Dưa Món Huế
Công Thức do chị Nguyễn Thị Hồng NK 71-72 Cung Cấp
 
Giới thiệu đến các bạn món ăn kèm nhưng quan trọng không thua gì món chính. Ngày Tết cổ truyền Việt Nam thì không thể nào thiếu món ăn ăn độc đáo này.
Chúng tôi muốn nói đến Dưa Món. Món ăn luôn có trên các mâm cổ tiệc trong
ngày Tết của người Việt Nam cho dù là ở đâu trên thế giới này.
 
  VẬT LIỆU:
       

-         -  3 lbs. đu đủ xanh

-         -  3 lbs. củ cải trắng

-         -  1 pound cà rốt

-         -  ½ pound hành hương

-         -  ½ tỏi tươi

-         -  1 ít ớt đỏ lọai nhỏ

-         -  1 hủ kiệu chua ngọt nhỏ

-         -  1 chai nước mắm “Con mực”

-         -  1 chai nước lạnh bằng chai nước mắm

-         -  3 lbs. đường

 

                                            
CÁCH LÀM:
 

 Đu đủ xanh gọt vỏ, gạn hết ruột và hột ra để đừng bị đắng, rửa sạch để ráo.

Củ cải và cà rốt cũng gọt vỏ rửa sạch, để ráo.

Hành, tỏi lột vỏ lựa tép nhỏ cho mau khô.

Ớt ngắt cuống.

Kiệu thì khi ngâm dưa món đã thấm rồi mới gạn lấy kiệu ra, trộn vào sau, không lấy nước ngâm kiệu.

     
 

Sau khi cắt đu đủ, củ cải và cà rốt bắng dao gợn sóng hay bằng khuôn tỉa hoa theo trong hình, tất cả bề dày của miếng dưa là 1/3 cm, hay chừng 3 ly.

Vặn lò 200 độ F, để tất cả vào sấy lên chừng 1 giờ, mở lò ra cho hơi ẩm thóat ra ngoài, sau đó vặn lò xuống 180 độ F.

Lâu lâu mở lò ra trộn cho dưa khô đều các mặt.

Sau 4-5 giờ dưa đã khô bên ngoài, sờ không còn rít tay là xong, tắt lửa.

Đây là cách làm ăn được trong vòng 2 tuần. Đây là cách làm không phơi dưa bên ngòai trời, vì nhiều nơi vào dịp Tết có thể mưa hay lạnh.

 

Nấu nước mắm:

1 chai nước mắm + 1 chai nước lạnh + 3 lbs. đường nấu lên cho sôi, coi chừng bị tràn, vớt bọt, để lửa nhỏ 10 phút, xong tắt lửa để nguội.

Nấu nước mắm cho kỹ thì khi ngâm dưa sẽ không bị nổi bọt, hoặc bị đục và mau hư.

Bỏ dưa đã chuẩn bị trên đây vào hủ cùng với hành hương và tỏi đã khô, đổ nước mắm đã để nguội và chằn miệng hủ bằng một miếng nhựa để dưa không trồi lên trên mực nước mắm (xem hình), dưa sẽ thấm đều nước mắm không bị mốc.  thỉnh thoảng trộn dưa món lên cho thấm đều.  Khoảng 2 tuần thì ăn thử, dưa món phải mặn ngọt và dòn thì mới được.  Sau đó bỏ thêm củ kiệu vào.

Muốn dưa món vẫn dòn thì cho vào tủ lạnh ăn dần 5, 6 tháng vẫn còn ngon.

Dưa món là món ăn kèm theo với bánh Tét, bánh chưng trong 3 ngày Tết không thể thiếu.

  Lưu ý:

Cách thứ hai để sấy dưa:

Vào mùa nắng nóng chúng ta có thể chuẩn bị trước bằng cách phơi cho thật khô củ cải, đu đủ, cà rốt.  Sau khi khô cho vào bao giấy cho khỏi ẩm, hay đựng vào bao đựng gạo có nhiểu lỗ nhỏ, để dành nơi khô ráo, đừng cất kín dễ bị mốc.

Chừng 1 tháng trước khi Tết thì lấy ra rửa bằng nước ấm, chừng 3 lần cho sạch và dưa món sẽ nở ra, vắt cho khô cho vào hủ, cứ 3 chén dưa món + 1 chén đường khô trộn đều lên.  Để chừng 1 đêm, dưa sẽ nở thêm, vắt hơi ráo và cho vào nước mắm đả nấu như trên, thêm hành củ, tỏi và ớt đỏ khô vào.  Cũng làm như cách trên.  Cách này dưa sẽ dòn nhiều, để dành tủ lạnh ăn lâu không hư.

   

Nếu dưa món nở nhiều, thiếu nước mắm thì làm thêm như sau: 

2 chén đường + 1 chén nước mắm + 1 chén nước nấu lên theo cách chỉ dẫm trên đây và thêm vào.

Nước mắm còn thừa:

Các bạn có thể chuẩn bị các thứ sấy khô cho vào nước mắm còn lại + nước mắm nấu thêm 2 chén nước đường + 1 chén nước mắm.  Không thêm nước lạnh vì nước mắm còn thừa đã lạt bớt rồi.  Chờ dưa món nở ra thấm đều như hướng dẫn trên đây.

   

Chúc các bạn thành công
   
    Về lại:
Trang Nhà
Trang Gia Chánh
   
  Liên lạc: nutrunghocdanang@yahoo.com