còn có bao lâu...
ANH TRINH


 
 

       Cuối tuần rồi nghe tin một anh bạn cùng làm trong sở sẽ nghỉ hưu, thứ hai này là ngày cuối. Mới đó mà lai rai cũng có vài ba đứa bạn báo tin sắp về hưu, rồi …đã về hưu.

     

 

        Có bạn âm thầm rút lui, để lại sau lưng một công việc tuy yêu thích nhưng lại không được vui khi phải hằng ngày đối mặt với những điều...nói thật mất lòng. Bạn tôi có người quyết định về hưu với nổi ngậm ngùi, nhớ nhớ thương thương. Có bạn phải chờ ngày được cấp trên duyệt xét cho về hưu vì công việc đang làm sau một thời gian dài đã ảnh hưởng không tốt đến dung nhan, sức khỏe...Bạn khác về hưu vì mang một căn bệnh nào đó không thể tiếp tục đi làm mỗi ngày...Một bạn khác, vợ chồng cùng rủ nhau về hưu để ngoài số lương hưu ít ỏi, anh chị cùng nhau lảnh thêm hàng hóa, làm thủ công tại gia hầu kiếm thêm thu nhập. Cũng có bạn về hưu rồi lại có mối làm ăn lớn hơn cho riêng mình nên càng bận rộn, tưởng đâu thảnh thơi, ai dè…âm thầm rút lui, mất hút.

Dĩ nhiên, hai chữ “về hưu” thật sự chỉ có ý nghĩa đối với những ai đang làm cho các cơ quan, trường học hay hảng xưởng, hàng tháng lảnh đồng lương cố định. Làm mẹ hay làm vợ thì  …muôn đời, cũng như làm thương gia chừng nào thấy mệt mỏi vì đếm tiền chưa chắc đã được nghỉ hưu. Người làm chăn nuôi trồng trọt cũng vậy, ngày về hưu xa lắc lê thê... Khi mà tuổi đã cao, sức đã yếu, tinh thần mỏi mệt mà vì những nhu cầu thiết thực hàng ngày bạn tôi lại phải vừa lao động vừa làm thơ? Đối với những bạn về hưu non thì đáng vui lắm vì nguyện vọng đã được thỏa mản.  Bởi vậy tôi không biết là "được" hay "bị" về hưu? Dù được hay bị thì về hưu cũng đồng nghĩa là sinh hoạt hàng ngày của bạn chẳng còn bị gò bó trong một khuôn khổ, giờ giấc …Nói chung là bạn có quyền ở nhà ngồi chơi xơi nước, làm những công việc mình thấy thích, đi những nơi mình muốn đi, dĩ nhiên là trước khi đi thì cần phải dòm lại cái túi tiền của mình.  Về hưu, bạn có một đoạn đời còn lại với những sinh hoạt thoải mái hơn, ít ra là về thời gian. Ngoài ra, về hưu còn có nghĩa là bạn có thể lên chức làm bà sui rồi bà nội, bà ngoại…hay tệ lắm cũng được làm bà góa, hoặc thê thảm nhất là cũng được chức làm bà…già!

 

Ôi, nhắc đến chử Già sao mà nghe ngậm ngùi thật, cái chử mà phụ nử ai cũng e ngại khi nhắc đến.  Cái Già chậm rải đến hồi nào không hay, khi mà buổi sáng thức dậy còn nằm yên trên giường đã nghe ê ẩm hai vai, đau ở lưng, mỏi ở cổ; còn cả ngày thì lúc vui lúc buồn. Mọi sinh hoạt hình như vì bị bắt buộc chứ không phải mình làm vì thích làm.

 

 

 Lúc rảnh rổi chỉ thích nằm yên lặng, không làm gì cả, ngay đến việc tập thể dục, lúc còn trẻ thì hăng hái có khi là niềm đam mê. Khi tuổi đã cao, bao nhiêu “cơ quan, đoàn thể” trong người đã dần dần rệu rả, mất đoàn kết… càng phải nên rèn luyên cơ thể nhiều hơn, người ta lại đâm ra lười biếng. Những sở thích cá nhân như viết lách, đọc truyện hình như cũng nguội ngặm dần.

  Lúc trước hăng hái, nhiệt tình bao nhiêu đến một tuổi nào chợt lười đọc, nghĩa là mắt đã có phần kém, hay mỏi mệt; lười viết có nghĩa là tâm hồn có phần khô cạn, đầu óc lười suy nghĩ, mà có suy nghĩ chăng nửa thì những ý tưởng mới cũng không hiện ra trong đầu. Nói theo người xưa là “lực bất tòng tâm”. Bạn ơi, đó là chưa kể nhiều sinh hoạt kín đáo cũng dần dà yếu theo thời gian.
 

