Chuyện Tình Của Mẹ

 
 

Nguyễn Diệu Anh Trinh

 
 
 

Mẹ có hai đứa con gái, hai chị em gái trông chẳng giống nhau chút nào, vậy mà cả hai đều “dành” là giống ba nhất. Trong khi Mẹ cũng đâu phải là tệ, mặc dù đã là 50 + nhưng từ dáng dấp đến dung nhan… Mẹ có thể xếp vào hạng “Top Ten” trong nhóm những “O” 50 của lớp Mẹ.

“Ông Ba” may mắn là thần tượng của hai cô con gái, bất cứ chuyện gì khúc mắc trên đời, khi hai đứa con gái muốn là “ông Ba” xoay xở, giải quyết được tuốt!

Trước ngày cô chị lấy chồng, Mẹ kể:

Hồi nớ Mẹ học mới ra trường, đi dạy được một thời gian, cũng chưa có bồ bịch chi cả. Hàng ngày đi dạy về Mẹ chỉ biết phụ giúp bà ngoại bán hàng. Không biết có ai đưa lối dẩn đường mà Ba làm quen được với Mẹ. Ba thường đến nhà bà ngoại chơi. Thuở đó, bà ngoại bán gạo lẻ ngoài chợ, Mẹ có nhiệm vụ khuấy hồ, dán những miếng giấy xi măng lại thành những cái túi, lớn nhỏ đủ loại để bà ngoại đong gạo bán cho khách.

Mỗi khi Ba đến chơi thì cả hai chẳng biết đi đâu, chẳng biết làm chi cả. Thấy Mẹ ngồi dán bao giấy, Ba cũng hăng hái ngồi phụ với Mẹ. Ba kể chuyện đời của Ba, từ hồi nhỏ đi học ở Đà Nẳng, rồi học ở Sài Gòn. Lớn lên, đi lính rồi qua Mỹ học chừng vài tháng, rồi trở về… trước ngày 30 tháng 4 năm 75. Chuyện gia đình Ba, khi ở Sài Gòn thì ở đâu, làm chi… Trong khi đó, Bà Ngoại đi qua đi lại, làm bộ như không quan tâm nhưng thiệt ra… Bà ngoại lắng tai nghe và để ý hết mọi cử chỉ, hành động, lời nói của Ba.

Năm đó, hình như Mẹ hăm ba, còn Ba thì đã hăm chín tuổi. Bà ngoại thường nhắc chừng Mẹ: Có đám mô thương thì lo mà ưng cho rồi!. Mẹ tỉnh bơ, đâu có ai ưng mô nà! Bà ngoại: Hứ, tới lui hoài, ngày mô cũng rù rì rủ rỉ, rứa mà không thương à! Mẹ thắc mắc: Như rứa là thương à, ông Hoàng nớ à? Hăm chín tuổi, không biết đã vợ con chi chưa mà mạ nói thương con? Bà ngoại “phán”: Để tau đi điều tra cho.

Thế rồi, Bà ngoại mướn chú xe thồ, chở đi một buổi về, trả lời ngon ơ, xong rồi, cái thằng mà theo mi hoài nớ, hắn chưa có vợ, nhà trên Thanh Khê. Mẹ hết hồn, răng mẹ biết. Bà ngoại cười, dể òm, tau nghe hắn thường kể chuyện với mi, mẹ hắn tên chi, hồi ở Sài gòn ở mô, làm chi, chừ về đây làm chi, tau kêu xe thồ chở tới xóm, đi lòng vòng… làm bộ hỏi mấy người trong xóm, tui là bạn già của bà Tư trước ở Sài Gòn, dọn về xóm ni, không biết ở đâu, tui muốn ghé thăm. Gặp bà bán quán mau miệng kể hết chuyện nhà thằng tê cho tau nghe. Tau hỏi thăm mấy đứa con, bà tê nói có thằng con tên Hoàng đã hăm chín tuổi mà chưa ưng ai hết, đang kén vợ. Được, mi ưng hắn được, đừng có lo, tau nắm lý lịch rồi. Mẹ vô tư, cười hề hề.

