Môn học Sử Địa

Anh Trinh

Anh Trinh - Kim Liên và Thầy Sử Địa Tống Văn Thụy
 

 

Tôi là một con bé yêu thích những môn học xã hội: Văn chương, Sử ký và Địa lý.

Thuở còn là cô học trò trường Tiểu học Đào Duy Từ - nay là trường trung học Hoàng Diệu ở đường Trần Cao Vân ĐN - năm học lớp năm tôi nhận phần thưởng ưu hạng, đứng nhì trong lớp với lời khen ghi trong bảng Danh Dự: Học lực Ưu tú, Hạnh kiểm Tốt và Vẽ đẹp.

 

Thật ra không phải tôi vẽ đẹp mà là bác Hai tôi. Năm học đó, trong chương trình học lịch sử Việt Nam có học về Vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh nhằm ngày mồng năm Tết. Trong trí óc non nớt của tôi thuở đó, Vua Quang Trung thật là một hình ảnh rất oai phong, tài ba. Sách Sử ký có hình của Vua cởi ngựa, tay vung gươm, đất đỏ mù mịt hai bên vệ đường.

Cô giáo năm học đó là cô Hỹ, một cô giáo trẻ có đôi mắt rất buồn. Một ngày nọ lớp tôi có một buổi dạy "kiểu mẫu" có nhiều Thầy Cô từ Phòng Giáo Dục về tham dự. Cô giáo trước đó đã ra đề bài cho các em học sinh vẽ hình Vua Quang Trung phi ngựa để minh họa cho bài học. Tôi về nhà nhờ bác Hai vẽ giùm. Chỉ bằng cây bút chì đen và tấm giấy croky lớn, Bác Hai đã phóng tay bút tài hoa ra hình ảnh Vua Quang Trung ...có thể nói đẹp hơn trong trang sách giáo khoa. Tôi lãnh được điểm 10 môn Sử ký nhờ tài vẽ đẹp của bác Hai.

 

Những bài học về lịch sử nói chung hay quốc sử dùng riêng cho lịch sử nước Việt còn được diễn tả rất hay qua các bài thơ, chẳng hạn như bài “Giờ Quốc Sử” của thi sĩ Đoàn Văn Cừ. Không những chỉ là những vần thơ thật dễ hiểu mà nội dung ngoài bài học sơ đẳng về sử, địa lý và có cả bài học dạy chúng ta trở thành một học sinh, một công dân biết yêu quê hương đất nước. Bài thơ tôi thuộc nằm lòng như sau:

 

 
Thầy Thụy nhân dịp ghé thăm Atlanta 2016 - Stone Moutain cùng Anh Trinh và Loan Anh!

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu

Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,

Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe

Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử.

Thầy tôi bảo: "Các em nên nhớ rõ,

Nước chúng ta là một nước vinh quang.

Bao anh hùng thuở trước của giang san,

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.

Các em phải đêm ngày chăm chỉ học,

Để sau này nối được chí tiền nhân.

Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,

Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt.

Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,

Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam

Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm

Đầy chiến thắng, đầy vinh quang máu thắm

 
 

Khi tôi lên bậc trung học, thì hai môn Sử Ký và Địa Lý chung một Thầy Cô giáo, thời khóa biểu mỗi tuần có hai giờ Sử và hai giờ Địa. Cả hai môn tôi đều thích học; dù với bất cứ Thầy Cô nào. Cô Ngọc Khuê nhỏ nhắn dịu dàng, Thầy Hiếu trẻ trung oai vệ nhưng rất hiền, Thầy Thụy với phong cách dạy mới lạ, đầy đam mê, hay cô Phan thị Huệ nghiêm khắc...

Rất tiếc là tôi chỉ học với các Thầy Cô ấy chưa tròn năm niên khóa. Sau biến cố tháng ba năm 1975 tôi chuyển qua học ở trường trung học Phan Châu Trinh, trường nằm xéo góc bên kia của ngôi trường Nữ.

Thầy Cô giáo dạy các môn học xã hội như Văn, Sử Địa, Công Dân hình như bị sàn lọc vì chương trình học của chế độ mới đã hoàn toàn thay đổi như thể chế chính trị của đất nước thời đó. Đa số các Thầy Cô dạy Văn, Sử Địa của tôi trong hai năm lớp 11 và 12 là từ "phe thắng cuộc" miền bắc vào. Cũng nay mắn năm lớp 11 tôi học môn địa lý với cô Ngọc Thanh, một thần tượng của chúng tôi thời NTH Hồng Đức, cô dạy môn Triết cho các chị lớp lớn, sau 1975 thì cô chuyển qua dạy Địa lý. Môn lịch sử thì do một cô giáo miền bắc dạy. Cô tên gì tôi không nhớ, chỉ ấn tượng mãi là hình ảnh cô mặc chiếc áo sơ mi cổ bẻ, có chít eo, quần đen ngắn củn, đi đôi dép nhựa cao gót, tóc cô uốn quắn riết.

Năm lớp 12 tôi học Địa Lý với cô Trần Bích Hà một cựu nữ sinh Đồng Khánh, cùng thời với cô Ngọc Thanh. Hai cô giáo của chế độ trước được lưu dung này là hai bông hoa trang điểm cho sân trường Phan Châu Trinh ĐN thời đó, vì cả hai cô đi dạy luôn mặc áo dài, cô nào dáng dấp cũng đẹp quí phái. Tôi không bao giờ quên những giờ học Địa Lý với cô Bích Hà. Chương trình học là đất nước Việt Nam giàu và đẹp. Mỗi bài học đều có kèm phần tư tưởng chính trị trong đó, cũng là một cách nhồi sọ và tuyên truyền mà thuở đó trí óc non nớt của tôi nào hiểu được.