 

       Nhạc sĩ Y Vân có bài hát cứ nhắc đi nhắc lại “Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời?” chúng ta sắp về hưu, nghĩa là thời gian còn lại của một đời người sắp cạn. Thời gian này có thể nói những nhiệm vụ căn bản của chúng ta ít nhiều cũng hoàn tất. Nhà cửa, con cái đã ổn định. Bao nhiêu giấc mơ về vật chất nếu bạn chưa thực hiện nổi trong mấy mươi năm vừa qua thì đến tuổi này chắc là chẳng còn cơ hội, ngoài giấc mơ … trúng số. Hèn gì những vị cao niên thích đi mua vé số hơn người trẻ tuổi, là vậy.

Mới đó mà chúng ta đang bước vào lứa tuổi 60+, chắc chắn là không có gì vui bằng bạn xưa gặp nhau. Chỉ có bạn bè thời còn đi học là tình bạn vô tư và trong sáng nhất. Nhìn lại quãng đời đã qua, những năm học chung từ thuở bé đến thời mười sáu mười bảy thật là hoa mộng, đúng nghĩa! Sau đó, đường đời mỗi đứa rẻ sang một hướng khác nhau. Có người suông sẻ không chông gai, cũng có người lận đận với bao trắc trở. Những tháng năm đó, ai ai cũng bận rộn cho đời sống riêng, khó có cơ hội gặp nhau để chia sẽ hay an ủi nhau. Nay tuổi về hưu sắp đến, gặp nhau, nhắc đến kỷ niệm thì chúng ta mới cùng nhau có mặt trong đó. Đó là cái thời mười mấy tuổi thật đáng yêu ở một thành phố để thương mang tên Đà Nẳng. Bạn bè gặp nhau dường như ai cũng trở nên trẻ ra, vui hơn, nhất là gặp nhau tại ngay quê hương nhiều kỷ niệm đó.

 

Còn bao nhiêu năm nửa bạn ơi?  Không ai khẳng định được! Khi nghe tin bạn mình báo tin về hưu thì chính mình cũng bước vào cái tuổi đau nhức cơ thể, mỏi mệt tinh thần. Đi chơi, gặp bạn thì vui cười hớn hở, có khi ra về nằm xuống thì đau nhức tứ chi nhưng nụ cười chắc chắn vẩn còn tươi thắm trên môi, tinh thần như trẻ ra.

 

Sau những cuộc vui đó, ít nhiều chúng ta cũng còn cảm nhận được “cuộc đời vẩn đẹp sao!” và chắc chắn là không ai hối hận sau những trận cười đùa vô tư, sảng khoái. Niềm vui đó dỉ nhiên mang lại cho chúng ta một giấc ngủ thật dể dàng, bình yên.

 

Bạn có thể để dành nhiều tiền trong tài khoản nhà Bank, bạn có thể xây một biệt thư cao sang lộng lẩy, bạn có thể mua nhiều tiện nghi vật chất nhưng chưa chắc những thứ đó có thể mang lại cho bạn nụ cười, niềm vui thật sự. Chạy theo những tiện nghi vật chất là một cuộc chạy đua không có đích, trong khi sức khỏe và tuổi đời của con người thì có giới hạn. Của cải vật chất không phải là chìa khóa của hạnh phúc nếu chẳng may chúng ta mang một chứng bệnh ngặt nghèo, y học bó tay, người thân cũng đành ngậm ngùi rơi lệ. Thế nên, bạn có một sức khỏe bình thường, còn đi đứng vui chơi được đã là một hạnh phúc vô biên mà tạo hóa đã ban tặng.

Đối với những người có mái ấm gia đình, đời sống hôn nhân và con cái đem lại cho người ta niềm vui, hạnh phúc nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều ưu phiền vì  kèm theo bổn phận. Người xưa thường nói: Vợ chồng là duyên phận, tu mười kiếp mới đi chung thuyền, tu trăm kiếp mới nên duyên phận; không nợ nần không phải mẹ con. Thế nên, đến tuổi này rồi, chuyện có hay không một mái gia đình chẳng còn là một điều cần phải suy nghĩ. Duyên nợ nếu có đến thì đã đến rồi; nếu có chia ly thì cũng chia ly rồi. Con cái nhiều hay ít, may mắn hay bất hạnh cũng đã không còn đường chọn lựa. Đoạn đường đó, chúng ta đều đã đi qua và kiếp này sẽ chẳng lặp lại bao giờ. Hãy vui đi bạn ơi, hãy nhìn những gì mình đang có, những thứ rất kề cận tưởng như bình thường nhưng đó có khi là điều mà người khác đang ước mơ. Thời gian trôi qua nhẹ nhàng và không bao giờ quay trở lại, giây phút hiện tại là đáng yêu, đáng trân trọng nhất vì không ai biết được chử ngờ. Đơn giản thôi, bạn hãy ngắm lại một tấm ảnh cách đây không lâu, những người cùng chụp trong tấm ảnh đó, nay ai còn ai mất?

Cuộc đời là một cỏi hư vô. Tập buông bỏ. Hài lòng với những gì mình đang có là tận hưởng niềm vui của tuổi già.

    “Cuộc đời đó, có bao lâu…mà hửng hờ!” (TCS)

   
  Anh Trinh
 
 
  về lại:
Trang Nhà
 

Trang Tho Truyện

  Liên lạc:
nutrunghocdanang@yahoo.com