Lứa Tuổi Thích...
Ô Mai








Anh Trinh
Thân tặng tất cả các O 50
 
 

 

         Không, đó là món ăn vặt của tuổi mười bốn, mười lăm vào thế kỷ trước. Những năm một ngàn chín trăm… xa lơ… xa lắc! 

Những viên ô mai hay còn gọi là xí muội màu đỏ cam, hơi hồng hồng như màu môi cô gái dậy thì với đầy đủ các vị chua chua, mằn mặn, chan chát, ngòn ngọt… Ui cha, cắn một chút là thấy hơi tê tê ở đầu lưỡi, nhâm nhi một chút nữa sẽ nhận ra vị ngọt dịu dàng như cam thảo, thêm chút mặn mà, thấm thía từ vành môi cho đến tận chân răng. 

Ô mai là vũ khí lợi hại của phe tóc dài khi cần chống lại cơn buồn ngủ trong những ngày ôn thi, ô mai chính là món quà hối lộ, là sứ giả hàn gắn những giận hờn thời “Em tan trường về... anh theo… về”. Ô mai lại còn là đề tài cho bao nhiêu văn thi sĩ thêu dệt nên những mộng mơ rồi sáng tác nên nhiều bài thơ tình trứ danh, nhiều câu chuyện tình tuổi học trò. Chắc các bạn ai cũng đã từng nhâm nhi những viên ô mai bé tí đầy lợi hại và chắc chắn đã từng đọc hay nghe nhắc đến đến tác phẩm: Lứa tuổi thích ô mai của nhà văn lãng mạn Duyên Anh. Cuốn truyện gối đầu giường của những cô bé hay mơ mộng, các nàng nữ sinh Hồng Đức. 

Đó là chuyện của thế kỷ trước nhé! 

Sang thế kỷ 21 này, các nàng thơ thuở đó bây giờ đã là người vợ, người mẹ, có nàng đã là mẹ vợ, mẹ chồng. Nếu theo nhạc sĩ Y Vân chỉ có “sáu mươi năm cuộc đời” thì các nàng đâu còn bao nhiêu ngày nữa. Thế nên, các nàng chẳng còn thích ô mai nữa đâu. Nàng Bạch Tuyết thuở xưa của chúng tôi giờ đây thích những chiếc váy màu xanh da trời trẻ trung tươi mát, thích nghe nhạc hiphop mỗi buổi sáng đi bộ để kéo dài tuổi xuân thì. Nàng Công Chúa đặc biệt quan tâm, chăm sóc và bảo vệ hạnh phúc gia đình một cách tuyệt đối. Cô Bé mắt xếch 9/4 sang thế kỷ này... mắt vẫn còn xếch. Mái tóc đờ mi gạc soon cố hữu không biết từ bao giờ nay đã thay bằng mái tóc dài chấm ngang vai như muốn trở lại thời “Tóc em dài… em cài hoa thiên lý. Mắt em cười hi... hi… anh để ý anh thương”. Mà chắc là đúng thiệt vì nàng nói nhiều hơn, cười nhiều hơn và dễ thương nhất là Mắt xếch quan tâm đến bạn bè nhiều hơn, một cách rất chân tình. Cô Châu Mỹ La Tinh đến tuổi này lại thèm nghe một tiếng ngáy giữa đêm khuya, một cánh tay rắn chắc để gối đầu, Mỹ La Tinh đang chán ngán phải làm bạn với vô số dầu cù là, dầu Nhị Thiên đường, máy đấm bóp… mà lại yêu thích mũ nón màu đỏ, áo sexy hở đôi vai trần, kèm theo đôi kính xã hội đen. Thế nên mười nụ cười được phô diễn của Châu Mỹ đúng là “Made in Bến Tre” chưa nếm, mới nghe danh thôi đã cảm thấy ngọt hơn ô mai, béo hơn kẹo dừa, dịu dàng hơn mùi lá bạc hà quanh sân trường Hồng Đức thuở xưa.