Có một lần cô Hà ra đề bài kiểm tra chỉ vẻn vẹn mấy chữ: ”Các em hãy nói về miền trung Việt Nam”. Tôi hiểu được là tất cả nhưng gì từ địa hình, địa thế, khí hậu, đất đai, dân cư, tiềm năng... của miền trung.

Đề bài thì gọn nhưng bài giải đáp phải đầy đủ. Không biết lúc làm bài có ai đi ngang qua nhập vai mà tôi viết một hơi mấy trang giấy như một bài luận văn, mở đầu bằng những câu thơ... Bà Huyện Thanh Quan: Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, cỏ cây chen đá lá chen hoa... đó là phần mở đầu cho bài Địa lý viết về miền trung. Và suốt một bài viết tôi cứ chen lẫn những câu thơ đã học tùy theo từng vùng miền nhắc đến đặc sản, khí hậu, địa thế... tất cả đều có ca dao, tục ngữ minh họa. Đó là những kiến thức gom lại sau nhiều năm được dạy dổ, rèn luyện dưới chế độ Cọng Hòa đầy nhân bản. Đoạn kết luận lúc nào bắt buộc phải bày tỏ tư tưởng chính trị tôi cho vào mấy câu: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai... (thơ Tố Hữu)..

.

Bài làm của tôi khá dài, nói chung các số liệu về địa lý thì căn cứ vào sách giáo khoa còn trình bày tôi hoa lá cành theo sở thích văn chương của mình. Hai tuần trôi qua, ngày cô giáo trả bài đã đến. Cả lớp hồi hộp đoán non đoán già số điểm. Sau khi cô nhận xét trình độ kết quả chung của cả lớp, cô Hà bắt đầu trả bài cho từng học sinh với lời góp ý của cô rồi gọi tên từng bạn lên nhận bài. Tôi nóng ruột chờ hoài chưa thấy bài của mình đuọc trả lại. Sau cùng Cô Hà gỏ tay xuống mặt bàn rồi nói:

- Còn lại đây là bài làm của một học sinh ... có thể nói qua nhiều năm đi dạy, cô chưa bao giờ nhận một bài làm về Địa Lý như thế này, bài của NDAT ...

Úi trời ơi, tôi muốn đứng tim, tất các những đôi mắt trong lớp nhìn về tôi. Mặt tôi đỏ lên không biết trốn đi đâu. Im lặng, rồi lao xao bàn tán ...

Tôi thì sượng người ra, không biết cảm giác của một người phạm tội trước pháp trường ra sao chứ tôi lúc đó chỉ muốn úm ba la... biến khỏi thế gian cho rồi, hay ước gì đất dưới chân sụt xuống, bối rối vô cùng.

Một vài phút dài như thăm thẳm rồi cũng qua đi. Cô Hà tiếp giọng:

- Có thể nói đây là một bài làm về Địa Lý mà tất cả các em nên học hỏi! Bạn các em đã khiến môn học Địa Lý khô khan trở nên uyển chuyển, hay ho bằng cách mở bài bằng những dòng thơ, khi giới thiệu địa hình của miền trung bắt đầu bằng đèo Ngang...Không những thế, khi chuyển từ phần nọ sang phần kia, em đã khéo léo xen những câu thơ rất thích hợp, chính xác...Tôi nghĩ đây gần như là một bài luận văn tốt nghiệp... Rồi Cô hắng giọng đọc bài của tôi cho cả lớp nghe. Tôi thì hồn đã lìa khỏi xác nay lại nhập về. Sướng rên!

Năm học cuối này, tôi yêu môn Địa Lý nhiều hơn môn lịch sử. Yêu mến cô giáo dạy Địa lý tôi đâm ra không ưa cô giáo miền bắc dạy sử. Còn nhớ có một lần giờ sử tôi bị bắt chép phạt khi dám để cuốn sách sử ký có in hình "lãnh tụ" đọc tuyên ngôn độc lập xuống lót dưới ghế ngồi. Một tội có thể ví như "tội khi quân" ngày xưa triều đại vua chúa. Buồn cười nhất là sau những buổi học sử có mục đi xem phim tập thể. Cả lớp phải xếp hàng đi bộ xuống rạp xi nê Kim Châu hình như sau đổi tên là rạp Công Nhân. Hôm đó đang chiếu bộ phim về đấu tranh giai cấp rất khô khan khó hiểu. Xem xong cô giáo bắt mỗi học sinh về nhà phải viết một "bản thu hoạch". Tôi cười nghiêng ngả, thiệt đau đầu vì cứ tưởng như mới được đi gặt lúa về.

...

Kỷ niệm về trường lớp thì mênh mang, dù tôi thật sự chỉ có 12 năm học...

Sau 1975 cùng với vận mệnh đất nước, cánh cửa học đừờng của tôi cũng khép lại đớn đau. Tuy nhiên 10 năm đầu đời từ tiểu học đến năm lớp mười tôi thật sự thu thập được khá nhiều kiến thức từ các Thầy Cô. Tôi không biết nếu không có biến cố ngày 29 tháng ba năm 1975 thì tương lai của tôi sẽ ra sao, con đường mà tôi chọn có dính dáng gì đến những môn học mà mình đặc biệt yêu thích?

Xin cám ơn tất cả các Thầy Cô đã truyền đạt bao nhiêu kiến thức để tôi có chút hành trang tuy ít ỏi nhưng rất căn bản khi bước vào đời.

 

Nhớ làm sao trường xưa, bảng đen phấn trắng và những giờ học Sử Địa.

  Anh Trinh  
 
  về lại:
Trang Nhà
 

Trang Tho Truyện

  Liên lạc:
nutrunghocdanang@yahoo.com