mí mắt của Dũng, rồi lại nghĩ đến đoạn đường đời quanh co nhiều ngã rẽ Dũng đã đi qua sau ngày rời mái trường, đường đó không có tôi. Nhớ đến cuộc tao ngộ đẩm nước mắt hôm gặp Dũng ở nhà xe bệnh viện năm nào. Có một thi sĩ đã nói hộ tôi:

 

Khi người không yêu ta

Buồn đã đành một nhẻ

Khi ta không yêu người

Sao cũng buồn đến thế

Như đánh mất điều gì

Lòng bâng khuâng khó tả

Như thể mắc nợ ai

Món nợ không thể trả

Ngỡ chẳng có gì đâu

Mà sao thành bối rối

Tất cả chỉ một lời

Nói hay là không nói…

 

(Thơ Anh Ngọc)

 

Quả thật, Dũng chẳng nói ra mãi cho đến ngày nhắm mắt lìa trần. Giờ đây Dũng một mình nằm lại nơi nghĩa trang vùng núi đồi xứ lạnh, lắng nghe tiếng thông reo rì rào mỗi buổi sáng, bỏ lại những muộn phiền của một thời bôn ba, những mánh khoé lọc lừa của đời sống để vươn đến thành công từ hai bàn tay trắng. Gia tài của Dũng nghe đâu lên đến hơn mười tỷ bạc, hai đứa con đã đi du học ở nước ngoài nhưng… Dũng đã buông tay, về với hư không. Bỏ lại bao nhiêu tranh chấp ồn ào, phiền toái mà chắc ở một cõi xa xăm kia tôi cầu mong cho Dũng không hề biết, mong cho Dũng sớm siêu thoát. Chuyện ngày xưa, tôi cứ tưởng rằng mình đã quên, vậy mà đêm nay và nhiều đêm khác, mỗi khi nghĩ về những cảm tình đã đến và ra đi trong đời mình, nghĩ đến Dũng là tôi cứ trăn trở. Khó ngủ. Phải chi tôi quên được, phải chi tôi ứa ra được những giọt nước mắt muộn phiền…

 

Thì ra, có những khi người ta buồn, mà không thể khóc được.

  Nguyễn Diệu Anh Trinh

Viết tặng TH, Nguyễn và… cho linh hồn Dũng