 Điểm sơ qua tình hình chị em, tôi rút ra một điểm chung của các nàng là tất cả đều có tinh thần thể dục thể thao. Ngày xưa, đến giờ thể dục là nhõng nhẽo với Thầy “Thầy ơi, hôm nay con bị…” để trốn giờ tập. Có lẽ vì thuở ấy “vóc hạc mình dây” rất tự nhiên, chẳng cần luyện tập mà nàng nào cũng ít nhất là đề tài cho một chàng thi sĩ, nàng nào cũng có người chép cho bài thơ “Giữa giờ chơi… mang đến lại mang về…”. Bởi vậy, tập thể dục ở tuổi đó trở thành xa xí phẩm, mất thời gian. Còn ngày nay, mình dây đã trở thành mình cổ thụ, vóc hạc thành vóc… đà điểu. Mái tóc mây ngày xưa bây giờ bắt đầu suy dinh dưỡng cần phải có sự hổ trợ của bao nhiêu loai thuốc nhuôm, thuốc xả. Đôi mắt nhung mơ huyền nay cũng cần có đôi kính cận, kính lảo và có khi là đôi kính “bất cần đời” của điệp viên 007. Một vấn đề tế nhị hơn là có khi bị dụ dỗ đến sự viện trợ của dao kéo. Những đôi mắt mí sụp phải thành hai mí, mắt đục mờ phải trở nên long lanh huyền ảo. Còn làn da thì thôi, nghe ai ăn trái cây gì cho trẻ, uống nước gì cho mượt mà thì dù cay đắng cở nào cũng hoan hỉ. Khi xưa mấy nàng ăn uống theo nhu cầu của khẩu vị, ngày nay việc ăn uống của các nàng dường như để phục vụ cho cái sức khoẻ sắp đến ngày tàn và níu kéo chút mùa xuân cho cái nhan sắc đang từ từ bước vào lứa tuổi thích… 

Một điều lạ là các nàng, không nhiều thì ít, đều ước mơ những gì không còn dịp đạt được. Mơ trẻ lại mười tuổi, mơ gặp lại cố nhân, mơ có sức khoẻ, mơ… đủ thứ. Những ước mơ mà trước kia rất đơn giản, tầm thường dễ thực hiên nhưng thời gian đã trôi qua, các nàng đã vô tình lơ là khi đang có, đang đến. Một ngày đẹp trời rảnh rỗi soi gương thì than ôi! Cơ hội qua rồi, mùa thu của cuộc đời đang đến cận kề thì mới ngồi đó mà…mơ! 

Lứa tuổi năm mươi + của tôi đây cũng có những thay đổi không khác chi mấy nàng. Mùa thu của đất trời cây thay màu lá thì mùa thu cuộc đời đến với tôi cũng thay màu tóc. Khi những cơn đau nhức lúc trái gió trở trời thỉnh thoảng xuất hiện là khi làm việc ít, đi chơi nhiều mà còn vẫn uể oải vô cùng. 

Ngẫm nghĩ mới ngày nào nhà cửa chưa ổn định, đi làm miệt mài, sau giờ làm là lái xe vù vù đến trường cho kịp giờ lên lớp trau dồi thêm chút ngôn ngữ xứ người. Lúc nào cũng tâm niệm cái câu “an cư thì mới lạc nghiệp”. Mua nhà xong, là đến sắm sửa gia dụng trong nhà, rồi xe cộ làm phương tiện đi lại nữa… Vậy mà cuối tuần nào cũng dành chút thời gian ”em ca ra, anh ô kê”, nhảy nhót, shopping… đời đẹp như bài thơ, muộn phiền không có chỗ để chen chân vào tâm trí dù chỉ có tí xíu. 

