Anh Nguyễn Đình Ngọc và Thầy Tống Văn Thụy
 
  CHIA TAY NGUYỄN ĐÌNH NGỌC
 
 

     Tôi quen biết Nguyễn Đình Ngọc muộn màng sau 1975. Lần đầu gặp Ngọc là trong một giải đấu bóng bàn của giáo chức liên trường huyện Hòa Vang, tổ chức ở trường Hòa Phước. Bấy giờ, NĐN là bạn của NTMT cùng thế hệ Nữ Trung Học Đà Nẵng với TN, bà xã tôi. Anh dáng dấp thư sinh, phong thái nhẹ nhàng với nhiều nét hiền hòa phố Hội, nơi Ngọc lớn lên và mang nhiều tình sâu nghĩa nặng.

       Khoảng một năm sau khi dự đám cưới chúng tôi, mùa xuân 1978, Ngọc và MT đến thăm, chào tạm biệt. “Nước non nghìn dặm ra đi…”

Không kể những người di tản trước-sau ngày 30/4, NĐN-MT là thế hệ thuyền nhân đầu tiên bỏ nước mà đi. Hương Cảng, nơi đầu tiên ghé bến rồi đám cưới của hai người ở trại tị nạn. Hong Kong thuở còn là thuộc địa Anh, là miền đất của những giá trị dân chủ và bao dung.

        Thời gian sau, NĐN-MT định cư Houston rồi Torrance, CA. Ngọc quay trở lại đại học, MT miệt mài làm việc nuôi chồng, nuôi con. Khi Việt Nam mở cửa, đôi bạn  là những người đầu tiên “quy cố hương”. Đà Nẵng bấy giờ phố thị đìu hiu, “đứng bên ni bờ, ngó bên kia bờ, thấy mênh mông bát ngát.” Có lúc, chiều tà, chúng mình ngồi xuống chiếc ghế đá cạnh Cầu Đen, không xa Tòa Thị Chính Đà Nẵng, nghe sông Hàn kể chuyện kẻ ở người đi.

          Hình như năm nào, Ngọc và MT cũng về Việt Nam. Có lần, tôi đưa Ngọc đi Hạ Long, Hà Nội, Ninh Bình…Lang thang 36 phố phường, ám ảnh Hà Nội, đê Yên Phụ, sông Hồng, hồ Gươm... thời trẻ đọc Tự Lực Văn Đoàn vẫn còn váng vất, Ngọc và tôi ghé Thủy Tạ. Nhìn mặt hồ Hoàn Kiếm xanh thẳm không chút gợn sóng trong cái se lạnh của những đợt gió mùa Đông Bắc, mỗi người thử đưa ra một cái nhìn về truyền thuyết hồ Gươm. Có lẽ, rùa thiêng hồ Gươm thu lại gươm báu từ anh hùng Lê Lợi bởi quyền lực chính trị, qua biểu tượng thanh gươm kè kè bên hông Lê Lợi, nếu giữ lâu quá thường dễ làm tha hóa con người. Từ ngàn xưa cho đến ngày nay.

           Trở lại câu chuyện MT-NĐN, đó là đôi uyên ương hạnh phúc. Cho đến những ngày cuối đời. Trong gần 10 năm sống chung với bệnh tật, Ngọc may mắn có một điểm tựa chung tình là Mỹ Thu với nụ cười, những câu chuyện hài hước, những chăm sóc thường ngày và nhất là chút lạc quan để vui sống với cuộc đời này: du thuyền vùng đảo Bahamas ở Trung Mỹ, đi-về Việt Nam… cho đến khi đại dịch phong kín đường đi lối về.

Qua trang Cáo Phó Nguyễn Đình Ngọc trên báo Người Việt, Mỹ Thu chọn tấm ảnh Ngọc đẹp, hiền hòa, như con người của anh.

            Từ Đà Nẵng, gửi đến Mỹ Thu và gia đình những lời chia buồn chân thành. Cầu mong Nguyễn Đình Ngọc về nơi bình yên.

                    

  Trần Thị Thanh Nhàn & Tống Văn Thụy
   
 

  Trang Thơ Truyện
Trang Nhà
Liên lạc: Nutrunghocdanang@yahoo.com