Bắt đầu từ đó, Mẹ mới để ý tới Ba thêm một chút nữa. Quen biết đã lâu, khi nói tới chuyện cưới hỏi, thiệt là chán! Ba không bao giờ biết tâm lý của một người tới tuổi cập kê như Mẹ, Ba nói chuyện… chán thì thôi!

Nghe nì, người ta bồ bịch thì... bữa ni tặng một bài thơ, ngày mai tặng bản nhạc, ngày mốt tặng cành hoa, có dịp là cùng nhau dệt mộng, xây dựng mái nhà tranh với hai trái tim vàng lâm ly, rứa hỉ. Ba tụi bay hả, không có chuyện chi để nói... ngoài mấy câu hỏi: Em tính thử, mình cưới nhau rồi… một ngày mình nấu mấy lon gạo? Tiền chợ khoảng bao nhiêu? Tiền củi bao nhiêu? À... Nếu em sanh một đứa con thì em được nghỉ dạy ăn lương bao nhiêu ngày...??? Trời ơi, chán muốn chết, đúng là… ông già, tán gái! toàn là những câu hỏi nghe rất cơm gạo, không có chút chi thơ mộng cả. Mẹ đem nỗi ấm ức này ra kể cho người bạn thân là Dì Tuyết. Mợ Tuyết ngó rứa mà khôn thiệt, mợ nói với Mẹ, ông ni ngó rứa mà được đó mi. Mẹ la làng, được chi mô, đàn ông chi mà tính toán thấy sợ.

Dì Tuyết thủ thỉ bên tai Mẹ:

- Tau nói cho mà nghe nì, đàn ông như rứa là căn bản hỉ, biết lo hỉ. Ông ni có nghề nghiệp, tuổi thì… hơi lớn nên không sợ đi nghĩa vụ quân sự hỉ, mai mốt mi khỏi phải hát bài: “Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại…” sướng chưa, một trăm phần trăm điểm rồi, mi ưng ổng thì sẽ được sướng tấm thân đó.

Ui cha, dì Tuyết nói y như đinh đóng cột. Mẹ nhắm mắt rồi mở mắt hai ba lần, cầu nguyện, lâm râm khấn cho lời nói của bà ngoại, của dì Tuyết là đúng.

Rồi Mẹ… liều, gật đầu khi ba ngỏ lời. Đám cưới khá rình rang được tổ chức. Bạn bè mẹ đi dự đám cưới đều nói mẹ có phước ghê!

Làm vợ của Ba tụi bay, Mẹ chỉ có cười té... Chủ trương của Ba là không gây gổ trước khi ăn cơm và không giận hờn nhau trước khi đi ngủ, trong nhà luôn luôn có tiếng cười. Ba lo toan hết mọi việc, mẹ khỏe re nên niềm vui theo ba mẹ, theo mấy đứa con mấy chục năm rồi. Cũng cám ơn bà ngoại ngày xưa đã thân chinh đi làm công tác FBI điều tra lý lịch của Ba dùm Mẹ. Cám ơn dì Tuyết đã bày khôn cho Mẹ, nhờ rứa Mẹ có được một gia đình vui vẻ, nên chi… Mẹ cười hoài, cười hoài. Mấy người bạn của Mẹ thắc mắc rằng, Mẹ mắc bịnh chi mà cười hoài không dứt.

Hai cô con gái cười ngất ngư khi nghe Mẹ kể lại chuyện tình. Cô chị thì nay mai lấy chồng rồi, còn cô em, cô đang mơ hoàng tử của lòng mình là một chàng… đẹp trai và giỏi như Ba nhưng… cần phải cao hơn Ba một chút.

Mẹ thì chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: Mình làm phụ nữ, ưng được người mình thương thì mình sẽ khổ vì họ. Đời… có mấy ai được toại nguyện. Không lấy được người mình thương thì hãy thương người mình lấy. Mẹ gọi đó là hạnh phúc!

 Nguyễn Diệu Anh Trinh

Chuyện viết theo lời kể của TS