Lúc trước đi làm không dám nghĩ một ngày bịnh, giờ đây đang ngâm nga “sinh, lão, bịnh, tử”. Ui cha, xem TV, đọc những bài viết trên báo, trên internet; nghe ai bàn tán về mấy bịnh của người cao tuổi, tự nhiên mình cũng cảm thấy mình bịnh theo. Đi bác sĩ kiểm tra hai lần một năm. Bác sĩ yêu cầu lần tới phải giảm cân, ai dè đâu lại tăng thêm mấy cân nữa. Giải thích sao đây? Đổ lỗi cho ai đây? Chắc chắn là tại cái cân không chính xác, nó ác ôn! Chỉ biết tăng chứ không hề biết giảm (!) Trước kia, cách đây chỉ một vài năm thôi, tôi đây rất siêng năng luyện tập, ngày nào vắng là uể oải vô cùng. Tôi triệt để phản đối việc chạy bộ trên máy. Tôi hùng hồn tuyên bố: “Đi bộ ngoài trời vừa hít thở không khí trong lành vứa ngắm cây cỏ, hoa lá… tôi không chấp nhận tinh thần thể dục thể thao bằng cách xử dụng các loại máy móc.” vậy mà… trời ơi, 50+ của tôi bây giờ, máy gì cũng có trong nhà. Từ cái máy chạy bộ, máy lắc khí công, dây thắt lưng có mát-xa cho đến ghế lắc làm thon vòng eo máy lớn máy nhỏ, không thiếu thứ gì mà có tinh thần để xử dụng đâu. Làm như mua mấy thứ này về để ngắm thôi là tự nhiên thân hình thon gọn, xinh đẹp ra. Thành ra tôi rút ra một kết luận là: Khi mình không tiếc tiền bỏ ra để khuân về nhà những loại máy tập thể dục đắt tiền mà không hề xử dụng đến là khi mình đến lứa tuổi thích… 

Lại còn cái bệnh quên quên nhớ nhớ nữa. Chìa khóa xe phải copy thành hai ba, bốn cái. Cái kiếng mới để đây bây giờ kiếm không ra. Chuyện đời xưa, xưa như trái đất cũng nhớ từng chi tiết nhỏ; chuyện mới đây, chuẩn bị đi chợ mua món gì cần thiết lắm, trả tiền xong về đến nhà là y như không có món đó. Điện thoại di động là cái hay bị quên nhất, buổi sáng mở tủ lạnh lấy xách cơm mang đi làm, lơ lửng thế nào kiếm hoài cái cell phone không ra. Tìm ngoài xe, không thấy, vào nhà kiếm tới kiếm lui, kiếm trên giường ngủ, kiếm trong phòng tắm không có, thông minh một chút dùng điện thoại nhà bấm gọi cũng im re, không nghe gì hết… bỏ của chạy lấy người, mau mau đi làm kẻo trễ, về nhà rồi tính. Lên đến công ty cả buổi, bà già ở nhà gọi vào: “Má thấy con để quên cái phone ở trong… tủ lạnh đây nè!”. Vậy đó, chuyện đáng quên thì nhớ hoài mà chuyện đáng nhớ thì ông trời lại bắt quên. 

Các bạn tôi bảo tôi đang yêu nên trẻ trung hơn cái số 50+, không phải đâu mấy bồ. Xem đó, tôi có khác gì các bạn đâu. Sở dĩ tôi có chút tươi trẻ nhờ tánh tôi lạc quan, suy nghĩ gì cũng nhẹ nhàng và tập cách hài lòng với những gì mình có trong tầm tay. Người đời thường mơ những gì chưa có nên ít khi hài lòng với hiện tại. Chúng ta thường bỏ thời gian để ước mơ cho những gì chưa đạt được mà ít ai cầu mong cho đừng mất đi những gì đang có. Tại vì cái đang có chẳng bao giờ mình thấy quí cả. Cỏ nhà hàng xóm sao xanh và mướt hơn cỏ nhà mình, ông xã của nhỏ bạn sao cũng lịch sự siêng năng hơn ông xã của mình. 

