Mặt chữ điền

Anh Trinh
 
 

Mặt chữ điền, tiền rưỡi cũng mua!


Bạn tôi nhìn chị rồi nói nhỏ vào tai tôi, chị có khuôn mặt chữ điền. Tôi ậm ừ, hai đứa hỏi nhau chữ điền ra sao. Không biết. Tôi làm khôn với bạn, điền có nghĩa là vườn là ruộng, chắc  mặt chữ điền là mặt vuông, không phải tròn hay méo. Người ta thường ví khuôn mặt đẹp với hình trái soan. Vậy thì ... mặt chữ điền chắc cũng phải ... hơi đẹp, tốt về tướng số, hay sang trọng, quyến rũ như người đẹp thôn Vĩ của thi sĩ Hàn mạc Tử "Lá trúc che ngang mặt chữ điền” thì mới đáng giá một đồng tiền vàng trong ví von của câu ca dao.

Chị hơn chúng tôi vài tuổi, là lớp đàn chị chung trường ngày xưa, ngôi trường yểu mệnh, chỉ tám năm tồn tại nhưng ghi lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi quen và thân với chị qua trang web của trường xưa. Chị là người đầu tiên khuyến khích tôi viết, dạy tôi cách gởi bài. Thuở đó tôi chưa biết cách đánh máy tiếng Việt trên internet. Bài tôi viết thường không có dấu, chị chịu khó đánh máy lại và gởi lên trang web trường. Chị kêu réo ông anh giúp thành lập trang web trường - gởi cho tôi phương pháp download kiểu chữ tiếng Việt, sửa những chính tả trong bài viết của tôi trong những gày tôi mới làm quen với cách viết lách qua internet. Chị dắt tôi qua khu vườn nhỏ của anh NNA và bằng hữu để dạo chơi, phá phách.

Chị nấu nướng rất khéo, tôi và nhỏ bạn đã thưởng thức và thực hành khá nhiều món ăn qua trang web trường xưa do chị phụ trách. Vài lần gặp chị ở những dịp họp mặt liên trường tôi thấy được hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Anh chị lúc nào cũng có mặt trong những buổi dạ vũ, vui vẻ suốt đêm. Tôi nghĩ đời chị gần như hoàn hảo. Hình ảnh đó man mác qua những bài chị viết, lúc nào cũng vui, tràn đầy tình cảm. Chị thường kể về những dịp họp mặt gia đình, những kỷ niệm nho nhỏ thời thơ ấu, thuở còn cắp sách đến trường. Các bài viết của chị đều có thơ, có hình ảnh và có cả mùi bánh trái thơm ngào ngạt. Qua đó, tôi có thể mường tượng  được cuộc sống phong phú tình cảm của chị với người thân và bạn bè.

Năm ngoái, tôi có mặt trong dịp họp mặt Hồng Đức lần đầu tiên tổ chức tại Houston. Gặp chị đang đạo diễn cho màn trình diễn áo dài. Nhìn chị cười đùa với các bạn, không thấy anh đâu. Nghe phong phanh anh chị đang ... "không vui". Tôi nghĩ chuyện cơm không lành canh không ngọt ... bình thường thôi. Gia đình nào mà chẳng vậy.

Lần này, chị đến Atlanta chơi cả tuần lể để bàn thảo về việc tổ chức họp mặt Hồng Đức lần thứ hai tại đây và cũng để dự đám cưới con gái một người bạn cùng khóa với chị. Nhân đây, tôi mới có dịp gần gũi, thăm hỏi chị nhiều hơn. Chị là người rất có lòng với công việc của trường xưa. Bên cạnh sự khéo léo về gia chánh chị còn là một phụ nữ có cách nói chuyện rất thu hút, duyên dáng. Cách sắp xếp công việc của chị cũng thật ngăn nắp, đâu ra đó. Trong một lần cùng dùng cơm trưa với nhau, chị kể cho mọi người nghe về nỗi đau của "người ở lại" là chị, khi anh ấy dọn ra ngoài sống.

  Môi cười, giọng ngọt ngào, chị nói rất từ tốn như đang kể chuyện của người khác. Tôi không biết chị phải mất bao lâu mới có được sự bình tỉnh ấy, khi đem "chuyện lòng" ra tỉ tê. Cả tôi và những người bạn của chị đều ngạc nhiên, cách nhắc về "người xưa" của chị khi nào cũng khiến tôi có suy nghĩ anh ấy chỉ mới đi xa, rồi sẽ trở về ngay. Chị không hề tránh né hay trả lời quanh co. Chị làm như mọi thứ đã trở nên bình thường. Thái độ bình thản, kiểu nuốt nước mắt vào lòng của chị khiến tôi xót xa.

Buổi tối, trong dạ tiệc đám cưới, chị diện áo đầm xanh hở vai, để lộ làn da ngăm đen, vóc dáng mạnh khỏe. Với một cánh hoa tươi màu trắng cài hờ hửng trên tóc, trông chị duyên dáng và đầy nữ tính. Trên sân khấu, giọng hát của một nam ca sĩ thu hút ánh mắt buồn hiu của chị "... Cho dù biết, anh rồi đi, cho dù biết không chờ chi, nhưng lòng vẫn, yêu cuồng si ... Ta yêu em bằng mây ngàn biển rộng, ta yêu em qua đông tàn ngày tận ...". Con bạn lại nói nhỏ vào tai tôi, chị buồn như một cành lan héo. Phải rồi, trong héo ngoài tươi.

 

Sau này, tôi nhận thấy chị như  an lòng hơn, chấp nhận và tìm vui với những gì chị đang có. Vẫn cười, vẫn nghịch ngợm, vẫn chăm chút dung nhan, tập thể dục, chơi tennis ... nói như kiểu của chị " còn nước còn tát"! Và … vẫn nhắc về "người ấy" một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Không hờn trách, không giận dỗi. Dĩ nhiên, người ấy của chị vẫn thấp thoáng hiện về trong từng câu nói khi chị bắt đầu với câu "...Hồi đó ảnh..." hay khi một mình trong căn bếp nhỏ chuẩn bị cho bữa tối, chị cũng có khi nhắc" ... Giờ này, anh ấy đang xem football...". Tôi hiểu, đã qua rồi những ngọn  sóng nhưng lòng chị chắc còn âm ỉ cơn địa chấn. Tình cảm đó chỉ ẩn sâu đâu đó, như khuôn mặt chữ điền trông có vẻ cương trực, rắn rỏi của chị lại chứa đựng một tâm hồn thật dịu dàng, kín đáo. Và tôi cũng hiểu rằng thật không dễ dàng để quên một người mình đã từng yêu thương. Có khi vui chỉ là "vui gượng kẻo mà!"


Đó có phải là cái nét “đáng giá” của khuôn mặt chữ điền không? Tôi không biết. Tôi chỉ cầu mong cho sự rạn nứt trong chuyện hôn nhân của chị chỉ là hờn giận. Là hờn giận thôi, không phải thất vọng. Giận thì mới nguôi ngoai để rồi lại thương, chứ thất vọng về nhau thì thật khó mà hàn gắn được.

 
Lại một lần nữa, tôi muốn hát cho chị nghe ..."Làm người ở lại, có bao giờ vui. Khi tình nhân không còn đứng chung đôi. Làm người ở lại, bao giờ cũng buồn...". Chị ơi!

                                         
Nguyễn Diệu Anh Trinh

Atlanta 11/2011