Bởi vậy tôi đây không dám từ 120 pounds ước mơ lên đến 150 pounds đâu, từ 50+ tôi không dám mong trẻ lại dù chỉ 1 giờ (mà có mong cũng đâu có được!). Tôi chỉ mong đừng tăng lên chút nào, tôi chỉ mong già chậm lại một chút. Tôi không cằn nhằn khi ba má kêu réo chở đi nơi này nơi nọ. Tôi nghĩ: Mình còn cha mẹ là một may mắn rồi. Tôi không so đo người hàng xóm sao chạy chiếc xe tối tân hơn mình. Nhớ thời xưa, một chiếc xe đạp mình còn không sắm nổi, bây giờ làm chủ chiếc xe hơi lái đi vù vù chưa bao giờ bị chết máy ngoài đường; vậy là đủ hài lòng rồi. Tôi không bực bội khi đợt này ông Sếp không tăng lương cho mình; thời buổi này bao nhiêu người kiếm việc làm không ra, mình cón có việc để làm 40 giờ 1 tuần, lương không bị giảm là may mắn rồi. Buổi chiều mùa hè, kẹt xe trên đường đi làm về, căng thẳng. Nhìn ra ngoài, ngay trạm xe buýt có một số người phải đứng đón xe ở trạm, dưới cái nóng 100 độ, cảm thấy mình còn may mắn hơn vì đang ngồi trong xe có máy lạnh, có nhạc du dương. Buồn cười hơn là mổi khi leo lên cái cân, thấy nó chỉ tăng chứ không giảm, tôi tự an ủi: Ui chà, bà Mỹ trắng, con nhỏ Mexican gần nhà, con nhỏ da màu làm việc ở phòng bên cạnh… người nào cũng gần 200 pounds mà! Mình… cũng còn OK… Nghĩ như thế là bậy bạ quá chừng, nhưng biết làm sao. 

Ở tuổi này, cách đây mấy năm là U50 (under 50), bây giở nhỏ Lân thi sĩ đặt tên là O50 (over 50) thay vì dùng đến U60 nghe ghê quá. Lứa tuổi thích… Như các bạn tôi đã thích, một tiếng ngáy, một cái váy xanh, một cái áo hở vai… Về tình cảm ở lứa tuổi này, một cô bạn O50 cũng đang phòng không gối chiếc thì cho rằng “tình cảm dở dang là duyên số, không phải tại mình quá tệ hay người ta có lổi. Cô nàng giải thích rất đơn giản: Chỉ cần có “sức khỏe và việc làm”, thì mới vui chơi, hưởng thụ tiếp khoảng đời còn lại được. Không có đàn ông, không có tiếng ngáy thì ta nghe nhạc đủ âm điệu, không có cánh tay để gối thì mình mua gối ôm đủ loại. Nghĩa là tự mình phải tìm thấy niềm vui cho cuộc sống. Thích áo xanh thì cứ mua, dù mua về để ngắm đở buồn, thích diện áo hở vai, kiếng đen thì cứ làm, miễn sao mình vui là được. Như tôi đây, 50+ rồi nên… gì cũng thích, nếu thời gian có trôi ngược lại thì tôi vẫn không nuối tiếc hay ân hận những gì mình đã chọn lựa trong đời. 

Đừng nhìn lên hay nhìn xiên, nhìn xéo… nhìn lui mà hãy nhìn vào những gì mình đang có trong tầm tay. Hài lòng với những gì mình đang có như câu chuyện: Một đứa trẻ cằn nhằn vì ngày khai trường người mẹ đã không mua cho nó đôi giày như ý. Nó vùng vằng muốn quăng đôi giày cũ. Thằng bé ngồi khóc dai dẳng… cho đến lúc nó thấy một đứa trẻ tật nguyền ngồi trên xe lăn, không có đến một bàn chân để mang giày! 

Khi không còn là lứa tuổi thích ô mai nữa, đang là O 50. Vậy bạn thích gì? Gì cũng được, nhưng đừng nên than thở. Đã sanh ra kiếp làm người, “hữu thân hữu khổ”. Có cái gì thì sẽ khổ vì cái đó; có nhà khổ vì nhà, có xe khổ vì xe; có con khổ vì con, có chồng thì khổ vì chồng; còn cha mẹ già thì khổ vì bổn phận làm con, mà mất hết cha mẹ thì lại khổ cảnh mồ côi, đơn độc… Có cũng khổ, mà không có thì càng khổ vì những cái không có, cái thiếu thốn. Vậy xem thử nổi khổ nào khó chịu hơn. Cho nên mấy O 50 đừng thở than gì cả nhé!

Anh Trinh